Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Viếng Nghĩa Trang

Sáng nay, Chủng viện dâng lễ giỗ 4 năm cầu cho Đức Cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật. Lễ tan, các Chủng sinh trong tu phục nối tiếp nhau ra viếng mộ các Đức Cha. Sau khi đọc kinh và cắm hương xong, mọi người lặng lẽ trở về. Đi được một quãng ngắn, Đài phát thanh Thị xã Long Khánh đưa tin Nghệ sĩ Cải lương và Hài kịch Kim Ngọc mới đột ngột qua đời ở tuổi 67. Cái chết của nghệ sĩ Kim Ngọc làm tôi nao lòng. Một người nghệ sĩ ấn tượng với những vai hài dí dỏm và những nhân vật dễ thương. Vậy mà…! Nhưng có lẽ điều làm cho tôi xót xa nhất là hình ảnh đôi mắt của bà: Người chồng hiện tại và đứa con chung thay nhau vuốt mặt nhưng bà không nhắm mắt, vì bà chờ bàn tay của người chồng trước và đứa con xa xứ đã biệt ly gần 35 năm. Trong làn gió sớm mang theo một tí mùi rong rêu từ bức tường đá nghĩa trang, tôi như chìm sâu vào những suy nghĩ về cuộc đời: Với bà, có lẽ sau những hẹn hò, gặp gỡ, hợp tan, tan hợp, rồi thì gì cũng bỏ lại hết sau lưng. Bao nhiêu thân quen, rồi cả yêu đương gì đó cũng là những giây phút đến rồi đi.
Ngẫm lại bao phận người, tôi cứ nhớ đến tục lệ gõ mộ tìm chồng của bộ lạc Kabati bên Nam Phi. Đó là một cổ tục hơi buồn, nhưng cũng thật đẹp và nhiều ý nghĩa. Những goá phụ Kabati khi không cam tâm cô đơn suốt đời thường dựng lều bên mộ chồng, để đêm đêm lấy gậy gõ vào đó cho đàn ông qua đường nghe thấy để họ biết đường mà tìm tới xem mặt. Ưng bụng thì lấy nhau, nếu chẳng ai ghé vào thì người goá phụ cứ ngồi đó mà gõ mộ chồng để tiếp tục chờ đợi. Tôi đọc thấy tục lệ kỳ lạ này của Phi Châu mà cứ nhớ lại chuyện người thiếu phụ quạt mồ mà Trang Tử ngày xưa đã gặp. Nhưng ngẫm kỹ thì đâu phải chỉ có goá phụ mới quạt mồ hay gõ mộ. Ai trên đời lại chẳng có lúc thèm nghe một tiếng lòng. Rồi cả khi nhận được lời đáp, mỗi người vẫn một cõi riêng. Rất nhiều người chắp vá cảm xúc mà sống cho qua một kiếp người thật nhiều những khoảng trống không sao lấp nổi. Hạnh phúc thật ít, nhưng cô đơn, đau khổ vì một đời không tri kỷ thì nhiều. Thử hỏi chính mình còn chưa hiểu nổi bản thân thì làm sao có thể giao phó cuộc đời cho một ai khác; nếu không có sự tin tưởng, cảm thông, xóa mình và hi sinh cho nhau.
Tôi bỗng thấm thía với một câu tiếng Anh, trong một tác phẩm của Linh mục Nguyễn Tầm Thường: “Tu là một hành trình tìm đường” (Looking for the way). Một cuộc lên đường để tìm kiếm Thiên Chúa và học đòi bắt chước Ngài. Chữ WAY đó hay lắm. Xé nhỏ ra từng chữ cái, W-A-Y, nó còn là một hành trình tự vấn. WHO ARE YOU (anh là ai giữa muôn người trên cõi đời này) và WHERE ARE YOU (anh đang ở đâu trong trời đất bao la này). Nhìn sang những cây thánh giá trên những bia mộ các Đức Cha, tôi bỗng nhớ đến một câu nói của Đức Cha Chánh Đa Minh trong ngày khai giảng năm học mới: Hãy thánh hoá chiếc thập giá đời mình bằng cách hiểu rằng hình ảnh thập tự là minh hoạ cho lý tưởng xoá bỏ một cái TÔI và sống cho người khác. Hãy viết xuống một chữ “I” (Tôi) trong tiếng Anh rồi gạch ngang để xoá bỏ nó, ta sẽ có ngay một chiếc thập giá. Đó là một chiếc thập giá cần có cho thế giới hôm nay. Là bác ái, hi sinh, bao dung, phục vụ, sống vì người khác. Chiếc thập giá đó sẽ đem người ta về gần với nhau, để hiểu mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì trong cuộc đời trần thế này. Và khi nhìn vào cuộc đời các Đức Cha cố, tôi thấy hiển hiện rõ sự xóa mình đi, để cúi xuống, âm thầm phục Vụ Chúa, phục vụ Giáo hội và anh chị em mình.
Xin một đời thâm tạ những miền đất đã cưu mang tôi, cho tôi một cuộc sống. Và cũng chính ở nơi đây-nơi nghĩa trang các Đức Cha, sáng nay, tôi đã học nhiều điều về sự chết: Chết không hết, chết là sống mãi, khi nào ta xây đắp cuộc đời chung. Các Đức Cha đã nằm xuống, nhưng những lời nói, những cử chỉ yêu thương của các Ngài vẫn còn mãi. Nên trong tình yêu, trong nỗi nhớ của mọi người vẫn in đậm bóng hình các Đức Cha.
Mong bao người thiên hạ hãy một lần ghé lại một nghiã trang đạo đời nào đó để biết mình là ai và rồi sẽ đi về đâu. Đừng sợ buồn, đừng sợ vắng. Hãy ghé lại và suy nghĩ về cái chết của bao người. Trong số đó có những người ruột thịt thân yêu, để thấy bao toan tính hư vinh trên đời thật ra chỉ là những gì quá đỗi phù phiếm, mù sương. Đời là một cuộc hành trình tìm kiếm một con đường. Tôi là ai giữa bao người? Tôi đang ở nơi đâu giữa cuộc đời trần thế này? Chết tôi sẽ đi về đâu? Để rồi hãy sống và yêu thương như Chúa đã yêu.

Mátthêu

Có 01 phản hồi cho bài viết: Viếng Nghĩa Trang

  • Hồng Trầm

    Đọc bài Viếng Nghĩa Trang của tác giả Mátthêu ta thấy một chiều sâu nội tâm thật phong phú và, để cảm nhận được tâm trạng của tác giả cũng như để chính mỗi chúng ta trải nghiệm, đến nghĩa trang,trò chuyện với những người đã khuất,sự thiêng liêng sẽ bao trùm chúng ta,rất gần gũi,rấtthân thương với những người đã ra đi,hạnh phúc và xa vắng như ở đâu tìm về,lúc đó cảm nghiệm về sự sống còn,về ý nghĩa cuộc đời ta sẽ thấy rất rõ trong ta.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*