Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Một 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 10    
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

VŨNG TÀU DU KÝ

Khổng Toàn Li

Thời tiết mấy ngày qua xìu xìu ển ển. Sáng nay trời trong xanh, đẹp lạ thường. 7g sáng, một cụ bạch tượng lù lù đi vào sân chùa Bùi Đức. Nó quì xuống, đưa vòi cho sư phụ VINH SƠN cùng sư thúc VƯƠNG DIỆU leo lên. Các đệ tử lần lượt lên lưng bạch tượng: Ni cô TƯỜNG VI đang trụ trì tại chùa nữ Tam Hiệp, nay cũng được thả rông một bữa xem có tìm được hứng mà sáng tác một bài nổi tiếng cả thế gian như bài “Làm sao dám quên”. Ni cô NGUYÊN NHUNG, trưởng tăng đoàn Sao Mai, ni cô LINH TRANG, ni cô THẢO MAI lịch kịch khuân vác đồ ăn thức uống phục vụ phái đoàn. Cuối cùng, ngồi dưới đít bạch tượng là tám vị sư ông trong tăng đoàn Sao Mai. Dĩ nhiên trong số đó có ba đệ tử ruột của Sư Phụ: NGỘ KHÔNG, BÁT GIỚI và SA TĂNG. Ngộ Không vốn người nhỏ thó, dạo này xem ra càng quắt tợn. Có lẽ nhiều đêm hắn phải thức trắng để chăm sóc khu vườn BAICAMOI. CƠM, trả lời hàng trăm ì méo(email) và điện thọi từ khắp nơi trên thế giới gửi tới. Hắn còn bị ni cô Thảo Mai vặt râu, bứt tóc vì hiểu lầm. Tội nghiệp quá đi! Xin Trời Phật thương độ trì cho bần tăng thoát nạn…Khi tất cả đã yên vị, bạch tượng phóng hết ga trên quốc lộ 51, trực chỉ Vũng Tàu.
Ai đó mở xi -đì thánh ca Giáng Sinh Sao Mai sắp phát hành. Bài của ai vang lên, người đó được tợp một ly rượu Napoleon. Riêng sư thúc Vương Diệu phải uống đúp vì tên chữ của người là Vương Diệu, dịch ra chữ Nôm là Vương Riệu, dịch ra chữ Quốc ngữ là “Vua Riệu”.Sao Mai chơi ngông và sang hết biết. Người ta sơi rượu ngâm rắn, tắc kè, bìm bịp hay sâm Cao ly là oách lắm rồi. Đây ngâm nguyên cả ông hoàng đế nổi tiếng của nước người ta. Chả trách, rượu thơm ngon và phê quá đã.
9g, bạch tượng phóng tới Bãi Dâu. Tượng Mẹ Maria bồng Con hiện ra rực rỡ trong ánh nắng ban mai, nổi bật trên nền núi xanh và trời lam da tê tê.
Năm 1926, vùng này tên là Vũng Mây, núi rừng rậm rạp, có rất nhiều khỉ, do ông Lê Hữu Lương khai phá rồi sang lại cho ông bà Nguyễn Hồng Ân. Ông bà này xây ngôi nhà nguyện (có lẽ là ngôi nhà nguyện nhỏ hiện nay còn ở phía bên trái) rồi dâng tất cả cho hội Thừa Sai. Các cha Thừa Sai cho phá rừng, trồng dâu nuôi tằm nên có tên là Bãi Dâu.
Năm 1962, cha quản hạt Phaolồ Nguyễn Minh Tri xây tượng Đức Mẹ Ban Ơn cao 7 mét. Năm 1963, Đức Cha Phoalồ Nguyễn Văn Bình làm phép và khánh thành. Ngày 4/10/1965, thành lập giáo phận Xuân Lộc. Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn chọn Bãi Dâu làm Trung tâm Thánh Mẫu của gp Xuân Lộc. Người cho xây 14 đàng Thánh Gía và nhà nghỉ. Tháng 5/1973, mấy chục ngàn người cùng hàng trăm ghe thuyền hành hương, rước kiệu tôn vinh Mẹ Bãi Dâu.
Ngày 31/12/1994, Đức Cha Phaolồ Nguyễn Minh Nhật khánh thành tượng Mẹ Thiên Chúa cao 27,5m, nhà thờ Bãi Dâu rộng 1000 chỗ ngồi và quảng trường có sức chứa 100.000 người. Đồng thời, Người cũng cho hoàn thành tượng Chúa Kitô Vua còn dang dở trên núi Tao Phùng. Thời đó khó lắm mà xây dựng được hai công trình tầm cỡ như thế là một kỳ công. Nếu không có quyền phép Thiên Chúa không ai có thể làm nổi.
Còn nhớ năm 1969, hồi Sa Tăng Khổng Toàn Li đang theo học tại chủng viện Phước Lâm, hắn đi hành hương Bãi Dâu lần đầu. Cả chủng viện được mấy chiếc thuyền chã cào của dân Phước Tỉnh chở tới Bãi Dâu. Lần đầu tiên đi thuyền, ôi kinh hãi! Giữa trời biển mênh mông thấy con người nhỏ bé làm sao! Buổi chiều, sóng biển dâng cao, thuyền leo lên đỉnh ngọn sóng bạc rồi hụp xuống hố sâu hoắm, tưởng chừng đang đi luôn xuống ở với vua Thủy Tề. Dưới khoang thuyền có mấy chú say sóng nằm sùi bọt mép như chó phải bả .
9g, tăng đoàn Sao Mai bắt đầu leo núi. Tới lưng núi, chân ai cũng nặng như hai cột đá nên đành dừng lại tụng kinh. Sư Phụ Vinh Sơn bá cáo thành tích với Mẹ, xin Mẹ tiếp tục che chở, nâng đỡ Sao Mai. Cuối cùng, Người cất bài hát “Ánh Sao Mai”. Giọng hát theo loạc choạc như gà gọi vịt, ỉu xìu như bánh đa phải nước.Cả cái tăng đoàn toàn là nhạc sĩ với ca trưởng nổi tiếng, học nhạc Sư Phụ mấy chục năm nay mà không ai hát nổi bài của Sư Phụ. Xấu hổ quá đi! Thực ra ai cũng thuộc bài đó, nhưng vì Sư Phụ đang bị cúm hành, người bắt nốt “sòn phà mì” thấp tè dưới kia, bố ai mà hát nổi…

*************

Sau khi vào chùa Bãi Dâu yết kiến Ngọc Hoàng, thầy trò Sư Phụ lại lên voi đi về hướng Bãi Sau, vào bãi tắm Bà- ra -đít -sề (Paradise) của mấy ông Chệt Đài loan. Đây đúng là Thiên Đường. Một dãy nhà lá mát rượi, có cả nhà nghỉ, khách sạn, nhà tắm, nằm sát nách biển. Hôm nay ngày thường, bãi tắm vắng hoe. Tăng đoàn Sao Mai một mình một chợ. Chư tăng nằm phưỡn ra ghế bố nghỉ ngơi, nghe sóng biển nhỏ to chít chát.
Trong khi đó, bốn ni cô trổ tài nội tướng. Qúi cô bày biện nào bia bọt, nước ngọt, rượu nho, nào trái cây đủ loại, nào đồ nhạu. Món “quốc hồn quốc túy” được trịnh trọng rước ra. Mọi người quây quần thưởng thức một trong tứ khoái của con người. Sư Phụ rất chuộng món này. Sa Tăng nhiều lần nhạu tại chùa của Sư Phụ, không lần nào vắng bóng món khoái khẩu này.Sư Phụ Vinh Sơn cũng giống Thượng Tọa Thích Thịt Chó trong câu chuyện “đậu phụ chùa cắn đậu phụ làng”…Bốn đệ tử nữ của Sư Phụ biết tỏng ý Thầy từ lâu, nên hôm nay cõng theo một chú cầy khá bự. Cầy tơ Hố Nai thui rơm, hấp chín nhừ. Từng đĩa thịt thơm phức bày ra, rượu ngon trước mặt, bạn hiền bên cạnh. Thầy 7 THỨ ển mũi lên dĩa thịt cầy , lòng dạt dào cảm hứng, liền trình với Sư Phụ:
_Lạy Thầy ở đây sướng quá. Con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Sư thúc VƯƠNG DIỆU, một cho ni cô TƯỜNG VI.
_Còn con ngủ lều nào?
_Đồ nhạu ngon thế này sao mà ngủ được hả Sư Phụ? Con tình nguyện thức nhạu cả đêm canh cho chư vị yên giấc.
Quí thầy Ngộ Không, Bát Giới, Sa tăng, Ân Duy, Hồng Việt, Hương Giang, Ngọc Tuyên, Viết Phương và cả ba ni cô Nguyên Nhung, Linh Trang, Thảo Mai đồng thanh thưa rằng:
_Chúng con tình nguyện thức nhạu cả đêm cho chư vị yên giấc ạ.
Sa Tăng cầm đũa gắp một lát thịt chó, quệt mắm tôm chanh, đưa lên miệng, vơ một ít lá thơm, cắn một lát riềng, một tép sả,1/4 quả ớt, rồi nhai từ từ để cảm nhận vị thơm, béo ngậy của thịt chó, vị cay của riềng, sả, ớt; vị mặn, chua, ngọt và khăm khắm của mắm tôm chanh. Cuối cùng, hắn tợp một ngụm rượu rõ to. Chất men như chất xúc tác làm tăng mọi cảm giác lên. Ôi cuộc đời, hạnh phúc là đây! Hắn thầm cám ơn Bát Giới cùng ni cô Nguyên Nhung, nhị vị đã móc hầu bao chi toàn bộ bữa nhạu này, kể cả tiền thuê bạch tượng. Hắn cũng chợt nhớ tới những linh hồn kém may mắn hơn đang lởn vởn ngoài đất khách quê người. Kia nhạc sĩ TRẦN THẾ, ở gần nhà nhạc sĩ thiên tài Bê-tô-phân (Đức). Đây, nhạc sĩ MINH TƯỜNG,(Thụy Sĩ), chủ nhân thẩm mỹ viện SONGVUI.ORG, chuyên gia trang điểm cho các nhạc sĩ và ca sĩ trên khắp thế giới. Kìa nàng JOSEPHINE LÊ ANH xinh đẹp, hàng xóm với ông Nobel nổi tiếng (Oóc-lồ, Na uy), rồi anh em nhà ĐINH BÙ LOONG, cùng khuôn, giống nhau y đúc, chỉ cách nhà nàng Lê Anh cái giậu mùng tơi, và bao Việt kiều trên khắp thế gian. Họ có nằm mơ cũng chẳng hưởng được một tẹo cái sự sung sướng này. Dân mũi lõ coi chó như con. Các cậu, cô chó có đẳng cấp cao hơn cả quí ông, chỉ thua phụ nữ và trẻ con mà thôi. Nên ai đánh chó, chửi chó, giết chó, ăn thịt chó đều bị luật pháp trừng trị. Chó ở nước ta không như bên đó. Ta nuôi chó với mục đích khác hẳn:
_Để dọn cứt trẻ: trong nhà có một đứa trẻ mới ra đời, người ta xin ngay một cún con về cho nó dọn sạch những thứ em bé thải ra.
_ Để ăn cơm thừa canh cặn.
_Để giữ nhà: đây là trọng trách lớn nhất của họ nhà khuyển.
_Để sơi thịt: dân ta nuôi chó cũng như nuôi gà vịt, lợn, thỏ…Khi nhà có đám (đám hỏi,đám cưới, đám ma, đám giỗ hay ăn mừng, lễ, Tết) là ngả ngay nó ra, chẳng phải mua sắm gì cả. Khi cụ khuyển già khụ, điếc lòi, mắt toét không coi nhà được nữa, người ta an táng cụ tử tế theo nghi thức riêng của dân An nam: khẩu táng.
Trọn một đời chó không tắm rửa bao giờ, nên chẳng ai dại gì ôm hôn hay ngủ với nó, đơn giản vì nó hôi như chó. Chó là chó còn ta là người. Ta chỉ biết hôn người chứ không hôn chó. Vì vậy, mấy ông Tây bà đầm sang Việt Nam thấy dân An nam sơi thịt “nai đồng quê” thì cũng nên thông cảm, đừng cho là mọi rợ. Cứ coi như họ ăn thịt thỏ hay thịt bò thôi.
Nhà Sa tăng có một ông rể Mỹ. Một lần ông bay về Việt Nam chơi. Anh em trong nhà ngả ngay con cầy ăn mừng. Tới giờ cơm, mọi người bảo hắn: “thịt nai”. Hắn ăn ngon lành, luôn miệng gật gù khen “good, good!”(ngon ngon). Cả họ bấm bụng cười , chẳng ai dám xưng tội với ông mũi lõ: đó thực là cái giống gì. Ổng mà biết được thì cả họ phải chung sức may ra mới dọn sạch những thứ ổng ọe ra.
“Đất lề quê thói”. Ở đâu phải theo lệ đó. Phong tục tập quán người ta như thế, các vị Việt kiều cũng phải tuân theo thôi. Phá lệ, nó phạt tiền hay giam tù thì đừng có kêu oan. Nếu có ai thèm quá thì những dịp về thăm quê, tha hồ mà sơi “cờ tây”cho bõ tháng ngày mắt rướm lệ vọng về cố hương, miệng nuốt nước bọt ừng ực.

Sau một chầu rượu thịt phủ phê, chư tăng lăn ra biển tắm. Nói là “lăn” không ngoa vì biển cách lều có 5m. Người to tròn như Bát Giới chỉ lăn hai vòng là rơi tòm xuống biển. Suốt sáng hôm nay trời nắng đẹp. Lúc chư tăng nhập tiệc cho đến lúc tắm xong, trời lại mát dịu, không có một giọt nắng nào lọt qua. Trời chiều các ni cô để da các cô không bị rám nắng đấy. Sau này mới biết: Ngộ Không vọt lên trời từ lúc nào, cầm quạt che nắng cho ni cô Thảo Mai tắm. Bao nhiêu năm, nay mới được một buổi tắm biển sướng như tiên. Sướng như tiên thôi chứ không ai dám “tắm tiên” đâu.
Thầy ÂN DUY vừa kỳ cọ, vừa phục vụ anh chị em liên khúc cười:
* Bà kia dắt đứa con gái “ăn cơm trước kẻng” vào xin cha làm phép cưới. Bà hỏi cha:
_Trình cha, cháu chưa có đảng, có làm lễ cưới được không ạ?
_Cái bà này mù giáo lý à? Chưa có đảng thì vẫn làm lễ cưới ngon ơ, có sao đâu!
Sáu tháng sau, cô dâu ấy bế con vào xin cha rửa tội. Cha chỉ vào mặt nó:
_Mẹ con mày lừa tao.
_Bẩm cha, mẹ con nhà con đâu dám lừa cha. Rõ ràng mẹ con hỏi : “Con chưa có đảng có làm lễ cưới được không cha?” Cha bảo “được ngon ơ, có sao đâu”.

** Thời Hitler (Đức quốc xã), bà đầm Đức vào xin khấn với Đức Mẹ:
_Lạy Mẹ nhân lành, xin Mẹ cứu giúp gia đình con. Chồng con tối ngày cờ bạc. Một mình con làm nuôi cả nhà. Nay con bị bệnh nặng không có tiền chạy chữa. Xin Mẹ giúp con 100 mark (tiền Đức), cho qua cơn ngặt nghèo này.
Một tên lính Đức đứng sau, nhét 70 mark vào phong bì có đề câu: “Lãnh tụ Hitler tặng bà món tiền này”.
Bà mở phong bì ra đếm rồi tiếp tục cầu nguyện:
_Xin tạ ơn Mẹ đã giúp con. Nhưng lần sau Mẹ có cho thì đưa trực tiếp cho con. Đây này, nó chôm của con 30 mark rồi.
……..
Thầy Ân Duy là kho truyện tiếu lâm. Tác phẩm nổi tiếng nhất của thầy là “Hòa âm phối khí” (xin xem lại ở trang “Sinh hoạt- Nụ cười thánh nhạc”).Hôm nay, thầy biểu diễn cho mọi người xem tài hòa âm phối khí ngay dưới lòng biển. Mọi con mắt chằm chặp nhìn vào cơ thể trơ trụi của thầy. Thầy nhắm nghiền hai mắt. Miệng lâm râm thần chú. Thầy gồng mình. Cơ bắp trên bụng nổi lên cuồn cuộn. Bất chợt, thầy hụp cả người xuống biển, chỉ thò hai lỗ mũi phập phồng lấy hơi. Một phút sau, bong bóng nổi lên quanh người thầy, kèm theo là những tiếng nổ “poọc poọc” xa xăm từ lòng biển vọng lên. Cuối cùng, một làn khí lạ lan tỏa khắp mặt biển. Mùi thum thủm hòa lẫn mùi mặn của muối biển, mùi tanh của tôm cá cùng mùi hăng hăng của thịt chó. Cả tăng đoàn Sao Mai phải công nhận đây là kiểu hòa âm phối khí rất mới mẻ và hiện đại.
Mọi người đang say sưa thưởng thức dòng phối khí lạ thì Sa tăng vớt được một mảnh tam giác trôi lềnh bềnh trên biển. Sa tăng giơ mảnh tam giác lên. Cả ba ni cô đang tắm đồng loạt kiểm tra vòng số ba mũm mĩm. Chư tăng cũng làm theo, ai nấy lo xem lại cái vòng số ba lép kẹp của mình. Cho tới hôm nay, một câu hỏi chưa có lời giải đáp: “Mảnh tam giác đó là của ai?”