Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Hai 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 11    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Lời Cha Chung

Lời Cha Chung Giáo Phận Gửi Các Ca Đoàn Nhạc Đoàn


Đức Giám mục Nguyễn Chu Trinh

Cộng đồng phục vụ thân mến

Âm nhạc được xem là một ngôn ngữ  của đại chúng, là phương tiện hữu hiệu để diễn đạt và chuyển tải tâm tư, tình cảm của con người . Vì thế âm nhạc được sử dụng trong rất nhiều lãnh vực của cuộc sống. Ý thức được tầm quan trọng của âm nhạc, trong phụng vụ, Hội Thánh luôn đề cao vai trò của Thánh nhạc. Một trong những người  góp công rất lớn vào việc duy trì và phát triển âm nhạc trong phụng vụ đó là Thánh Piô X Giáo Hoàng mà Ban Thánh nhạc Giáo phận chúng ta chọn làm bổn mạng. Trong thánh lễ mừng kính thánh bổn mạng hôm nay, tôi muốn cùng với cộng đoàn điểm lại một vài nét về Thánh nhạc cũng như hiện tình của nền Thánh nhạc Việt Nam hiện nay, để từ  đó giúp chúng ta  có thể định hướng cho công tác phục vụ cộng đoàn giáo xứ  qua lời ca tiếng hát của mình.

1. Trước tiên tôi xin đề cập đến vài nét đặc trưng của âm nhạc trong phục vụ.

Trong lịch sử  Hội Thánh, nhiều vị Giáo Hoàng, đặc biệt là Đức PiôX, đã rất để tâm đến việc ca hát  trong phục vụ, nhất là trong thánh lễ, nên các  Ngài đã có những đóng góp rất cụ thể qua các huấn thị cũng như tự  sắc. Ngày 22-11-1903, Ngài đã ban hành một tự  sắc nhằm canh tânThánh nhạc trong việc thờ phượng. Với tự  sắc này, Đức PiôX muốn cống hiến cho Giáo Hội những chỉ dẫn cụ thể trong lãnh vực thiết yếu của phụng vụ, qua việc trình bày những chỉ dẫn này “như Bộ luật pháp lý về Thánh nhạc” Những chỉ dẫn này cũng nằm trong chương trình triều đại  Giáo Hoàng của Ngài được tóm gọn lại trong khẩư hiệu “ Kiến tạo tất cả trong Đức Kitô. Thánh nhạc được Thánh Piôx giới thiệu không những như  một phương thế có sức nâng cao tâm trí lên cùng Thiên Chúa, mà còn như  sự  trợ giúp quý báu  cho các tín hữu trong việc ” Tham dự  tích cực vào các mầu nhiệm rất thánh và lời cầu nguyện công cộng và trọng thể của Giáo Hội” Đây là điều vẫn còn tính thời sự  đối với chúng ta ngày hôm nay.

Thật vậy, một cám dỗ rất thường xuyên và cũng rất lôi cuốn đối với  những người làm công tác thánh nhạc là xu hướng dễ dãi trong việc chọn bài hát dùng trong thánh lễ. Có những nơi đã xử dụng bài hát mang âm hưởng rất đời trong giai điệu. Hoặc có tính cách ủy mị trong tiết tấu cũng như lời ca. Thậm chí có những người đã dùng những tiết điệu của một bản nhạc đời ghép lời nhạc đạo vào và xử dụng trong thánh đường vào các giờ kinh lễ. Những hình thức này vô hình chung đã làm mất đi tính thánh thiêng và đạo đức của các cử hành phụng vụ. Thay vì hát để giúp cộng đoàn cầu nguyện, thì lại biến nhà thờ thành rạp hát hay sân khấu, vì đã xử dụng những bài hát hoàn toàn xa lạ với tâm tình đạo đức và phụng vụ.
Nhạc trong phụng vụ là nhạc thánh. Vì thế những bài hát được đưa vào xử  dụng trong phụng vụ, phải có tính cách trang nghiêm, thánh thiêng vả có khả năng giúp cộng đoàn cầu nguyện. Một bài Thánh ca hay không chỉ là bản nhạc thu hút người nghe, nhưng còn là bài hát có khả năng khơi lên tâm tình đạo đức, và giúp cộng đoàn sốt sắng tham dự các cử hành phụng vụ cách tích cực và linh động. Một bài hát có tính phục vụ cao là một bản nhạc có lời ca bắt nguồn từ Lời Chúa, được dệt bằng những âm giai những tiết điệu, những cung bậc có tính cách trang nghiêm, thánh thiện và có khả năng nâng tâm hồn người nghe lên tới Chúa.

2. Thứ đến, tôi xin lược qua đôi nét về tình hình Thánh nhạc hiện nay trong các giáo phận tại Việt Nam.
Trong bản báo cáo năm 2004 của Ủy Ban Thánh nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, do Đức Cha Stephanô Tri Bửu Thiên Giám mục phó giáo phận Cần Thơ làm chủ tịch đã nêu lên một vài nhận xét như sau: Tình hình Thánh nhạc tại Việt Nam còn mang tính tự phát và như thế thường dẫn đến tình trạng nhiều bài hát chưa có sự chuẩn nhận của giáo quyền lại đem vào xử dụng trong phụng vụ, trong khi theo quy định của Hội Thánh thì chỉ được dùng những nhạc phẩm đã được Đấng Bản Quyền cho phép.Thêm vào đó, một số nhạc sĩ sáng tác và tự in ấn dưới dạng “Lưu hành nội bộ” mà không hề xin Đấng Bản Quyền chuẩn nhận. Hoặc có những trường hợp nhằm mục đích lợi nhuận đã tự ý thâu gom một số bài hát để in ấn, mà không phân biệt bài nào được dùng trong phụng vụ, bài nào chỉ được dùng trong như bài ca sinh hoạt, rồi vẫn ghi chú “ Được phép dùng trong phụng vụ” làm nhiều người lầm tưởng (x. Bản tin hiệp thông số 26 và 27 trang 41). Tiếc thay trước tình trạng xô bồ như thế, một số người làm công tác thánh nhạc tại các giáo xứ lại không tham khảo ý kiến của các vị hữu trách. Vì thế, nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra trong các giờ phụng vụ.
Trên đây là đối nét về hiện tình thánh nhạc tại nhiều nơi trong các giáo phận. Vì thế những người làm công tác thánh nhạc cần phải tỉnh táo để phân định và chọn lựa cách chính xác những bài thánh ca, cũng như cung cách thể hiện trong các giờ phụng vụ. Không nên vì thị hiếu của một nhóm người mà làm mất đi tính cách thánh thiêng và đạo đức sốt sắng của thánh nhạc.

Cộng đồng phụng vụ thân mến.
Từ việc nêu lên một vài nét đặc trưng của âm nhạc trong phụng vụ, cũng như điểm qua đôi nét về tình hình thánh nhạc tại Việt Nam, chúng ta- những nhân tố chủ lực trong công tác thánh nhạc tại các giáo xứ – cần phải xác định cho mình một định hướng để công việc phục vụ tại các giáo xứ được hiệu quả hơn.
Trước hết và trên hết, người làm công tác thánh nhạc phải có một tâm hồn đạo đức, thánh thiện và quảng đại đối với công việc chung. Về điểm này, Đức Piôx quả là tấm gương cho chúng ta. Vốn là con người hiền lành đạo đức, ngay khi lên ngôi Giáo Hoàng, Ngài đã chú tâm đến việc canh tân phụng vụ, nhất là phụng vụ thánh nhạc. Để nâng cao tính đạo đức thánh thiện trong lời ca tiếng hát, Ngài đã canh tân nền thánh nhạc và truyền dùng trong cả Hội Thánh. Đồng thời, Ngài cũng đã thiết lập các viện nghiên cứu âm nhạc, để qua đó có những kết quả bổ ích áp dụng vào nền thánh nhạc. Đặc biệt dưới triều đại của Ngài, các bản văn Thánh vịnh đã trở thành những đề tài phong phú cho việc phổ nhạc dùng trong phụng vụ. Hơn nữa, nhờ có lòng quảng đại với việc chung, dưới sự lãnh đạo của Ngài, nhiều công trình canh tân về phụng vụ, kinh nguyện, thánh nhạc đã được thực hiện.
Thứ đến người làm công tác tại các giáo xứ cần phải trao đổi khả năng chuyên môn về âm nhạc cũng như kiến thức về thánh nhạc, là những giáo huấn của Hội Thánh có liên quan đến âm nhạc trong phụng vụ, thật vậy nếu ca trưởng, các nhạc công, các nhạc đoàn cũng như những người lĩnh xướng hiểu được ý nghĩa của âm nhạc trong phụng vụ, cũng như nắm rõ những quy định của Hội Thánh, thì chắc chắn sẽ không còn những tình trạng đáng tiếc xảy ra trong các giờ kinh lễ.
Cuối cùng, những người làm công tác thánh nhạc tại các giáo xứ cần có một tấm lòng khiêm tốn: Khiêm tốn để lắng nghe những lời chỉ dẫn của Hội Thánh, cũng như  đón nhận những góp ý từ cộng đoàn. Khiêm tốn để biết học hỏi nơi bạn bè, sách vở, những người có trách nhiệm cũng như những người chuyên môn để luôn đáp ứng những chờ đợi của ca đoàn cũng như cộng đoàn, nhất là giáo phận và Hội Thánh luôn đặt mình trong thao thức làm tốt hơn, hay hơn và phù hợp hơn với tinh thần phụng vụ.
Có thể nói trong những năm qua, công tác phục vụ của ca đoàn tại các giáo xứ cũng đã gặp rất nhiều khó khăn. Nhịp sống đô thị và công nghiệp hóa đã ảnh hưởng rất lớn đến các ca đoàn: Thời khóa biểu thường bị xáo trộn, sinh hoạt của ca viên không thường xuyên, những cuốn hút bên ngoài xã hội cũng như công ăn việc làm đã ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt chung của các ca đoàn. Tuy nhiên bên cạnh những khó khăn đó, tôi nhận thấy nhiều anh chị em rất tha thiết với công tác ca đoàn cũng như nhạc đoàn. Cụ thể, những người hiện diện trong thánh lễ hôm nay đa số là những người đã từng làm công tác thánh nhạc tại môi trường giáo xứ  ít là đã được 15 năm. Điều đó thật đáng quý và rất đáng khích lệ. Những hy sinh lớn lao của chúng ta chắc chắn sẽ được Chúa trọng thưởng cho bản thân cũng như gia đình và giáo xứ, giáo phận.
Xin Thánh Giáo Hoàng PiôX chúng ta mừng kính hôm nay khơi lên trong chúng ta ngọn lửa mến Chúa và yêu Hội Thánh, để nhờ đó chúng ta luôn làm mọi việc với mục đích làm vinh danh Chúa và thánh hóa các linh hồn. Ước mong mỗi người chúng ta khi thi hành công tác thánh nhạc tại các giáo xứ luôn tâm niệm rằng: Người ta chỉ có thể hát hay trong phụng vụ khi biết hòa mình vào sinh hoạt chung của Hội Thánh. Hát chỉ thực sự là cầu nguyện hai lần khi chúng ta biết thể hiện lời ca tiếng hát trong tâm tình khiêm tốn, đạo đức và thánh thiện. Amen.

Đaminh Nguyễn Chu Trinh- Giám Mục Giáo Phận Xuân Lộc