Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Email Từ Xuân Lộc

EMAIL TỪ XUÂN LỘC
(TƯỞNG NHỚ ĐỨC CHA PHAO-LÔ MARIA)

TO joseph-nguyen-j@optusnet.com.au
Xuân lộc 17/5/2007
Mai Nguyên Vũ
Hiệp thân mến,
email_laptop make by buituanThế là Đức Cha PHAO-LÔ MARIA NGUYỄN MINH NHẬT đã về với Chúa được đúng 4 tháng. Hôm qua xem lại cuốn album cũ hồi ở chủng viện, mình thấy nhớ Đức Cha vô cùng. Bây giờ anh em mình cùng nhau ôn lại những kỷ niệm thân thương của Ngài, Hiệp nhé!
Cuối năm lớp 5, bọn mình thi đậu vào chủng viện.Ngày 3/ 8 / 1968 chúng mình xách vali vào chủng viện Phước lâm. Lần đầu tiên xa nhà, mình nhớ nhà kinh khủng. Cứ đi ngủ là khóc, có đêm khóc ướt cả gối ( mới 12 tuổi mà !). Có điều kỳ lạ là không bao giờ mình xin về, vì chủng viện có nhiều điều hấp dẫn mình lắm, nhất là vì một người. Mình sẽ bật mí cho Hiệp biết. Hai cha ảnh hưởng đến tụi mình nhiều nhất là cha Giám đốc ( Phạm Đình Nhu) và cha Linh hướng (Nguyễn Minh Nhật). Cha Giám đốc như một người cha trong gia đình, tận tuỵ lo lắng quán xuyến mọi việc, từ miếng ăn, giấc ngủ, cho đến việc học hành, giáo dục, nói chung là đối nội lẫn đối ngoại. Vì lo toan nhiều công việc, nên ngài có dáng vẻ nghiêm trang của một người cha trong nhà. Còn cha Linh hướng thì y hệt một người mẹ. Dáng ngừơi dong dỏng, cử chỉ hiền từ, ánh mắt dịu dàng. Đặc biệt nhất là cái miệng_ không được đẹp lắm_ nhưng lúc nào cũng đầy vẻ quyến rũ và luôn đem lại niềm vui cho mọi người bằng nụ cười không tắt và những câu chuyện lý thú bất tận. Chẳng trách sau này làm Giám mục, Ngài chọn khẩu hiệu “ Phục vụ Chúa trong hân hoan.” Thành ngữ “ Mau mồm mau miệng” thật đúng với Ngài. Học trò gặp thầy, chưa kịp chào, Ngài đã mau mắn hỏi thăm lia lịa : “Sao ông Loi, dạo này khoẻ không? Bài thi làm khá chứ? Tết này có về ăn tết với cha cố Hoà không?” Một buổi chiều, mình đang chạy chơi ngoài sân, Ngài ra chặn lại “ Ơ chú này, suốt ngày hôm nay cha tìm chú để mừng bổn mạng, bây giờ mới gặp”. Ngài siết chặt tay mình, chúc mừng nồng nhiệt.( Cả lớp có một mình mình mang tên thánh Phan-xi-cô mà ngài cũng nhớ). Chủng viện có mấy trăm chủng sinh, Ngài nhớ từng đứa, từ tên thánh, tên họ, tên gọi, nhớ cả tên riêng, sở thích, sở đoản, cha bảo trợ, cha xứ …Mình rất thích thú nghe cha Linh hướng gọi bọn mình bằng những biệt danh ngộ nghĩnh, dễ thương như Cà-ri-nị (cha Nguyễn Duy), Sư công Ngố ( cha Ngô công Sứ ), Cụ Lý( cha Triết),Vinh lùn (cha Vinh),Anh Vọi ( cha Thảo ) , Sơn chuông (cha Sơn), Bà già ( cha Huấn), Hiệp láu (cha Hiệp), Hiệp tàu, thánh Loi, Quang đen, Cư tròn, Bình se điếu, Đức phổng, Học mập, Linh mập…Ấn tượng nhất là những buổi đi dạo sau giờ cơm tối. Hàng chục, có khi hàng trăm học trò bu lấy Ngài. Tốp đi sau, hai tốp kè hai bên, còn tốp phía trước đi giật lùi để được nghe và nói chuyện với Ngài hoặc đơn giản chỉ là nhìn thấy Ngài(vì những đứa ở xa đâu có nghe thấy gì). Đứa nắm tay, đứa bá vai, có đứa thò tay vào mò mẫm trong túi áo túi quần Ngài, thân tình như người bạn, như cha con, như ông cháu. Nếu phải dùng một từ để tả tài giáo dục của Ngài, chắc chắn mình chọn chữ “HẢO”. Hiệp ơi, giờ tụi mình là cha trong gia đình, có ai năng gặp gỡ, tâm sự thân mật với con cái như cha Linh hướng của mình không?
imagesVề tài giảng thuyết của cha Linh hướng, chỉ có thể đánh giá bằng một chữ “TUYỆT”. Giảng cho nhóm nhỏ như tụi mình, Ngài nói rất nhẹ nhàng như nói chuyện, như tâm tình. Ngài hay kể chuyện bên Tây, chuyện ngoài Bắc, chuyện đời xưa, chuyện đời nay , kể cả chuyện tiếu lâm, tất cả đều xoáy sâu vào đề tài, rõ ràng và đầy thuyết phục. Mỗi năm, cha Giám đốc mời một cha đến giảng cấm phòng cho bọn mình, nhưng không có vị nào giảng hay như cha Linh hướng. “Cây nhà lá vườn” thế mà ngon. Sau này làm Giám mục, Ngài phát huy năng khiếu. Phải dùng từ “ hùng biện” mới diễn tả hết. Giọng sang sảng, không cần giấy tờ gì cả, cứ thao thao bất tuyệt hàng giờ, nghe không chán tai. Tài năng là do Chúa ban, một phần do luyện tập, nhưng sâu xa hơn cả là do lòng đạo đức. Có đầy trong lòng mới tràn ra ngoài. Sau lễ An táng, mình có hỏi cảm tưởng một số cha, tất cả đều đồng ý: Ngài rất thánh thiện. Những ai đã từng tiếp xúc, dâng lễ với Ngài, hoặc thấy Ngài quỳ chầu Thánh Thể sẽ cảm nhận phần nào tâm hồn đạo đức đó. Chính Đức Cha Đaminh Nguyễn văn Lãng đã từng ví: “ĐỨC CHA PHAOLÔ MARIA là cột thu lôi của giáo phận Xuân lộc.” Lòng đạo đức của Ngài không phải là chiếc bình quý trưng trong tủ kính, hay như lòng đạo đức của các thầy khổ tu trong dòng kín, nhưng là lòng nhiệt thành sả thân hết mình cho Giáo hội. Nếu không có lòng đạo đức nhiệt thành đó , Ngài sẽ đi nghỉ hè tại Đà-lạt, Nha trang, hay Canada, sau một năm vất vả trong chủng viện, dại gì lại khăn gói về tu hội Tông đồ nhỏ, lo tổ chức hết cuộc hội thảo này đến tuần tĩnh tâm kia, lo cái ăn chỗ ở cho hàng trăm linh mục và chủng sinh. Nếu không có lòng đạo đức nhiệt thành, sau ngày 30/4/1975, Ngài sẽ xin nghỉ hưu hoặc coi một xứ đạo nho nhỏ cho đỡ cực thân, nhưng lại về tu hội Tông đồ nhỏ, tiếp tục đào tạo lớp linh mục tương lai trong tình hình khó khăn tư bề. Nếu không có lòng đạo đức nhiệt thành, Ngài sẽ chẳng nhận chức Giám mục giữa giai đoạn khó khăn nhất của Giáo hội VN.
“ĐỨC GM PHAOLÔ MARIA NGUYỄN MINH NHẬT vừa từ trần. Một nhân vật lớn của GH Công giáo VN không còn nữa.” Báo Công giáo và dân tộc đưa tin như thế. Còn Đức Hồng y bộ trưởng thánh bộ Truyền giáo gửi điện phân ưu: “Ngài đã xuất sắc thi hành chức Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN…” Vì vậy, ta có thể bạo dạn đánh giá tài lãnh đạo của Ngài bằng một chữ “SIÊU.”
Trông coi một giáo phận đông dân nhất nước, cộng thêm trọng trách Chủ tịch Hội đồng Giám mục VN suốt hai nhiệm kỳ và cố vấn bộ Truyền giáo, đặc biệt là muôn vàn khó khăn (lại khó khăn) của thời thế, tất cả những gánh nặng đó cùng đè lên vai Ngài. Năm 1995 Ngài bị gục ngã (tai biến) lần thứ nhất. Sau nhiều ngày chiến đấu với bệnh tật, Ngài gượng dậy tiếp tục vác Thánh giá Chúa trao. Cùng thời gian đó, cặp chân chạy rảo khắp giáo phận bị chứng giãn tĩnh mạch, đi lại rất đau đớn, khó khăn…Ngày 11-11-2004 Ngài mới được Toà thánh cho phép nghỉ hưu. Tưởng rằng sẽ được nghỉ ngơi, nào ngờ, đêm 24/11/2004, Ngài bị tai biến lần thứ hai và nằm liệt suốt hai năm, hai tháng, 24 ngày.12g30 ngày 17/1/2007, Chuá gọi Ngài về, để lại tiếc thương cho hàng triệu người thuộc hai giáo phận Xuân lộc và Bà-rịa sau 81 năm cuộc đời, 55 năm linh mục và 32 năm giám mục. Ngài như con tằm suốt một đời nhả tơ, chắt lọc những sợi tơ óng mượt nhất để dệt nên tấm áo lụa xinh đẹp cho giáo phận. Còn Ngài, sau khi nhả hết tơ, âm thầm vùi thân trong lòng đất lạnh…Tất cả ý nguyện của Ngài dành cho giáo phận đều thành hiện thực :phân chia giáo phận, được phép lập đại chủng viện, xin được Giám mục kế vị. Chỉ một ý nguyện cho riêng Ngài là không thành : về nghỉ ngơi tại Tông đồ nhỏ.
Nhớ ơn Ngài , Giáo phận đã tổ chức lễ tang hết sức long trọng. Trong suốt 6 ngày đại tang, toàn thể giáo phận chìm ngập trong màu tím đau thương. Thánh lễ An táng gồm 14 Giám mục, hơn 640 linh mục, hàng ngàn tu sĩ, chủng sinh, và hàng chục ngàn giáo dân từ khắp nơi đổ về. Cảm động nhất là lời vĩnh biệt của Đức cha Đaminh Nguyễn chu Trinh trước linh cữu Đức cha cố. Đức cha Đaminh nghẹn ngào rơi lệ thật lâu, khó khăn lắm mới nói được lời cuối cùng với người Cha thân yêu.
Nếu phải dùng một từ để cô đọng cuộc đời ĐC PHAO-LÔ MARIA, mình không ngần ngại chọn chữ “ THÁNH”. Năm 2005 Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 qua đời, mình thấy có hương vị THÁNH tràn ngập khắp Giáo hội. Năm nay, mình cũng cảm thấy hương vị THÁNH đang bao trùm khắp giáo phận Xuân lộc…Từ trời cao, xin Ngài cầu nguyện cho chúng con…
Hiệp ơi, Thư dài quá rồi. Cho mình gửi lời thăm bà xã và các cháu nhé. Chúc sức khoẻ, bình an và hạnh phúc trong Chúa Kitô. Hẹn ngày Hiệp về thăm quê hương, chúng mình sẽ về Xuân lộc kính viếng Đức Cha thân yêu.
Chào thân ái

MAI NGUYÊN VŨ