LỜI HỨA HÔN NHÂN
TRẦM THIÊN THU
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mc 10:9; Mt 19:6) Đó là Luật bất biến vĩnh viễn, không ai có thể “gỡ” bất cứ vì lý do gì. Thiên Chúa không làm khó ai, Ngài chỉ muốn người ta tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn ngay trên cõi đời đầy đau khổ này.
Vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu phối ngẫu qua 3 chữ T: Thân mật, Thủy chung và Thanh tịnh (khiết tịnh), và với 3 chữ T khác: “Tôi Trung Thành.” Đó không chỉ là thề hứa với nhau mà đặc biệt là thề hứa với Thiên Chúa. Hôn nhân là một ơn gọi – để cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản cho đầy mặt đất và giúp nhau nên thánh. Rất chí lý khi ca dao Việt Nam nhận định về tình yêu trong mối quan hệ phu thê: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.” Cách “kê” rất quan trọng!
Vợ chồng là hai con người hoàn toàn khác nhau về mọi thứ, cái mà người ta gọi là “giống nhau” hoặc “hợp nhau” cũng chỉ mang tính tương đối. Không bao giờ có hai chiếc lá giống nhau, chắc chắn cũng chẳng bao giờ có hai con người giống nhau. Dù chỉ là giống về bề ngoài, hai người sinh đôi cũng vẫn có điểm khác để có thể nhận biết ai là anh (chị) và ai là em. Với người Công giáo, cách “kê” tuyệt vời nhất là tha thứ và nhịn nhục.
Trình thuật Mc 10:2-12 kể rằng, một hôm có mấy người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu và hỏi người chồng có được phép rẫy vợ hay không. Họ hỏi thế để thử Ngài thôi, chứ chẳng ai lạ gì tâm địa của họ thế nào. Chúa Giêsu “đi guốc” trong bụng họ nên Ngài hỏi lại họ: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?” Họ nói rằng ông Môsê đã cho phép chồng viết giấy ly dị mà rẫy vợ. Ngài nói: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ LÌA cha mẹ mà GẮN BÓ với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt.” Và Ngài nhấn mạnh: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”
Người ta có lời khuyên “tương kính như tân” dành cho những người lập gia đình, cả hai đều phải cố gắng sống và luôn nhớ chính mình đã long trọng hứa với nhau trước mặt vị đại diện Giáo hội và cộng đoàn Dân Chúa: “Anh/em nhận em/anh làm vợ/chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em/anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian lao, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời anh/em.” Lời hứa hôn nhân không là nói cho vui, cho xong lần, cho đủ nghi thức, nhưng nó có tính chất “thề” – thề “độc” chứ không thề bình thường. Lời thề đó không ai “giải” được, vì đó là lời thề với Thiên Chúa!
Khi về đến nhà, các môn đệ hỏi Ngài về ly dị. Ngài nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác thì cũng phạm tội ngoại tình.” (Mc 10:11-12) Hệ lụy tội lỗi rất đáng sợ, tất cả các “cấu trúc tội” có căn nguyên trong trách nhiệm của tội cá nhân. Có “chiều kích xã hội” vì nó nằm trong cách thức chúng ta có thể phạm tội, đó không chỉ là hành động trực tiếp của mình mà còn gián tiếp liên lụy các tội do người khác phạm trực tiếp, gọi là liên đới tội lỗi.
Ai cũng có một gia đình, không ai lạ gì về gia đình, nhưng để cho “vuông tròn” một gia đình đúng nghĩa thì không là chuyện đơn giản. Ngày nay người ta không còn đề cao vai trò gia đình, vì thế mà tỷ lệ ly thân và ly hôn đang ở mức báo động đỏ, trong đó có cả người Công Giáo. Nữ tu Lucia, một trong 3 thị nhân của Đức Mẹ Fatima, cho biết: “Trận chiến cuối cùng giữa Vương Quốc của Đức Kitô và ma quỷ xoay quanh vấn đề HÔN NHÂN và GIA ĐÌNH, đặc biệt là HỢP PHÁP HÓA HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI và PHÁ THAI.” Điều đó đang ứng nghiệm rõ ràng!
Thiên Chúa truyền Thập Giới qua ông Môsê, trong đó có điều răn thứ tư đề cập vấn đề gia đình. Ba thành phần Cha – Mẹ – Con như chiếc kiềng ba chân tạo nên một gia đình. Ba “chân” này giúp giữ vững “chiếc kiềng” gia đình, trong đó có hai mối quan hệ chính: Phu thê, Mẫu tử hoặc Phụ tử. Đó là dạng “tế bào gốc” của gia đình.
Điều răn thứ tư được truyền cho con cái trong mối quan hệ với cha mẹ, vì mối quan hệ này phổ biến nhất, quan tâm hệ lụy thân thiết giữa các thành viên gia đình và dòng tộc, đòi hỏi lòng kính trên nhường dưới, yêu thương nhau, biết ơn tổ tiên và người cao niên. Không chỉ vậy, điều răn này còn ở mức rộng hơn, đó là đề cập trách nhiệm của học sinh đối với thầy cô giáo, nhân viên đối với chủ nhân, người dưới đối với người trên, công dân đối với tổ quốc và những người lãnh đạo đất nước. Thật đa dạng chứ không như chúng ta “đóng khung” trong phạm vi gia tộc.
Thật vậy, Giáo lý Công giáo (2199) cho biết: “Điều răn này bao gồm nhiệm vụ của cha mẹ, người hướng dẫn, người dạy dỗ, người lãnh đạo, quan tòa, người lãnh đạo, người có quyền trên người khác hoặc cộng đồng.” Từ hệ lụy gia đình dẫn tới các hệ lụy khác. Gia đình thực sự quan trọng vì mọi sự bắt đầu từ gia đình – đặc biệt là các nhân đức: “Lòng nhân ái bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc luôn ở đó.” (Sử gia Thomas Fuller)
Gia đình rất quan trọng, dù nhỏ hay to, dù giàu hay nghèo, thế nên người ta gọi gia đình là “Tổ Ấm.” Khi mặc xác phàm, chính Chúa Giêsu cũng có một gia đình, và Ngài rất yêu quý gia đình. Bắt đầu một gia đình là bắt đầu đời sống hôn nhân. Sau khi tạo dựng con người đầu tiên trên thế gian, Thiên Chúa xác nhận: “Con người ở một mình thì không tốt.” (St 2:18a) Vì thế, Ngài quyết định: “Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2:18b)
Trình thuật St 2:19-22 cho biết rằng Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, tên nó sẽ là thế. Con người được Thiên Chúa trao quyền đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Thiên Chúa đã biết trước “nỗi niềm” của con người như vậy, Ngài biết con người sẽ “khắc khoải” vì cảm thấy trống vắng, thiếu thốn tình cảm. Và rồi Ngài cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Lúc đó, Ngài rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
Nhìn thấy “sinh vật lạ,” vừa giống mình mà lại vừa khác mình, chắc là lúc đó con người bối rối lắm. Chuyện đời là thế mà. Nam châm khác dấu thì hút nhau dữ lắm nghen! Con người khoái chí nên nói: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra.” (St 2:23) Việt ngữ gọi “sinh vật lạ” đó là em, là phụ nữ, là nội tướng. Và Kinh Thánh đã nói rõ: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2:24) Hay quá sức! Vì là xương thịt của nhau nên vợ chồng vẫn gọi nhau là “mình ơi!” Độc đáo quá chừng!
Đó mới chỉ là bước khởi đầu tạo lập một gia đình. Ngày cưới là ngày hạnh phúc nhất, nụ cười tươi nhất, y phục đẹp nhất, thế nhưng quan trọng là những ngày tháng tiếp theo, không chỉ vài tháng hoặc vài năm, mà kéo dài cả phần đời còn lại, trong khi vốn dĩ “đời là bể khổ,” rồi vợ chồng còn có thể cười với nhau và cười với người khác hay không?
Nam nữ đến với nhau vì hạnh phúc của nhau – vừa vị kỷ vừa vị tha, vì hạnh phúc của chính mình và của người bạn đời. Tuy nhiên, hạnh phúc không thể tự dưng mà có hoặc “ngẫu nhiên” như sung rụng, mà nó phải được vun xới bằng hy sinh, mồ hôi và nước mắt. Cây cảnh chỉ có thể tươi đẹp nếu nó được chăm sóc, vun tưới. Hạnh phúc thật kỳ diệu, hạnh phúc ở ngay bên chúng ta chứ không cần tìm kiếm ở nơi nào xa lắc xa lơ: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may!” (Tv 128:2) Hạnh phúc vô hình mà thực tế, đừng đứng núi này trông núi kia!
Sự thật minh nhiên, không mơ hồ: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ôliu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.” (Tv 128:3-4) Đó là ước mơ của bất kỳ ai, nhưng khó là mỗi thành viên gia đình phải cố gắng để có thể biến ước mơ đó thành sự thật ngay tại trần gian này.
Thánh Vịnh gia cầu chúc: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv 128:5-6) Quả thật, có được hạnh phúc gia đình không hề dễ, chúng ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu thiếu ơn Chúa. Chính Chúa Giêsu đã từng cầu nguyện cho chúng ta: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” (Ga 17:17) Sự thật sẽ tạo nên hạnh phúc gia đình, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. (x. Ga 8:32)
Vai trò cha mẹ rất quan trọng. Ước gì mỗi cha mẹ đều biết tâm nguyện sâu sắc điều này: “Chuẩn bị cho Thiên Chúa một dân tộc hoàn hảo.” Đó là một cách truyền giáo tích cực ngay từ gia đình, là làm cho “Danh Cha cả sáng và Nước Cha trị đến” chứ không cần phải làm việc gì to tát.
Cố gắng chu toàn bổn phận hằng ngày cũng là cách “tử đạo liên lỉ.” Làm cho gia đình hạnh phúc bằng những tiếng cười thì chắc chắn được Thiên Chúa chúc lành và hứa ban Nước Trời mai sau. Thánh Phaolô cho biết: “Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, chúng ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Chúa Giêsu. Thật vậy, Chúa Giêsu đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.” (Dt 2:9) Gia đình nhỏ có hạnh phúc thì gia đình lớn mới có hạnh phúc.
Mọi người, không phân biệt gì, đều là thành viên trong Đại Gia Đình của Thiên Chúa. Gia đình nhỏ cần có hạnh phúc để vui sống và phát triển, gia đình lớn cũng vậy. Thánh Phaolô xác định: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Chúa Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hóa là Chúa Giêsu, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em.” (Dt 2:10-11) Chúng ta chỉ là tội nhân mà được Thiên Chúa công nhận là “huynh đệ” thì quả là trên cả tuyệt vời!
Nói đến gia đình là nói đến hạnh phúc, gia đình là tổ ấm chứ không là tổ lạnh, nghĩa là phải có “hơi” hạnh phúc, nếu là tổ lạnh thì thật bất hạnh. Gia đình thiếu hạnh phúc sẽ bị rạn nứt hoặc tan vỡ – ly thân hoặc ly dị. Dạng “ly” nào cũng là “chia ly,” dạng nào cũng tệ hại vì gây bất hạnh cho con cái – và chính cả hai vợ chồng!
Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con ý thức để có thể hành động tích cực, để duy trì và bảo vệ giá trị gia đình theo Luật Ngài. Xin giúp chúng con tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền theo công lý của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Nhận xét góp ý