SỐNG hay KHÔNG SỐNG?
TRẦM THIÊN THU
Sự sống là đặc ân do Thiên Chúa ban, nhưng cách sống thì tùy mỗi người, Ngài không ép buộc mà cho tự do chọn lựa. Chắc chắn cách sống ảnh hưởng cách chết!
Phần cuối diễn từ Chúa Giêsu thuyết giảng tại hội đường Caphácnaum được Thánh Gioan kể trong trình thuật Ga 6:51-59. Chính Chúa Giêsu xác định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Khi nghe Chúa Giêsu nói vậy, người Do Thái “nóng gáy” và tranh luận sôi nổi với nhau. Họ cho rằng Chúa Giêsu không thể cho chúng ta ăn thịt của mình. Họ không thể hiểu điều Ngài nói. Nếu chúng ta hiện diện với họ và được nghe Ngài nói vậy, chắc chắn chúng ta cũng chẳng hiểu, thậm chí có thể dám manh động chứ chẳng ngồi yên. Nhưng thật may là chúng ta đã “kịp hiểu” nhờ tiếp nhận đức tin tông truyền từ nhiều thế hệ trước.
Chúa Giêsu biết họ “đau tai, nhức óc” nhưng Ngài vẫn phân tích: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông KHÔNG ăn thịt và uống máu Con Người, các ông KHÔNG có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI, và tôi sẽ cho người ấy SỐNG LẠI vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này sẽ ĐƯỢC SỐNG MUÔN ĐỜI.”
Đối với người Công Giáo, khi tiếp rước Thánh Thể là họ được “hòa tan” vào Chúa Giêsu, được sống bằng sự sống của Ngài. Ai mở lòng ra với Ngài thì Ngài sẽ đại lượng trao ban, vì Ngài luôn muốn người ta được sống và sống dồi dào. (Ga 10:10)
Phàm nhân không thể hiểu được hoạt động của Sự Sống. Đó là một quá trình diễn ra từ lúc sinh vật được tạo thành (sinh ra) cho đến lúc bị phân hủy (chết đi). Sự sống là điều kiện cho phép một thực thể sinh ra, tồn tại và chết đi tại một thời điểm nào đó. “Sinh ký, tử quy” là quy luật bất biến. Không ai biết lúc nào khởi đầu và khi nào kết thúc. Người ta tóm tắt công trình của bác học Pasteur thành định luật: “Omne vivum ex ovo – Mọi sự sống đều bắt đầu từ trứng.” Sự sống kỳ diệu được đúc kết thành ba quy luật: [1] Có cấu trúc phức tạp và tinh vi, [2] Có tổ chức phức tạp và tinh vi, [3] Thông tin của sự sống ổn định, chính xác và liên tục.
Thánh GH Gioan Phaolô II tái xác định giá trị của sự sống con người và tính bất khả xâm phạm của sự sống trong thông điệp “Evangelium Vitae” (Tin Mừng Sự Sống, 25-3-1995), và nhân danh Thiên Chúa mà thiết tha kêu gọi mọi người phải tôn trọng, bảo vệ, yêu mến và phục vụ sự sống con người. Ngài mời gọi mọi người dấn thân vào cuộc chiến giữa “văn hóa sự chết” và “văn hóa sự sống.” Cuộc chiến này được biểu hiện qua Thập Giá Đức Kitô: “Ánh rạng ngời của Thập Giá không bị bóng tối này che đi; thậm chí Thập Giá càng nổi bật rõ nét và sáng tỏ hơn, xuất hiện như là trung tâm, ý nghĩa và cứu cánh của toàn thể lịch sử và toàn thể sự sống con người.” (Evangelium Vitae, số 50)
Giáo Hội đã xác định sự sống là quyền bất khả xâm phạm. Sự sống cần có lương thực, nhưng sự sống đời này chỉ tạm bợ, mau qua và chắc chắn sẽ kết thúc, quan trọng là sự sống vĩnh hằng. Khi một thanh niên giàu có hỏi về sự sống đời đời, Chúa Giêsu xác định: “Nếu anh muốn vào cõi sống, hãy giữ các điều răn.” (Mt 19:17) Ngoài các điều răn, Chúa Giêsu còn trao ban cho chúng ta loại lương thực đặc biệt để nuôi dưỡng chúng ta trên đường lữ hành trần gian: Bánh Trường Sinh – tức là Bánh Hằng Sống, Bánh của Sự Sống đời đời.
Chúa Giêsu lặp đi lặp lại và nhấn mạnh vấn đề này để chuẩn bị tinh thần cho người ta có thể hiểu về Thánh Thể – loại Bánh đặc biệt là chính Thân Mình Ngài. Một sự thật vượt ngoài trí hiểu của nhân loại, phàm nhân khó có thể chấp nhận, vì thế mà Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho chúng ta.
Được nghe nghĩa là được biết, biết thì phải suy nghĩ, nhờ đó mà có thể hiểu, nhưng hiểu rồi có tin hay không lại là chuyện khác. Ai hiểu và tin thì thật là khôn ngoan. Khôn ngoan là một nhân đức cần thiết trong đời sống, cả đời thường và tâm linh. Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan. (Tv 111:10) Kinh Thánh nói: “Đức Khôn Ngoan đã xây cất nhà mình, dựng lên bảy cây cột, hạ thú vật, pha chế rượu, dọn bàn ăn và sai các nữ tỳ ra đi.” (Cn 9:2-3) Đức Khôn Ngoan còn lên các nơi cao trong thành phố và kêu gọi: “Hỡi người ngây thơ, hãy lại đây!” (Cn 9:4)
Người khiêm nhường, đơn sơ như trẻ nhỏ, được Thiên Chúa yêu quý. Đức Khôn Ngoan mời gọi: “Hãy đến mà ăn bánh của ta và uống rượu do ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết.” (Cn 9:5-6) Thiên Chúa muốn “phá ngu kẻ dốt” để họ cũng được nên khôn. Chẳng ai muốn khờ dại, ai cũng muốn khôn ngoan, nhưng muốn thì phải hành động. Đó là vấn đề quan trọng, vấn đề sinh tử. Muốn thì dễ, làm thì khó, nhưng cố gắng làm được thì mới là khôn ngoan thật.
Chúng ta có sự sống nhờ Thiên Chúa. Nhưng đó mới là sự sống đời thường, sự sống sinh học. Nếu có Thiên Chúa trong mình, người ta mới thực sự có sự sống tâm linh, sự sống siêu nhiên. Thánh Vịnh gia vui mừng chia sẻ: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.” (Tv 34:2-3)
Thánh Vịnh gia có Thiên Chúa và muốn mọi người cũng có Thiên Chúa như mình nên đã lên tiếng: “Kính sợ Chúa đi, đoàn dân thánh hỡi, vì ai kính sợ Người chẳng thiếu thốn chi. Kẻ giàu sang phải bần cùng đói khổ, còn ai tìm kiếm Chúa chẳng thiếu của gì. Các con ơi, hãy đến mà nghe, ta sẽ dạy cho biết đường kính sợ Chúa.” (Tv 34:10-12) Ý tưởng tương tự cũng đã được Đức Maria bày tỏ trong bài ca Magnificat: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1:52-53)
Thánh Vịnh gia vừa hỏi vừa trả lời: “Ai là người thiết tha được sống, ước ao hưởng chuỗi ngày hạnh phúc chứa chan? Phải giữ mồm giữ miệng, đừng nói lời gian ác điêu ngoa; hãy làm lành lánh dữ, tìm kiếm bình an, ăn ở thuận hòa.” (Tv 34:13-15) Chắc chắn ai cũng muốn vế thứ nhất, nhưng vấn đề vô cùng quan trọng là phải cố gắng thực hành vế thứ hai bằng mọi giá. Như vậy là khôn ngoan và có sự sống của Thiên Chúa.
Cũng với ý tưởng đó, Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời buổi hiện tại, vì CHÚNG TA ĐANG SỐNG NHỮNG NGÀY ĐEN TỐI.” (Ep 5:15-16) Nhận xét của Thánh Phaolô càng đúng hơn trong thời đại ngày nay. Ngày nay người ta bất chấp mọi thứ, không chút xót thương dù là người thân máu mủ ruột rà, chỉ cần có lợi cho mình. Quả thật, “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7)
Sống hay không sống là tùy ý mình. Sống khôn ngoan không dễ, xã hội ngày nay nhiễu nhương, sự khôn ngoan càng cần thiết hơn bao giờ hết. Về cách sống khôn ngoan, Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng hóa ra ngu xuẩn, nhưng HÃY TÌM HIỂU ĐÂU LÀ Ý CHÚA. Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:17-20)
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, Nguồn Sống của chúng con, xin giúp chúng con biết chọn những điều đẹp ý Ngài, nỗ lực và quyết tâm hành động suốt đời. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Nhận xét góp ý