Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Chín 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 8    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TÍN MỘNG

TRẦM THIÊN THU

▶ Mẹ Về Trời – https://youtu.be/YCNwRXmECls

Nhân Loại Thao Thiết Nhìn Lên Đức Mẹ
Tín Nhân Khát Khao Tới Cõi Thiên Đàng

Trời là khoảng không gian vô tận mà con người không thể khám phá hết. Có những “lỗ đen” không thể biết đó là gì – thế nên mới gọi là “lỗ đen.” Có những ánh sao xa trái đất hàng tỷ năm ánh sáng. Cung trăng chỉ là một “chấm nhỏ” trong vũ trụ mà con người chưa khám phá hết kia mà. Nhưng “khoảng trời” đó không là Nước Trời, Thiên Đàng hoặc Thiên Quốc – nơi có Thiên Chúa toàn năng ngự trị. Nước Trời ở ngay giữa chúng ta. (Lc 17:21)

Ngày xưa, chuyện “lên trời” là ước mơ hầu như không thể hiện thực, nhưng điều đó đã hiện thực từ khi phi thuyền Apollo 11 (Hoa Kỳ, ngày 16-24 tháng 7 năm 1969, chỉ huy là Neil Armstrong) có thể đưa con người lên cung trăng. Nhưng đó chỉ là “du lịch” mà thôi. Và đó là giấc mơ phàm trần, giấc mơ của tín nhân “cao cấp” hơn, không chỉ “lên trời” mà còn “về trời” vĩnh cư với Thiên Chúa.

Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời cả xác hồn là bảo chứng cho niềm tin của chúng ta, những tín nhân miệt mài cầu nguyện: “Xin được chết lành trong tay Đức Mẹ, và xin được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng.” Vấn đề là cố gắng sống sao để được vào Thiên Đàng mai sau. Thánh Piô Năm Dấu cho biết: “Ở đâu không có vâng lời, ở đó không có nhân đức. Ở đâu không có nhân đức, ở đó không có sự thiện. Ở đâu không có sự thiện, ở đó không có yêu thương. Ở đâu không có yêu thương, ở đó không có Thiên Chúa. Ở đâu không có Thiên Chúa, ở đó không có Thiên Đàng.”

Ngày xưa, Chứng Ước của Thiên Chúa được đặt vào Hòm Bia (Xh 25:16) nên gọi là Hòm Bia Giao Ước. Chính Đức Chúa đã chọn Sion, đã thích lấy chốn đó làm nơi Ngài ngự, như Ngài đã tuyên phán: “Đây là chốn Ta nghỉ ngơi đến muôn đời, Ta sẽ ngự nơi này, vì Ta ưa thích.” (Tv 132:14) Tời Tân Ước, Đức Mẹ là Nhà Tạm đầu tiên, vì Đức Mẹ là Đấng-Mang-Thiên-Chúa (Theotókos, God-Bearer). Chúng ta cũng đã và đang được diễm phúc tương tự mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta được mang chính Đấng Cứu Thế trong lòng và hòa tan để kết hiệp mật thiết với Ngài. Thực sự chúng ta cũng diễm phúc mặc dù chúng ta chỉ là những tội nhân bất xứng.

Đức Maria là Thánh Mẫu Thiên Chúa, rất uy tín khi nguyện giúp cầu thay cho chúng ta, để chúng ta cố gắng thay đổi chứ không ỷ lại mà lợi dụng lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, Thánh Denis xác định: “Đức Mẹ là nơi nương náu của những người đã hòng hư mất, là hy vọng của những người không còn hy vọng.” Đó là niềm hy vọng tuyệt vời mà chúng ta được tận hưởng.

Chính Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về trời: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14:2-4) Lời hứa đó trở thành hiện thực, vì đã có các thánh là những người được về trời.

Đã có cuộc về trời kỳ lạ trong Cựu Ước: khi ông Êlia đang nói chuyện với ông Êlisa, bỗng có “một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra, và ông Êlia lên trời trong cơn gió lốc.” (2 V 2:11) Thời Tân Ước, Dismas cả đời gian ác và cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu, nhưng nhờ sám hối chân thành mà được Chúa Giêsu tha thứ và cho về trời ngay: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 22:43) Đặc biệt là Đức Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác.

Thời Hoàng đế Constantinople đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ trên núi Cây Dầu tại Giêrusalem, truyền thống gọi là lễ “Đức Mẹ An Giấc.” Theo Lm Pohle và Lm Scheeben, mấy thế kỷ đầu không có dấu tích gì về lòng tin Đức Mẹ Maria lên trời, nhưng một cái quách (sarcophagus) đầu thế kỷ IV ở nền nhà thờ Santa Engracia tại TP Saragossa (Tây Ban Nha) có bức chạm trổ hình Đức Mẹ lên trời. Chứng tích của Thánh Epiphanô cho biết người ta tin Đức Mẹ bất tử và thân xác Mẹ vinh quang, niềm tin này đã được truyền bá sâu rộng trong một ít giáo đoàn như ở Antiokia.

Do xác tín và ca ngợi “Chức Phẩm Thiên Mẫu” và “Đức Đồng Trinh” của Mẹ là hai căn nguyên, Thánh Êpiphanô mở đường cho niềm tin và sự xác quyết của các Thánh Giáo Phụ, các Giáo Hoàng, các Giám Mục, các thần học gia và cả Giáo Hội. ĐGH Alexanđrô III nói: “Mẹ Maria thụ thai không bị xấu hổ, sinh con không bị đau đớn, từ trần không bị hư hoại trong mồ, vì theo lời Thiên thần, Mẹ đã được đầy ơn.” ĐGH Piô XII nối tiếp các vị tiền nhiệm về niềm tin đó. Trong Thông điệp “Corporis Mystici” (29-6-1943), ngài viết: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ tỏa sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ.”

Qua Thông điệp “Deiparae Virginis” (1-5-1946) gởi các giám mục, ĐGH Piô XII cho biết rằng từ năm 1840 đến năm 1940, số đơn thỉnh nguyện xin Tòa Thánh định tín Mẹ Maria hồn xác lên trời đã đóng thành hai cuốn sách. Ngày 30-10-1950, ngài gởi thư cho Cơ Mật Viện báo rằng ngày mồng 1-11-1950 là một biến cố quan trọng và là niềm vui lớn lao cho toàn thế giới Công giáo: Công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời.

Nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng tác động và ơn Chúa trợ lực, ngày 1-11-1950, Thánh Ý Chúa thể hiện qua ĐGH Piô XII với Thông điệp “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng đại), đại lược thế này: “Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà Giáo hội đã nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời.”

Cuộc đời như một chuyến bay, lễ Đức Mẹ Lên Trời là dịp chúng ta nghiêm túc xét mình để chỉnh đốn phi đạo lữ hành và định hướng bay để có thể tới Phi Trường Thiên Quốc. Thật thú vị với ý tưởng của Thánh Fulgentius: “Mẹ là chiếc thang bắc lên Trời. Nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã từ Trời xuống thế gian, và cũng nhờ Mẹ mà loài người từ đất lên tới Trời.” Tất cả nhờ Mẹ, và nhờ Mẹ đến với Chúa. Yêu mến Đức Mẹ là điều cần thiết để được Mẹ dẫn về gặp Thánh Tử Giêsu, một trong những cách thể hiện lòng yêu mến Đức Mẹ là cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi.

Chính Chúa Giêsu đã nói với Thánh Catarina Siena: “Ta muốn ban cho Mẹ Maria đặc ân này vì lòng nhân từ của Ta, và để tôn kính Ngôi Hai nhập thể: bất cứ ai, dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ Maria, sẽ không rơi vào quyền lực của quỷ dữ.” Thật vậy, Thánh Birgitta Thụy Điển cho biết: “Không tội nhân nào trên trần gian này, cho dù trong tình trạng thù nghịch với Thiên Chúa đến đâu đi nữa, mà không thể quay về với Ngài và được phục hồi ơn thánh, nếu họ chạy đến nương nhờ và xin Đức Mẹ Maria hộ phù.”

Thánh TS Têrêsa Avila khuyên: “Cho dù đang mắc tội trọng đi nữa thì cũng cứ cầu nguyện. Tôi xin bảo đảm rằng anh chị em sẽ đạt đến bến cảng phần rỗi.” Chắc chắn rằng không ai đến với Đức Mẹ mà phải ra về tay không hoặc thất vọng. Thánh Anphong Ligôri giải thích: “Khi tuyên bố rằng một đầy tớ của Mẹ Maria không thể bị mất phần rỗi, đó là nói về những đầy tớ của Mẹ đã có lòng ao ước hoán cải mà trung thành kính tôn kêu cầu Mẹ Thiên Chúa. Tôi chắc chắn những người này không thể hư mất được. Các thánh giáo phụ và các thần học gia đều đồng ý kiến về điểm này. Bởi vậy, khi ma quỷ đã làm cho tội nhân mất ơn thánh rồi nó còn làm cho họ mất lòng tôn sùng Đức Mẹ nữa.”

Chúa Giêsu đã về trời dọn chỗ cho những ai tín thác vào Ngài và yêu mến Đức Mẹ. Ngài đã đón Đức Mẹ về, rồi Ngài cũng sẽ đón chúng ta về sum họp với Ngài và với Đức Mẹ.

Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin cầu giúp nguyện thay cho chúng con, bây giờ và trong giờ lâm tử. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*