Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ – TIN TƯỞNG VÀ HY VỌNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

THỨ NĂM TUẦN THÁNH 2023:
Thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Tam Nhật Thánh, tức là ba ngày cao điểm nhất trong năm phụng vụ. Trong những ngày này, chúng ta cùng cảm nhận và biết ơn một tình yêu vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa dành cho mỗi người, Ngài yêu đến nỗi chấp nhận chết vì người mình yêu. Sống tâm tình của ba ngày thánh, mỗi người như cảm thấy mình đang hiện diện trong biến cố này cách đây hơn hai ngàn năm tại Giêrusalem. Qua cuộc khổ nạn thập giá và phục sinh của Chúa Giêsu, mỗi người cũng cảm nhận được rằng, Thiên Chúa luôn tin tưởng và hy vọng nơi chúng ta. Ngài tin tưởng trao cả con người mình cho chúng ta và hy vọng ta sẽ thay đổi lại suy nghĩ và cách sống sao cho phù hợp với tình yêu của Chúa.
Trong khung cảnh của nhà tiệc ly hôm nay, Chúa Giêsu dành cho các tông đồ một tình yêu đặc biệt. Ngài đã không còn giữ lại gì cho mình, nhưng đã trao tặng cho các môn đệ Mình và Máu Người, tức là cả mạng sống và con người của Chúa. Đồng thời, tin tưởng trao cho các tông đồ quyền: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” tức là trao cho các ông chức Linh mục, dù các ông chưa hiểu hết tầm mức của mệnh lệnh này. Cũng trong bầu khí linh thiêng ấy, Chúa đã để lại cho các môn đệ bài học và tấm gương phục vụ khi chính Ngài cúi xuống để rửa chân cho các tông đồ.
Bữa Tiệc Ly hôm nay diễn ra trong khung cảnh kỷ niệm Lễ Vượt Qua của người Do Thái. Nghi thức chính yếu trong dịp đại lễ này là việc giết và ăn thịt con chiên vượt qua cùng với bánh không men. Gọi là con chiên vượt qua vì con chiên này bị sát tế, lấy máu bôi lên khung cửa để trở thành dấu hiệu cho biết, đó là nhà của những người sẽ được giải thoát, được cứu sống. Đêm đó, sứ thần của Thiên Chúa đi ngang qua nhà có dấu máu con chiên và để cho họ bằng an, được sống. Còn những nhà không có dấu máu sẽ bị tàn sát con trai đầu lòng và tất cả con đực đầu lòng trong đàn vật. Thịt con chiên vượt qua sẽ trở thành của ăn giúp cho người Do Thái có đủ sức để lên đường ra khỏi đất Ai Cập.
Qua sự kiện vượt ra khỏi đất Ai Cập, người Do Thái nhìn nhận Thiên Chúa của họ là một vị Thiên Chúa quyền năng và là Đấng giải thoát. Ngài đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ tại đất Ai Cập và còn tiếp tục hiện diện, bảo vệ và dẫn đưa dân Do Thái vượt qua sa mạc trở về Đất Hứa. Vì thế, Lễ Vượt Qua hàng năm trở thành ngày lễ linh thiêng nuôi dưỡng đời sống đức tin của người Do Thái, giúp họ sống lại biến cố quan trọng này trong lịch sử.
Chúa Giêsu và các môn đệ bước vào Lễ Vượt Qua với những tâm tình đức tin đặc biệt như thế. Nhưng trong bữa tiệc lần này, Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn nghi thức và ý nghĩa của lễ vượt qua xưa, bằng Con Chiên mới và Nghi Thức mới. Chúa Giêsu đã biến mình thành Con Chiên Vượt Qua, chịu sát tế, để cho máu được đổ ra mang lại ơn tha tội cho nhiều người và để cho thịt trở nên của ăn nuôi sống toàn nhân loại. Chúa Giêsu đã lập nên một nghi thức mới: “Ngài cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói đây là mình Thầy, hiến dâng vì anh em.” Các môn đệ đón nhận tấm bánh từ nơi Chúa, nhưng chắc chắn các ông không hiểu hết ý nghĩa lời Chúa vừa nói. Vào cuối bữa ăn, Chúa cầm chén rượu và nói: “Đây là chén máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống. Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” Với việc làm này, Chúa Giêsu đã thực sự trở thành con chiên bị sát tế, biến bánh trở nên thịt và biến rượu trở nên máu là của ăn của dưỡng nuôi nhân loại.
Việc làm này không chỉ là một nghi thức mới, mà là một phép lạ thể hiện quyền năng của một vị Thiên Chúa. Vì yêu thương, vì muốn cho những người mình yêu được cứu sống và được nuôi sống, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, biến mình trở nên lương thực nuôi sống nhân loại. Đây là cách Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu đến tận cùng của Ngài. Ngài không còn giữ lại mạng sống và con người mình, nhưng đã trao tặng tất cả cho con người. Qua việc đón nhận, ăn, uống, Chúa có thể đi vào trong tâm hồn, ở lại làm bạn và nuôi sống những người Ngài yêu thương. Biến mình trở nên của ăn, là chấp nhận bị nghiền nát, bị hoà vào trong tâm hồn và thể xác con người để chuyển trao cho họ chất dinh dưỡng là sức sống của chính Thiên Chúa.
Các môn đệ lúc đó chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc Chúa vừa làm, các ông còn đang chú tâm vào việc ăn uống và bàn xem, ai sẽ làm lớn. Chúa biết rõ các môn đệ của mình chưa siêu thoát khỏi lòng ham muốn quyền lực, địa vị. Các ông còn sân si với tiền bạc, danh lợi. Chúa biết rõ trong các ông có những kẻ không thật lòng với Chúa và không thực tâm theo Chúa. Dù thấy các môn đệ còn bất toàn như thế, Chúa vẫn thể hiện sự tín nhiệm hoàn toàn nơi các ông và hy vọng sau này các ông sẽ nhận ra và sẽ được biến đổi. Vì thế, Chúa đã trao cho các ông chức Linh mục khi truyền cho các môn đệ: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Quả thật, việc chọn và trao chức Linh mục cho các tông đồ không làm cho các ông nên thánh thiện hơn, cũng không làm thay đổi bản tính, cá tính của các ông. Vậy mà Chúa vẫn muốn dùng các ông và cả sự yếu đuối, bất toàn của các Linh mục này, để thực hiện quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Chúa muốn dùng những con người bất toàn này để họ phục vụ nhân danh Thiên Chúa, chứ không phải do khả năng tài đức của cá nhân họ.
Để cho các Linh mục đầu tiên này không tự mãn, tự cao về bản thân mình, Chúa Giêsu đã để lại cho các ông bài học cụ thể và sống động. Đó là bài học khiêm nhường và phục vụ, qua việc Chúa rời khỏi bàn ăn, cởi áo, thắt lưng, lấy nước vào chậu và tiến đến quỳ gối rửa chân cho các môn đệ trước sự kinh ngạc và phản ứng gay gắt của các ông. Từng cử chỉ được diễn ra rất chậm, để các tông đồ có thể chứng kiến từng chi tiết trong bài học này. Tác giả Tin Mừng sau một thời gian chiêm nghiệm và nhận ra rằng: Một vị Thầy, người là Chúa là Chủ mà đã rời khỏi vị trí, không chỉ là rời khỏi bàn ăn, mà là rời bỏ cả địa vị Thiên Chúa của mình. Ngài cởi bỏ chiếc áo choàng là vinh quang, danh dự của một vị Thiên Chúa để lấy khăn thắt lưng, mang thân phận của một kẻ nô lệ, bước đến với từng người, để rửa chân cho họ, lấy khăn thắt lưng mà lau. Rửa chân cho chủ là bổn phận của kẻ nô lệ. Vậy mà Chúa Giêsu là Chúa là Thầy mà Ngài lại làm công việc của một kẻ nô lệ, rửa chân cho học trò của mình. Điều này khiến cho các môn đệ không chỉ ngỡ ngàng, mà Simon Phêrô còn phản ứng quyết liệt: “Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Qua việc làm này, Chúa muốn các tông đồ phải thấm bài học này, đó là chấp nhận từ bỏ, khiêm nhường hạ mình, cúi xuống để phục vụ. Việc theo Chúa, việc được chọn làm tông đồ, làm Linh mục, không phải để các ông tự cao tự mãn, nhưng Chúa muốn các môn đệ dám tự hạ tự huỷ thân phận của mình. Chúa muốn các ông phục vụ một cách khiêm nhường, không tìm kiếm danh lợi, địa vị, bổng lộc theo kiểu người đời. Phục vụ như một kẻ nô lệ, tức là không có quyền đòi hỏi hay đặt bất cứ điều kiện nào. Chỉ khi dám tự hạ tự huỷ để phục vụ anh chị em cách vô điều kiện như thế thì mới có thể được chung phần với Thầy.
Trải qua hơn hai ngàn năm, bài học yêu thương đến trao ban mạng sống, cúi xuống phục vụ như một người đầy tớ vẫn đang được nhắc nhở và diễn ra hàng ngày qua Thánh lễ và qua đời sống của Giáo Hội. Trong Thánh lễ mỗi ngày, khung cảnh của bữa tiệc ly lại được tái hiện; việc biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa vẫn được diễn ra qua các thừa tác viên chức linh mục. Chúa vẫn thiết tha mời chúng ta hãy đến, hãy cầm lấy mà ăn. Đến với Thánh lễ và đón nhận Thánh Thể, chúng ta được tình yêu, sức sống và sự nâng đỡ từ chính Chúa Giêsu trao ban. Đến với Bàn tiệc Thánh Thể tất cả mỗi người đều được thông phần và được chia sẻ sứ mạng phục vụ như Chúa.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người, mọi linh mục đều thấm nhuần bài học yêu thương phục vụ của Chúa. Vẫn còn nhiều người từ chối, không muốn đón nhận tình yêu của Chúa. Nhiều người khác không dám hạ mình, khiêm nhường để phục vụ, trái lại còn tìm kiếm địa vị, danh vọng theo kiểu người đời.
Xin Chúa giúp chúng ta sống bầu khí thánh thiêng của phòng tiệc ly hôm nay và cũng biến gia đình mình trở thành một ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương, dành cho nhau sự hy sinh, phục vụ, cư xử với nhau bằng tấm lòng yêu thương, quảng đại như Chúa đã yêu thương, phục vụ và hy vọng nơi chúng ta. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*