Trái Tim Tôi Dành Trọn Cho Ca Đoàn
MAI NGUYÊN VŨ
Sinh năm 1937 tại Ninh Bình. Năm 1954 di cư vào Nam, định cư tại giáo xứ Phúc nhạc, Gia tân. Năm 1956 lập gia đình. 1963 đi lính. Cả ba đứa con bị đạn pháo kích giết chết. Năm năm sau mãn lính, về làm ruộng…Đó là “sơ yếu lý lịch” của bác GIO-AN BAO-TI-XI-TA VŨ NGHĨA, một người thật bằng xương bằng thịt, và những chi tiết trong cuộc đời bác là thật một trăm phần trăm, không hề có chút hư cấu nào như những nhân vật do trí tưởng tượng “nặn ra” trong các câu truyện văn học khác.
Nhưng nếu lý lịch bác chỉ có thế, cũng như trăm ngàn người khác, chắc chắn không có bài viết này. Cuộc đời bác có một điểm rất đặc biệt, đáng để những người làm công tác Thánh Nhạc suy gẫm. Tôi là người đồng hương với bác và có thời gian dài tập hát trong ca đoàn giáo xứ, nên biết khá rõ về bác. Bác có lòng đạo đức sâu xa, yêu mến thánh ca cách đặc biệt và thề dành trọn cuộc đời để phục vụ ca đoàn. Vào ca đoàn( ngoài Bắc ) năm 12 tuồi, vô Nam, bác tiếp tục đi hát lễ hằng ngày.( Thời đó hát toàn bằng tiếng La-tinh). Tính tới năm nghỉ hưu (1990 ),trừ 5 năm đi lính, bác phục vụ ca đoàn được 36 năm, trong đó có 28 năm làm trưởng đoàn và nhiều năm kiêm luôn ca trưởng. (Vì cầm sách hát quá lâu nên bác xướng âm rất cừ. Đưa bài mới là hát ngon lành).
Suốt mấy chục năm trời, không lễ nhất nào vắng mặt bác. Dù trời mưa bão hay bị cảm cúm, bác là người lên gác đàn sớm nhất và ra về muộn nhất. Ngày Tết, bác chơi lô-tô với con cháu, có khi thức cả đêm, nhưng nghe tiếng chuông đầu tiên là bác dẹp hết để đi lễ. Mọi người già trẻ lớn bé trong xứ không ai lạ gì giọng hát nam cao rất độc đáo của bác Nghĩa: cao vút và ngân xa như tiếng khèn người Hờ- mông.
Những buổi tập hát, bác lại là người đến sớm nhất và ra về muộn nhất. Hôm nào có đám ma, sau giờ tập hát, dù mưa hay ráo, bác dẫn quân đi viếng xác, 10- 11 giờ đêm mới về đến nhà.
Ngoài những việc thường ngày đơn điệu đó, bác còn phải ngày đêm trăn trở để đưa ca đoàn đi lên: tìm người tập hát, tìm bài hát, tìm ca viên mới ( vì ca viên vừa bập bẹ biết hát đã vội leo tót lên xe hoa, nhoẻn miệng chào “ bái bai” bác Nghĩa thân yêu), tìm ân nhân, sắm đàn địch, máy móc, tổ chức mừng lễ Bổn mạng…
Nắm đầu sáu bảy chục trai gái lầng nhầng, động viên chúng dậy đi lễ lúc 3g30, tối lại đi tập hát, là việc không phải ai cũng làm được. Cám ơn Chúa,những năm bác Nghĩa lãnh đạo cùng với ông phó Minh, ca đoàn đoàn kết yêu thương nhau và phục vụ lễ lạy rất tốt.
Đọc tới đây, chắc hẳn nhiều người tưởng gia đình bác giầu có hay rảnh rỗi lắm. Nghề làm rau, ai cũng biết: “ một nắng hai sương”, “ bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Vợ chồng bác phải làm việc cật lực quanh năm để nuôi chín miệng ăn. Cuộc sống bận rộn, vất vả như thế, bác còn dành thời gian để phục vụ giáo xứ là điều đáng quí biết bao!
Nhưng một biến cố xảy ra làm đảo lộn tất cả. Năm 1990, trong dịp “ cải tổ ca đoàn” đầy tai tiếng, ca đoàn Cêcilia bị giải tán, bác phải vể hưu non dù chẵng có tội gì. Bác đau khổ như người cha mất hết con cái. Bác tâm sự: nỗi đau này chẳng khác gì hồi chiến tranh mất hết cả ba đứa con. Ứơc nguyện suốt đời phục vụ ca đoàn tan thành mây khói. Ôm sổ sách đi bàn giao, bác khóc sướt mướt như ngày đưa ba đứa con thân yêu ra nghĩa địa ( theo lời kể của ông phó Minh). Dù bị xử đau như vậy, bác không hề bất mãn hay chống đối. Bác luôn cúi đầu xin vâng. Bác phục vụ ca đoàn vì lòng đạo đức, không vì hư danh hay theo sở thích riêng. Thời đó, chức trưởng ca đoàn còn thua cả quản giáo, không được vào “biên chế” chức sắc như bây giờ. Mãi sau này, cha quản nhiệm Phạm Khắc Liêm mới xin Đức Cha ban bằng chức sắc cho bác với thành tích: 28 năm làm trưởng ca đoàn giáo xứ.
Sau khi ca đoàn bị giải tán, bác vào rẫy ở suốt 10 năm để mong lũ mọt thời gian gặm bớt nỗi đau. Nhưng cứ đến dịp lễ thánh Cêcilia, bác lại khăn gói về nhà, tụ tập ca viên cũ để mừng lễ bổn mạng; cũng xin lễ, cũng ăn mừng, chỉ thiếu một điều là không được hát lễ như xưa…
Nhờ công gặm nhấm của đám mọt thời gian, nỗi đau của bác dần dần teo lại, nhưng than ôi, chính lũ mọt quái ác đó gặm luôn cả cơ thể bác. Bác bị ung thư, giải phẫu và nằm chịu bệnh hơn ba năm trời cách lạc quan, can đảm và rất đạo đức.Chúa gọi bác về ngày 24/ 9/ 2009 trong nỗi tiếc thương của toàn giáo xứ. Đích thân Cha xứ Nguyễn Việt Tiến dâng thánh lễ an táng và ghi nhận công lao to lớn bác cống hiến cho toàn giáo xứ. Các cựu ca viên đến chịu tang bác như con chịu tang cha. Nhiều giọt nước mắt nhỏ xuống khóc thương người suốt đời tận tụy với ca đoàn Cêcilia thân yêu.
Xin thành kính thắp một nén hương khấn nguyện cho linh hồn GIO-AN BAO-TI-XI-TA VŨ NGHĨA sớm được gia nhập ca đoàn Thiên Quốc, hát ca chúc tụng Chúa đời đời chẳng cùng . Amen.
Biên Hòa
11/ 9 / 2009
Nhận xét góp ý