Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Chín 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 8    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Ngày Ấy Mình Đi Tu (Tập 1)

Hồi ký
Mai Nguyên Vũ

Thuở nhỏ mình học trường nhà xứ. Suốt năm năm tiểu học, mình luôn đứng nhất, nhì lớp. Cuối năm lớp năm có một thầy mặc áo dòng đen vào lớp đọc thông báo:
_Em nào muốn đi tu dâng mình cho Chúa thì về xin bố mẹ rồi làm đơn.
Trưa hôm đó mình vào bếp xem mẹ nấu cơm, thủ thỉ với mẹ :
_ Mẹ ơi con đi tu nhá!
_ Hử? Đi tu hả con? Ừ được đấy. Bên ngoại nhà mình có một ông nàm cha. Ông khác nà em ruột ông ngoại nên tới chức Sáu, quần áo nễ, chén nễ sắm hết rồi, chuẩn bị chịu chức ninh mục. Sáng ra ông tập phi ngựa, bị ngã dập mặt xuống đất. Máu mũi chảy nhiều nắm. Người ta giã ná tre cho uống để cầm máu. Máu đông cục trong mũi không thở được rồi chết. Bà ngoại con nà bà dòng xuất. Anh cả con hồi bé vào ban giúp nễ, cũng đòi đi tu, khóc quá. Thầy không cho đi vì nà con cả, phải ở nhà nối dõi tông đường. Còn con đi tu được đấy.
Mình không học môn Di truyền học nhưng tin chắc rằng một số người có “gen đi tu”.Đây đó có những gia đình có hai, ba anh em làm linh mục, thêm mấy bà xơ nữa cho có nếp có tẻ. Có nhà cho con đi tu hết, chỉ để lại một anh làm giống. Cha Linh hướng Nguyễn Minh Nhật kể : ngoài Bắc có một gia đình, cha mẹ, con cái rặt tu xuất. Lúc ăn cơm hay giờ kinh tối, cả nhà đọc kinh bằng tiếng La-tinh, cứ như nhà dòng không bằng. Dòng họ nhà mình có cái gen đó, nhưng thiếu một nhiễm sắc thể nên ung hết. Mình đi tu được 17 năm, học hết chữ Giáo Hội rồi cuốn gói về. Đến đời cháu, có một đứa cháu gái cũng đòi đi tu, xin vào dòng Mến Thánh Gía tìm hiểu một thời gian rồi đi ra, nay tay xách nách mang đùm đề. Một cháu trai khác làm trưởng ban giúp lễ, cũng máu đi tu lắm, xin vào triều không được, tìm hiểu đủ mọi dòng, chắc cuối cùng cũng tu “dòng đời” thôi.
Ngoài cái gen di truyền trong người, một yếu tố bên ngoài khác kích thích mình đi tu là thần tượng. Thần tượng của mình là một chú chủng sinh học tại tiểu chủng viện Sài gòn, trên mình ba lớp. Chú học cùng lớp ông anh mình. Cứ tới kỳ nghỉ hè hay dịp tết, chú đi lễ, đi chầu. Chú thường ngồi trên gian cung thánh, có khi ngồi bên dưới như mọi người, nghiêm trang, sốt sắng lắm. Chú có nét đẹp mê hồn, nét đẹp của một Thiên Thần giáng thế. Toàn thân chú là một sự hài hòa cân đối. Nước da trắng mịn như da con gái . Khuôn mặt đầy đặn. Hai con mắt đẹp, hiền từ, thánh thiện. Nổi bật nhất là đôi môi, hơi dầy như môi gái đẹp thời nay, thời đó gọi là “môi thề lề”. Đặc biệt nhất là lúc nào nó cũng đỏ chót như bôi son. Chú ấy sau này làm linh mục, giám đốc đại chủng viện Xuân Lộc, rồi giám mục. Đó là giám mục Giu-se Nguyễn Năng, giám mục chính tòa Phát Diệm. Trong ngày đón Đức Cha về Phát Diệm, nhiều người trầm trồ:
_ Lạy Chúa tôi, Đức Cha đẹp quá!
Mình có một anh bạn đồng hương cũng tura từ chủng viện Xuân lộc, mình hỏi:
_Tại sao hồi xưa đi tu?
_ Thấy ông Năng đi tu đẹp quá là đòi đi thôi.
Trường hợp này gọi là: truyền giáo bằng sắc đẹp.
Nghe tin bạn học làm giám mục, ông anh mình kể :
_ Hồi di cư 1954, hai thằng mới đẻ được mấy tháng, ông bà gánh từ Bắc vào Nam, bây giờ làm lớn quá ta!
Năm 1966 giáo phận Xuân Lộc tách ra từ giáo phận Sài gòn. Năm 1968, tiểu chủng viện xây chưa xong nên bốn lớp đầu tiên học tạm tại chủng viện Phước Lâm (Phước Tỉnh, Bà rịa). Số thí sinh thi vào lớp mình khoảng 250, gồm các học sinh ưu tú từ các trường Công giáo thuộc bốn tỉnh thành : Long Khánh, Biên Hòa, Phước Tuy, Sài gòn. 250 chọn 70. Sau đó cứ mỗi năm lại cắt bớt từ dưới lên, xét theo học lực và hạnh kiểm. Cuối cùng, lớp mình hiện nay có 6 người làm linh mục.6/250, 6/70, tỉ lệ thật khắt khe. “Nhất quỉ nhì ma thứ ba tu xuất”. Nếu bảo tu xuất là xấu xa, là “ăn hại cơm nhà Đức Chúa Lời” là không hiểu gì hết. Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít. Có người tu được một tháng. Có anh một hai năm. Cũng có người học xong hết mới đi ra. Vậy cả lớp chỉ có 6 người tốt, còn 64 người kia là quỉ hết hay sao? Tất cả nằm trong bàn tay quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Cứ nhìn vào các giáo xứ, nhiều ông trương, trùm là dân “ta ru”. Ngay như mình đây, nếu không được đào tạo trong chủng viện, chắc gì đã viết được bản thánh ca nào. Các nhạc sĩ thánh ca tura nhiều vô kể : Hải Linh, Duy Tân, Nguyễn Khắc Tuần, Hùng Lân, Hoàng Phúc, Nguyên Kha, Ngọc Kôn, Hải Triều, Minh Tâm, Phanxicô, Thế Thông, Khương Huệ, Ân Duy, Miên Ly, Mai Nguyên Vũ…
Lớp mình có một anh rất đặc biệt, trong khi cả lớp phải trải qua ba ngày thi thật khắt khe thì anh ta chẳng phải thi gì cả, cứ ung dung xách va li vào chủng viện. Sự thể thế này :anh ta có ông anh học lớp đầu tiên tại chủng viện Phước Lâm. Chiều chiều, cả chủng viện ra bãi biển đá banh. Mỗi tuần có hai buổi “tắm buộc”. Trong lúc anh em hăng hái đá banh hay tắm biển, thì có một chú cứ đi dọc bãi biển tìm quả đạn M79 chưa nổ đem về xếp đầy va-li. Chiều hôm đó chú lượm được một quả. Chú lấy cục đá nện thử. Một tiếng nổ kinh hoàng. Thân thể chú văng vãi đầy bãi biển. Đức Cha Lê văn Ấn cách chức cha giám đốc và cho chú em vào thẳng chủng viện thay anh. Anh này tính tình lanh lẹ, hoạt bát. Ăn cơm xong, rửa chén bát quệch quạc rồi chạy đến đập bàn pinh pông, xí phần chơi trước mọi người. Vì thế anh ta có biệt danh Hiệp Láu. Hành khách đến sau cùng bằng vé vớt lại về tới bến đầu tiên. Anh là người đầu tiên chịu chức linh mục. Đó là linh mục Giuse Vũ Đức Hiệp, chính xứ Tân Mai.

(Còn tiếp)