Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

NẤM MỒ MỞ RA NIỀM HY VỌNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

THỨ BẢY TUẦN THÁNH 2023:
Từ xưa đến nay, dù là ở những quốc gia Phật giáo hay vô thần, những hình ảnh minh hoạ về cái chết, thường in hình những nấm mồ với cây thánh giá ở trên cao. Nấm mồ với cây thánh giá là hình ảnh quen thuộc và là hình ảnh đặc trưng của người Công giáo. Đối với những người không có niềm tin, nấm mồ chỉ là cái chết và cái chết quả là dấu chấm hết, nấm mồ sẽ là dấu hiệu của bế tắc, thất vọng. Đối với những người Công Giáo, cái chết và nấm mồ không phải là nơi chôn vùi tình cảm, những toan tính và vui buồn của kiếp người. Nhưng với cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, nấm mồ trở thành ngôi nhà tạm, là nơi thể hiện một niềm tin, niềm hy vọng chắc chắn vào sự sống lại của thân xác sau này. Nghĩa trang đất thánh là điểm hẹn chung của tất cả mọi người trong cộng đoàn để chờ đợi ngày được trỗi dậy từ cõi chết.
Niềm tin đó của người tín hữu được bắt nguồn từ đêm nay, khi Chúa Giêsu lật tung ngôi mộ để bước ra. Ngài đã lăn hòn đá tuyệt vọng, đau khổ, chết chóc qua một bên để bước vào một đời sống mới, sau khi được an táng ba ngày.
Các bài đọc trong phần canh thức và các bài đọc trong thánh lễ hôm nay, muốn nhấn mạnh đến quyền năng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ sự sống và sự chết. Ngài đã ra tay, đã chiến thắng ma quỷ và sự chết, đem lại cho những kẻ tin Ngài niềm vui, hy vọng và sự sống đời đời. Vào chiều ngày Sabát cũng là lúc bắt đầu ngày mới, ngày thứ nhất trong tuần theo cách tính của người Do Thái, bà Mácđala và một bà khác tên là Maria đi ra viếng mộ. Mục đích của các bà là đi thăm viếng xác của Thầy mình đã được chôn cách đó ba ngày. Điều đó có nghĩa là các bà chỉ làm theo thói quen, làm những gì có thể làm cho người chết. Tuy nhiên, khi ra đến mộ, các bà đã chứng kiến những dấu hiệu khác thường: “Trời đất rung chuyển, thiên thần từ trời ngự xuống lăn tảng đá ra rồi ngồi lên trên, diện mạo người như ánh chớp, y phục trắng như tuyết.” Với cách kể và những mô tả này, tác giả Tin Mừng cho thấy đây chính là một cuộc xuất hiện của Thiên Chúa. Cuộc hiện ra này giống như Chúa đã hiện ra với ông Môsê trong bụi gai cháy lửa ngày xưa, giống như hôm Chúa Giêsu biến hình sáng láng trên núi cao. Hôm nay, các phụ nữ đã nhìn thấy sự xuất hiện vinh quang của Thiên Chúa, Đấng từ trời mà xuống. Chính Ngài lăn hòn đá lấp cửa mộ qua một bên và ngồi trên nó. Có nghĩa là Ngài nắm quyền làm chủ trên sự sống, chiến thắng sự chết, và thống trị nó bằng việc ngồi trên nó.
Chính sứ thần của Thiên Chúa đã loan báo cho các phụ nữ tin vui Phục sinh: “Các bà đừng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Đấng chịu đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như lời Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm.” Ngôi mồ bị trống là một chứng lý quan trọng trong cuộc phục sinh của Chúa Giêsu. Sứ thần Thiên Chúa đã làm chứng về điều này và các phụ nữ cũng là một trong số những người được chứng kiến ngôi mộ trống, xác Chúa không còn ở đó nữa. Các phụ nữ là những người đã bước vào xem chỗ Đức Giêsu đã nằm, còn Ngài thì đã trỗi dậy và không còn ở đó nữa.
Tin vui phục sinh đã hoàn toàn biến đổi các phụ nữ. Nếu như trước đây các phụ nữ đến thăm mộ với tâm trạng đau buồn, thương nhớ, thì giờ đây, với Tin mừng Phục sinh, các bà không còn chán nản, thất vọng bên nấm mồ chết chóc như trước đây nữa, các bà tuy sợ hãi nhưng rất đỗi vui mừng chạy về báo tin cho các môn đệ. Những bước chân đi nặng nề thất vọng, nay được thay bằng bước chạy với niềm vui mừng.
Trên đường chạy về báo tin vui như thế, Chúa Phục Sinh đã hiện ra, đón gặp các bà. Các phụ nữ này đã tiến lại ôm chân bái lạy Người. Tin Mừng từng bước cho thấy sự tiến triển trong đức tin của các phụ nữ này. Các bà từ chán nản, thất vọng chuyển qua vui mừng và hy vọng. Giờ đây, khi gặp được Chúa Phục Sinh các bà sụp lạy Người. Thái độ sụp lạy là thái độ trước đây chưa hề xảy ra nơi các phụ nữ này. Chỉ sau khi chứng kiến vinh quang Thiên Chúa, đón nhận Tin mừng Phục sinh, được gặp chính Đấng Phục Sinh, các phụ nữ này tin Ngài là Thiên Chúa quyền năng. Vì thế các bà sụp lạy, thể hiện thái độ tôn thờ cung kính dành cho Thiên Chúa của Israel. Các bà tin Đấng Phục Sinh chính là Thiên Chúa.
Đấng Phục Sinh lại tiếp tục trao cho các bà sứ mạng: “Trở về báo tin cho anh em của Thầy đến Galilêa. Ở đó các ông sẽ được gặp Ngài.” Galilêa là điểm khởi đầu của sứ mạng rao giảng Nước Trời của Chúa Giêsu. Sau khi phục sinh, Galilêa là điểm kết thúc sứ mạng của Chúa Giêsu nơi trần gian. Tại Galilêa, nơi cộng đoàn các tông đồ đã được Chúa Giêsu thiết lập, các ông là những học trò bé nhỏ. Sau phục sinh, tại Galilêa, các môn đệ được gọi là: Anh em của Thầy. Các tông đồ sẽ bắt đầu cho một sứ vụ mới, một thời kỳ mới. Sứ vụ ra đi loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc, mở ra thời kỳ mới đó là thời kỳ hoạt động của Chúa Thánh Thần và Giáo Hội.
Niềm vui và hy vọng lớn nhất của những người Kitô hữu, đó là được tháp nhập vào Chúa Giêsu Phục sinh và đón nhận được sự sống thần linh của Chúa. Sự tháp nhập này sẽ đem lại niềm hy vọng chắc chắn chúng ta sẽ được phục sinh như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu. Đây là điểm giáo lý quan trọng được thánh Phaolô trình bày trong thư Rôma. Thánh Phaolô đã giải thích: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người… Bởi thế, như Người đã được sống lại từ cõi chết…, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới như vậy.”
Thưa quý OBACE, Đức Kitô đã bước ra khỏi mồ với một thân xác hoàn toàn được biến đổi và sống một đời sống mới, đem lại niềm vui và hy vọng cho chúng ta. Do đó, chúng ta tin vào Đấng Phục Sinh, được tháp nhập vào Ngài, chúng ta cũng phải để cho Ngài biến đổi ta nên những con người mới và phải sống, phải loan báo cho mọi người nhận biết niềm vui và niềm hy vọng này.
Chúng ta sẽ sống con người mới, con người của niềm vui và hy vọng, bằng quyết tâm từ bỏ quá khứ tội lỗi của mình, làm nhiều việc lành, việc tốt, việc hy sinh mỗi ngày. Đây là một đòi hỏi khó, nhưng nhờ sức mạnh trợ giúp của Chúa Phục Sinh, chúng ta cố gắng tập mỗi ngày. Mỗi ngày tập để kiềm chế sự nóng nảy, giận hờn, chửi bới; tập bỏ bớt những lời lẽ cục cằn, tục tĩu, bớt một ly rượu, một điếu thuốc; tập để nói với nhau những lời dễ nghe, tập để làm chủ bản thân… Cả cha và mẹ cố gắng thay đổi, làm mới lại nếp sống của mình và gia đình. Nhận ra những cái sai, cái bất ổn trong cách sống của mình và của gia đình để cùng nhau khắc phục, thay đổi. Đừng mãi nhìn vào cái lỗi của người khác để bắt bẻ, bắt bí nhau, nhưng cần nhìn nhau bằng cái nhìn trong sáng, tin tưởng, bao dung và hy vọng vào sự thay đổi của mỗi người.
Noi gương các phụ nữ trong Tin Mừng, các bạn trẻ được mời gọi sống tinh thần trẻ trung, năng động trong Giáo Hội, nơi giáo xứ. Các bạn đừng chôn vùi cuộc đời của mình trong công nghệ, trong internet và cả trong công việc. Vì nó có thể là cánh cửa mở ra với khoa học và thế giới, nhưng nó cũng là tảng đá chôn vùi các bạn trong ngôi mộ của cô đơn, ích kỷ và thất vọng. Đừng bao giờ biến những thứ của trần gian như: tiền bạc, địa vị, danh vọng thành tảng đá đè nặng và lấp kín đời mình, nhưng biết cậy nhờ sức mạnh và tình thương của Chúa để lăn những tảng đá đó ra và ngồi lên nó.
Các cô gái trẻ Mađalêna và Maria trong Tin Mừng hôm nay đã mạnh dạn vượt qua màn đêm và sự sợ hãi để tìm đến với Chúa. Chúa Phục Sinh đã tìm gặp họ để đáp lại thiện chí của họ và đã biến đổi họ thành chứng nhân của niềm vui Phục sinh. Chúa Phục sinh đã giúp các cô sống tuổi trẻ của mình thật ý nghĩa bằng việc trao cho các cô sứ mạng: Trở về báo tin cho anh em của Thầy. Các bạn trẻ sẽ được gặp Chúa Phục Sinh trong Thánh lễ mỗi ngày, trong Lời của Chúa và những lời giáo huấn của Giáo Hội. Chúng ta cũng sẽ trở về với gia đình, với công ty, với môi trường sống hằng ngày, để nói cho mọi người rằng: Chúa đã sống lại, Ngài cũng đang hẹn để gặp mỗi người. Đến với Thánh lễ, với Lời Chúa mỗi ngày, ta sẽ được gặp Chúa Phục Sinh tại đó. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*