Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Cái Kết Của Một Cuộc Tình

Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

THỨ SÁU TUẦN THÁNH 2023:
Trước đây đã từng có những vở kịch, bộ phim lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Thời xưa có vở kịch Romeo and Juliet; vào thập nhiên 70 – 80 vở kịch Lá Sầu Riêng khiến cho nhiều người vừa xem vừa khóc. Ngày nay một số bộ phim tình cảm của Hàn Quốc như phim: Anh em nhà Bác sĩ, Chuyện tình mùa đông… cũng lấy đi nhiều nước mắt của các khán giả trẻ. Khán giả chỉ xem một câu chuyện tình được kể trong vở kịch hoặc trên phim, không liên quan gì đến mình, vậy mà họ đã xúc động và khóc thương cho những mối tình cao đẹp và sự hy sinh của các nhân vật.
Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta được chiêm ngắm và cảm nhận cuộc tình của một người có tên là: Giêsu. Đây không phải là chuyện tình của một đôi nam nữ hay một hoàn cảnh éo le nào đó, nhưng là một cuộc tình vĩ đại của Thiên Chúa dành cho con người. Cái kết của cuộc tình này, nếu nhìn theo cái nhìn của con người, thì quả là cái kết bi thương. Nhưng nhìn với tính cách là những người trong cuộc, ta sẽ nhận thấy cái chết của Giêsu hôm nay, là một sự hy sinh cao cả, hy sinh đến độ chấp nhận cái chết vô cùng đau đớn, nhục nhã, chỉ vì muốn bảo vệ những kẻ Ngài yêu thương và muốn cho họ được sống hạnh phúc.
Các bài đọc hôm nay quả thật mang một bầu khí bi hùng chứ không bi lụy. Đấng mà chúng ta tôn vinh, tôn thờ là Chúa Giêsu, chỉ vì yêu mà chấp nhận trở nên trò cười cho thiên hạ, chấp nhận bị giày xéo, chà đạp. Bài đọc một, tiên tri Isaia đã mô tả cho chúng ta về sự vâng phục hoàn toàn của một người con đối với cha mình, qua hình ảnh Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, chấp nhận sự giày xéo, chà đạp chỉ vì một lòng yêu mến và vâng phục mà thôi. Trong mắt người đời, Người Tôi Tớ này dường như bị Thiên Chúa của mình bỏ rơi trong đau khổ. Tuy nhiên, trong lúc đau khổ tột cùng ấy, Người Tôi Tớ này vẫn nhận ra sự bảo vệ của Thiên Chúa dành cho mình, cho dù bị người đời hành hạ đến độ không còn diện mạo của một con người nữa. Qua lời của vị tiên tri cho thấy, đằng sau cuộc đau khổ này là bàn tay, tình yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa vẫn ở với Kẻ Ngài đã chọn. Không những thế, Thiên Chúa còn khôn ngoan kỳ diệu khi biểu lộ quyền năng của Ngài qua chính Người Tôi Tớ đau khổ này: “Muôn dân sẽ phải sững sờ kinh ngạc, vua chúa trần gian sẽ phải câm miệng vì sẽ được thấy điều chưa nghe ai nói bao giờ.” Tiên tri Isaia cũng cho thấy: Tất cả đau khổ mà Người Tôi Tớ của Thiên Chúa phải gánh chịu, không phải vì lỗi của Ngài, nhưng là vì chúng ta: Vì chúng ta, người bị khinh khi nhục mạ, mang lấy bệnh tật, đau khổ và mang lấy cả hình phạt của chúng ta. Vì ý thức được điều này, nên Người Tôi Tớ của Thiên Chúa đã chấp nhận trở nên như một con chiên bị đem đi làm thịt, không một lời kêu ca hay phản kháng, nhưng một lòng nhẫn nhục chịu đựng và chấp nhận bị nghiền nát, bị giết chết để trở nên của lễ đền tội cho chúng ta.
Người Tôi Tớ mà tiên tri Isaia đã mô tả, chính là Đức Giêsu. Vì yêu mến và hết lòng thảo hiếu dành cho Chúa Cha, Đức Giêsu đã sẵn sàng đón nhận cuộc đau khổ thập giá, mà có lúc Ngài đã sợ hãi đến đổ mồ hôi máu. Bài thương khó chúng ta vừa nghe là đoạn kết của một câu chuyện tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Khi yêu thì dám chấp nhận tất cả vui buồn sướng khổ vì người mình yêu. Cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu mà chúng ta đang cử hành, cũng nằm trong cái lý lẽ đó. Nếu không phải vì yêu, thì cái chết của Chúa Giêsu cũng chỉ là vô nghĩa, là bi thảm. Nhưng không phải như thế, hôm nay Hội Thánh không cử hành tang lễ của Chúa Giêsu, nhưng qua việc cử hành cuộc đau khổ và tử nạn của Chúa Giêsu, Hội Thánh tôn vinh Tình yêu Cứu độ mà Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Điều gây đau đớn, tổn thương ghê gớm cho người mình yêu thương đó là sự phản bội. Vậy mà, Chúa Giêsu đã bị những kẻ Ngài hết mực yêu thương phản bội cách đau đớn, nhục nhã. Giuđa là một trong mươi hai người thân tín nhất, được yêu thương, được tin tưởng trao cho việc giữ tiền của cả nhóm, được nằm kề bên Chúa trong bữa tiệc Vượt Qua, vậy mà hắn lại là kẻ phản bội. Giuđa phản bội vì dường như suốt thời gian đi theo Thầy, sống trong tình yêu, mà lại không cảm nhận được tình yêu. Anh đi theo Chúa, nhưng lại muốn tìm kiếm những điều không phải là Chúa. Anh muốn kiếm một ít tiền cho riêng mình bằng cách thoả thuận một cuộc mua bán, mưu phản. Anh muốn ép Thầy đi vào đường cùng để Thầy có thể đáp ứng cho tham vọng của anh. Cuối cùng, anh đã bỏ Thầy và anh em để một mình bước vào trong bóng tối của mưu ma chước quỷ. Anh công khai dẫn người đến để bắt Thầy mình và còn dùng cái hôn giả dối làm dấu hiệu cho kẻ ác ra tay bắt Thầy.
Một môn đệ khác là Phêrô, được tin tưởng hơn, được trao cho nhiệm vụ đứng đầu trong anh em, cũng đã trở thành kẻ phản bội lại Đấng mà anh đã thề là yêu hơn mọi anh em. Nếu Giuđa là kẻ ham tiền, ham danh lợi mà trở thành kẻ phản bội, thì Phêrô lại sợ hãi, hèn nhát, ham sống sợ chết đến độ chối bỏ mọi liên quan đến Thầy mình trước mặt một đứa đầy tớ gái. Anh chối Thầy không phải một lần, mà tới ba lần. Cùng tình trạng với Phêrô, các tông đồ khác khi thấy nguy hiểm xảy đến cho Thầy, họ đã mạnh ai nấy chạy, không một ai đứng ra bênh vực hoặc ở bên Thầy.
Các thượng tế và luật sỹ là những kẻ chủ mưu trong vụ án này. Họ đã để cho cái ác, sự căm thù thắng thế và điều khiển con người của họ. Những người lãnh đạo này, không muốn Đức Giêsu có ảnh hưởng trên dân chúng, không muốn để người khác yêu mến Ngài hơn yêu mến họ. Vì thế, những thượng tế đã kéo dân chúng về phe mình và mượn đám dân chúng để đưa đến việc loại trừ Đức Giêsu. Ngay tại dinh Caipha, người ta đã lên án tử cho Chúa Giêsu khi tuyến bố: “Hắn phải chết.” Vì thế, họ không tiếc lời phỉ nhổ, hành hạ, làm nhục Đức Giêsu. Trước dinh thượng tế, họ để cho những đứa đầy tớ, những tên thuộc hạ ra sức nhạo báng, hành hạ cả thể xác và tinh thần Chúa Giêsu, biến Chúa Giêsu trở thành kẻ tội đồ đáng ghét trước mặt mọi người. Các thượng tế và biệt phái đã mượn tay của Philatô để giết Chúa Giêsu. Tại dinh Philatô, các thượng tế đã vu cáo Chúa Giêsu từ một người Thầy được nhiều người yêu mến, kính trọng tin theo thành một kẻ phản loạn, một tội phạm nguy hiểm. Họ đã xuyên tạc, bóp méo tình yêu của Chúa Giêsu để biến Ngài thành kẻ tội phạm nguy hiểm. Đám đông dân chúng bị xúi giục để hoàn toàn từ chối Giêsu mà đón nhận quyền bính của hoàng đế Cêsarê, loại trừ Giêsu và cứu sống tên trộm cướp giết người còn nguy hiểm hơn là Baraba.
Một khi tình yêu đã không còn ở trong con người, sẽ biến kẻ đó thành dã thú. Quả đúng như thế, tại dinh Philatô, Chúa Giêsu đã bị lột trần, bị đánh đòn công khai trước mặt mọi người, bị đóng vòng gai lên đầu và bị hành hạ, như người ta hành hạ một kẻ nô lệ, một con vật. Cuối cùng, những thượng tế và luật sĩ cũng đã đạt được ý đồ gian ác của họ khi ép bằng được Philatô ra bản án tử hình thập giá cho Chúa Giêsu. Trên chặng đường thập giá này, tất cả mọi người, từ quân lính đến dân chúng và thượng tế mặc sức đánh đập, hành hạ Chúa Giêsu, đến độ nó sợ Ngài chết dọc đường. Cuối cùng, chúng thoả mãn vì đã treo được Giêsu lên cây thập giá.
Thưa quý OBACE, bước theo cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu hôm nay, người ta có cảm giác như Thiên Chúa chịu bó tay, bất lực trước sự ác của con người. Nhưng không phải như thế, Thiên Chúa không chịu thua, Ngài không để cho sự ác thắng thế, Ngài đã làm cho tình yêu nở hoa ngay trên cây thập giá. Thiên Chúa đã làm cho tình yêu chiến thắng sự ác, sự sống chiến thắng sự chết, tha thứ chiến thắng hận thù, sự trung thành đến cùng chiến thắng sự phản bội.
Cái kết của cuộc tình Giêsu không phải là dấu chấm hết, cũng không phải là nấm mồ tuyệt vọng, nhưng là tha thứ và hy vọng. Thiên Chúa đã vì sự hy sinh khổ nạn thập giá của Chúa Giêsu, vì tình yêu vĩ đại của Ngài dành cho con người, mà tha thứ tội lỗi cho nhân loại. Thiên Chúa lại còn biến sự độc ác của con người trở nên cơ hội ban ơn cứu độ cho nhân loại qua việc làm cho Chúa Giêsu chỗi dậy từ cõi chết, mở ra một tương lai hy vọng, ban sự sống mới cho nhân loại.
Nhưng để đón nhận được hoa trái từ cuộc khổ nạn và cây thập giá, mỗi người không thể để mình là những kẻ qua đường xa lạ, nhưng biến mình thành những người trong cuộc, là những người đuợc Chúa yêu thương cứu chuộc bằng tình yêu và giá máu của Chúa; đón Chúa vào cuộc đời, cùng sống với Chúa và cùng bước theo Chúa trên hành trình thập giá để cùng được chia sẻ vinh quang phục sinh với Người. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*