Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THIÊN CHÚA CHẠM ĐẾN CON NGƯỜI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT VI TN B:

Ai có dịp đến thăm các trại phong, được tiếp xúc với bệnh nhân nặng sẽ có một cảm giác nhờn nhợn. Mặc dù đã được các nhân viên y tế giải thích về căn bệnh này và được hướng dẫn về việc giữ sự an toàn, nhưng khi tiếp xúc với họ vẫn có cảm giác sợ. Sợ vì cái mùi tanh của căn bệnh, sợ vì sự lây lan của nó. Ngày nay trên thế giới hầu như đã ngăn chặn được bệnh phong, bệnh này chỉ còn ở nơi những quốc gia kém hoặc đang phát triển như Việt Nam và một số nước khác. Tại Việt Nam có một số trại phong lớn được biết đến như Bến Sắn, Di Linh, các nơi này trước đây được thành hình là nhờ các nhà truyền giáo, các linh mục, tu sĩ đã hy sinh cả cuộc đời để chia sẻ nỗi đau của các bệnh nhân phong.
Vì là căn bệnh ngày xưa không có thuốc chữa, lại lây lan nhanh chóng, nên các bệnh nhân thường bị cách ly khỏi cộng đồng, sống trong sự khinh miệt, loại trừ của người thân ruột thịt. Đức Cha Jean Cassaigne khi còn làm giám mục Sài Gòn, đã đi thăm anh em dân tộc thiểu số vùng Di Linh. Ngài thấy có những người bị mắc bệnh phong, bị gia đình đem bỏ vào rừng, sống một mình trong những túp lều, thiếu cái ăn và thiếu vệ sinh, nên căn bệnh càng kinh khủng. Đức cha đã quy tụ họ lại để nuôi và chăm sóc vết thương cho các bệnh nhân này. Từ đó hình thành nên Trại Phong Di Linh ngày nay. Đức Cha đã xin Toà Thánh từ nhiệm vài trò làm Giám mục Sài Gòn để lên Di Linh sống chung với người bệnh phong, săn sóc và giúp đỡ họ. Cuối cùng, Ngài cũng bị lây bệnh và chết tại đây. Thi hài ngài được an táng ngay trại phong, chung với các anh chị em bệnh phong.
Dựa vào thực tế từ trại phong, chúng ta hiểu được sự nghiêm khắc đến tàn ác của luật Do Thái ngày xưa, quy định cách ứng xử với những người mắc bệnh phong. Với quy định của luật này và cái nhìn của người Do Thái: người bị mắc bệnh bị coi là người tội lỗi và là tội nặng. Người bệnh phải cách ly khỏi cộng đồng và còn bị cách ly khỏi đền thờ cùng các sinh hoạt đạo đức vì bị coi là ô uế. Họ bị đối xử cách kỳ thị và bị xúc phạm phẩm giá cách trầm trọng: Phải mặc áo rách, xoã tóc, che râu và kêu lên “ô uế” khi có người đến gần để cảnh báo. Như thế có nghĩa là người mắc bệnh phong bị xúc phạm về phẩm giá, bị cộng đồng xã hội, tôn giáo loại trừ dứt khoát. Họ trở thành những người vô cùng đau khổ: thân xác bị gặp nhấm đau đớn bởi vi trùng, tinh thần; tình cảm bị tổn thương, sống trong cô độc lẻ loi và “dường như” xem ra bị cả Thiên Chúa loại trừ.
Thực ra, chỉ có con người mới kỳ thị loại trừ nhau, còn Thiên Chúa không bao giờ chê bỏ con người. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã giang rộng vòng tay để đón nhận, để ôm vào lòng tất cả những con người, đặc biệt những người đau khổ, những tâm hồn bị tổn thương. Thiên Chúa đến là để yêu thương, đón nhận, chữa lành và trả lại cho con người phẩm giá của họ, đồng thời trả lại cho những kẻ thấp hèn địa vị làm con Thiên Chúa. Đó là điều mà các Sách Tin Mừng muốn minh chứng cho chúng ta qua câu chuyện Chúa chữa người bệnh phong.
Có một người bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh quỳ xuống van xin: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch. Người bệnh phong này đã vượt qua hàng rào lề luật buộc phải tránh xa mọi người, để đến gặp Đức Giêsu. Điều này chứng tỏ anh tin Đức Giêsu là Đấng không sợ, không thể bị ô uế khi anh đến gần và anh đã quỳ xuống van xin Chúa. Thái độ quỳ gối van xin là thái độ đặt hoàn toàn sự tin tưởng, hy vọng vào Đấng đang ở trước mặt anh. Anh tin rằng chỉ có vị Thầy Giêsu mới không xa tránh anh, chỉ Ngài mới có thể cứu chữa cho anh. Mặc dù người bệnh nào cũng mong muốn được khỏi bệnh, nhưng người bị phong này, khi cầu xin với Đức Giêsu, anh không dám xin theo ý riêng mình, nhưng anh xin theo ý của Chúa muốn: Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.
Thấy lòng tin và sự khiêm nhường của người bệnh phong, Đức Giêsu chạnh lòng thương đưa tay chạm vào anh và bảo: Tôi muốn, anh hãy được sạch. Lập tức bệnh phong biến mất, anh được sạch. Với quyền năng của Thiên Chúa, Đức Giêsu không cần phải chạm đến anh, Ngài chỉ cần tuyên bố một lời, anh sẽ được sạch. Nhưng Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu không ngại, không sợ, Ngài đưa tay ra chạm đến một người bệnh phong lở loét. Cái chạm tay này cho thấy, Đức Giêsu là một vị Thiên Chúa làm người, Ngài muốn yêu thương nhân loại bằng quyền năng của Thiên Chúa thể hiện qua cách thức của con người. Cái chạm này là cái chạm để chữa lành: Trong khi mọi người loại trừ anh, thì có Đức Giêsu là Thiên Chúa đã đến với anh; trong lúc mọi người xa lánh anh, thì có Đức Giêsu đến, chạm vào anh để chữa lành bệnh phong thể xác, và còn chạm vào cả trái tim anh để chữa lành những tổn thương trong tâm hồn.
Sau khi chữa lành thể xác và tâm hồn cho người bệnh, Đức Giêsu muốn giúp anh trở lại với cộng đồng, hoà nhập lại với các sinh hoạt tôn giáo tại đền thờ qua việc thực hiện các quy định của lề luật. Ngài ra lệnh cho anh: Hãy đi trình diện tư tế và dâng những lễ vật như Môsê đã truyền để cho mọi người biết anh đã khỏi bệnh. Trở lại với đền thờ và tham dự các lễ nghi tôn giáo là cách thể hiện lòng biết ơn Thiên Chúa hơn là làm những việc khác. Qua việc Chúa Giêsu chữa lành cho người bệnh phong, Ngài giải thoát cho anh khỏi đau khổ bởi căn bệnh, khỏi sự nghi kỵ loại trừ của cộng đồng và đưa anh trở lại với việc đạo đức.
Vừa đi khỏi thì anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy cho mọi người. Từ việc nhận ra ơn chữa lành của Chúa, được Thiên Chúa chạm đến thể xác và tâm hồn, được mời trở lại với cộng đồng và với việc đạo đức, người bệnh phong này nay đã trở nên con người mới. Anh không còn phải là con người rách rưới bởi đau khổ, tội lỗi nữa, anh đã được trả lại phẩm giá, trả lại tự do và đã trở thành người loan truyền về quyền năng và tình thương của Chúa cho mọi người.
Thưa quý OBACE, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã bước đến, chạm vào thân phận khốn cùng của con người để tha thứ, chữa lành, cảm thông và để nâng con người trỗi dậy sống đúng với phẩm giá là con người và là con của Thiên Chúa. Chỉ có con người mới loại trừ nhau, còn Thiên Chúa luôn đón nhận và yêu thương. Cho dù chúng ta đang ở tình trạng nào, miễn là có lòng tin tưởng chạy đến với Chúa, khiêm nhường quỳ gối và xin Chúa làm cho ta nên sạch. Thiên Chúa sẽ chạm đến tâm hồn ta để tha thứ, chữa lành và trợ giúp để ta sống như những con người mới.
Qua Bí tích Giải tội, Thiên Chúa đang chạm vào tâm hồn ta. Nơi đó, chúng ta đón nhận được sự cảm thông, sự nâng đỡ, chữa lành và tha thứ qua lời của thừa tác viên Giáo Hội: Vậy cha tha tội cho con. Đón nhận sự tha thứ và chữa lành, được Thiên Chúa chạm đến, ta được mời gọi trở lại với việc đạo đức mỗi ngày. Chúng ta tôn vinh và tạ ơn Thiên Chúa qua việc cùng với cộng đoàn Giáo Hội dâng thánh lễ và rước lễ, đồng thời can đảm và nhiệt thành để loan truyền quyền năng và tinh thương của Chúa cho anh chị em.
Trong đời sống hằng ngày, cái chạm tay tưởng như đơn giản, nhưng thật ra nó đã biến mất trong nhiều gia đình. Nhiều người đã mất đi cái chạm tay này, khi người ta trở nên dửng dưng với nhau. Trong gia đình, mỗi người chỉ nghĩ đến bản thân, khiến cho các thành viên ngày càng xa cách nhau, không còn những sự quan tâm, những việc làm nho nhỏ dành cho nhau. Nhiều khi con cái chỉ mong một cái chạm tay của cha mẹ, xoa đầu vỗ về, ôm con vào lòng; các cha mẹ nhiều khi chỉ mong cái chạm tay của con cháu qua lời hỏi thăm, đấm lưng xoa dầu; vợ chồng mong đợi cái chạm tay của nhau, truyền cho nhau cảm giác ấm áp, quan tâm. Những cái chạm tay tuy nhỏ nhặt đơn giản ấy nhưng có thể làm cho gia đình thêm ấm cúng, các thành viên thêm gần gũi yêu thương.
Xin Chúa cho chúng ta biết khiêm nhường đến với Chúa, để cho Chúa chạm tay trên cuộc đời của mình. Xin Chúa chữa lành những tổn thương trong tâm hồn do tội lỗi và do người khác gây ra, cho ta luôn cảm nhận và tin vào tình yêu thương và quyền năng của Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*