Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHÚA NHẬT V PS : CÀNH GẮN LIỀN VỚI CÂY

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Kể từ khi khoa công nghệ sinh học phát triển, người ta đã lai tạo được nhiều loại trái cây và hoa quả có năng xuất và chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu con người. Đến một lúc nào đó, các giống cây, giống lúa kém chất lượng và kém sản lượng sẽ bị loại bỏ.

Hôm nay, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của người trồng nho và cây nho để nói lên tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng như nói đến sự gắn bó không thể thiếu của con người với Thiên Chúa. Đây là hình ảnh hết sức thực tế và gần gũi : Thầy là cây nho và Cha Thầy là người trồng nho. Thiên Chúa Cha đã trồng cây nho là Chúa Giêsu vào mảnh đất thế gian này. Để như cây nho phải ăn rễ sâu trong lòng đất, chuyển hóa những dưỡng chất trong đất để biến thành trái nho thơm ngọt thế nào, thì Chúa Giêsu cũng thực sự gắn liền và gắn chặn với con người và với thế giới này như vậy. Ngài không đứng bên ngoài nhưng Ngài thực sự mang lấy tất cả những chua cay, ngọt bùi trong kiếp người, chấp nhận cái chết để làm trổ sinh hoa trái sự sống và ơn cứu độ cho nhân loại.

Tuy nhiên, để đón nhận được sự sống mới và ơn cứu độ từ cái chết và sự phục sinh của Chúa, chúng ta phải gắn liền với Chúa Giêsu như cành gắn liền với cây. Trong kỹ thuật ghép cây, gắn liền tức là phải nhận được nhựa sống từ thân cây thông chuyển đến và phải liền da liền mạch và phát triển khỏe mạnh. Cũng vậy, chúng ta được mời gọi phải gắn liền cách chặt chẽ với Chúa Giêsu, tức là đón nhận sự sống thần linh từ Chúa Giêsu và gắn bó không rời khỏi thân cây là Chúa Giêsu. Tuy nhiên, có những cành gắn liền với cây nhưng lại  không sinh trái thì cũng không ích gì và sẽ bị cắt bỏ. Cành không sinh hoa trái là do không đón nhận được nhựa sống đầy đủ, tức là để mình sống trong tình trạng èo uột. Đó là tình trạng của những người tuy còn mang danh là Kitô hữu nhưng sống đạo hời hợt. Họ không cầu nguyện, không lãnh nhận bí tích, thì sẽ không thể sinh hoa trái tốt lành. Bí tích Thánh Thể là nhựa sống từ cây nho Giêsu được thông chuyển cho những người gắn bó với Người. Vì thế, những ai để cho Bí tích Giải tội và Thánh Thể nuôi dưỡng thì mới có thể sinh hoa kết trái trong đời sống Kitô hữu được.

Chúa Giêsu cho thấy : Nếu đón nhận sức sống từ thân cây nho là Chúa Giêsu thì sẽ giúp trổ sinh hoa trái. Việc tỉa cành tỉa lá sẽ làm cho cành sinh nhiều hoa trái hơn. Muốn có một cây cảnh đẹp, cần phải được uốn và cắt tỉa, muốn cho cây nhiều trái, cũng phải làm như vậy. Con người tự nhiên, cũng như một cây, nếu không được chăm sóc thường xuyên thì tự nó sẽ ra những nhánh thừa, nhánh phụ hoặc quá nhiều lá vô ích. Đời sống người Kitô hữu nếu không được cắt tỉa thường xuyên thì những thói hư tật xấu, những lối sống theo bản năng hoặc theo xu hướng của xã hội sẽ lấn át và làm cho cuộc sống trở nên yếu đuối, bị chi phối bởi những điều tùy phụ mà sao lãng bổn phận chính yếu là trổ sinh hoa thơm trái ngọt.

Nhiều cành rậm lá không chỉ ảnh hưởng đến việc sinh hoa trái của chính bản thân, mà còn cản trở việc sinh hoa trái của anh chị em khác. Điều đó, chúng ta có thể thấy nơi câu chuyện của bài đọc một. Cộng đoàn Giêsrusalem bấy giờ đã lớn mạnh, họ tự hào mình là những người đón nhận đức tin trực tiếp từ các tông đồ và nghi ngờ những người khác. Ông Phaolô lúc đó đã trở lại tin theo Chúa, đã cùng ông Baraba đi rao giảng về Chúa Giêsu và đã chia sẻ kinh nghiệm được tháp nhập vào cây nho là Chúa Giêsu cho mọi người. Từ một cây nho hoang dại, sống theo sự nhiệt thành của lề luật cũ, ông Phaolô bắt bớ và làm hại những người tin vào Chúa Giêsu. Đang lúc ông hăng say nhiệt thành với công việc đó, chính Chúa Giêsu đã cắt ông khỏi gốc nho hoang dại và tháp nhập ông vào thân nho Giêsu. Phaolô đã trở nên một con người gắn liền với Chúa Giêsu, đã mau chóng đón nhận được sức sống từ Chúa Giêsu thông ban. Phaolô đã làm trổ sinh hoa trái trong cuộc đời ông qua việc miệt mài với công việc loan báo về Chúa Kitô, đã thành lập nên nhiều giáo đoàn như hoa trái của hành trình tông đồ.

Phaolô không chỉ gắn bó với thân nho là Chúa Giêsu mà ông còn hết lòng gắn bó với các tông đồ, tức là Giáo hội. Tuy nhiên, cộng đoàn Giêrusalem vì nghi kỵ đã nhất định từ chối Phaolô, họ không tin lời Phaolô rao giảng. Chỉ khi Banaba đứng ra bảo lãnh và giới thiệu Phaolô trước mặt các tông đồ, ông mới được đón nhận như một thành viên của Giáo hội, như một cành nho mới được tháp nhập vào thân nho. Từ đó, Phaolô tiếp tục dùng hết khả năng và lòng nhiệt thành để làm trổ sinh hoa trái qua việc nhiệt thành rao giảng về Chúa Giêsu.

Cành lá dư thừa cần được cắt tỉa. Thiên Chúa là người trồng nho, Ngài sẽ cắt tỉa chúng ta bằng Lời của Ngài. Siêng năng đọc và gẫm suy Lời Chúa sẽ cho chúng ta nhận ra những lối sống sai lạc, là những cành lá dư thừa vô ích. Đồng thời, chúng ta cần can đảm để cho Lời Chúa như dao sắc bén cắt tỉa chúng ta. Ngài sẽ cắt chúng ta khỏi những lối sống dễ dãi của xã hội, Ngài sẽ tỉa chúng ta khỏi những lôi cuốn của dục vọng xác thịt. Thiên Chúa là người trồng nho sẽ dùng Lời để uốn nắn lại đời sống của mỗi người cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.

Chúng ta sẽ phải chịu cắt tỉa những gì ? Cắt tỉa là từ bỏ khỏi mình những thói hư tật xấu cản trở chúng ta theo Chúa, là từ bỏ những nếp suy nghĩ và lối sống cũ để dám bắt đầu lối sống mới, suy nghĩ mới. Nhiều người cho rằng, con người ngày nay bị rơi vào lối sống vội, sống thực dụng, đua đòi tiêu xài. Nhiều Kitô hữu chỉ còn gắn với Chúa Kitô một cách hời hợt như cây tầm gửi có hại. Họ để mình bị gắn chặt vào những khuynh hướng xấu, vào của cải vật chất, vào những lối sống sai lạc của xã hội hơn là với Chúa. Vì thế, họ đánh giá nhau bởi những cái họ có (to have) hơn là chính bản thân họ là (to be). Họ biến những đồ dùng và của cải vật chất thành điểm tựa cho cuộc đời thay vì phải hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa. Chúng ta cần mạnh dạn cắt tỉa những cành nhánh vô ích đó để có thể tập trung nhựa sống từ thân cây Giêsu để nuôi dưỡng và làm phong phú đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Chúng ta sẽ phải trổ sinh những hoa trái nào ? Chắc chắn không có hoa trái nào ngọt ngào bằng hoa trái tình yêu. Vì thế, gắn liền với thân cây Giêsu, đón nhận nhựa sống tình yêu từ Giêsu, chúng ta không thể để mình ra những trái chua, trái dại, nhưng phải sinh hoa thơm quả ngọt cho cuộc sống, cho cuộc đời.

Thánh Gioan đã nhắn nhủ : Chúng ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Trong xã hội duy vật và thực dụng ngày nay, nhiều người đã để tình yêu của mình bị xuống cấp, bị thoái hóa. Nhiều người đã biến tình yêu thành thực dụng để tìm kiếm vật chất mà không có sự chân thành ; hành động yêu thương bị tính toán thiệt hơn, bị cân đong đo đếm. Nơi nhiều người trẻ, tình yêu bị biến thành tình dục, yêu thương chỉ còn là thỏa mãn. Thế nên, nhiều người đã lao vào cuộc sống buông thả, dễ dãi trong tình dục mà cứ nghĩ rằng đó là tình yêu.

Về mặt xã hội, nhiều người bị ảnh hưởng quan điểm của Maxz : “hạnh phúc là đấu tranh”, vì thế, con người không sinh được hoa tình yêu, trái hạnh phúc mà chỉ còn là những kèn cựa, tranh giành nhỏ nhen. Chúng ta có thể thấy tình trạng đạo đức xã hội ngày nay xuống cấp, tội ác ngày càng dã man, những gương sống yêu thương dường như quá ít, trái lại, sự ác và gian dối lan tràn. Lý do là vì họ gắn với cây độc, hút nhựa độc, nên chỉ có thể sinh ra trái độc và nguy hiểm mà thôi.

Chúng ta chỉ có thể sinh hoa trái yêu thương khi chúng ta gắn chặt vào thân cây Giêsu, lấy nhựa sống từ Lời của Chúa và Bí Tích Thánh Thể là nhựa ngọt ngào, là dưỡng chất tình yêu nuôi sống cuộc đời và làm cho chúng ta trổ sinh trái ngọt hạnh phúc. Đức Maria là mẫu gương được tháp nhập, đã gắn liền với Thiên Chúa và sinh hoa trái. Xin Chúa qua sự bầu cử của Đức Mẹ, gìn giữ chúng ta trong tình yêu của Ngài. Xin Chúa cắt tỉa chúng ta bằng Lời của Chúa để chúng ta luôn mãi được nuôi dưỡng bằng tình yêu và trổ sinh hoa trái yêu thương cho mọi người hôm nay. Amen.


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*