Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

HIỆP HÀNH TRONG ĐỨC TIN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH A:
Chúng ta vẫn nghe nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau.” Đây cũng là cách để diễn tả Tinh thần Hiệp hành. Có lẽ những năm vừa qua, chúng ta nghe nói nhiều về từ Hiệp hành. Hiệp hành là một từ khá mới để diễn tả một nếp sống đã có từ lâu trong Giáo Hội. Hiệp hành, hiểu theo nghĩa chữ có nghĩa là: Đi cùng nhau. Giáo Hội của Chúa Kitô là một cộng đoàn, là đoàn lữ hành dưới quyền thủ lãnh là Chúa Kitô, được trao cho Phêrô và các Đấng kế vị, để cùng nhau tiến về Nước Trời. Chúng ta sẽ không vào Nước Trời một mình, nhưng chúng ta có bổn phận và trách nhiệm cùng với và giúp các anh chị em khác tiến về Quê Trời.
Sống trong cộng đoàn Giáo Hội, nhưng dường như nhiều người vẫn không muốn cùng tiến bước với người khác, mà muốn đi một mình. Vì thế họ tách mình ra khỏi đoàn lữ hành để sống và bước đi riêng rẽ. Một khi tách mình ra khỏi con đường của Tin Mừng, sẽ không thể tiến xa và không thể đến đích được.
Hôm nay Tin Mừng Chúa Nhật III Phục sinh cho chúng ta hiểu rõ hơn về sự hiệp hành. Sự hiệp hành hôm nay Lời Chúa nói tới, là sự hiệp hành trong đức tin, dẫn đến việc nhận ra Chúa Phục Sinh. Hai môn đệ trên đường Emmaus là đại diện cho con người thời nay. Họ đang trăn trở về đức tin của mình vào Đức Giêsu. Họ bị hoang mang, dao động, thất vọng bởi cái chết của Ngài và càng bối rối khó hiểu hơn nữa khi nghe mấy người trong Nhóm Mười hai nói rằng: Chúa đã sống lại và họ đã gặp Ngài. Sau một thời gian đi theo Chúa, nuôi nhiều ước mơ hoài bão, thì giờ đây hai môn đệ này rơi vào thất vọng và muốn quay trở về quê cũ, sống với nghề nghiệp cũ của mình. Họ bước trên một hành trình nặng trĩu lo âu, chán nản trong tâm hồn vì tương lai mờ mịt và dường như hoàn toàn bế tắc.
Thấy được tâm trạng đáng thương của hai môn đệ này, Chúa Phục Sinh đã hiện ra, bước đến và cùng đồng hành với họ. Chúa chủ động gợi chuyện, để họ nói lên sự trăn trở và dằn vặt trong đức tin của các ông. Chúa hỏi: “Hai anh có chuyện gì vậy?” Khi có được người bạn đồng hành sẵn sàng lắng nghe, hai môn đệ có dịp bộc bạch về trăn trở của mình: “Chuyện ông Giêsu người Nazareth… là ngôn sứ uy thế…bị các thủ lãnh nộp cho Philatô, bị án tử đóng đinh.” Điều này cho thấy hai môn đệ này mới chỉ dừng lại ở chỗ tin nhận Thầy của các ông là một ngôn sứ có uy thế thôi. Vì thế, khi nghe các phụ nữ nói về việc Chúa sống lại, các ông chưa thể đón nhận được. Đức Giêsu đã từng bước nhắc lại những lời ngôn sứ, nói về Đấng Kitô phải trải qua đau khổ để vào vinh quang. Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người mà Kinh Thánh đã nói trước. Hai môn đệ khi nghe những lời giải thích này, các ông đã được ấm lòng, đức tin được củng cố và các ông tìm lại được sự phấn khởi. Các ông đã nói lên cảm nghiệm này sau khi nhận ra Chúa: “Lòng chúng ta đã chẳng sốt sắng rạo rực lên khi Người đi đường giải thích Kinh Thánh cho chúng ta đó sao?” Như vậy, câu chuyện cho thấy yếu tố rất quan trọng trong quá trình hiệp hành đó là: chia sẻ và lắng nghe, hai môn đệ đã chia sẻ về sự bế tắc trong đức tin của mình với người khách đồng hành và họ lắng nghe những gì mà Vị khách đặc biệt kia nói và hướng dẫn cho họ. Cũng vậy, chính Chúa Giêsu đã chủ động bước đến, lắng nghe tâm tư của hai người môn đệ và sau đó chia sẻ với họ về những gì Kinh Thánh nói về Đấng Kitô. Kết quả của hành trình này là khai thông sự bế tắc trong tâm hồn, đem lại niềm vui tươi phấn khởi, đưa đến sự tin và nhận ra người bạn đồng hành chính là Chúa Phục Sinh.
Bước tiếp theo của hiệp hành đó là đưa vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và thực thi sứ vụ làm chứng về Đấng Phục Sinh. Tin Mừng kể tiếp: Gần đến làng, hai môn đệ đã nài ép Vị Khách vào nhà với họ. Điều này thể hiện sự thành tâm thiện chí của hai môn đệ khi đã được Đức Giêsu khai sáng trong đức tin. Giờ đây, các ông mở lòng ra mời và còn nài ép Vị Khách đồng hành cùng vào nhà dùng bữa tối với gia đình. Đây cũng chính là bài học cho chúng ta trên con đường đức tin. Một khi chúng ta đã là môn đệ của Chúa, đã tin Chúa và đã được Chúa cùng đồng hành dạy bảo, thì đừng ngại ngần mời Chúa vào gia đình mình, mời Chúa cùng dùng bữa tối với gia đình. Chúa sẽ không giành phần, cũng không chiếm chỗ của gia đình, nhưng Chúa sẽ ban lại niềm vui và sự bình an cho gia đình, nhất là cho mọi người trong nhà nhận ra Ngài.
Kinh Thánh kể lại: Trong bữa ăn tối, Chúa cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông. Mắt họ sáng ra và nhận ra Người. Điều này cho thấy, khi chúng ta mời Chúa vào gia đình, mời Chúa cùng dự bữa tối với gia đình, Chúa sẽ biến bữa ăn hằng ngày thành “bữa tiệc thánh”. Nói cách khác, khi mỗi buổi chiều tối, kết thúc một ngày vất vả, chúng ta được Chúa mời đến với Chúa qua: “Bữa ăn tối” là Thánh lễ mỗi ngày, Chúa sẽ cho chúng ta được hiệp thông với Chúa, được nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện, nâng đỡ cho đời sống đức tin và đời sống lao động thường ngày. Đây là đỉnh cao của cuộc hiệp hành, đó là đưa con người tới sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em.
Tiến trình hiệp hành, cùng lắng nghe nhau, cùng nhận ra ý Chúa, cùng hiệp thông trong cùng một tấm bánh và một chén rượu, chúng ta sẽ được thúc đẩy lên đường thi hành sứ vụ làm chứng về Chúa Phục Sinh. Tiến trình này cũng là trải nghiệm của hai môn đệ Emmaus. Thánh Luca kể: “Ngay lúc đó, họ đứng dậy trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười một và các bạn hữu.” Nếu như trước đây hai môn đệ này lê bước mệt mỏi trở về quê, thì giờ đây, không ngại đêm tối hay đường xa, ngay lập tức họ trỗi dậy trở lại Giêrusalem gặp lại các Tông đồ. Nơi căn nhà tiệc ly, hai ông được sống trong sự hiệp thông, hiệp nhất lớn hơn, đó là hiệp thông trong đức tin với cộng đoàn Giáo Hội, hoà mình vào trong dòng chảy đức tin của Giáo Hội dưới quyền thủ lãnh của Simon. Khi hai người này chưa kịp kể chuyện gì, thì Nhóm Mười hai lại một lần nữa làm chứng cho các ông: “Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon.” Sau đó mới đến lượt hai môn đệ nói về kinh nghiệm sống sự hiệp hành, hiệp thông của mình.
Thưa quý OBACE, Chúa Phục Sinh đã quy tụ, biến đổi các Tông đồ và các môn đệ. Ngài không chỉ hiệp hành, quy tụ, nhưng Ngài còn hiệp hành và làm cho các Tông đồ nên hiệp nhất, mạnh dạn thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng phục sinh cho thế giới. Vào ngày lễ Ngũ tuần năm đó, Simon Phêrô với tư cách là thủ lãnh của Giáo Hội đã đứng ra làm chứng về Đức Giêsu, là người của Thiên Chúa, đã bị dân Do Thái giết chết và Thiên Chúa đã dùng quyền năng làm cho Người sống lại để giải thoát nhân loại khỏi cái chết. Bài giảng của Phêrô hôm đó đã khiến cho hơn ba ngàn người tin và lãnh nhận phép rửa.
Vào thời đại ngày nay, Giáo Hội đang bị tấn công bởi những trào lưu sống ích kỷ, cá nhân gây chia rẽ nơi con cái Chúa. Một vài nơi, người ta còn muốn sửa luật Chúa và Giáo Hội để đáp ứng cho tự do lệch lạc của con người. Hơn lúc nào hết, chúng ta được mời gọi để hiểu và sống tinh thần hiệp hành trong Giáo Hội. Tất cả cùng nhau bước trên con đường của Đức Kitô, đó là con đường của Tin Mừng. Vì chỉ khi cùng nhau đi theo con đường của Tin Mừng, chúng ta mới có thể đạt tới đích là hạnh phúc Nước Trời.
Chúng ta được mời gọi sống hiệp hành trong gia đình, cùng lắng nghe nhau trong tinh thần tôn trọng, cùng nhau vun đắp cho đời sống đức tin của cả gia đình qua cầu nguyện, dự tiệc bẻ bánh; cùng xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất trong gia đình qua việc cảm thông, chia sẻ vui buồn, nâng đỡ nhau khi thành công, thất bại; cùng nhau sống làm chứng cho Chúa Phục Sinh ngay trong đời sống gia đình mình. Chúng ta phải sống làm sao để cho mọi người thấy Chúa Phục Sinh là Vị Khách đặc biệt của gia đình, Ngài cùng dùng bữa, cùng giải trí xem tivi, cùng du lịch với gia đình.
Nhiều bạn trẻ đang trăn trở với cuộc sống, đang lạc lối trong cuộc đời và đang luẩn quẩn trong thế giới trang mạng. Nhiều người bị rơi vào lối sống ích kỷ, cá nhân và còn dẫn đến tự kỷ, bế tắc. Các bạn đừng ngại mở lòng ra với Chúa Phục Sinh, hãy kể cho Ngài nghe về những trăn trở và những vấn đề trong tâm hồn mình; đồng thời sẵn sàng nghe Ngài nói với từng người. Chúa Phục Sinh sẽ làm cho tâm hồn các bạn phấn chấn trở lại. Nhất là, các bạn đừng quên tham dự “Bữa tối” mỗi ngày với Ngài, Ngài sẽ cho các bạn nhận ra Ngài khi bẻ bánh và ban lại cho các bạn niềm vui và sự hăng say của tuổi trẻ. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*