Vai trò của Thánh Nhạc theo ‘De Musica Sacra Et Sacra Liturgia’
(Kì II)
Âm nhạc nói chung và tiếng hát ru của mẹ nói riêng chính là ‘liều thuốc ngủ’ đối với trẻ nhỏ. Sau một ngày lao động mệt nhọc, con người sẽ cảm thấy toàn thân thư thái, tim đập nhẹ nhàng và đầu óc trở nên thanh thản hơn khi nghe một bản nhạc dịu êm. Có thể nói âm nhạc có một sức mạnh phi thường. Con người ngay từ thời nguyên thuỷ đã chìm đắm trong những âm thanh tự nhiên: Tiếng gió thổi, tiếng lá cây xào xạc, tiếng gà gáy, tiếng chim hót. Trước khi tự mình soạn nên những bản nhạc, thì từ thuở khai thiên lập địa, con người đã là một phần của bản nhạc thiên nhiên.
Âm nhạc cổ điển được sử dụng để loại bỏ stress, kích thích trí tuệ và làm dịu nỗi đau. Đó là công cụ cơ bản của những nhà liệu pháp âm nhạc, tức các chuyên gia chữa bệnh bằng âm thanh. Tác dụng tích cực của những tác phẩm âm nhạc Mozart đối với tình cảm con người đã biết từ lâu và đến cuối thế kỷ XX được giới chuyên gia đặt tên là “hiệu ứng Mozart”…
Các tôn giáo đều cố gắng khai thác triệt để mọi giá trị văn hóa nghệ thuật như văn học, thi ca, hội họa và đặc biệt là âm nhạc. Phật Giáo là ví dụ điển hình. Bên cạnh hệ thống giáo lý đồ sộ đã trường tồn hàng nghìn năm nay, âm nhạc Phật giáo là một “trợ thủ” đắc lực để truyền tải nội dung giáo lý. Thay vì đọc kinh, kệ, chú như đọc những đoạn văn đơn giản, các nhà sư bao giờ cũng dùng phương pháp tụng-niệm đặc trưng với tính vượt trội của nghệ thuật âm nhạc. Các bài kinh, kệ, chú… luôn tạo được dáng vẻ ngân nga, mềm mại, uyển chuyển với độ du dương đặc thù nơi cửa thiền. Rõ ràng, âm nhạc ở đây đã phát huy sức hút tiềm tàng để chuyển tải, thẩm thấu, khắc sâu mọi nội dung đạo pháp, giáo lý vào lòng nhân gian theo năm tháng. Trong đạo Phật, nhạc cụ đơn giản nhất có thể thấy là bộ chuông, mõ.
Đối với Đạo Công Giáo, việc hát Thánh nhạc, Thánh ca cách sốt sắng là cầu nguyện hai lần. Ở Châu Âu, Thánh ca nhà thờ tạo sự chi phối lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến nền âm nhạc thế tục. Lịch sử đã chứng minh âm nhạc Nhà Thờ là bước đệm có tính then chốt tác động đến sự hình thành nền âm nhạc tiền cổ điển Châu Âu. Liên quan đến cử hành Phụng vụ Thánh và Thánh nhạc, Huấn quyền Giáo Hội ban hành nhiều Huấn Thị, Bản hướng dẫn để việc cử hành những nghi thức thánh của Dân Chúa thêm phần sốt sắng. “De Musica Sacra et Sacra Liturgia” (Huấn thị về Thánh nhạc và Phụng vụ) là bản tóm những điểm chính yếu về phương diện mục vụ của Phụng vụ và Thánh nhạc mà Toà Thánh đã công bố từ thời Đức Thánh Cha Piô X (1903-1914).
Số 13a và 14a thuộc chương III của Huấn thị viết: Tiếng La tinh buộc phải được xử dụng trong mọi lễ nghi phụng vụ và trong mọi lễ hát. Luật này áp dụng cho cả ca đoàn và cộng đoàn. Ngày nay, với xu hướng hội nhập văn hóa, luật này được thích nghi và nới rộng, tùy theo quyết định của Đấng Bản Quyền các Giáo Hội Địa Phương. Số 22b nêu ra những cách thức khác nhau để cộng đoàn tham dự tích cực vào Phụng vụ. Để sự tham dự Phụng vụ của cộng đoàn trở nên hoàn hảo hơn, ngoài tâm tình bên trong còn phải có sự tham dự bề ngoài như: tư thế thân mình (quỳ, đứng, ngồi), và nhất là những lời đối đáp, cầu nguyện và ca hát.
Số 25 của Huấn thị trình bày 3 cấp độ khác nhau của việc ca hát. Cấp độ thứ nhất là hát những lời đối đáp phụng vụ như: Amen, đáp lời mời gọi của chủ tế và những câu đối đáp trong kinh Tiền Tụng. Cấp độ thứ hai là cộng đoàn hát các kinh của Phần thường lễ: Kyrie (Kinh Thương Xót), Gloria (Kinh Vinh Danh), Credo (Kinh Tin Kính), Sanctus-Benedictus (Kinh chúc tụng) và Agnus Dei (Lạy Chiên Thiên Chúa). Huấn thị khuyến khích mọi người học hỏi và hát những giai điệu bình ca đơn giản của các kinh này. Vì giai điệu của các kinh này tuy giản dị, nhưng cộng đoàn dễ dàng tiếp thu. Cấp độ thứ ba, Huấn thị nêu lên vai trò của Cha sở, của những người chuyên môn và hữu trách trong việc tổ chức và điều hành ca đoàn. Ca đoàn ấy phải được đào tạo chu đáo về nhạc bình ca. Bởi bình ca là nhạc chính thức của Giáo Hội. Ca đoàn có một vai trò to lớn, góp phần làm nên Phụng vụ cách tốt đẹp và hoản hảo hơn.(Các số khác của Huấn Thị xin xem phần tiếp theo).
Lêvi
Nhận xét góp ý