Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

GIAI ĐIỆU MẦU NHIỆM

TRẦM THIÊN THU

▶ Bài Ca Rửa Chân – https://youtu.be/lyitpT3crsQ

▶ Lời Cuối – https://youtu.be/zvozMwNPLfQ

▶ Tin Mừng Phục Sinh – https://youtu.be/SllIyrp9dBk

Chúa Ban Thánh Thể Và Cứu Độ
Con Nhận Hồng Ân Để An Sinh

Tam Nhật Thánh như một bản trường ca với ba giai điệu mang màu sắc khác nhau, tạo nên một tổng thể có sự cộng hưởng kỳ diệu. Thứ Năm có màu vui và sắc buồn nhưng trang trọng, Thứ Sáu đau thương nhưng không sầu thảm, Thứ Bảy trầm lặng và đầy hy vọng. Và rồi ánh sáng bừng lên khi đất trời rung chuyển theo nhịp điệu Alleluia – Chúa Giêsu phục sinh khải hoàn.

1. Thứ Năm Tuần Thánh (Maundy Thursday) còn gọi là Thứ Năm Giao Ước, Thứ Năm Tuyệt Đối, Thứ Năm của các Mầu Nhiệm. Theo La ngữ, Maundy nghĩa là “mệnh lệnh,” ý nói mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly: “Hãy yêu thương nhau.” (Ga 13:34; Ga 15:12; Ga 15:17) Thứ Năm Tuần Thánh có ba sự kiện và cũng là ba bài học vô giá: Bí tích Thánh Thể, chức linh mục, và việc rửa chân. Bí tích Thánh Thể dạy chúng ta phải hy sinh, quên mình vì người khác; chức linh mục dạy chúng ta phải dấn thân phục vụ tha nhân; việc rửa chân dạy chúng ta phải yêu thương bất cứ ai, nhất là đối với những người hèn mọn.

Bữa Tiệc Ly là dạ tiệc mừng lễ Vượt Qua, là Dạ Tiệc Thánh Thể. Ăn và uống là hai hành động không thể tách rời, ăn uống để duy trì sự sống, Chúa Giêsu ban cho chúng ta loại ẩm thực đặc biệt: Mình Máu Thánh. Quả là đại hồng ân đối với chúng ta: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho?” (Tv 116:12) Chắc hẳn không gì hơn là “nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa.” (Tv 116:13) Thánh Phaolô nói: “Chén chúc tụng là sự thông hiệp Máu Chúa Kitô.” (1 Cr 10:16)

Kiếp người muốn cảm tạ mà không có gì để dâng. Nhưng chúng ta có thể học cách thức của Rabindranath Tagore: “Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế Ngài là tất cả của tôi. Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi cảm thấy Ngài ở mọi nơi, đến với Ngài trong mọi sự, và dâng Ngài tình yêu trong mọi lúc. Chỉ mong tôi chẳng còn gì, nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Ngài. Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Ngài, và thực hiện ý Ngài trong suốt đời tôi.” Ước gì mỗi chúng ta cũng thực sự có ước muốn như vậy, nhất là khi lặng lẽ kính thờ Thánh Thể.

Điều quan trọng cần lưu ý là lời cảnh báo của Thánh Phaolô: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.” (1 Cr 11:26-27) Nghe rất bình thường mà lại rất khác thường, vì liên quan “vận mệnh” của chúng ta ngày sau!

Thánh Gioan cho biết qua trình thuật Ga 13:1-15 về tình yêu thương và cách yêu thương mà Chúa Giêsu thể hiện: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết giờ của Ngài đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Ngài yêu thương họ đến cùng.” Đó là tình yêu tuyệt đối của Chúa Giêsu là “yêu thương đến cùng.” Ngài yêu mãi, dù chúng ta – những kẻ được yêu – hoàn toàn bất xứng. Chúng ta chưa xin mà Thiên Chúa vẫn cho chúng ta có thêm cơ hội để tu tâm sửa tính. Con người chúng ta thật phức tạp, và cũng tồi tệ!

Đêm định mệnh năm xưa, ma quỷ đã gieo ý định nộp Đức Giêsu vào lòng môn đệ Giuđa Ítcariốt. Chúa Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến, và Ngài sắp trở về cùng Thiên Chúa. Cũng trong đêm định mệnh đó, khi Thầy trò cùng ăn mừng lễ, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu, Ngài bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Ông Phêrô thắc mắc, nhưng Ngài trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” Ông Phêrô nhất định không chịu, nhưng Ngài nghiêm giọng: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” Ôi, thế thì không ổn rồi! Thế nên ông Phêrô vui mừng chấp nhận.

Rửa chân cho các môn đệ xong, Chúa Giêsu mặc áo vào và về chỗ. Ngài âu yếm nhìn các môn đệ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy,’ là ‘Chúa,’ điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” Câu hỏi của Chúa Giêsu đặt ra vẫn còn vang vọng mãi: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” Mỗi người phải tự trả lời với Ngài về tình yêu thương của mình đối với Thiên Chúa và tha nhân.

2. Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày Đại Tang của Kitô hữu – những người có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô. Cái gì cũng có cái giá của nó, hạnh phúc cũng phải “mua” bằng ít nhiều đau khổ, nhưng không gì mắc bằng “giá máu.” Như chúng ta biết, mỗi phút trái tim của một người khỏe mạnh bình thường đập khoảng 70 lần, mỗi lần đẩy ra 150 ml máu. Mỗi ngày tim đập 105.000 lần và bơm hơn 6.000 lít máu vào các mạch máu dài 96.000 km. Trong suốt đời người, tim lần lượt đập khoảng 3 tỷ nhịp, bơm ra cả triệu thùng máu. Kỳ diệu quá chừng!

Có lẽ chúng ta không thể tin nổi lại có những kẻ độc ác đến thế, và có người phải chịu nhục hình quá mức như vậy. Họ không chỉ thay phiên nhau đánh Chúa Giêsu, mà còn đánh hội đồng, đánh không nương tay với những chùm dây da có gắn nhiều cục chì hoặc móc, khiến Chúa Giêsu không còn hình hài con người nữa. Kinh khủng!

Chịu đau khổ tột cùng, nhưng Người Tôi Trung Giêsu vẫn thành tín: “Con ẩn náu bên Ngài, lạy Chúa, xin đừng để con phải tủi nhục bao giờ. Trong tay Ngài, con xin phó thác hồn con, Ngài đã cứu chuộc con, lạy Chúa Trời thành tín.” (Tv 31:2 và 6) Và dù “nên trò cười cho thù địch và cho cả hàng xóm láng giềng” bị “bạn bè thân thích kinh hãi,” dù “ai cũng tránh xa,” hoặc bị lãng quên như kẻ chết không người tưởng nhớ” và “hóa thành đồ hư vất bỏ,” nhưng Người Tôi Trung vẫn tin tưởng thân thưa thưa: “Ngài là Thượng Đế của con.” (Tv 31:12-15) Số phận có thế nào là do Thiên Chúa định, Người Tôi Trung chỉ trao phó đời mình cho Thiên Chúa mà thôi.

Đau khổ thì vô cùng, đủ mức, đủ dạng, đủ cách. Ai cũng sợ đau khổ, nhưng nếu không có đau khổ thì cuộc đời sẽ nhàm chán. Chính Chúa Giêsu “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài.” (Dt 5:7-9) Vâng phục là nhân đức quan trọng, nhưng để học được bài học vâng phục thì phải trả giá rất đắt, thậm chí là GIÁ MÁU mà Chúa Giêsu đã phải trả.

Trình thuật Ga 18:1–19:42 như một bộ phim dài từ Vườn Dầu tới Đồi Sọ, trong đó có biết bao tình tiết bi thảm về Chính Nhân Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Những kẻ thủ ác tội lỗi ngập đầu mà dám xét xử và kết án người vô tội. Chúng ta không xét xử Chúa Giêsu nhưng chúng ta xét đoán nhau, chẳng khác gì xét xử Ngài.

Ông Phêrô nói rất mạnh, nhưng rồi ông lại chối bỏ. Tiếng gà gáy làm ông sực tỉnh và bật khóc. Còn Philatô thì hèn nhát, ông ta chiều ý dân mà truyền đem Chúa Giêsu đi. Ông ta không dám hành động vì công lý, không dám bảo vệ sự thật, không có lập trường. Khi đóng đinh Chúa Giêsu xong, lính tráng chia nhau y phục của Ngài và cười đắc thắng. Thiên Chúa vẫn im lặng!

Khi Chúa Giêsu kêu khát, người ta lấy miếng bọt biển có thấm đầy giấm, buộc vào một nhành hương thảo, rồi đưa lên miệng Ngài. Nhắp xong, Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất!” Rồi Ngài gục đầu xuống và trao Thần Khí. Trời đang nắng bỗng tối sầm, sấm chớp rung động đất trời. Nhiều người đấm ngực ăn năn và nhận biết chính tử tội Giêsu là Con Thiên Chúa, chính viên đại đội trưởng cũng phải công nhận: “Người này đích thực là người công chính, là Con Thiên Chúa.” (Lc 23:47; Mt 27:54; Mc 15:39)

Ông Giôxếp và ông Nicôđêmô hạ thi hài Ngài xuống, lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn, và mai táng Ngài tại một ngôi mộ trong khu vườn gần đó. Với người đời, như vậy là chấm hết. Nhưng với Thiên Chúa, đó là một khởi đầu mới. Khi tưởng niệm cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu, chúng ta theo cách cầu nguyện của Thánh Bernadette: “Con không xin thoát khỏi khổ đau, nhưng xin Ngài đừng bỏ mặc con trong lúc khổ đau.”

3. Chúa Nhật Phục Sinh sáng bừng ánh sự thật, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga 2:19)

Có câu chuyện kể rằng… Tại một hội nghị tôn giáo, người ta đưa ra một câu hỏi thú vị: “Sau khi chết, thủ lĩnh tôn giáo của quý vị để lại di sản gì?” Các vị lãnh đạo các tôn giáo lần lượt trả lời. Người thì nói di sản là chút “tro tàn,” người thì nói là “chút hài cốt,” người thì nói là “mấy cọng râu,” người thì nói là vật này hoặc vật nọ. Cuối cùng, vị lãnh đạo Công giáo trả lời: “Chúa Giêsu của chúng tôi để lại một di sản là NGÔI MỘ TRỐNG.” Thật kỳ diệu, “ngôi mộ trống trơn” đó lại chứa đựng tất cả.

Một sự thật minh nhiên, không thể chối cãi, lịch sử và khoa khảo cổ đã cho thấy nhiều chứng cớ cho thấy rằng thực sự đã có một Ông Giêsu bị đóng đinh, được mai táng và đã sống lại – dù sự thật này bị một số người bóp méo, vì họ cố chấp hoặc vô thần. Nhưng đã và đang có các nhân chứng ở khắp nơi, điển hình nhất là ông Phêrô. Và cũng đừng quên rằng Kinh Thánh là bộ sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới, và được bán chạy nhất thế giới, ước tính mỗi năm có thêm 100 triệu bản. Điều đó chứng tỏ rằng Kinh Thánh nói những điều có thật, chứ không hư cấu hoặc bịa đặt.

Tin mừng Chúa Giêsu Phục Sinh là sự thật, không ai có thể chối cãi. Thật hạnh phúc vì chúng ta có được đức tin tông truyền và vẫn đang cố gắng sống niềm tin đó. Lễ Phục Sinh là dịp chúng ta xem lại đức tin của mình. Kinh Thánh nói: “Không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết.” (Kn 2:1) Nhưng chúng ta không phải chết tủi nhục, mà được sống mãi nhờ Đấng Phục Sinh. Chính “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường, đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu.” (Tv 118:22-23) Thánh Phaolô khuyên chúng ta “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa, và hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.” (Cl 3:1-2) Không thể khác được, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi không thuộc về thế gian này.” (Ga 8:23) Chúng ta là tín nhân tìm kiếm Đấng Phục Sinh, chắc chắn chúng ta cũng phải một lòng một dạ chỉ “tìm kiếm và ái mộ những sự trên trời” mà thôi.

Trình thuật Ga 20:1-9 cho biết: Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Chắc hẳn lúc đó bà hốt hoảng và quan ngại lắm, phụ nữ mà, thấy gì khác lạ là thấy lo lắng rồi. Thế nên bà liền chạy về gặp Phêrô và Gioan để thông báo tin “mất xác Thầy Giêsu.”

Nghe vậy, Phêrô và Gioan vội vã chạy ra mộ. Họ đang hoang mang, không biết kẻ nào đã đem thi hài Thầy đi đâu mất. Cả hai đều chạy, nhưng Gioan tới mộ trước, ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó. Phêrô cũng đến nơi, ông vào trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Chúa Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Thế thì xác Chúa không thể bị đánh cắp.

Sau đó Gioan cũng vào, ông thấy và tin. Trước đó, hai ông còn lo sợ, chưa hiểu hết lời Kinh Thánh đã nói trước rằng Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Giờ đây, hai năm rõ mười, họ an tâm trở về, không chỉ hết lo sợ mà còn vui mừng khôn tả: Thầy Giêsu đã phục sinh rồi. Alleluia!

Lạy Thánh Phụ hằng hữu, Đức Giêsu Kitô đã phục sinh vinh hiển, xin giúp chúng con ý thức sống giữa cuộc đời này, và luôn làm chứng về Đấng Phục Sinh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*