Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ĐẤNG ĐƯỢC TUYỂN CHỌN

TRẦM THIÊN THU

Ông Gioan Tẩy Giả là chứng nhân đặc biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước. Ông “khác người” cả bề ngoài lẫn bề trong, với phong cách kỳ lạ. Sau ngày ông làm phép rửa cho Chúa Giêsu, lúc thấy Chúa Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan liền nói với những người có mặt ở đó: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi. Tôi đã không biết Người, nhưng để Người được tỏ ra cho dân Israel, tôi đến làm phép rửa trong nước.” (Ga 1:29-31)

Đó là dấu chỉ mà Chúa Giêsu cho ông Gioan biết để tin. Chính ông đã mục sở thị sự việc lạ lùng tại sông Giođan nên ông hùng hồn làm chứng về Chúa Giêsu Kitô: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: ‘Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần.’ Tôi ĐÃ THẤY, nên xin CHỨNG THỰC rằng NGƯỜI LÀ ĐẤNG THIÊN CHÚA TUYỂN CHỌN.” (Ga 1:32-34) Lời chứng của ông Gioan là sự thật. Chúng ta đã và đang tin vào chính Đấng mà ông Gioan đã làm chứng từ 20 thế kỷ trước, đó là hồng ân vô giá mà Chúa ban cho chúng ta.

Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Ngài vô cùng quan trọng và cao cả, nhưng Ngài lại tự xóa mình, hóa ra không chỉ vì yêu thương chúng ta. Thấy cách sống kỳ lạ của ông Gioan Tẩy Giả, người ta đã tưởng ông chính là Đấng Mêsia. Nhưng không phải, bởi vì Chúa Giêsu còn có cách sống kỳ lạ hơn Gioan Tẩy Giả. Tất nhiên cách sống đó cũng khó áp dụng hơn, nhưng khó không có nghĩa là không làm được, cố gắng sẽ được, bởi vì chúng ta không nỗ lực riêng mà có Thiên Chúa giúp đỡ mọi ngày cho đến tận thế.

Chính Chúa Giêsu xác định: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 10:45) Và còn hơn thế nữa, vì một chỗ tựa đầu mà Ngài cũng không có. (x. Mt 8:20; Lc 9:58) Quả thật, cách sống của Chúa Giêsu hoàn toàn khác người – khác từ Belem tới Canvê.

Đối với Chúa Giêsu Kitô, có nhiều tước hiệu để nói về Ngài, nhưng có thể nói rằng tước hiệu được sử dụng nhiều nhất là “Chiên Thiên Chúa.” Thật vậy, tước hiệu “Chiên Thiên Chúa” được Tân Ước đề cập 31 lần – sách Khải Huyền đề cập 29 lần (với cách nói “Con Chiên”), và Tin Mừng theo Thánh Gioan đề cập 2 lần.

Như chúng ta biết, con chiên cũng là con cừu – có khi gọi là con trừu, một loài động vật có vú. Nhưng Chúa Giêsu được gọi là “Chiên Thiên Chúa” chứ không là “Cừu Thiên Chúa.” Có sự khác nhau giữa Chiên và Cừu. Danh từ “cừu” dùng để chỉ chung về loài này, nhưng “cừu” thường dùng để nói về những con lớn hơn một năm, còn danh từ “chiên” dùng để nói về những con nhỏ hơn một năm. Nghĩa là người ta nói thịt chiên để chỉ loại thịt của những con cừu non, nhưng người ta nói thịt cừu để chỉ loại thịt của những con cừu già. Trong Anh ngữ, người ta dùng danh từ “lamb” chỉ cừu non, do đó chúng ta gọi là Chiên Thiên Chúa – Lamb of God, dùng chữ “lamb” chứ không dùng chữ khác.

Chúa Giêsu Kitô là Đấng được tuyển chọn, Cựu Ước gọi Ngài là Người Tôi Trung – thậm chí gọi rõ ràng là Người Tôi Trung Đau Khổ. Qua ngôn sứ Isaia, trong bài ca Người Tôi Trung II, Thiên Chúa đã phán: “Hỡi Israel, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.” (Is 49:3) Thiên Chúa đã tiền định và có kế hoạch riêng cho mỗi người, không ai giống ai. Điều đó chúng ta không thể nào hiểu nổi, thực sự quá đỗi kỳ diệu!

Quả thật, sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa được ngôn sứ Isaia cho biết: “Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Giacóp về cho Người và quy tụ dân Israel chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.” (Is 49:5) Thật hạnh phúc cho ai tuân hành ý Chúa. Mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn và đặt vào một vị trí nhất định theo sự quan phòng và tiền định của Ngài, chúng ta có chấp nhận hay không thì đó mới là vấn đề.

Bất cứ ai chu toàn bổn phận theo công việc Ngài giao thì Ngài sẽ giao thêm vì thấy người đó có khả năng. Có rồi sẽ được cho thêm. (x. Mt 13:12; Mt 25:29; Mc 4:25; Lc 8:18; Lc 19:26) Người Tôi Trung làm tốt nên Ngài muốn giao thêm việc: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Giacóp, để dẫn đưa các người Israel sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.” (Is 49:6) Người tôi trung là người vâng lời tuyệt đối, không phải vì miễn cưỡng mà vì tôn trọng và yêu mến.

Yêu là muốn làm vừa lòng người mình yêu (vị tha), chứ không vì mình (vị kỷ). Tình yêu đôi lứa thế gian thường là vị kỷ nhiều hơn vị tha, dù nói là yêu người nhưng thật ra là yêu chính mình, vì thế mà có chuyện ly thân hoặc ly dị. Tại sao? Vì mình không được như ý – tức là vì “cái tôi” của mình, là ích kỷ. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, mọi nơi và mọi lúc, người tôi trung vẫn một lòng vì Chúa: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu.” (Tv 40:2) Vì Chúa, không vì mình, nghĩa là phải “xóa mình thành không” như Đức Giêsu Kitô – gọi là kenosis, “tự hủy” bằng đức vâng phục.

Trong cuộc sống, yêu và được yêu là hạnh phúc nhất. Vì thế, người ta không thể không im hơi lặng tiếng, sẵn sàng làm chứng về Đấng Tình Yêu để người khác cũng nhận biết Ngài: “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv 40:4) Thiên Chúa có mọi sự, Ngài không cần gì ở chúng ta, mà Ngài chỉ muốn chúng ta chân thành yêu kính Ngài hết linh hồn và hết trí khôn.

Cảm nghiệm được như vậy, Thánh Vịnh gia thân thưa: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: ‘Này con xin đến!’ Trong sách có lời chép về con rằng: con THÍCH LÀM theo thánh ý, và ẤP Ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.” (Tv 40:7-9) Đó cũng chính là điều nói về Chiên Thiên Chúa – Chúa Giêsu Kitô. Con chiên là con vật hiền lành, dù bị xén lông rất đau đớn cũng không kêu than hoặc giãy giụa phản đối.

Con Chiên của Thiên Chúa cũng vậy. Một lòng trung tín và tuân phục, Người Tôi Trung chân thành bày tỏ khúc nhôi: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (Tv 40:10) Thật đẹp thay sự quyết tâm và lòng can đảm dành riêng cho Thiên Chúa, và phúc thay cho ai hành động như vậy! Xưa nay chúng ta đã quen với một câu nói ngắn gọn và phổ biến trong cộng đồng dân Chúa: “Vâng lời quý [trọng] hơn của lễ.” (x. 1 Sm 15:22; Tv 50:8-9) Một cách nói giản dị và dễ hiểu. Đó là chân lý muôn đời đối với những ai tin vào Thiên Chúa. Tin thì không cần giải thích hoặc lý luận, mặc dù đức tin vẫn cần có lý trí.

Một Phaolô nhiệt thành xuất thân từ một Saolê [Saolô hoặc Saun] hung dữ, ông có kinh nghiệm và bộc bạch với dân Côrintô: “Tôi là Phaolô, bởi ý Thiên Chúa được gọi làm Tông Đồ của Đức Kitô Giêsu, và ông Xốtthênê là người anh em của chúng tôi, kính gửi Hội Thánh của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã ĐƯỢC HIẾN THÁNH trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi làm DÂN THÁNH, cùng với tất cả những ai ở bất cứ nơi nào kêu cầu danh Chúa của chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, là Chúa của họ và của chúng ta. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an.” (1 Cr 1:1-3)

Chính Phaolô xác định dân Côrintô là những người “được thánh hiến” và là “dân thánh” của Thiên Chúa. Chúng ta cũng vậy, nghĩa là chúng ta cũng là những “thánh nhân” trong Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, bổn phận của chúng ta là phải chân thành yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, kèm theo trách nhiệm là PHẢI sống sao cho xứng đáng với Đức Kitô, Đấng đã yêu thương và tin tưởng chúng ta.

Ngài muốn chúng ta là những chứng nhân của Ngài giữa thế gian này, đồng thời phải nên thánh trong bổn phận và trách nhiệm riêng của mình. Thật vậy, vì chính Thiên Chúa truyền lệnh: “Các người PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.” (Lv 11:44; Lv 20:7)

Lạy Thiên Chúa, xin soi sáng cho chúng con phân định thần khí đúng đắn, luôn can đảm sống theo hướng dẫn của Thánh Thần, làm chứng theo khả năng và hoàn cảnh sống của chúng con vì vinh danh Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*