Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Chuyện Buôn Bán

TRẦM THIÊN THU (Đăng báo ĐMHCG Hoa Kỳ, số 350, tháng 10-2015)

Buôn bán (sỉ và lẻ) là chuyện đơn giản và cơ bản trong đời sống con người, nhưng chuyện buôn bán càng ngày lại càng trở nên đa dạng và phức tạp, vì người ta không chỉ buôn bán những thứ bình thường nhằm phục vụ sự sống của con người, mà người ta còn buôn bán những thứ “chết người” – như gươm giáo, súng đạn, ma túy, nội tạng, và thậm chí là buôn người. Vì chạy theo lợi nhuận “béo bở”, thứ gì càng cấm thì người ta càng thích buôn bán. Có những kẻ vừa ra tù lại tiếp tục vào khám. Án tử hình đối với họ cũng chỉ là “chuyện nhỏ” mà thôi. Thật kinh khủng! Họ can đảm hay liều mạng?

Giáo hội nhắc nhở chúng ta cần phải lưu ý rằng buôn người là một hình thức hiện đại của chế độ nô lệ. Trong mỗi con người luôn có máu thống trị, vì “cái tôi” luôn to lớn, luôn muốn nổi dậy bất cứ lúc nào!

Tại sao vậy? Chắc chắn nguyên nhân chính là do thiếu đức ái, thiếu lòng yêu thương, không cố gắng sống tinh thần Phúc Âm, bỏ ngoài tai các giáo huấn của Thầy Chí Thánh Giêsu. Vì thế, Giáo hội mời gọi chúng ta hiệp nhất cầu cho tinh thần truyền giáo nơi các cộng đoàn Kitô giáo tại Á châu biết rao giảng Tin Mừng cho những người vẫn đang mong đợi.

BUÔN BÁN ĐỜI NÀY

Chuyện buôn bán liên quan việc kinh doanh và thương mại. “Phi thương bất phú”, nghĩa là không buôn bán thì không giàu, tức là muốn giàu thì buôn bán. Từ xa xưa, tiền nhân đã có “triết lý” như vậy, và cho đến ngày nay vẫn thấy đúng. Tất cả đều là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã đại lượng trao ban, nhưng vật chất khiến người ta mù quáng và lú lẫn, dám ngang nhiên phá bỏ cả tình nghĩa, luân thường, đạo lý, công lý,…

Nhà phát minh và thương gia Thomas Edison (1847-1931, Hoa Kỳ): “Cái gì không bán được thì tôi không muốn sáng chế. Doanh số là bằng chứng về tính hữu dụng, và tính hữu dụng là thành công”. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Vật chất có vẻ thống lãnh mọi phạm vi trong cuộc sống, kinh tế vẫn là nguyên nhân dẫn tới chiến tranh. Ngay cả tình thâm ruột rà cũng có thể rạn nứt hoặc đổ vỡ chỉ vì tiền bạc. Nó vừa tốt vừa xấu, nó làm cho người ta sung sướng nhưng cũng có thể làm cho người ta đau khổ. Tổng thống Benjamin Franklin (1706-1790, Hoa Kỳ) nhận định: “Không quốc gia nào không từng suy sụp về thương mại”.

Ngày 29-6-2015, Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội Phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) đã công báo rằng nạn buôn người là một trong những hoạt động tội phạm hàng đầu ở Âu châu. Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Á châu cũng chẳng khá hơn gì!

Trong bản báo cáo “Buôn Bán Người Đến Âu Châu Để Khai Thác Tình Dục”, UNODC cho biết rằng các nhóm tội phạm có tổ chức ở Âu châu kiếm được 3 tỷ USD mỗi năm nhờ hoạt động khai thác tình dục và cưỡng bức khoảng 140.000 lao động. Hơn 50% số nạn nhân của nạn buôn người đến từ khu vực Balkan và các nước thuộc Liên xô cũ, 13% đến từ Nam Phi, 7% đến từ Trung Âu, 5% đến từ Phi châu, và 3% là người Đông Á. Số gái mại dâm ở các nước Âu châu hiện nay đa số là người nước ngoài, tỷ lệ lên tới 70%. Điển hình là trong khoảng 25.000–30.000 gái mại dâm ở Hà Lan có đến 15.000 là người nước ngoài. Một số quốc gia cũng đã và đang công khai hóa “phố đỏ”.

Đa số nạn nhân của nạn buôn người ở Âu châu là phụ nữ trẻ. Họ thường bị cưỡng hiếp, bạo lực, giam hãm, làm cho nghiện ma túy hoặc phải chịu các hình thức lạm dụng khác. Câu chuyện của một cô gái Đông Âu tên là Geetha là một ví dụ. Geetha đến Anh năm 2004 cùng một người quen của gia đình để tìm việc, nhưng kẻ này đã tịch thu hộ chiếu và bắt cô làm việc không lương. Hắn cũng thường xuyên hành hạ, đánh đập và hãm hiếp cô. Geetha từng muốn tự tử, và sau gần bốn năm thì cô cũng trốn thoát được. Geetha vô cùng căm hận kẻ bắt giữ cô: “Tôi không thể lấy chồng được nữa. Tôi đã đánh mất thân thể mình. Gã đó đã phá hỏng đời tôi!”. Việt Nam cũng không thiếu các trường hợp tương tự, nhưng cũng có nhiều trường hợp thích “ngồi mát ăn bát vàng”. Sự biến dàng của việc buôn người càng ngày càng tinh vi và phức tạp.

Trước tình hình buôn người gia tăng ở Âu châu, Tây Ban Nha đã ký kết và trở thành nước đầu tiên của khu vực Âu châu tham gia “Chiến Dịch Trái Tim Xanh” của Liên Hiệp Quốc. Đây là chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức cho chính phủ các nước, các tổ chức dân dự, các phương tiện truyền thông và dân chúng về vấn đề buôn bán người. Ông Antonio Maria Costa, giám đốc điều hành UNODC, đã kêu gọi tất cả các nước Âu châu tham gia “Chiến Dịch Trái Tim Xanh”. Ông nhấn mạnh: “Người Âu châu tin rằng chế độ nô lệ đã bị xóa bỏ cách đây nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một thực tế là những người nô lệ vẫn đang sống cùng chúng ta. Chúng ta phải cố gắng hơn nữa để giảm nhu cầu đối với các sản phẩm do nô lệ tạo ra và việc khai thác nô lệ”.

Hiện nay người ta vẫn chưa có thống kê chính xác (và cũng không thể thống kê) về số nạn nhân trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các đường dây buôn bán người trên toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng có khoảng 2,5 triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn buôn người. Nhiều người trong số đó là phụ nữ và các bé gái bị buộc làm việc trong ngành công nghệ tình dục. Trong khi đó, những người khác là nam giới bị buộc làm việc trong điều kiện nguy hiểm với tiền lương thấp hoặc không được trả công. Ước tính số tiền mà bọn buôn người thu được hàng năm có thể lên đến 32 tỉ USD. Lợi nhuận khổng lồ “béo bở” như vậy đã khiến các đường dây buôn bán người giăng rộng “vòi bạch tuộc” khắp toàn cầu để tìm kiếm những “con mồi”.

Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố “Báo Cáo Về Tình Trạng Buôn Người Năm 2010”, trong đó liệt kê nhiều nước vào danh sách gọi là “cần giám sát” liên quan vấn nạn này, từ các nước Phi châu như Sudan, Zimbabwe, Congo,… hoặc Mỹ châu như Cuba, Dominica,… hoặc các nước Á châu như Iran, Arabia Saudi, Bangladesh, Trung quốc, Ấn Độ, Philippines, Myanmar, Sri Lanka,… Mới đây, Hoa Kỳ đã liệt kê thêm Afghanistan, Brunei, Lào, Mandiver, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vào diện “cần giám sát” về tình trạng buôn người. Ngay tại Việt Nam chứ chẳng đâu xa, thậm chí có những cha mẹ nhẫn tâm đẩy con vào bước đường cùng là bắt con gái bán thân. Quá đỗi kinh khủng!

BUÔN BÁN ĐỜI SAU

Trong Cựu Ước, chúng ta thấy cũng có một dạng “buôn người”. Đó là cậu út Giuse đã bị các anh bán làm nô lệ cho người Ai Cập (St 37:12-36). Ruột rà máu mủ với nhau mà họ vẫn không hề có chút chạnh lòng. Tại sao? Vì họ ích kỷ và ghen tức với đứa em.

Buôn bán là một dạng để con người dùng làm kế sinh nhai, nhưng buôn bán luôn có dính líu tới lòng tham và ích kỷ. Chúng ta hãy nghe Kinh Thánh nói về việc buôn bán: “Làm thương mại khó tránh khỏi tham lam, đi buôn bán không thoát được tội lỗi” (Hc 26:29). Chắc chắn buôn bán phải có gian lận, dù nhiều hay ít. Người ta thường nói: “Thợ may ăn vải, thợ giấy ăn hồ”. Mấy ai mà không lóm lém? Khó lắm!

Phi thương bất phú. Biết vậy nên người ta càng “phú” lại càng muốn “thương” nhiều hơn. Người ta càng giàu thì càng mê vật chất, càng “nghiện” mùi tiền bạc, dù “tiền bạc không có mùi vị” (pecunia non olet – tục ngữ Latin). Mặc dù vậy, tiền bạc lại có ma lực khó đủ sức cưỡng lại. Có lẽ kinh nghiệm sống dày dặn nên tác giả sách Huấn Ca đã khuyên: “Đừng xấu hổ vì lề luật của Đấng Tối Cao và giao ước của Người hoặc vì phán quyết công minh dành cho người ngoại giáo, vì sòng phẳng với bè bạn và kẻ đồng hành, hoặc phân chia gia tài cho bè bạn, vì cân đong sao cho chính xác hay vì thu lợi ít hay nhiều, vì lợi lộc do nghề buôn bán, vì phải nghiêm khắc khi giáo dục con hay trừng phạt nặng nề tên đầy tớ hư hỏng” (Hc 42:2-5).

Trong Tân Ước, Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiền bạc và chuyện buôn bán để hướng tâm chúng ta lên cao với những gì siêu nhiên, thực tế mà trừu tượng, trừu tượng mà tâm linh. Vâng, Ngài đã giáo huấn chúng ta bằng dụ ngôn “những yến bạc” (Mt 25:14-30; Lc 19:12-27). Ngài muốn chúng ta chân vẫn chạm đất nhưng lại không mơ hồ, không ảo tưởng, không hề dính chút bùn đất nào.

Chúa Giêsu ví von rằng… Khi sắp đi xa, chủ nhân gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người, rồi ông ra đi. Sau đó, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán và sinh lời được năm yến. Người đã lãnh hai yến cũng làm vậy và sinh lời được hai yến. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác. Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và đưa hai yến khác. Ông chủ khen hai người này là “đầy tớ tài giỏi và trung thành, được giao ít mà vẫn trung thành”, và hứa sẽ “giao cho nhiều hơn”. Đặc biệt là họ “được hưởng niềm vui” của chủ nhân.

Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”. Ui da, quả là to gan, lớn mật, thật là hết nước nói! Uống thuốc liều quá nhiều, công thuốc là cái chắc!

Thật vậy, chủ nhân liền nói thẳng và lý giải: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến”. Thế là trắng tay! Đúng là ngu xuẩn đến tột độ, chẳng còn chút khôn ngoan nào ráo trọi!

Chúa Giêsu kết luận: “Phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng”. Thế là tàn đời, ván cờ ở thế bí và bị triệt buộc hoàn toàn, hết nước cứu! Mỗi chúng ta hãy tự hỏi xem mình đang buôn bán thứ gì, vốn liếng bao nhiêu, kinh doanh ra sao? Và việc buôn bán đó có lợi cho tâm linh hay không? Hãy tự phán xét trước khi Thẩm Phán Giêsu xét xử công minh!

Chúa Giêsu không cấm buôn bán, ngược lại ngài còn khuyến khích buôn bán, nhưng phải CHÂN THẬT và KHÔN NGOAN. Buôn bán khi sống đời thường để có thể sống khỏe mạnh phần xác mà an tâm chăm lo phần hồn. Buôn bán để sinh lời đời thường là điều cần thiết, nhưng buôn bán để sinh lời cho đời sau còn cần thiết hơn nhiều. Số lời tâm linh mới thực sự là mục đích sống của các Kitô hữu!

Buôn bán đúng đắn, Chúa Giêsu không cấm. Nhưng buôn gian bán lận hoặc nhố nhăng, sai mục đích, Ngài tuyệt đối cấm, thậm chí Ngài còn triệt tới cùng. Và Ngài làm thật, không nói suông.

Một hôm, Ngài vào Đền Thờ và thấy người buôn kẻ bán đủ thứ, Ngài nổi nóng và thẳng tay đuổi họ chạy tán loạn (Mt 21:12-17; Mc 11:15 -19; Lc 19: 45-48; Ga 2:13-22). Thánh Mátthêu tường thuật: Đức Giêsu vào Đền Thờ, đuổi tất cả những người đang mua bán trong Đền Thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Rồi Người bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp”. Có những kẻ mù loà, què quặt đến với Người trong Đền Thờ, và Người đã chữa họ lành. Nhưng các thượng tế và kinh sư thấy những việc lạ lùng Người đã làm và thấy lũ trẻ reo hò trong Đền Thờ: “Hoan hô Con vua Đa-vít!” thì tức tối và nói với Người rằng: “Ông có nghe chúng nói gì không?”. Đức Giêsu đáp: “Có. Nhưng còn lời này, các ông chưa bao giờ đọc sao: Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen?”. Họ câm họng, không nói lại được nửa lời. Chúa Giêsu không thèm nói gì nữa, Ngài bỏ họ mà ra khỏi thành, rồi Ngài đến Bêtania và qua đêm tại đó.

Không để lòng dính bén vật chất là điều rất khó, khó làm chứ không phải là không làm được, nghĩa là phải nỗ lực nhiều lắm. Ai dính bén tiền bạc đều là kẻ xấu, linh mục mà lem nhem về tiền bạc còn tệ hơn nhiều. Thực tế đã cho chúng ta thấy có một số linh mục đã lem nhem về tiền bạc và đã bị “cách chức”, cả ở ngoại quốc và ở Việt Nam. Nhưng đó mới chỉ là một số ít các trường hợp bị phát hiện, chắc chắn còn những trường hợp còn bị giấu nhẹm vì “ô dù” to lớn.

Khi nhận “Chìa Khóa Nước Trời”, Thánh GH Piô X (1835-1914) chọn khẩu hiệu: “Omnia Instaurare in Christo – Mọi sự trong Đức Kitô”. Xuất thân là con nhà nghèo, cả đời ngài luôn tâm niệm: “Tôi sinh ra nghèo hèn, tôi sống nghèo hèn, và tôi muốn chết nghèo hèn”. Biết tâm niệm như Thánh GH Piô X thì chúng ta khả dĩ thoát khỏi sự kềm kẹp của tiền bạc.

Người ta thường quan niệm: “Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của lò xo, là thước đo của lòng người, là nụ cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cơn điên của kẻ giàu, là nỗi đau của kẻ yếu, là điểm yếu của kẻ tham, là đam mê của kẻ trộm, là sự hỗn độn của thị trường, là con đường của doanh nhân, là cán cân của công lý, thế nên có tiền là hết ý”. Thực sự chúng ta phải rất cẩn thận với quan niệm như vậy, không khéo có thể hối không kịp!

Ngày xưa, Thiên Chúa đã hạch tội vua Tia có liên quan việc buôn bán: “Nhờ khôn ngoan hiểu biết, ngươi đã làm ra của cải và thu tích vàng bạc trong kho. Vì ngươi rất khôn ngoan và có tài buôn bán, nên của cải ngươi đã tăng lên và ngươi sinh lòng tự cao vì lắm của” (Ed 28:4-5). Ngài chỉ ra các hệ lụy xấu xa khác có liên quan việc buôn bán: “Vì làm ăn buôn bán thịnh đạt nên ngươi chất đầy mình bạo lực và tội lỗi. Bởi thế, Ta làm cho ngươi ra phàm tục, không cho ở trên núi của Thiên Chúa” (Ed 28:16).

Buôn bán có thể tốt hặc xấu. Buôn bán vũ khí hoặc các đồ cấm đều là điều tệ hại, nhưng buôn bán người còn tệ hại hơn, vì liên quan sự sống của con người. Làm sao chúng ta có thể ngăn chặn nạn buôn người? Thiết tưởng, có thể đây là một vài giải pháp khả thi:

     1. Nhận thức đúng đắn về mối nguy của nạn buôn người để có thể tích cực giúp đỡ các nạn nhân.

     2. Hãy là người sống đúng với lương tâm chân chính, can đảm tố giác các hoạt động đen tối.

     3. Tích cực bảo vệ sự sống, bảo vệ công lý, bảo vệ nhân vị, bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền.

     4. Luôn cảnh giác cao độ, không nhẹ dạ, cả tin, cương quyết không nghe lời ngon ngọt của kẻ xấu.

     5. Người lớn và người hữu trách giáo dục và nhắc nhở con em về tệ nạn buôn người và mưu độc của kẻ xấu.

Ngăn chặn nạn buôn người là cách sống lòng thương xót, là thể hiện Tôn Nhan Thương Xót (Misericordiæ Vultus) của Đức Giêsu Kitô, Đấng giàu lòng thương xót (Ep 2:4), đặc biệt trong năm nay, Năm Thánh Thương Xót (từ 8-12-2015 đến 20-11-2016). Chúng ta cùng cầu nguyện: “Xin dạy con đường lối Ngài, lạy Chúa, để con vững bước theo chân lý của Ngài. Xin Chúa hướng lòng con, để con biết một niềm kính tôn Danh Thánh” (Tv 86:11).


Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*