Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

SÁM HỐI – LÀM HÒA CÙNG THIÊN CHÚA VÀ ANH EM

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

LỄ TRO 2024:

Đầu tháng Giêng vừa qua, tại một ngôi chùa lớn ở Miền Bắc có tổ chức việc trưng bày xá lợi là tóc của Phật cho các phật tử đến viếng. Sự việc này được phanh phui và bị coi như một hình thức lừa đảo, làm u mê phật tử. Sau đó, phía chính quyền đã kiểm điểm buộc vị trụ trì phải giải trình về nguồn gốc xá lợi, gỡ hết các bài đăng về việc này. Ban đại diện Giáo hội Phật Giáo Miền Bắc đã buộc vị Đại Đức trụ trì phải sám hối. Nhưng vấn đề là, vị trụ trì này đã tạo ra nhiều drama (tai tiếng) từ trước đến nay và cũng đã nhiều lần bị buộc phải sám hối 49 ngày. Ngay trong những ngày sám hối, vị trụ trì này vẫn xuất hiện, thuyết pháp và biện minh cho việc làm của mình, đồng thời còn “lên án” những người đã dám chỉ trích ông. Từ đó cho thấy việc sám hối của vị trụ trì không mang lại sự thay đổi nào.
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào mùa chay tịnh hay còn gọi là mùa sám hối, chúng ta sẽ sám hối và làm hoà cùng Thiên Chúa như thế nào? Việc sám hối chúng ta thực hiện, không phải chỉ là một mùa, cũng không dừng lại ở một vài lời tuyên bố hoặc một vài câu kinh, nhưng là làm mới lại bản thân và đời sống cho phù hợp với Tin Mừng. Việc sám hối mà không thay đổi đời sống, thì cũng giống như con rắn lột da để trở thành con rắn lớn hơn. Việc sám hối phải giống như một con sâu xấu xí, ghê sợ được thay đổi để trở nên những cánh bướm xinh, tô điểm cho mùa xuân cuộc đời.
Lời Chúa của ngày khai mạc Mùa chay hôm nay dạy chúng ta phải nhìn sâu vào trong tâm hồn, khiêm nhường để nhận ra điều sai lỗi với Chúa với anh em và quyết tâm để nhờ Chúa trợ giúp, thay đổi nên tốt hơn, làm mới lại tương quan với Chúa và anh em. Việc thay đổi này phải là một thay đổi quyết liệt từ suy nghĩ đến việc làm và còn phải khắc phục sửa sai những gì mình đã gây ra, nói cách khác, đó là làm hoà cùng Thiên Chúa và anh em.
Thánh phaolô trong thư Côrintô dùng những lời rất tha thiết để nói về tương quan của mỗi người với Thiên Chúa. Do tội lỗi và sự cố chấp của mình, chúng ta biến mình thành những kẻ thù nghịch với Thiên Chúa. Thánh Phaolô khuyên nhủ từng người: Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa,… Đấng làm cho chúng ta nên công chính trong Người. Cũng theo thánh Phaolô, mặc dù chúng ta là tội nhân, là những kẻ phản nghịch, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương và không chối bỏ chúng ta, Ngài mong đợi và còn ban ơn sức mạnh để chúng ta giũ bỏ quá khứ, và mang lấy con người mới tốt đẹp hơn. Vì thế, thánh nhân như nài van chúng ta hãy tận dụng thời gian, cơ hội mùa chay này để đổi mới bản thân: Anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu… Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày cứu độ.
Làm hoà cùng Thiên Chúa và anh em là thế nào? Giống như việc tìm kiếm hoà ước giữa hai quốc gia, thì điều kiện đầu tiên là phải ngừng việc gây hấn, kế đến là trả lại những gì đã chiếm giữ để tạo sự công bằng cho nhau, sau cùng là cam kết sẽ không khiêu khích, gây hấn hoặc xâm chiếm nhau nữa. Cũng vậy, để có thể đi đến việc làm hoà với Chúa và anh em, đòi chúng ta phải ngừng ngay tình trạng sai lỗi, ngừng việc gây hấn của mình với Chúa và anh em, trả lại những gì mình đã chiếm giữ, làm tổn hại đến Thiên Chúa và anh em, sau cùng là cam kết sẽ không xúc phạm đến Thiên Chúa và không xâm phạm anh em nữa. Thực hiện những bước như thế là tỏ ra sự thành tâm, thiện chí để xây dựng lại mối liên hệ hoà thuận với nhau.
Việc sám hối, làm hoà với Chúa và với anh em, còn phải phát xuất từ khao khát sâu xa trong tâm hồn, chứ không phải là những hình thức bên ngoài. Nếu chỉ là những hình thức bên ngoài như ủ rũ, kêu than, mặc áo rách như những người Do Thái thường làm mỗi mùa sám hối, thì không có giá trị gì. Lời tiên tri Giôen trong bài đọc một chỉ cho ta việc làm rất cụ thể: Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta trong chay tịnh, khóc lóc và than van. Hãy xé lòng chứ đừng xé áo. Tức là, hãy để cho lòng mình thật sự hối hận về quá khứ đã gây ra, hãy khóc ở trong lòng vì lỗi lầm của mình chứ không phải là những giọt nước mắt hình thức bên ngoài. Chúng ta được mời gọi sám hối không phải vì bị ép buộc hoặc bởi sự sợ hãi nào đó, nhưng là tin vào lòng bao dung tha thứ của Thiên Chúa là Cha yêu thương, giàu lòng từ bi và nhân hậu. Khi thành tâm sám hối trở về làm hoà với Thiên Chúa, chúng ta được phục hồi lại phẩm giá làm người và làm con Thiên Chúa. Vì ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng nên ta và còn nhận ta làm con của Ngài. Khi làm hoà với Thiên Chúa, ta được trở lại trong nhà của Chúa, sống tình cha con với Thiên Chúa. Tiên tri Giôen diễn tả ý tưởng này bằng cách nói: Hãy trở về cùng Thiên Chúa là Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương.
Để thể hiện sự thành tâm thiện chí sám hối, muốn thay đổi đời sống, Chúa Giêsu dạy chúng ta loại bỏ lối sống hình thức bên ngoài, để thiết lập mối tương quan thân mật với Thiên Chúa và sống thật lòng với Thiên Chúa. Cụ thể là: Cầu nguyện, làm việc bác ái và giữ chay tịnh. Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả, cầu nguyện cho mọi người xem thấy. Còn anh khi cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa lại, để trong sự thinh lặng riêng tư, ta có thể dễ dàng thưa chuyện với Chúa, có thể nghe được tiếng Chúa nói trong tâm hồn chúng ta. Cuộc sống thường ngày có quá nhiều âm thanh và sự ồn ào bên ngoài cũng như những ồn ào trong tâm hồn. Chỉ trong thinh lặng, buông bỏ, một mình đối diện với Chúa, với chính mình, chúng ta sẽ nghe rất rõ tiếng nói của Chúa vang vọng trong tâm hồn. Mỗi ngày cần dành một ít phút trong thinh lặng như thế trước mặt Chúa vào cuối ngày, Chúa sẽ giúp ta nhìn lại và đánh giá một ngày đã qua, chỉ dạy và sẽ hướng dẫn ta biết sống sao cho đúng với ý Chúa.
Cùng với việc cầu nguyện Chúa dạy chúng ta thực hành việc chay tịnh. Việc chay tịnh của người Kitô hữu khác với các tôn giáo khác. Nó không hệ trọng vào việc ăn uống, kiêng khem, ăn lạt giống như các Phật tử, cũng không ăn kiêng như người theo lối sống trở về với thiên nhiên (ăn rau củ quả, hạt). Người tín hữu giữ chay là để làm chủ bản năng, tiết chế dục vọng con người tự nhiên của mình, bắt nó thuận theo ý chí của mình, bớt ăn, bớt uống, bớt thú vui và bớt những gì mình thích (fasting). Do đó, việc giữ chay không phải là hình thức ủ rũ, thiểu não để mọi người trông thấy, nhưng là chay lòng, để lòng mình trở nên thanh thoát nhẹ nhàng trước mặt Chúa. Qua việc đói, thèm của thể xác, nhắc ta nhớ đến việc đói khát và cần đến Thiên Chúa trong tâm hồn.
Sau cùng là làm những việc lành phúc đức, việc bác ái. Việc bác ái của người Kitô hữu khác với việc từ thiện. Việc từ thiện chỉ dừng lại ở chỗ cảm thông, thương hại và muốn giúp đỡ. Còn việc bác ái và những việc lành là những việc làm được thúc đẩy bởi lòng yêu mến Chúa và anh em, nhìn nhận nhau là anh em con cùng một Cha trên trời và chia sẻ cho nhau như tình ruột thịt. Bác ái Kitô giáo không chỉ cho nhau những cái dư thừa, mà chia sẻ cho nhau cả những cái mình cũng đang cần, đang dùng. Làm việc bác ái thực sự, không cần phải phô trương, kể lể, báo cáo, nhưng là vì yêu mến và nhìn thấy hình ảnh Đức Kitô đau khổ nơi anh chị em mình, mà những đau khổ ấy có khi do mình gây ra cho anh chị em.
Thưa quý OBACE, lát nữa đây chúng ta sẽ tiến lên nhận một nhúm tro trên đầu với lời nhắc bảo: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng; Hãy nhớ mình là bụi tro. Việc cúi đầu nhận nhúm tro, vừa thể hiện sự khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người, đồng thời nhận ra sự giới hạn mong manh vô thường của kiếp người; nhắc cho ta nhớ đến thân phận của mình cũng chỉ là bụi tro, nhưng chúng ta được Chúa yêu thương, được Chúa trao ban cho hơi thở, sức sống của Chúa, được Chúa thương đổ máu ra để cứu chuộc và còn ban Nước Trời cho cả thân xác và con người chúng ta. Từ một hạt bụi vô tri vô giác chẳng có giá trị gì trong vũ trụ, ta đã được Chúa nâng niu quý mến và còn nhận là con của Ngài.
Xin cho mỗi người biết tận dụng mùa chay này để thay đổi, sám hối, làm hoà cùng Chúa, làm mới lại tương quan của ta với Chúa và với anh chị em. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*