Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG BẢO TRỢ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH:

Bảo trợBảo kê là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng nhiều người sử dụng lẫn lộn hai từ này. Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thì bảo trợ là các chính sách và chương trình cần thiết nhằm giảm hậu quả của cuộc sống nghèo đói và khó khăn của người dân, không những về mặt vật chất mà ngay trên cả phương diện tinh thần. Ví dụ các chương trình bảo trợ cho các trẻ em mồ côi, khuyết tật giúp hoà nhập với sinh hoạt cộng đồng. Theo từ điển online, thì Bảo kê là hành vi bảo đảm có tính bất hợp pháp của một thế lực cho những hoạt động trái pháp luật hay ít nhiều mang tính không hợp pháp. Ví dụ:  Các cá nhân hoặc nhóm có quyền lực chính trị bảo kê cho một số người làm ăn phi pháp, gian lận hoặc tham nhũng.

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta về Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ Ngài sẽ ban cho nhân loại sau khi về Trời: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi.”

Khi còn ở với các tông đồ, Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về Chúa Thánh Thần bằng những tên gọi khác nhau: Thần Khí của Thiên Chúa, Đấng an ủi, Thần Chân Lý…Sau khi hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại qua con đường thập giá, Chúa Giêsu nói trước về việc Ngài phải chia tay với các môn đệ để về Trời. Điều này làm cho Thầy trò lưu luyến vì ngày chia tay đã gần kề. Tâm trạng của các tông đồ không chỉ là phải xa Thầy, nhưng các ông mang trong mình bao nhiêu ưu tư, lo lắng cho tương lai của Giáo Hội vừa mới thành hình. Chúa Giêsu đã dành hết cả cuộc đời mình để thiết lâp nên Giáo Hội, giờ đây Ngài về Trời để lại cho các tông đồ sứ mạng tiếp tục bảo vệ, hướng dẫn và làm cho Giáo Hội phát triển.

Đây là một nhiệm vụ quá lớn đối với các tông đồ, là những con người thấp kém cả về khả năng, trình độ. Vì vậy, để giúp các tông đồ thêm vững tin vào quyền năng của Chúa, Chúa Giêsu đã nói với các ông cách rõ ràng, trách nhiệm của các ông trước tiên là phải thể hiện lòng yêu mến và trung thành giữ giới răn của Chúa: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì sẽ giữ các điều răn của Thầy.” Qua đó cho thấy, các tông đồ chỉ cần yêu mến và trung thành cách tuyệt đối với Chúa, còn các việc khác Chúa sẽ lo liệu. Ngài hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác.” Chúa Giêsu giải thích thêm về Đấng Bảo Trợ: Ngài sẽ ở với anh em luôn mãi; Ngài là Thần Khí sự thật. Những ai sống và hành động theo sự thật mới có thể đón nhận được Đấng Bảo Trợ, và những ai đã đón nhận Đấng Bảo Trợ thì sẽ được dẫn dắt trong sự thật.

Chúa Giêsu cũng cho thấy, Chúa Thánh Thần sẽ hoạt động trong các tông đồ với vai trò Thần Khí sự thật, Ngài sẽ không hoạt động riêng lẻ một mình, nhưng hoạt động cùng với Chúa Cha và Chúa Giêsu. Chúa Thánh Thần sẽ làm cho Chúa Giêsu tiếp tục hiện diện và sống trong các tông đồ và trong Giáo Hội: “Thầy ở trong Cha và anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” Chúa Thánh Thần sẽ giúp cho các tông đồ và Giáo Hội yêu mến, trung thành đi theo giới răn và huấn lệnh của Chúa, tức là giúp cho Giáo Hội tuyệt đối trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu.

Sách Công vụ cho thấy Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần đã hoạt động cách mạnh mẽ nơi các tông đồ và nơi các cộng đoàn Giáo Hội mà các tông đồ thiết lập. Đoạn sách hôm kể lại việc tông đồ Philipphê xuống rao giảng cho dân Samaria. Chúng ta còn nhớ, người Samaria vốn bị người Do Thái coi là những người lạc đạo, phải xa tránh. Vậy mà Philipphê đã đến đem Đức Kitô và Tin Mừng Phục sinh cho họ. Chúa Thánh Thần đã mở lòng những người Samaria đón nhận giáo lý mới về Đức Kitô và đã tin theo. Tông đồ Philiphê đã mang trong mình sức mạnh của Chúa Phục Sinh và quyền năng của Chúa Thánh Thần, ông đã làm nhiều phép lạ, chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ, khiến cho người Samaria hết sức kinh ngạc và cả thành đều vui mừng.

Có thể nói, cộng đoàn tại Samaria như là hoa trái đầu tiên của các tông đồ. Các tông đồ khi nghe tin người Samaria trở lại thì rất phấn khởi. Tông đồ Phêrô và Gioan đã được cử đến để đón nhận những người anh em mới này gia nhập Giáo Hội. Hai ông đã cầu nguyện và đặt tay để ban Thánh Thần xuống trên cộng đoàn này. Trước đây, Chúa Thánh Thần đã được Chúa Phục Sinh ban cho các tông đồ như một quà tặng. Hôm nay, với tư cách là thủ lãnh của Giáo Hội và là những chứng nhân về cuộc phục sinh, Phêrô và Gioan lại trao tặng món quà Thánh Thần đó cho các tín hữu, để Chúa Thánh Thần lại tiếp tục hoạt động nơi các tín hữu và biến họ trở nên nhân chứng của Tin Mừng.

Thư thánh Phêrô hôm nay đã chỉ cho các tín hữu phải sống thế nào để làm chứng về Tin Mừng đã đón nhận. Thánh nhân căn dặn: “Hãy tôn Đức Kitô làm Chúa ngự trị trong lòng anh em…. Hãy trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em.” Như thế có nghĩa là để có thể trở nên chứng nhân của Tin Mừng, có thể mạnh dạn trả lời chất vấn của người đời, thì điều kiện cần thiết và quan trọng nhất là phải: có Chúa ở trong tâm hồn. Chỉ khi có Chúa trong tâm hồn, ta mới có thể nói về Chúa cách tự tin và xác quyết. Có Chúa ở tâm hồn, ta sẽ nói với mọi người về chính kinh nghiệm và cảm nghiệm sống đức tin, điều đó sẽ có sức lay động hơn những lời lẽ trên môi. Thánh Phêrô còn căn dặn thêm: “hãy trả lời trong sự khiêm tốn, hiền hoà và kính trọng.”

Điều thứ hai thánh Phêrô chỉ dạy chúng ta là phải giữ một lương tâm ngay thẳng, ăn ở ngay lành. Thánh phêrô muốn mỗi tín hữu từ đời sống đến lời nói phải hoà hợp với nhau. Một khi có Chúa ở trong tâm hồn, chúng ta sẽ nói với nhau bằng những lời yêu thương, nhân từ, khiêm tốn, hiền hoà. Trái lại, nếu không có Chúa trong tâm hồn, ta sẽ nói những lời gay gắt, nóng nảy, chửi bới gây tổn thương cho người khác. Cho dù vì nhiệt thành sống và làm chứng về Chúa Kitô mà ta bị người đời coi thường hay ghét bỏ, người tín hữu vẫn có sự bình an tự tại trong tâm hồn vì mình luôn có Chúa ở cùng.

Thưa quý OBACE, Chúa Thánh Thần, Đấng bảo trợ Giáo Hội và các tín hữu đã được Chúa Giêsu trao ban cho từng người như Người đã hứa. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người đã quên hoặc vì sự kiêu ngạo cậy dựa vào bản thân, mà từ chối sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần. Lòng chúng ta quá nhiều toan tính của con người, chiếm hết chỗ của Chúa Thánh Thần. Nhiều người cậy dựa vào các thế lực bảo kê hơn là sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần.

Nhiều người cho rằng mọi sự đều có thể giải quyết bằng tiền hoặc bằng nhiều tiền nên họ cư xử với nhau bằng tiền chứ không bằng tình. Cách cư xử này dẫn đến việc cha mẹ, anh em, láng giềng không còn nhìn nhau nữa. Nhiều người đang cậy dựa vào các thế lực và các mối quan hệ xã hội bảo kê, để làm ăn bất chính gian dối. Nhiều bậc làm cha mẹ đang dựa vào thế lực của tiền bạc để bảo kê dung túng cho con cái trong điều sai trái. Điều này dẫn đến việc con cái ỷ nại, dựa dẫm và hư hỏng, vì chúng cho rằng, dù có làm sai, có vi phạm pháp luật đã có bố mẹ lo.

Tin tưởng vào Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, để mỗi người chúng ta khiêm tốn để cho Chúa Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn trong đời sống đức tin và đời sống thường ngày. Cách riêng các bạn trẻ ngày nay đang khi lăn xả vào môi trường xã hội, gặp nhiều khó khăn, thử thách trong đời sống đức tin. Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần của Chúa Phục Sinh sẽ ban cho ta sức mạnh, giúp ta vượt qua những khó khăn thử thách đó, miễn là chúng ta ngoan ngoãn vâng nghe theo sự hướng dẫn của Ngài. Đừng cậy dựa vào khả năng, cũng đừng để cho sự tự hào tự mãn của tuổi trẻ nơi các bạn chiếm chỗ của Chúa Thánh Thần. Vì ma quỷ và những lôi kéo của xã hội thích dùng những tự hào và cao ngạo của tuổi trẻ để chi phối và điều khiển các bạn trẻ đi theo ý nó. Vâng theo sự bảo trợ hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ có sự bình an, niềm vui của Chúa trong tâm hồn; Thánh thần sẽ biến chúng ta nên những chứng nhân của Chúa Phục Sinh trong môi trường các bạn đang sống và làm việc.

Xin cho chúng ta noi gương Mẹ Maria khiêm tốn mở lòng ra để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và hoạt động, biến chúng ta trở nên những khí cụ bình an của Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*