Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

KÍNH NHỚ VÀ THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN TỔ TIÊN ÔNG BÀ CHA MẸ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

MỒNG HAI TẾT QUÝ MÃO:
Trong một lần hỏi các bạn sinh viên: Bạn học đại học để làm gì? Đa số các bạn trả lời: Để tìm một việc làm tốt, có thu nhập cao giúp đỡ gia đình. Nhiều bạn cho rằng đó là cách đền ơn, báo hiếu công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Suy nghĩ đó liệu có đúng không? Báo hiếu cha mẹ bằng kiếm tiền đem về liệu có coi là đủ không?
Đứng về phía cha mẹ, chúng ta tự hỏi: Cha mẹ mong muốn điều gì nơi con cái? Với công ơn sinh thành, dưỡng dục bao la như trời bể, thì liệu mang tiền về cho mẹ có làm cho cha mẹ vui? Mang tiền về cho mẹ có phải là điều cha mẹ mong đợi nhất nơi con cái? Mang tiền về cho mẹ có phải là trọn chữ hiếu và lòng biết ơn với mẹ cha? Cha mẹ mong đợi gì nơi con cái nhất trong những ngày Tết này?
Thưa quý OBACE đặc biệt các bạn trẻ, chỉ mang tiền về cho mẹ thôi, chưa hẳn là điều cha mẹ cần. Vì nếu như thế, thì lòng thảo hiếu biết ơn với cha mẹ lại được cân đong đo đếm bằng việc đem tiền về trả lương cho cha mẹ thôi hay sao?
Hôm nay, ngày Mồng hai Tết, Giáo Hội nhắc cho chúng ta về lòng biết ơn đối với Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ. Sách Huấn ca dạy chúng ta thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên không phải là mang tiền về cho bố mẹ, mà là biết tự hào và duy trì truyền thống đạo đức của cha ông. “Chúng ta hãy ca ngợi các vị danh nhân cũng là cha ông chúng ta…Các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng.” Biết ơn tổ tiên ông bà là những người đã tạo lập nên nếp sống và truyền thống tốt đẹp của gia đình. Chúng ta là các gia đình Công giáo, mỗi người đến từ những vùng miền khác nhau, tất cả quy tụ về đây mang theo truyền thống đạo đức của xứ sở quê hương và truyền thống đạo đức của ông bà cha mẹ. Do đó, cách tốt nhất để thể hiện lòng thảo kính biết ơn ông bà tổ tiên, là con cháu nhắc nhở nhau gìn giữ những nếp sống đạo đức mà mỗi người mỗi gia đình đã thụ hưởng và truyền lại cho con cháu; cùng nhau vun đắp cho gia đình hoà thuận an vui, con cháu xum vầy, làm rạng danh ông bà tổ tiên.
Điểm thứ hai sách Huấn ca dạy chúng ta thể hiện lòng thảo hiếu biết ơn đó là trung thành với Chúa theo gương tổ tiên: “Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu một mực trung thành.” Việc biết ơn ông bà tổ tiên không hệ tại ở việc xây những lăng mộ cho to, tổ chức giỗ chạp linh đình. Nhưng điều tổ tiên ông bà mong đợi đó là những lời cầu nguyện, những Thánh lễ được hiệp dâng với cả gia đình, những việc lành hy sinh để cầu nguyện cho các ngài; nhắc cho con cháu cầu nguyện cho ông bà. Các ngài mong muốn con cháu có được một đời sống đạo đức, trung thành với Chúa và Giáo Hội, làm rạng danh gia đình và tổ tiên bằng đời sống đạo, làm việc bác ái, cùng cộng tác xây dựng gia đình và cộng đoàn ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. Đó là những cách sống thể hiện lòng biết ơn ông bà tổ tiên. Khi con cháu biết sống và thực hiện ước nguyện của tổ tiên, thì cả một đời hy sinh của các ngài không bị uổng phí, nhưng sẽ sinh hoa kết trái nơi con cháu.
Thánh Phaolô cũng chỉ cho dân thành Êphêsô biết phải sống làm sao cho trọn giới răn Thứ Bốn: “Thảo kính cha mẹ”. Nhiều anh chị em lương dân vẫn có cái nhìn thành kiến cho rằng: người bên đạo không thờ cúng ông bà. Đối với người có đạo, việc thảo kính cha mẹ, ông bà không chỉ thể hiện qua việc thắp hương, lập bàn thờ, cúng bái, nhưng quan trọng hơn đó là thảo hiếu vâng lời ông bà cha mẹ khi các ngài còn sinh thời. Không chỉ vâng lời cha mẹ trong tương quan gia đình, nhưng người có đạo còn phải vâng lời ông bà cha mẹ theo tinh thần của Chúa. Có nghĩa là nhìn nhận cha mẹ ông bà là những người thay mặt Chúa sinh thành dưỡng dục chúng ta. Vì vậy, thái độ của con cái không chỉ vâng lời cha mẹ như vâng lời Thiên Chúa mà còn phải tôn kính cha mẹ (như những vị thánh): “Vì đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này.”
Thánh Phaolô cũng không quên nhắc đến bổn phận của cha mẹ đối với con cái, đó là giáo dục, sửa dạy con cái với sự tôn trọng: “Những bậc cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” Cha mẹ nào cũng thương con, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách giáo dục con và nhất là biết tôn trọng con của mình. Bổn phận giáo dục con cái được bắt đầu từ khi đứa bé còn trong bụng mẹ cho tới khi khôn lớn và còn kéo dài cho đến khi cha mẹ nhắm mắt xuôi tay. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ đã không biết giáo dục và không kiềm chế sự nóng nảy của mình, dẫn đến những cách sửa dạy, những lời nói thiếu tôn trọng phẩm giá và làm tổn thương con cái mình. Những cách giáo dục như thế không phải là cách giáo dục của Chúa, làm mất đi hình ảnh thương xót của Thiên Chúa nơi cha mẹ và không giúp con cái cải thiện cuộc sống.
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu minh nhiên khẳng định lại giá trị và những đòi hỏi của bổn phận của con cháu: “Hãy thảo kính cha mẹ”. Nếu như trong cuộc sống thường ngày chúng ta từng chứng kiến những cảnh con cái bất hiếu với cha mẹ vì những lý do tình cảm hoặc vật chất, hôm nay Chúa Giêsu còn cảnh báo một thái độ sống bất nhân, bất hiếu nhân danh những việc làm đạo đức tôn giáo. Những người Biệt phái trách môn đệ Đức Giêsu về việc không giữ các truyền thống của tiền nhân như rửa tay, rửa bình, rửa chén. Đức Giêsu đã trách lại họ: “Sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm giới răn của Chúa?… Các ông bảo rằng: Ai nói với cha mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.” Luật này có nghĩa là những ai có ý định hoặc đã tuyên bố dâng cúng toàn bộ tài sản của mình sau này cho đền thờ, thì không phải phụng dưỡng cha mẹ.
Đức Giêsu đã phản đối luật vô nhân vô đạo này, vì Thiên Chúa không chấp nhận cho bất cứ ai nhân danh Ngài để làm điều sai trái. Ngài càng không thể chấp nhận một của lễ dâng vì bất hiếu. Con cái không thể nhân danh việc dâng cúng cho nhà Chúa để trốn tránh bổn phận phụng dưỡng cha mẹ khi tuổi già. Làm như thế là bất hiếu, là vi phạm giới răn Thứ Bốn của Thiên Chúa đòi buộc. Việc thảo kính cha mẹ đòi tất cả những người làm con phải có bổn phận yêu mến, kính trọng và vâng lời cha mẹ. Khi các ngài tuổi cao sức yếu phải hết lòng yêu thương chăm sóc và thông cảm nâng đỡ các ngài. Chăm lo cho cha mẹ già không chỉ thuốc men, cơm nước, mà còn phải an ủi tinh thần giúp các ngài hạnh phúc an vui trong tuổi già, nhất là phải lo liệu đời sống thiêng liêng cho các ngài qua việc xưng tội, rước lễ, xức dầu khi các ngài đau yếu bệnh liệt. Khi các ngài qua đời không chỉ tổ chức tang lễ mà còn phải thường xuyên nhắc nhở con cháu đọc kinh cầu nguyện, xin lễ, dâng lễ cầu nguyện cho các ngài và chăm lo mộ phần cho các ngài.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*