Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

LẶNG

TRẦM THIÊN THU

▶ Dấu Chay – https://youtu.be/eacVpOc7H0s

Xức tro, tịnh khẩu, tịnh tâm
Ăn năn, đền tội, canh tân, nguyện cầu
Xức tro là dấu chỉ ăn năn, là dấu chay, chìa khóa cần thiết để mở cửa lòng thương xót. Càng nhiều tuổi càng trải qua nhiều Mùa Chay, cũng là một dạng phúc vì có thêm thời gian để sám hối, nhưng quan trọng là có thực sự chân thành hay chỉ theo mùa – kiểu phong trào vậy thôi.
Khoảng tĩnh lặng thực sự rất quan trọng – với cả đời thường và tâm linh. Chỉ trong khoảng tĩnh lặng đó mới có được những vĩ nhân, những thiên tài, và tất nhiên cũng chỉ như thế mới có thể lắng nghe tiếng Chúa. Các vị thánh được tôi luyện trong cõi tĩnh lặng như vậy.
Trong Kinh Thánh không thấy đề cập tục lệ Mùa Chay nhưng có nói tới việc sám hối và rắc tro trên đầu, (2 Sm 13:19; Et 4:1; Đn 9:3; Mt 11:21) hoặc ngồi trên đống tro. (G 2:8) Đó là cách thể hiện sự trở về với Thiên Chúa. Trở về không chỉ cần thiết mà còn cấp bách, vì phải trở về cho kịp khi Thiên Chúa còn thương xót mà chờ đợi, vì chính Ngài đã mời gọi: “Các ngươi hãy HẾT LÒNG trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van.” (Ge 2:13)
Mùa Chay được gọi là cơ hội thuận tiện, kéo dài 40 ngày sám hối và “chết” cho tội lỗi mình đã vấp phạm, ăn chay 40 ngày là cách noi gương Chúa Giêsu. (Mt 4:1-11) Mùa Chay buồn mà vui, màu tím ảm đạm mà xán lạn. Đó là “khoảng chuẩn bị” nghiêm túc trong khi vui mừng chờ đón Con Thiên Chúa phục sinh. Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta CÙNG CHẾT với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ CÙNG SỐNG với Người.” (Rm 6:8) Có vẻ đơn giản mà nhiêu khê.
Ăn chay không chỉ là nhịn đói về thể lý mà quan trọng là nhịn đói về tinh thần, gọi là tịnh tâm – kể cả tịnh khẩu. Chay tịnh phải thực hành kín đáo chứ không tỏ vẻ hình thức, ăn chay chỉ có Chúa và mình biết thôi. Phàm nhân ưa bề ngoài, thế nên kín đáo không là điều dễ thực hiện. Về động thái kín đáo, Thomas Carlyle (1795-1881) nhận xét: “Sự kín đáo là thành tố của mọi điều tốt đẹp, thậm chí cả đức hạnh, cả cái đẹp cũng bí ẩn.” Người kín đáo là người thận trọng, “thận trọng là con trưởng của sự khôn ngoan.” (Victor Hugo, 1802-1885) Thật tuyệt!
Tội nhân là người làm mất lòng Chúa, nghĩa là đối lập với Ngài, vì thế mà phải sám hối. Khóc lóc trong lòng cần thiết hơn là khóc lóc bề ngoài, khóc lóc bằng những giọt nước mắt cá sấu: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng hoạ. Biết đâu Người chẳng nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu anh em có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em.” (Ge 2:12-14) Nghi thức thời xưa khác nghi thức ngày nay, nhưng mục đích vẫn là chứng tỏ sự ăn năn sám hối thật lòng để nài van Thiên Chúa xót thương. Chắc chắn Ngài xót thương, vì chúng ta còn sống trong Giờ Thương Xót – nhưng không ai biết lúc nào kết thúc.
Mệnh lệnh của Thiên Chúa được ngôn sứ Giôen thông báo: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê! Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và nói rằng: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại! Chẳng lẽ các dân lại được cớ mà nói: Thiên Chúa của chúng ở đâu rồi?” (Ge 2:15-17) Giữ chay là việc thánh, ai cũng phải thực hiện. Làm thì được phúc, không làm thì không chỉ vô phúc mà còn bị trừng phạt. Vả lại, chỉ những ai sạch tội mới được đến gần Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã xót thương khi thấy dân chúng thành tâm sám hối, họ đã “nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Ngài.” (Ge 2:18) Điều ghê tởm là tội lỗi, nguy hiểm với con người, nhưng tội lỗi sẽ hóa thành “chuyện nhỏ” nếu chúng ta sám hối: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.” (Is 1:18) Chính Chúa Giêsu xác định với Thánh Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới.” (Nhật Ký, số 1485) Thật vậy, chính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa sẽ khỏa lấp tất cả nếu chúng ta thành tâm ăn năn, quyết tâm chừa cải, chứ không làm cho có lệ, nếu như vậy thì chỉ là lợi dụng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa nhân lành.
Biết tình trạng của mình nên Thánh Vịnh gia van xin: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.” (Tv 51:3-6a) Biết nhận lỗi là biết phục thiện, người đó được Thiên Chúa tha thứ ngay, vì Ngài luôn kiên trì chờ đợi chúng ta tự thú với Ngài: “Tội đã phạm, con xin xưng thú, lỗi lầm vương phải, con áy náy băn khoăn.” (Tv 38:19)
Thiên Chúa biết chúng ta cần gì, nhưng Ngài muốn chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta cần Ngài, và Ngài ban cho chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng. Cầu xin Ngài thương xót cũng là cách thể hiện lòng yêu mến đối với Ngài: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.” (Tv 51:12-14) Hằng ngày, không chỉ trong Mùa Chay này, mà suốt cả cuộc đời, chúng ta luôn phải cầu xin: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.” (Tv 51:17) Cầu nguyện không chỉ là xin mà còn phải tôn vinh, chúc tụng, và tạ ơn Chúa – nhất là trong lúc chúng ta cảm thấy mình “vô duyên” hơn người khác.
Là phàm nhân cũng có nghĩa là tội nhân: “Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.” (Tv 51:7) Ai cũng sai lầm, phạm sai lầm là xúc phạm tới người khác, nguy hiểm nhất là xúc phạm tới Thiên Chúa, vì thế mà luôn cần sự hòa giải và sự tha thứ. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:20-21)
Suốt đời chúng ta phải ăn chay và sám hối, đặc biệt là Mùa Chay – thời gian thuận tiện, mùa thương xót, mùa cứu độ. Thánh Phaolô cho biết: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa, đừng để trở nên vô hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6:1-2) Mỗi mùa có đặc tính riêng, Mùa Chay cũng có nét đặc trung so với các mùa khác.
Dù với đời hay đạo, sự kín đáo cũng cần cả nội tại và ngoại tại. Nhưng Thiên Chúa rất ghét thói ba hoa, thói giả hình, nói hay mà làm dở. Chúa Giêsu vừa nhắc nhở vừa truyền lệnh: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6:1) Dùng hai chữ “phô trương” có vẻ “đồ sộ” lắm, nhưng không hẳn là to tát gì, bởi vì chúng ta có những kiểu phô trương rất tinh vi. Chúa biết chúng ta có “máu” này nên Ngài đã cảnh báo, vậy mà chúng ta vẫn “dính” thói này. Làm gì cũng muốn được khen chứ không thích âm thầm, không muốn bị chê. Tiếng khen chẳng là gì, theo gió bay tuốt luốt, vậy mà người ta vẫn khoái tít mắt. Kể cũng lạ thật. Chắc hẳn những người này có “họ hàng” với mấy ông Pharisêu chứ chẳng là “người dưng” đâu.
Có lẽ vì người ta hay tránh né nên Chúa Giêsu nói thẳng chứ không bóng gió nữa: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:2-4) Chúa nói thật chứ không đùa, nhưng rồi Chúa nói thì kệ Chúa, tay phải làm mà không cho tay trái biết thì… “uổng” lắm. Thật vậy, người ta vẫn đua nhau làm Bảng Vàng hoặc Bằng Ân Nhân để thỏa mãn các “nhà hảo tâm” cho họ có dịp “khoe” bằng cách treo giữa nhà. Thế mới “oai” chứ!
Và sau đó Ngài còn “láy” thêm: “Khi cầu nguyện, anh em ĐỪNG làm như bọn đạo đức giả: chúng THÍCH đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:5-6) Rất nên “suy tư” điều Chúa Giêsu nói là “đã được phần thưởng rồi,” suy nghĩ nghiêm túc, đúng hướng chứ đừng cố ý “bẻ lái” đi đâu. Có lẽ lời này làm “chói tai” nên ít ai muốn nghe, và gây “nhức mắt” nên ít người ngó tới.
Trình thuật Mt 6:1-6, 16-18 dành cho ngày bắt đầu Mùa Chay – cả năm A, B và C. Như vậy, ít nhất mỗi năm chúng ta được “nhắc nhở” một lần. Nghĩa là ai càng nhiều tuổi thì càng nghe nhiều lần. Còn nữa, Chúa Giêsu cảnh báo tiếp: “Còn khi ăn chay, anh em CHỚ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho RA VẺ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để KHÔNG ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mt 6:16-18) Khó ghê, nhưng không thể làm khác được.
Mệnh đề xác định “đã được phần thưởng rồi” được dùng ở thì quá khứ – chứ không ở thì hiện tại hoặc tương lai. Mệnh đề này được nhắc tới ba lần, mà người Việt thường nói là “quá tam ba bận.” Điều Ngài nói đó có nghĩa là đã được phần thưởng đời này thì đời sau không được nữa. Thế thì thật đáng sợ, tốt nhất là đấm ngực và sám hối chân thành: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51:3-4) Kinh Thánh nói: “Đừng hổ thẹn xưng thú tội lỗi mình, đừng ngăn chặn dòng sông đang chảy.” (Hc 4:26) Và Kinh Thánh vừa phân tích vừa giải thích: “Kẻ giấu tội mình sẽ không thành đạt, nhưng ai xưng thú và chừa tội sẽ được xót thương.” (Cn 28:13)
Lạy Thiên Chúa, chúng con nhận biết thân tro kiếp bụi với tội lỗi chúng con đã phạm, chúng con chân thành sám hối, trở về với tấm lòng tan nát, xin Ngài xót thương và tha thứ. Chúng con chỉ là thụ tạo mà dám phản nghịch với Ngài và kiêu hãnh với tha nhân, xin giúp chúng con triệt tiêu “cái tôi” bằng mọi giá. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*