Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

ĐAU KHỔ VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT V TN B:

Thưa các bạn, đau khổ, chết chóc vẫn luôn là điều gây khó hiểu cho con người. Con người từ xưa tới nay vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho vấn đề đau khổ: Tại sao lại có đau khổ? Đau khổ bởi đâu mà ra? Cho dù đau khổ dường như không bao giờ biến mất khỏi cuộc sống con người, nhưng người ta cũng thấy rằng, bao lâu vẫn con đau khổ trong cuộc sống, bấy lâu vẫn còn những con người có tâm hồn, trái tim chạnh thương, vẫn có những người dám mở rộng vòng tay để xoa dịu nâng đỡ anh chị em mình.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay không trả lời về nguyên nhân dẫn đến đau khổ, bệnh tật, nhưng cho thấy đau khổ là cơ hội để mỗi người thể hiện lòng xót thương; sẽ không bao giờ hết đau khổ trên mặt đất này, do đó lòng thương xót cũng không bao giờ được ngừng nghỉ, vơi cạn hoặc nguội lạnh trong tâm hồn người môn đệ Chúa Kitô.
Ông Gióp được Kinh Thánh kể là người công chính đạo đức, luôn sống đẹp lòng Chúa, thế nhưng ông vẫn gặp đau khổ tai ương. Chúng ta còn nhớ, ông Gióp là người giàu có, chiên lừa đầy đàn, con cái đông đúc, cuộc sống sung túc. Vậy mà bỗng chốc chiên lừa bị cướp, con cái bị tai nạn chết, ông trở nên trắng tay, bạn bè xa lánh và còn mang một thứ bệnh ghê sợ. Thế nhưng ông không hề oán trách Thiên Chúa. Câu chuyện ông Gióp cũng cho thấy không ai trên trần gian được miễn trừ khỏi đau khổ, cho dù có sống đạo đức vẫn gặp đau khổ. Câu chuyện trong sách Gióp còn muốn nhấn mạnh đến một điều quan trọng đó là thái độ đón nhận đau khổ khi nó xảy đến cho mình. Trong bài đọc một, Ông Gióp nghiệm ra một điều: Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là khổ dịch sao? Cuộc sống con người vất vả như kẻ làm thuê, gia tài của cải cũng chỉ là vô vọng. Qua những kinh nghiệm đó, ông Gióp nhận ra thân phận con người chỉ mong manh như hơi thở, cuộc sống ở trần gian đau khổ nhiều hơn hạnh phúc. Nhận ra như thế, không phải để bi quan thất vọng, nhưng là để cậy trông và biết tín thác nơi Chúa.
Tin Mừng Marcô hôm nay cho thấy, chỉ có Thiên Chúa mới có thể xua tan những đau khổ cho con người. Thánh Marcô giới thiệu cho chúng ta: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Ngài không làm ngơ trước những đau khổ, bệnh tật của con người, nhưng Ngài đã cảm thông, đã chạnh thương và dùng quyền năng của Thiên Chúa chữa lành cho con người. Cũng qua đoạn Tin Mừng hôm nay, tác giả muốn minh chứng cho mọi người rằng, Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế đến từ Thiên Chúa, Ngài là Đấng các ngôn sứ đã loan báo trong Cựu Ước mà muôn dân mong đợi.
Câu chuyện Tin Mừng chúng ta vừa nghe kể lại một ngày hoạt động của Đức Giêsu trong vai trò là Đấng Cứu Thế. Đức Giêsu bắt đầu ngày mới, công việc mới từ trong Hội đường Caphácnaum. Vào hội đường từ sáng sớm, Đức Giêsu cùng với mọi người cầu nguyện, nghe đọc và giải thích Kinh Thánh, đón nhận năng lượng mới để phục vụ cho một ngày phía trước. Vừa ra khỏi hội đường, Đức Giêsu đến nhà ông Simon cùng với các môn đệ. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Đối với người Do Thái, tất cả bệnh tật, đau khổ đều do tội lỗi gây ra, tội càng nặng, thì bệnh càng trầm trọng. Như thế, người bệnh không những đau khổ vì thể xác bệnh tật, mà còn đau khổ trong tâm hồn vì bị tội lỗi và ma quỷ dày vò chiếm hữu. Con người lúc đó hoàn toàn bất lực trước ma quỷ, tội lỗi, bệnh tật.
Khi nghe nói bà mẹ vợ ông Simon đang sốt, Đức Giêsu lại gần, cầm tay bà mà đỡ dậy. Cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. Câu chuyện cho thấy, bệnh tật khiến cho con người đau khổ. Chúa Giêsu không làm ngơ trước người bệnh, Ngài cầm tay mà đỡ dậy, tức là Chúa không muốn thấy con người phải đau khổ, bị ma quỷ, tội lỗi không chế. Ma quỷ muốn kéo con người xuống, nó dùng tội lỗi và đau khổ để vùi dập con người trong tuyệt vọng. Đức Giêsu đã đến, đã cầm tay con người, để nâng con người trỗi dậy từ những đau khổ, yếu đuối của mình. Khi con người được Chúa nâng dậy sẽ trở thành những con người biết quảng đại phục vụ Chúa và anh em như bà mẹ ông Simon.
Tác giả Tin Mừng kể tiếp: Chiều đến, khi mặt trời lặn, người ta đem các bệnh nhân đến cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã chữa lành mọi thứ bệnh, xua trừ ma quỷ và cấm không cho quỷ nói điều gì. Qua khung thời gian này, Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã miệt mài với sứ vụ của Ngài từ sáng tới chiều, để đem lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho con người. Qua việc chữa lành bệnh nhân, xua trừ ma quỷ còn cho thấy Đức Giêsu đã khai mở một thời kỳ mới, thời kỳ của tình thương và ơn cứu độ, đó là thời kỳ của Nước Trời. Nước Trời chính là nơi quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện và tình thương của Thiên Chúa sẽ bao trùm tất cả. Những ai đến với Chúa Giêsu và đặt trọn niềm tin nơi Người, thì được đón nhận vào Nước Trời, sống trong tình thương của Thiên Chúa.
Sáng sớm, khi trời còn tối, Đức Giêsu đã trỗi dậy, đi đến một nơi hoang vắng và cầu nguyện tại đó. Tác giả Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu bắt đầu ngày mới bằng việc cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, vào hội đường để nghe Lời Chúa và cũng kết thúc ngày làm việc bằng việc gặp gỡ Thiên Chúa. Đây chính là nguồn năng lượng giúp Đức Giêsu thi hành sứ mạng rao giảng của Ngài và cũng là để nhận ra thánh ý Chúa Cha muốn nơi Ngài. Vì thế, khi các môn đệ đến tìm, Chúa Giêsu nói với các ông: Chúng ta hãy đi đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa. Rồi Người đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường và trừ quỷ.
Thưa quý OBACE, ma quỷ là thủ phạm tạo cớ, khiến con người phạm tội, khi con người đã đồng ý kết thân với ma quỷ và phạm tội, chúng sẽ biến con người thành lệ thuộc và làm nô lệ cho nó. Tội lỗi sẽ gây ra đau khổ cho bản thân và cho người khác, nó còn là sợi dây trói buộc con người, làm cho con người mất tự do. Thiên Chúa không thể làm ngơ trước những đau khổ của con người. Đức Giêsu đến trần gian với sứ mạng đem lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho nhân loại và khai mở Nước Trời, xua trừ ma quỷ, mời gọi mọi người gia nhập vào vương quốc tình thương của Thiên Chúa. Tất cả mọi người, đặc biệt là người đau khổ và tội lỗi đều có thể đón nhận được tình thương và sự nâng đỡ của Thiên Chúa.
Qua Giáo Hội và qua mỗi người Kitô hữu, Thiên Chúa mời gọi chúng ta tiếp tục cộng tác với Chúa để mở rộng Nước Trời trong gia đình, nơi cộng đoàn. Chúng ta sẽ mở rộng Nước Trời bằng việc đem lòng thương xót của Chúa đến cho mọi người chung quanh, trước hết là những người trong gia đình, đến những người hàng xóm và những người ta gặp gỡ. Chung quanh ta còn rất nhiều người đau khổ vì bệnh tật, bị bỏ rơi, bị hiểu lầm hoặc bị nghi kỵ, chúng ta được mời gọi để bước đến, cầm lấy tay người anh em và nâng họ trỗi dậy. Chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười một cái nhìn cảm thông, một cái bắt tay nồng ấm, cũng có thể giúp cho anh chị em mình vơi nhẹ đau khổ và giúp họ có sức mạnh trỗi dậy.
Cuộc sống hiện đại ngày nay đang biến nhiều người trở thành vô cảm, sợ mất thời giờ, sợ bị làm phiền, khiến nhiều người khép lòng lại, ngại bước đến với anh em. Giới trẻ và nhiều người bị rơi vào lối sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân và gia đình mà không quan tâm đến người khác. Xin cho chúng ta nhờ siêng năng đến với Chúa mỗi ngày qua việc cầu nguyện, sống thinh lặng với Chúa, tham dự thánh lễ, biết lấy năng lượng và sức mạnh từ Lời Chúa và Thánh Thể để chúng ta đem lòng thương xót của Chúa đến cho anh chị em, làm cho cuộc sống trần thế đầy tràn tình yêu thương. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*