Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ 2023: ĂN VÀ UỐNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Trong lúc thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hoá chất độc hại được bán tràn lan và gây ra nhiều bệnh tật, thì mọi người mới chú ý đến thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn. Các nhà khoa học cho thấy có sự liên quan rất gần giữa thực phẩm và bệnh tật. Ngày nay có nhiều các bệnh lạ, bệnh nan y mà nguyên nhân phần lớn là do việc ăn uống các thực phẩm nhiễm chất bảo quản hoặc chất độc hại. Vì vậy, ngày nay nhiều người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến thực phẩm sạch, mà còn quan tâm đến những thực phẩm chất lượng, giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khoẻ.
Ăn uống là nhu cầu thiết yếu thường ngày của con người. Chúa Giêsu đã muốn ở lại với nhân loại qua việc biến bánh và rượu nên Thịt Máu Người và biến Thịt Máu của Người nên của ăn, của uống, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cả linh hồn và thân xác con người. Khi trở nên của ăn được dọn ra cho nhân loại, điều mà Chúa mong đợi nhất đó là mỗi người trở nên những “thực khách” nhiệt tình trong bữa tiệc của Chúa, không chỉ ăn, mà còn thưởng thức, cảm nhận “vị ngon” của lương thực Chúa thiết đãi.
Nhiều người chỉ ăn vội, ăn cho no, cho xong bữa, mà bỏ qua việc thưởng thức và cảm nhận món ăn. Mỗi bữa cơm hằng ngày, ngoài việc ăn no, chúng ta còn thưởng thức vị ngọt dẻo của hạt cơm, vị tươi ngon của đồ ăn và sự khéo léo vừa vặn của gia vị. Thưởng thức một bữa ăn ngon, người ta còn cảm nhận được tình yêu, tâm trí và công sức chuẩn bị của người đầu bếp đặt để vào từng chi tiết của dĩa thức ăn.
Mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay, Giáo Hội muốn đưa chúng ta trở lại căn phòng Tiệc ly, nơi Chúa Giêsu và các môn đệ cùng dự bữa tiệc Vượt Qua cuối cùng của Chúa. Trong bữa tiệc này, Chúa Giêsu đã lập Bí Tích Thánh Thể, trao ban Máu Thịt Mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Chúa muốn chúng ta ăn, thưởng thức và cảm nhận hương vị tình yêu trong “Món ăn thánh” này của Chúa.
Ngày xưa dân Do Thái đã được Chúa nuôi ăn suốt bốn mươi năm trong sa mạc, nhưng họ chỉ ăn cho no bụng mà quên thưởng thức, cảm nhận và biết ơn về sự phục vụ trao ban của Chúa. Vì thế, nhiều lần họ kêu trách Môsê: “Chúng tôi đã chán thức ăn nhàm chán này rồi, chúng tôi muốn ăn thịt, muốn có hành tỏi gia vị.” Thiên Chúa đã đáp ứng cho họ như họ yêu cầu. Tuy nhiên, họ cũng chỉ ăn no bụng rồi quay lại trách Thiên Chúa. Đoạn sách hôm nay ông Môsê nhắc cho Israel biết thưởng thức và cảm nhận được món ăn mà Chúa ban cho họ và biết ơn Chúa về những việc kỳ diệu Chúa làm cho họ trong sa mạc: Anh em hãy nhớ lại con đường Chúa dẫn anh em đi qua. Chúa để anh em trải qua cùng cực để biết quý những ngày bình an hạnh phúc; trải qua những ngày đói kém, thiếu thốn để biết quý trọng và biết ơn Chúa trong những khi Chúa ban cho của ăn dư thừa. Israel được ăn Manna là món ăn mà cha ông họ trước đây chưa từng được ăn. Chúa muốn Israel khi ăn món này còn phải thưởng thức và cảm nhận được hương vị yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa đã làm cho họ. Tất cả mọi việc Thiên Chúa làm cho Isarel để cho thấy rằng, người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống bởi lời từ miệng Chúa phán ra. Chúa muốn Israel, nhớ lại tất cả những sự kiện đã xảy ra để suy gẫm và cảm nhận được tình thương và sự quan phòng của Chúa.
Người Do Thái không vượt qua được cái bụng để thưởng thức và cảm nhận về của ăn Chúa ban tặng. Vì thế, khi Chúa Giêsu nói với người Do Thái: “Tôi là Bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban chính là Thịt Tôi đây để cho thế gian được sống.” Chúa Giêsu nói đến của ăn thiêng liêng đem đến sự sống đời đời. Của ăn này không chỉ được đón nhận, được ăn trong miệng, nuốt vào trong ruột như những của ăn khác, nhưng còn phải thưởng thức và đón nhận tình yêu và sức sống từ lương thực này ban tặng. Nhưng người Do Thái lại chỉ hiểu theo nghĩa “ăn uống” bình thường. Vì thế họ đặt vấn đề: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Chúa Giêsu đã trả lời cho họ: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.” Khi giải thích như thế, Chúa Giêsu không chỉ nói về sự sống thể xác, nhưng Ngài muốn nhấn mạnh đến sự sống của linh hồn. Sự sống thể xác cần có của ăn vật chất, còn sự sống linh hồn cần phải được nuôi dưỡng bằng của ăn thiêng liêng đó là chính sự sống và cả con người của Đức Giêsu. Vì thế, khi nói đến việc đón nhận, ăn Thịt và uống Máu Chúa, Đức Giêsu mời gọi mỗi người đón nhận chính Ngài vào trong tâm hồn.
Thánh Phaolô giải thích điều này với cộng đoàn Côrintô bằng cách diễn tả khác, khi nói: “Khi ta nâng chén chúc tụng là ta dự phần vào máu Chúa Kitô; khi ta cùng bẻ Bánh Thánh là dự phần vào thân thể của Người.” Dự phần ở đây không chỉ là đồng bàn mà còn thực sự được biến đổi để trở nên một chi thể trong thân thể của Chúa Kitô. Dự phần còn là được Chúa cho trở nên một chi thể, là thành phần quan trọng, cần thiết trong mối hiệp thông với Chúa. Vì thế, thánh nhân còn rút ra bài học: “Chúng ta cùng chia sẻ một Bánh, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.”
Thưa quý OBACE, mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa hôm nay, chúng ta được mời gọi sống tâm tình thờ lạy và tạ ơn vì Chúa Giêsu đã yêu thương ban tặng cho ta Thịt và Máu Ngài làm của ăn thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã trao tặng cả con người và sự sống của Ngài không chỉ để ở với ta, mà còn trở nên lương thực, của ăn để nuôi sống ta. Ngài biến máu thịt nên của ăn, vì thế điều Chúa mong đợi nơi mỗi người là đến để ăn, thưởng thức và cảm nhận vị thơm ngon của tình yêu nơi của ăn này.
Chúa muốn chúng ta ăn để Chúa có thể bước vào tâm hồn, trở nên chất dinh dưỡng cho cả hồn và xác chúng ta. Chúa muốn chúng ta thưởng thức để nhận ra hương vị ngọt ngào của tình yêu, sự mặn mà và cả vị cay của đau khổ mà Chúa chịu vì ta. Chúa cũng muốn ta cảm nhận được tình yêu, sự ân cần như một người mẹ chăm lo từng ngày cho bữa ăn giấc ngủ của con cái. Cảm nhận và thưởng thức của ăn thiêng liêng này sẽ đưa chúng ta vào mối dây thân tình với Chúa hoặc nói như thánh Phaolô là được thông hiệp, được dự phần với Chúa Kitô.
Cùng ăn bánh và uống chén của Chúa, cùng đồng bàn với Chúa, chúng ta được mời gọi xây dựng và vun đắp cho sự hiệp thông, hiệp nhất với Chúa và với nhau. Chúng ta sẽ đem sự sống của Chúa về với gia đình và với những người ta gặp gỡ, tiếp xúc, họ sẽ nhận ra sự hiện diện và sức sống của Chúa nơi từng lời nói và cử chỉ của ta. Chúng ta sẽ vun đắp sự hiệp thông, hiệp nhất bắt đầu từ trong gia đình, biến gia đình trở thành một cộng đoàn, hợp nhất yêu thương, mỗi thành viên quảng đại chia sẻ và nâng đỡ nhau.
Dẫu vậy, lời mời gọi của Chúa: “Hãy đến mà ăn” dường như vẫn chưa đụng chạm được đến nhiều người. Nhiều người vẫn tỏ ra dửng dưng trước lời mời của Chúa, từ chối tham dự Tiệc Thánh Thể của Chúa. Có nhiều người đến nhà thờ không phải để dự tiệc của Chúa, mà họ đến như để tham quan, như đi dạo mát chứ không thực tâm thực lòng đến để hiệp thông dự phần với Chúa trong tiệc thánh này.
Xin Chúa cho mỗi người siêng năng đến đón nhận Mình và Máu Chúa mỗi ngày để được nuôi sống, được biến đổi nên những con người mới. Xin Chúa cũng lôi kéo tất cả mọi người đến với Chúa, đừng để ai tỏ ra dửng dưng vô tình trước lời mời gọi của Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*