Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

YÊU BẰNG VIỆC LÀM THIẾT THỰC

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXXI TN B:
Hiện nay con số các tiến sĩ tại Việt Nam lên đến hàng chục ngàn người. Thế nhưng, thực tế con số hàng ngàn tiến sĩ, nhưng lại có rất ít các công trình nghiên cứu có giá trị và có thể áp dụng được. Trong khi đó lại có rất nhiều nông dân hoặc thợ máy bình thường nghiên cứu, chế tạo ra những máy móc, thiết bị phục vụ cho nông nghiệp cũng như các lãnh vực khác. Cũng vậy, hàng năm, các trường đại học cho ra trường rất nhiều kỹ sư nhưng không tìm được việc làm hoặc phải làm trái nghề. Lý do là vì các công ty xí nghiệp họ cần thợ có tay nghề hơn là những tiến sĩ, thạc sĩ kỹ sư phòng máy lạnh, giỏi lý thuyết mà không quen thực hành.
Ngày xưa, trong dân Do Thái cũng có rất nhiều tiến sĩ luật. Họ có thể thuộc lòng hàng ngàn khoản luật và những ghi chú, giải thích nhỏ nhất trong luật Do Thái. Họ còn thuộc cả những quy định tập tục của người Do Thái trong các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo và là thầy dạy mọi người về các quy định của luật. Vậy mà hôm nay, có một thầy tiến sĩ luật đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, trong các điều răn, điều nào đứng đầu?”
Tại sao vị tiến sĩ này lại hỏi Chúa Giêsu như vậy? Thưa có lẽ các vị này theo dõi các bài giảng dạy của Chúa Giêsu và cách Người huấn luyện các môn đệ, thấy rằng: Chúa Giêsu rất ít khi đề cập đến các khoản luật. Người cũng không bắt các môn đệ của mình phải học thuộc tất cả các khoản luật, nhưng yêu cầu các môn đệ phải thực tập và thi hành. Có lẽ vì thế mà thầy thông luật kia muốn kiểm tra lý thuyết của Chúa Giêsu về lề luật, nên hỏi Chúa Giêsu: Điều răn nào là điều răn trọng nhất?
Đức Giêsu đã không chú tâm vào các chi tiết của luật, Người dẫn vị tiến sĩ này đi vào trung tâm và mục đích của lề luật. Người nói với ông: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Chúa Giêsu đã trả lời cho vị tiến sĩ bằng việc trích lời kinh Shema của người Do Thái. Đây là lời kinh mà người Do Thái phải đọc mỗi ngày nhiều lần, phải mang trên trán, khắc trên mí cửa để ra vào nhìn thấy. Tuy nhiên, vì đọc mỗi ngày và nhìn thấy mỗi ngày, khiến cho nhiều người không còn quan tâm đến đòi hỏi của lời kinh và việc thực hành, mà chỉ mang trên trán như một đồ trang sức, viết lên cửa như một thói quen mà không biết lời kinh này đòi hỏi phải làm gì.
Khi trích lời kinh Shema, Đức Giêsu không chỉ nhắc lại một truyền thống Do Thái đã thuộc mà chỉ cho vị tiến sĩ thấy đòi hỏi của luật yêu mến phải đạt đến một cấp độ cao nhất: hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức mình. Điều này có nghĩa là phải dành cho Chúa một vị trí tuyệt đối trong mọi lãnh vực của cuộc sống, dành cho Chúa sự ưu tiên trong suy nghĩ, tình cảm, ước muốn và khả năng của toàn bộ con người, tức là dành trọn con người và cuộc đời cho Chúa, vì yêu mến Chúa. Khi trả lời như vậy, Chúa Giêsu muốn nhắc đến việc thực hành giới răn yêu mến này là điều quan trọng hơn là thuộc lòng giới răn yêu mến.
Điều răn thứ hai Chúa Giêsu trích lại từ sách Đệ nhị Luật của người Do Thái: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Cũng cùng một mục đích khi nhắc lại khoản luật này, Chúa Giêsu muốn nhắm đến việc thực hành đòi hỏi của luật yêu thương người thân cận ở mức độ cao, đó là: Yêu như yêu chính bản thân mình. Khi nói đến việc thực hành này, Chúa Giêsu muốn vị luật sĩ gỡ bỏ hàng rào giới hạn của tập tục Do Thái. Vì người Do Thái chỉ coi những người đồng hương, đồng chủng, đồng tôn giáo với mình là anh anh em, còn tất cả người khác đều bị coi là dân ngoại. Khi gọi người khác là dân ngoại, người Do thái còn có hàm ý coi thường khinh miệt, coi họ như những kẻ phong cùi hoặc tội lỗi phải xa tránh.
Người thân cận mà Chúa Giêsu nói đến là tất cả mọi người và từng người không trừ một ai cho dù họ là dân tộc nào, giai cấp nào, tôn giáo nào… đều đáng được yêu thương và phải yêu họ như yêu chính bản thân mình. Yêu như yêu chính bản thân mình, trở thành một tiêu chuẩn mới trong đòi hỏi của giới răn yêu người. Ai cũng yêu bản thân mình, muốn cho mình được thoải mái, tối đẹp, cuộc sống vui tươi hạnh phúc. Vì thế, mình cũng phải muốn và phải làm cho anh em được được thoải mái, vui tươi và hạnh phúc như vậy.
Vị luật sĩ khi nghe Chúa Giêsu nói, ông đã hiểu và đã tán đồng với lời dạy của Chúa về luật Mến Chúa – Yêu người và những đòi hỏi thực hành mà Chúa Giêsu nhắm tới. Ông bày tỏ sự khâm phục của mình trước câu trả lời của Chúa Giêsu: “Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng… yêu Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Vị tiến sĩ này đã nhận ra điều mà lề luật đòi hỏi là phải đem ra thực hành chứ không chỉ là những bài thuộc lòng; khi thực hành cách trọn vẹn những đòi hỏi của luật mến Chúa và yêu người như Chúa Giêsu giải thích, thì quả thật, còn có giá trị hơn là dâng lên Chúa những của lễ toàn thiêu vô hồn, không có lòng yêu mến.
Trước thái độ thiện chí và thành tâm của vị tiến sĩ này, Chúa Giêsu đã khen và cũng khích lệ ông: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu.” Chúa Giêsu khen ông đã dám bước một bước thật dài để vượt qua những thói quen lâu đời của các thầy tiến sĩ và dân Do Thái, để tiến đến gần với đòi hỏi của Tin Mừng Đức Giêsu. Chúa Giêsu không rao giảng một hệ thống lý thuyết hay những điều luật khô cứng, mà Tin Mừng của Người chỉ cho chúng ta các bài học thực hành cụ thể giúp con người có thể tiến đến sự thánh thiện, tiến đến Nước Trời là chính con người và Tin Mừng của Chúa Giêsu.
Thưa quý OBACE, hai giới răn Mến Chúa – Yêu người tất cả chúng ta đều đã thuộc lòng. Tuy nhiên chúng ta cũng giống như người Do Thái, từ việc thuộc lòng đến việc thực hành hai giới răn này vẫn còn là một khoảng cách khá xa. Nhiều người yêu mến Thiên Chúa chỉ là hình thức bên ngoài hoặc là do những thói quen cha truyền con nối mà không thực sự có mối tương quan thân thiết trong lòng với Chúa. Rất nhiều Kitô hữu chỉ có đạo trong nhà thờ, sống đạo theo hình thức, thích các việc rước sách, các cuộc kiệu kèn trống rềnh rang bên ngoài cho vui, nhưng không sống đạo ở gia đình, xóm ngõ. Nhiều người chỉ có đạo nhưng không sống đạo, không thực hành. Họ cho rằng đạo chỉ như một lãnh vực để giải trí, xả stress khi cần. Vì thế, họ chỉ đến với Chúa khi có việc như đến ủy ban xin giấy, hoặc chỉ như cái áo khoác bên ngoài; họ sống đạo không bí tích, không cầu nguyện và không tìm hiểu về đức tin của mình.
Đối với đòi hỏi của giới răn Yêu người cũng vậy, nhiều người yêu Chúa nhưng lại cố tình không chấp nhận anh em. Trong mỗi người vốn có tính ích kỷ, ta chỉ yêu trong giới hạn, yêu nhưng người nào ta thích, có cảm tình, hoặc những người yêu quý ta và loại trừ những người khác ra ngoài. Nhiều Kitô hữu nói rằng tôi yêu hết mọi người, nhưng thực ra chỉ là một kiểu nói trống rỗng, không có việc làm nào cụ thể và không có người nào cụ thể, thực chất là không yêu ai. Yêu là biết nói tốt, nghĩ tốt và làm điều tốt cho nhau, là muốn cho nhau được vui và hạnh phúc cũng như làm mọi việc để đem đến niềm vui và hạnh phúc cho nhau.
Chúa Giêsu nhắc đến việc yêu người thân cận, nhưng không đòi phải yêu mọi người như nhau. Có những người ta phải dành cho họ tình yêu đặc biệt, như ông bà, vợ, chồng, con cháu, là những người trong gia đình. Họ là những người mình phải dành cho họ một tình yêu thương đặc biệt, sự quan tâm, lòng biết ơn kính trọng. Kế đến là những người làm ơn làm phúc cho chúng ta, các bậc thầy dạy, trong đạo cũng như ngoài đời; hàng xóm láng giềng, đó là những người ra vào thấy nhau, tối lửa tắt đèn có nhau. Kế đến nữa những bạn đồng nghiệp trong công ty, cho dù họ có đạo hay ngoại đạo, cho dù họ dễ thương dễ mến hay khó tính khó chịu, ta vẫn được mời gọi để yêu họ.
Xin Chúa giúp chúng ta biết sống và thực hành hai giới răn căn bản này bằng chính đời sống và việc làm thiết thực của mỗi người dành cho Chúa và cho những người chung quanh. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*