Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHÚA CÓ CẦN PHẢI CHỊU ĐAU KHỔ THẬP GIÁ KHÔNG?

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXIV TN B:
Khi chứng kiến cảnh người chết không kịp chôn vì Covid và bao nhiêu nỗi lo âu sợ hãi trên gương mặt nhân loại này, có những người đã tự hỏi: Thiên Chúa ở đâu, Ngài có thấy con người đang đau khổ như vậy không? Thiên Chúa đã làm gì, khi nhân loại đang bị đại dịch tấn công như vậy?
Thưa quý OBACE, chắc chắn không phải chỉ có con người đau khổ khi thấy người thân và đồng loại của mình phải chết kinh khủng như thế, mà chính Thiên Chúa còn đau khổ hơn cả con người chúng ta, vì Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Do đó, Thiên Chúa cũng đang đau với nỗi đau của con người và còn đau với nỗi đau của người cha khi thấy các con mình đau đớn khổ sở. Không phải lúc này con người mới đau khổ, nhưng ngay từ khi tội lỗi và sự chết xâm nhập vào thế gian thì đau khổ đã đi kèm với nó. Thiên Chúa không làm ngơ trước đau khổ của nhân loại, Ngài đã cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu đến để chia sẻ, cùng chịu đau khổ với con người và để dạy cho con người biết dùng tình yêu thương để xoa dịu nỗi đau khổ của nhau. Có người thắc mắc: Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có cần phải để cho Con mình phải chịu đau khổ và chết như vậy không? Thưa, trong quyền năng của Ngài, Thiên Chúa không cần để Con Ngài phải đau khổ và chết vì con người, nhưng trong tình yêu, Thiên Chúa lại muốn chịu đau khổ với con người như vậy.
Simon Phêrô ngày xưa cũng tin Đức Giêsu là Đấng Kitô quyền năng, Đấng không phải đau khổ và dường như không muốn tin Người là Đấng vì yêu thương mà phải đau khổ và chết vì con người. Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy điều đó.
Sau một thời gian đi theo Đức Giêsu, các Tông đồ chứng kiến nhiều phép lạ Chúa làm. Các ông đã tin Đức Giêsu chính là Chúa Kitô – Đấng Cứu Thế, quyền năng của Người vượt trên ma quỷ, bệnh tật và sự chết. Hôm nay, Đức Giêsu hỏi các môn đệ về dư luận của dân chúng: “Người ta nói Thầy là ai?” Qua câu trả lời của các Tông đồ cho thấy, dân chúng hầu như vẫn chưa tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế đến từ Thiên Chúa. Họ chỉ cho rằng, Ngài giống như các vị ngôn sứ nổi tiếng trong Cựu Ước như Elia, Giêrêmia hay một tiên tri nào đó. Đức Giêsu không quan tâm nhiều đến những câu trả lời của đám đông, điều Người quan tâm, là chính thái độ của các Tông đồ, vì các ông là người cận kề với Chúa, là cộng tác viên của Người. Đức Giêssu đặt câu hỏi với các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Simon đã thay cho anh em thưa cùng Chúa: “Thầy là Đấng Kitô.”
Khi tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô, Simon tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, Đấng được Thiên Chúa xức dầu. Khi tuyên xưng như vậy, thánh Phêrô tin rằng, Thầy của các ông chính là Đấng Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại, Đấng mà các tổ phụ các tiên tri đã loan báo từ xưa và muôn dân đang mong đợi. Vì thế, Simon và các Tông đồ tin Người là Đấng Kitô nhưng các ông vẫn đinh ninh rằng, Người sẽ dùng quyền năng khôi phục lại vương quyền vua Đavít như ngày xưa. Các ông hy vọng ngày đó, các ông sẽ được chia sẻ quyền lực chính trị với Người.
Đức Giêsu biết các Tông đồ của Người đang chờ đợi Người thực hiện một cuộc cách mạng đánh đuổi người Roma, thiết lập vương quốc mới. Người đã điều chỉnh lại suy nghĩ sai lầm này. Người cho các ông thấy, Người sẽ thực hiện sứ mạng Kitô của Người bằng việc: “…phải chịu đau khổ, bị các kỳ mục, thượng tế, kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại.” Simon Phêrô dường như đã không dễ dàng chấp nhận sự thật này. Ông không muốn một Đức Kitô đau khổ và phải chết. Ông chỉ muốn một Đấng Kitô quyền năng mà thôi. Theo thánh Matthêu, Phêrô đã kéo Chúa Giêsu ra và nhân danh Thiên Chúa để can trách Người: “Thiên Chúa sẽ không thể Thầy phải như thế.” Đức Giêsu đã phản ứng lại sự can ngăn của Phêrô một cách dứt khoát như ngăn chặn một mầm bệnh, một cơn cám dỗ: “Satan! Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa.” Phêrô vừa được Chúa khen vì đã tuyên xưng Thầy là Đấng Kitô thì ông đã để mình trở thành tảng đá vấp phạm, khi ông muốn ngăn cản kế hoạch của Thiên Chúa. Đàng khác, Simon đã quên mất vị trí của mình là người môn đệ phải đi theo sau Thầy. Ông muốn vượt lên để đi trước Chúa và còn muốn dẫn Chúa đi theo ý mình. Có thể nói đây là một sai lầm nghiêm trọng của Simon Phêrô và cũng là bài học cho tất cả chúng ta.
Để giải thích cho lời trách mắng nặng lời với Phêrô, Đức Giêsu đã đưa ra một điều kiện: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Việc theo Chúa, trở thành môn đệ phải là một lời đáp trả tự do của mỗi người, không ép buộc ai. Những ai dám đáp lại lời mời gọi của Chúa, thì phải chấp nhận điều kiện của Chúa, là từ bỏ bản thân và vác thập giá mình đi theo sau Chúa. Từ bỏ chính mình là dám từ bỏ cái tôi, sự tự ái, sự thỏa mãn hưởng thụ, những ý riêng và những khuynh hướng chiều theo xác thịt; từ bỏ mình còn là làm mờ con người người của mình để cho Chúa được tỏ lộ rõ nét trong cuộc sống của mình; là bỏ đi những lối suy nghĩ và cách hành xử theo kiểu thế gian để sống và cư xử theo cách của Chúa. Đi theo sau Chúa là thái độ thích hợp của người môn đệ, là đi vào con đường của Chúa, lắng nghe và sống theo cách sống của Chúa, làm theo cách làm của Chúa.
Chấp nhấn điều kiện này, dường như phải chấp nhận sự thiệt thòi theo cái nhìn của thế gian, nhưng đối với Thiên Chúa đó là quyết định khôn ngoan mà người đời không thể có được. Vì chính Đức Giêsu, Người đến thế gian, không tìm kiếm quyền lợi địa vị danh vọng của thế gian; Người cũng không hành xử theo kiểu của thế gian, nhưng chọn sống và hành xử theo cách của Thiên Chúa, đó là chọn con đường yêu thương đến tận cùng, yêu không đắn đo tính toán thiệt hơn; Người làm tất cả chỉ vì yêu con người và muốn cứu chuộc con người. Trên cây thập giá, Người đã bày tỏ tình yêu đến tận cùng, để cứu chuộc nhân loại bằng cái chết đổ hết máu ra vì nhân loại.
Thưa quý OBACE, Thiên Chúa không cần phải để cho Con của Ngài chết vì chúng ta, nhưng Thiên Chúa vẫn muốn cho Con của Ngài vì yêu chúng ta mà chấp nhận cái chết. Thiên Chúa không muốn chọn cách dễ dãi để cứu chuộc con người, Ngài cũng không chọn cách tuyên bố một lời tha bổng, nhưng Ngài muốn yêu nhân loại chúng ta bằng những hành động yêu thương cụ thể.
Có một người cha và một đứa con nhỏ chừng 5 – 7 tuổi con cùng đi dạo trên cầu. Trong lúc chạy nhảy tung tăng, đứa bé đã rớt xuống dòng nước đang chảy xiết dưới sông. Người cha này sẽ làm gì? Chắc chắn ông không đi gọi người cứu con ông, cũng không ném phao xuống cho đứa bé, nhưng bản năng của người cha thúc đẩy ông lao xuống dòng nước để cứu con ông, bất chấp có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng của ông. Thiên Chúa cũng đã làm như thế khi thấy con người bị dòng nước dữ của ma quỷ và tội lỗi cuốn trôi. Ngài chấp nhận hy sinh mạng sống chỉ vì yêu con người.
Chúa Giêsu đã chọn cách yêu nhân loại bằng con đường thập giá và biến thập giá trở thành cách thể hiện tình yêu. Chúa cũng mời gọi ta bước vào con đường yêu thương này: “Hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta.” Tuy nhiên, con người vẫn muốn níu kéo và nuông chiều theo bản năng và những thói xấu của mình, ngại từ bỏ, ngại hy sinh. Chúng ta ngại vác thập giá và chỉ muốn đi theo lối sống riêng mà không muốn bước theo Chúa.
Trong hoàn cảnh giãn cách vì Covid, chúng ta phải bỏ nhiều thói quen cũng như công việc, có nhiều giờ hơn cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên không phải ai cùng biết tận dụng thời gian này để điều chỉnh lại nhịp sống của mình cho phù hợp với lời gọi của Chúa, cầu nguyện với Chúa nhiều hơn, vun đắp đời sống đạo đức cho bản thân và con cái. Dịch Covid này là cơ hội Chúa mời gọi ta sống quảng đại yêu thương chia sẻ với anh em thay vì chỉ biết đón nhận. Chúa mời gọi chúng ta đón nhận hoàn cảnh mới này như thập giá của riêng mình để bước đi theo Chúa trong tin tưởng vào tình yêu quan phòng của Chúa.
Đại dịch Covid cũng là dịp các bạn trẻ có thể thử thách bản thân, bước vào con đường yêu thương của thập giá, thay vì vùi đầu vào các thú vui theo thế gian. Các bạn được mời gọi từ bỏ những ích kỷ bản thân để quan tâm hơn đến những người chung quanh; sống mỗi ngày một xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu và là hiện thân của Người cho các bạn chung quanh.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*