Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

SỰ PHỤC SINH – QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

THỨ BẢY TUẦN THÁNH 2024:

Thưa quý OBACE, hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội cử hành đêm Canh Thức Phục Sinh. Đây là một cử hành đã có từ rất lâu trong Giáo Hội. Đêm nay, chúng ta được nghe lại toàn bộ lịch sử cứu độ đã được Kinh Thánh kể lại từ ngày Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ con người cho đến ngày Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu chuộc nhân loại mà cao điểm là cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu.

Khởi đầu, chúng ta được nghe sách Sáng Thế kể lại việc Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người. Đây là một bài thánh ca đã ăn sâu vào đời sống đức tin của người Do Thái khi kể lại quyền năng của Thiên Chúa trong vũ trụ. Tất cả mọi vật mọi loài, trên trời dưới đất đều do Thiên Chúa sáng tạo bằng một lời tuyên phán: Hãy có, thì mọi vật liền có. Và Thiên Chúa thấy nó thật là tốt đẹp. Điệp ca này được lặp lại nhiều lần trong đoạn tường thuật để cho thấy, Thiên Chúa là Đấng vượt trên tất cả mọi thứ thần linh. Mọi vật mọi loài được coi là thần linh thì cũng do Thiên Chúa tạo dựng, cho dù đó là thần linh của người Hy Lạp, Ai Cập hay là thần linh của người Babylon. Đây cũng là một lời tuyên xưng của dân Do Thái chống lại cám dỗ truớc việc chạy theo các thần của dân ngoại. Cũng trong điệp ca này, Kinh Thánh trả lời cho chúng ta rằng: vũ trụ từ thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên đều tốt đẹp. Chính do tội lỗi, ma quỷ cùng với sự hợp tác của con người đã khiến cho vũ trụ ngập tràn sự xấu và sự ác. Đây cũng là điểm giáo lý quan trọng mà đoạn sách muốn trả lời cho câu hỏi: tại sao con người phải đau khổ, tại sao thế giới lại có nhiều sự xấu sự ác đến như thế?

Câu chuyện về tổ phụ Abraham là một minh chứng cho thấy: cho dù con người phản bội Thiên Chúa, gây ra điều xấu, điều ác, thì Thiên Chúa vẫn yêu thương. Ngài đã tuyển chọn một người khác là ông Abraham để thực hiện một kế hoạch mới, kế hoạch tái tạo, phục hồi con người và vũ trụ. Ađam, Eva đã từ chối Thiên Chúa và trốn tránh Ngài, thì Abraham đã đáp lại lời mời gọi của Chúa, đi theo sự hướng dẫn của Chúa, trở nên bạn của Thiên Chúa. Ông đã thể hiện lòng tin, sự vâng phục tuyệt đối vào Thiên Chúa. Có những lúc Thiên Chúa thử thách ông như vượt quá giới hạn của con người, Chúa hứa cho ông có con ở độ tuổi hơn tám mươi, Chúa hứa cho ông có một dòng dõi đông như sao trời cát biển. Ông vẫn vâng và vẫn tin hoàn toàn, không một chút nghi nan. Một thử thách tột cùng đối với Abraham đó là Thiên Chúa muốn ông sát tế người con trai duy nhất yêu dấu của ông, là tương lai, hy vọng, là chỗ dựa tuổi già của ông. Tưởng chừng như Abraham sẽ thất bại trong thử thách này, nhưng không, ông vẫn vâng phục hoàn toàn cho dù tim gan ông tan nát.

Thiên Chúa đã ra tay hùng mạnh, quyền năng khi giải thoát và đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập, vượt qua Biển Đỏ trước sự sợ hãi của người Ai Cập. Trong sự kiện này, Chúa dùng ông Môsê như là hiện thân của Chúa để thể hiện quyền năng đối với người Ai Cập và dùng quyền năng để che chở, bảo vệ và giải thoát Israel. Biến cố xuất hành ra khỏi Ai Cập trở thành một biến cố ghi đậm dấu ấn trong lịch sử Israel, mà mọi con dân đều phải thuộc nằm lòng và không ngừng nhắc lại để truyền cho hậu thế. Do đó hằng năm, người Do Thái phải cử hành đại lễ Vượt Qua này với lòng biết ơn Thiên Chúa. Vào các dịp kỷ niệm, họ phải cử hành nghi thức ăn thịt chiên và bánh không men như cha ông họ đã cử hành bên Ai Cập. Họ cũng phải sát tế một con chiên như Chúa đã truyền, lấy máu bôi lên khung cửa như dấu chỉ đoàn dân thuộc về Chúa. Việc cử hành hằng năm này, giúp mỗi người Israel dù ở thời nào cũng có thể cảm nhận được sự vui mừng vì được Chúa giải thoát.

Không dừng lại ở việc đưa dân ra khỏi Ai Cập. Thiên Chúa còn ký kết với đoàn dân này một giao ước. Phía dân thề hứa sẽ tuân giữ Giới luật của Chúa, còn Thiên Chúa thì nhận Israel làm dân riêng và thề hứa sẽ trung tín bảo vệ và yêu thương dân này. Giao ước này làm nên một trang sử mới cho Israel, họ được trở thành một dân tộc tự do, có lãnh thổ là Đất hứa, có lề luật là Mười Điều của Chúa và có lễ nghi tôn giáo, có Chúa là Người lãnh đạo. Tuy nhiên, tiên tri Isaia cho thấy giao ước tại Sinai trong hoang địa đã bị dân Israel bội phản, Thiên Chúa đã có ý định thiết lập một giao ước mới với đoàn dân mới của Ngài.

Đoàn dân mới của Thiên Chúa là Giáo Hội xuất phát từ cạnh sườn Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian, đã dùng cái chết thập giá, lấy máu của Ngài để ký kết một giao ước mới với toàn thể nhân loại. Giao ước này là giao ước vĩnh cửu. Từ đây, đoàn dân mới này được ghi dấu bằng máu của Chúa Giêsu, thuộc về Chúa Giêsu, có Chúa Giêsu là thủ lãnh, có lề luật là Tin Mừng, có việc phụng thờ Thiên Chúa theo gương thảo hiếu, yêu mến của Chúa Giêsu. Đoàn dân này có một vương quốc mới, lãnh thổ mới là Nước Trời. Qua cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, nhân loại được bước qua một trang sử mới, bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống tự do, thoát khỏi sự ràng buộc làm nô lệ cho ma quỷ, tội lỗi và sự chết.

Thưa quý OBACE, đáng lẽ ra đêm nay Tin Mừng sẽ phải kể cho chúng ta chi tiết về việc Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết thế nào và những ai là người tận mắt chứng kiến giây phút quan trọng đó. Nhưng không, Tin Mừng Marcô chỉ kể cho chúng ta chi tiết về cuộc viếng mộ của các phụ nữ là các bà Maria Macđala, một bà tên là Maria và bà còn lại là Salômê. Điều mà tác giả Tin Mừng hôm nay cho thấy việc Chúa Giêsu từ cõi chết trỗi dậy là một phép lạ nhiệm mầu, thể hiện quyền năng của Thiên Chúa. Con người, khi đứng trước quyền năng của Thiên Chúa, thì thấy mình vô cùng nhỏ bé và khiếp sợ. Sự hoảng sợ này khiến: Các bà vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai vì sợ hãi. Sự kiện phục sinh vượt quá sự tưởng tượng và kinh nghiệm sống của con người. Vì thế, khi đối diện với sự kiện này, con người cảm thấy khiếp sợ trước quyền năng của Thiên Chúa.

Thánh Marcô cho thấy các phụ nữ này bị sự sợ hãi bao trùm vì các bà vẫn mang trong mình cái nhìn cũ, con người cũ. Các bà ra mộ với mục đích cũ để thăm lại cái chết của Thầy. Tất cả những cái cũ ấy như tảng đá lớn đang đè nặng trên tâm hồn các bà. Các bà bảo nhau: Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm chúng ta đây? Tảng đá các bà nói tới vừa là tảng đá lấp mộ, vừa là tảng đá trong tâm hồn các bà. Chỉ khi các bà không còn cắm mắt xuống đất để suy nghĩ, tìm kiếm những điều dưới đất nữa, nhưng ngước mắt nhìn lên thì Thiên Chúa sẽ dùng quyền năng của Ngài để lăn tảng đá đó qua một bên. Ngài sẽ giải phóng tâm hồn và mở mắt để các bà nhìn rõ hơn quyền năng và sự hiện diện của Chúa.

Bước vào mộ, các bà nhìn thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng, các bà hoảng sợ. Hình ảnh thanh niên mặc áo trắng, đứng bên phải là hình ảnh quen thuộc trong Kinh Thánh Cựu Ước để diễn tả sự xuất hiện của sứ giả Thiên Chúa, là người của Thiên Chúa và còn là chính Thiên Chúa. Vị sứ giả này quả quyết với các bà: Các bà tìm Đức Giêsu Nazarét, Đấng bị đóng đinh. Người đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa. Lời của sứ thần chính là Tin Mừng Phục Sinh đầu tiên được loan báo cho các phụ nữ. Sứ thần còn trao cho các bà một nhiệm vụ: Về nói cho ông Phêrô cùng các môn đệ và hẹn họ ở Galilê, ở đó, họ sẽ được thấy Người. Tiếc rằng các phụ nữ này không thoát được nỗi sợ, các bà chạy trốn và chẳng dám nói gì với ai, vì sợ.

Tin Mừng Marcô nói: Các phụ nữ kia chạy trốn không dám nói gì, có lẽ, tác giả cho thấy, các tông đồ (là Giáo Hội) mới là nhân chứng chắc chắn của mầu nhiệm phục sinh. Simon và các tông đồ là những chứng nhân được gặp Chúa Phục Sinh tại Galilê như Chúa đã hẹn trước. Do đó, niềm tin Chúa đã phục sinh là niềm tin của Giáo Hội, những ai tách mình khỏi Giáo Hội thì cũng không thể đón nhận được niềm tin này.

Nhìn lại chiều dài lịch sử mà Thiên Chúa đã thực hiện từ tạo dựng vũ trụ cho đến việc cứu chuộc con người, đó là lịch sử của tình yêu thương và ơn cứu độ Chúa dành cho nhân loại. Xin cho chúng ta luôn nhận ra tình thương và ơn cứu độ của Chúa, cùng xin Chúa cho chúng ta luôn gắn bó với Giáo Hội để được nâng đỡ, củng cố trong đức tin, nhất là niềm tin vào mầu nhiệm Chúa đã sống lại từ cõi chết. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*