Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

NÉT ĐẸP CỦA HÔN NHÂN – ĐƠN HÔN VÀ VĨNH VIỄN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XVII TN B:
Thời gian vừa qua, trang mạng có đăng hình những cặp vợ chồng nổi tiếng, đã từng có cuộc hôn lễ xa hoa sang trọng kèm với câu nhận định buồn: Rồi họ cũng chia tay! Trong thực tế chúng ta thấy nhiều cuộc hôn nhân chỉ mới bắt đầu được một thời gian ngắn đã đổ vỡ. Sự đổ vỡ này không chỉ nới những người dân thường, mà còn nơi giới quý tộc; giới chính trị gia, các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng và người giàu cũng không tránh được. Một trong những cuộc chia tay mà báo chí viết nhiều trong mấy năm qua, đó là cuộc chia tay của vợ chồng đại gia cà phê Trung Nguyên với câu nói được nhiều người nhắc lại: Tiền nhiều để làm gì mà giờ này phải đưa nhau ra tòa? Xấu hổ lắm!
Thưa quý OBACE, từ trước đến nay, Giáo Hội Công Giáo bị nhiều người cho là khắt khe, bảo thủ, nhưng Giáo Hội vẫn hết mình để bảo vệ vẻ đẹp của hôn nhân Công Giáo mà Thiên Chúa đã thiết lập đó là đặc tính: Một vợ một chồng và thủy chung với nhau cho đến chết.
Càng ngày, người ta càng thấy dường như gia đình trở nên mong manh dễ vỡ, hạnh phúc trong gia đình trở nên đồ quý hiếm. Các căn nhà ngày nay được xây to hơn, đẹp hơn, nhưng tình yêu, sự ấm cúng trong căn nhà đó càng ngày càng ít hơn. Nhiều gia đình, nhìn bên ngoài có vẻ hòa bình, nhưng bên trong lại là một chiến tranh lạnh kéo dài. Để biện mình cho cuộc hôn nhân đổ vỡ, người ta có thể đưa ra nhiều lý do.
Trước đây họ cũng đã từng nhân danh tự do để kết hôn với nhau cho bằng được, bất chấp những lời khuyên can của cha mẹ và những người có trách nhiệm. Cũng chính họ đã thể hiện cách công khai sự tự do và trưởng thành của mình khi đến trước mặt Giáo Hội và chính quyền để nói lên sự tự do ưng thuận kết hôn và cam kết sẽ thuỷ chung nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi đau yếu cũng như khi mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày trong suốt cuộc đời. Nhưng khi khó khăn, thử thách xảy đến, họ mau chóng bỏ qua lời cam kết trước đây và còn nhân danh tự do cá nhân, cho mình cái quyền tự quyết định về cuộc hôn nhân của mình khi họ đã chán nhau. Cái tự do mà họ nhân danh ở đây thực ra chỉ là biện mình cho hành động thay đổi của mình.
Chúng ta cũng cần phải nói đến một nguyên nhân khiến cho nhiều cặp vợ chồng nhanh chóng đi đến quyết định ly hôn là vì có sự trợ giúp của xã hội và nhất là sự đồng tình, khuyến khích của cha mẹ. Nhiều bạn trẻ thấy việc ra tòa xin ly hôn quá dễ dàng, họ còn được sự khuyến khích của cha mẹ: Không ở được với nó thì về với tao. Những sự khuyến khích ngầm đó, khiến cho nhiều cặp bạn trẻ không còn nỗ lực vun đắp hoặc tìm cách hàn gắn mối dây vợ chồng. Họ để cho người khác quyết định về số phận cuộc hồn nhân của họ. Chắc chắn cha mẹ phải chịu trách nhiệm rất lớn trước mặt Chúa về những lời nói khuyến khích khiến cho con cái chia tay.
Đối với người tín hữu, lý do căn bản khiến cho đời sống gia đình bị rạn nứt đổ vỡ là vì họ không khám phá ra được vẻ đẹp và giá trị của tình yêu mà Thiên Chúa đã thiết định trong đời sống hôn nhân. Mặc dù đã thành vợ chồng, nhưng hai người không còn muốn khám phá, tìm hiểu lẫn nhau để có thể đón nhận, cảm thông và nâng đỡ nhau. Họ không nỗ lực để vun đắp cho tình yêu vợ chồng và không khôn ngoan để tìm cách bảo vệ gia đình mình. Một khi, gia đình mất nền tảng là đời sống đạo đức, hôn nhân trở nên nhàm chán, thì cả gia đình sẽ bị rạn nứt và đổ vỡ.
Ngày xưa, người Do Thái cũng đã đưa ra rất nhiều lý do để phá vỡ mối dây hôn nhân của mình. Họ đến với Đức Giêsu để thăm dò quan điểm của Người: “Thưa Thầy, chồng có được ly dị vợ không?” Ngay trong câu hỏi này đã ẩn chứa sự mập mờ, vì người Do Thái cho rằng, chỉ có đàn ông mới có quyền ly dị vợ, còn vợ không được phép ly dị chồng. Họ còn dựa vào Môsê và nói: Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị vợ.
Đức Giêsu đã nói rõ giáo lý của Người: “Vì sự cứng lòng của các ông nên Môsê mới phải giới hạn như vậy. Còn từ thuở ban đầu, Thiên chúa đã dựng nên con người có nam có nữ. Vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai nên một xương một thịt. Vì vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly.” Trả lời cho những người Do Thái như thế, Chúa Giêsu muốn họ trở về với ý định ban đầu của Thiên Chúa khi dựng nên loài người. Thiên Chúa đã muốn thiết lập định chế hôn nhân, chúc phúc và làm cho hôn nhân giữa người nam và người nữ trở nên vĩnh viễn. Cũng trong câu trả lời cho thấy sự gắn bó vợ chồng đòi phải chấp nhận một sự từ bỏ, hy sinh kể cả tình cảm với cha mẹ người thân để trở nên một xương một thịt. Trở nên một xương một thịt cũng là một đòi hỏi hy sinh vì khi đã thành vợ chồng, hai người sẽ là của nhau, hoàn toàn lệ thuộc vào nhau, yêu thương, nâng đỡ, chia sẻ với nhau khi vui cũng như lúc buồn. Nên một với nhau còn là chấp nhận cả những cá tính, thói quen, tật xấu của nhau để cảm thông và giúp nhau thăng tiến.
Ngay sau khi khẳng định về sự thủy chung của hôn nhân, Đức Giêsu đặt tay chúc lành cho những đứa trẻ người ta đem đến cho Người. Việc làm này của Chúa Giêsu cho thấy, con cái trong gia đình sẽ trở thành mối dây yêu thương gắn kết vợ chồng và là hoa trái, là phúc lành của Thiên Chúa cho đời sống vợ chồng và gia đình. Nếu như đứa con là niềm vui và hạnh phúc lớn nhất cho vợ chồng, thì đứa con cũng là kẻ bất hạnh nhất khi cha mẹ chia tay, gia đình đổ vỡ. Chúa Giêsu cũng cảnh cáo các Tông đồ khi các ông ngăn cản trẻ em đến với Chúa: “Đừng ngăn cản chúng vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.” Lời cảnh cáo này cũng là lời nhắc cho các cha mẹ: Đừng bao giờ ngăn cản con cái đến với Chúa, nhưng phải khuyến khích và còn phải dẫn con đến với Chúa. Khi lười biếng, không tích cực đưa con đến với Chúa hoặc công khai ngăn cản, hoặc tạo cớ khiến con cái không được đến với Chúa thì đều làm cho Chúa “bực mình”.
Thưa quý OBACE, thời gian giãn cách cũng có thể gây cho nhiều người cảm thấy căng thẳng mệt mỏi. Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực, thì thời gian này là khoảng thời gian vợ chồng, cha mẹ, con cái có nhiều giờ bên nhau hơn. Trước đây các bữa ăn có thể có nhiều thịt cá, nhưng lại ít người ăn chung, nay bữa cơm thanh đạm hơn, những gia đình lại được xum họp đầy đủ. Trước đây bận rộn với các ca làm, khiến các giờ kinh chung trong gia đình chỉ thưa thớt hoặc không có, thì nay, các giờ kinh trở nên đều đặn hơn. Trước đây ngại ngùng, lưới biếng đi lễ, thì giờ đây cả gia đình cùng xum họp với nhau dự lễ và Thánh lễ như được đem về trong bầu khí gia đình. Trước đây cha mẹ không có nhiều giờ cho con cái, nay mỗi người có nhiều giờ hơn ở bên nhau để chăm sóc, chuyện trò, tâm sự, chia sẻ. Nhìn tích cực và tận dụng được mặt tích cực đó, thì giai đoạn phong tỏa này, quả là một thời gian rất quý báu và ý nghĩa cho gia đình….
Chúng ta cầu nguyện nhiều cho các gia đình vì trong thực tế, có nhiều gia đình đang rất căng thẳng, nhiều gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực, chửi bới. Có những vợ chồng để cho sự giận dỗi nóng nảy chi phối, đã buông xuôi và không con cố gắng để làm mới lại hoặc nỗ lực hàn gắn cho cuộc hôn nhân của mình. Có nhiều người vợ, người chồng đang cắn răng chịu đựng nhau và cũng có nhiều người vì mải mê công việc, nhậu nhẹt, bạn bè, đã biến căn nhà của mình trở nên như nhà trọ, sáng đi tối về ngủ qua đêm, mà không còn bầu khí gia đình. Xin cho các gia đình đang bên bờ rạn nứt, hoặc đã đổ vỡ, được Chúa giúp vượt qua những tự ái, tổn thương để có thể tha thứ cho nhau và cùng nhau nối kết lại mối dây hôn nhân.
Xin cho các gia đình cũng biết gìn giữ và không ngừng vun đắp cho tình yêu và hạnh phúc của gia đình, của con cái, biết đặt Chúa vào trong gia đình mình, để Chúa trở thành tâm điểm nối kết các thành viên với nhau. Xin Chúa gìn giữ và chúc lành cho tất cả các gia đình chúng ta. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*