Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THẬP GIÁ

Thanh Thanh

Nếu đi tìm một Giêsu không thập giá thì sẽ gặp toàn thập giá mà không thấy Giêsu.

Vì nói đến thập giá là nói đến Chúa Giêsu. Nói đến Chúa Giêsu là nói đến thập giá. Thập giá gắn liền với đời Ngài, cuộc đời biểu lộ tình yêu bằng Thập giá. Và đàng sau thập giá là hình bóng của vinh quang. Vâng, “dầu là Con Thiên Chúa, Người cũng đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi bản thân đã đạt tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5, 8-9).

Câu truyện đời thường

Trong chuyến hành hương, Thầy bề trên trao cho đệ tử mỗi người một cây thập giá loại nhẹ, đẹp, ngắn và phù hợp với sức khoẻ. Phần thầy, dĩ nhiên là thập giá sần sùi, xấu nhất, dài nhất và nặng nhất.
Cuối đoạn đường, thầy trò phải băng ngang một con sông để hưởng vinh quang, và phương tiện, cây cầu chính là thập giá.
Người thứ nhất, dọc đường đã khôn ngoan cưa thập giá ngắn lại cho nhẹ, nên bị hụt không qua sông được.
Người thứ hai, suốt chuyến đi luôn miệng kêu ca, than phiền, oán trách, càm ràm vì thầy không công bằng, không quan tâm, không lo lắng để mình phải chịu thiệt thòi hơn mọi người. Vì thế, không còn đủ sức đặt thập giá làm cầu ngang sông nữa, đành phải ở bên này.
Người thứ ba thì luôn vui tươi, hân hoan, tự tin, và vác thập giá một cách nhẹ nhàng trong suốt chuyến đi. Bởi họ yêu mến, tin tưởng và hy vọng vào Chúa Giêsu. Họ được vào hưởng vinh quang đã dọn sẵn cho họ.

Câu truyện Lời Chúa

Chúa Giêsu cho ta biết ai muốn hưởng phúc lộc quê trời, người ấy phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Nếu ai muốn có được sự sống đời đời, thì phải từ bỏ bản thân và mọi quyến luyến đời này. Nếu không muốn liều mất mạng sống mình vì nước trời thì người ấy sẽ bị huỷ diệt. Bởi được cả thế giới mà mất mạng sống thì ích lợi gì.
Vác thập giá mình, chứ không phải là thập giá của người khác, Ngài nói rất rõ.

Câu truyện của chúng ta

Chiếc cầu thập giá, cũng là chìa khoá mở vào cõi phúc khi cùng Thầy Giêsu đi vào vào con đường hẹp. Quả thực, con người phải đối diện và luôn gặp thập giá trong đời và suốt đời. Dù muốn hay không, chấp nhận hay phủ không, thập giá vẫn có. Nhưng có được hưởng phúc lộc ngàn thu hay không, tuỳ vào thái độ của mỗi người thế nào trước thập giá.
Ba đệ tử trong câu truyện trên là ba hình thức hành đạo của nhiều người.
Loại có đạo. Đây là loại người thứ nhất, khôn ngoan cưa bớt cây thập giá. Nghĩa là cũng gia nhập Giáo hội, rồi sau đó xa rời Giáo hội. Họ không biết đến đường lối của Chúa, giáo huấn hay giáo lý cũng chẳng màng. Có đến nhà thờ thì cũng chỉ vài dịp quan trọng để lãnh bí tích rửa tội, bí tích hôn phối, và nghi thức an táng.

Loại người này, cả cuộc đời sống dưới mặt trời mà chẳng biết mặt trời. Sống trong ánh sáng mà chẳng biết ánh sáng. Sống trong chân lý mà chẳng biết chân lý. Sống trong thế giới sự thật mà không biết sự thật. Sống trong bầu trời tình yêu và ân sủng mà chẳng hưởng được ân sủng và tình yêu.

Con người tưởng tách mình ra khỏi Thiên Chúa để chứng tỏ bản lãnh khi chinh phục Ngài và không chịu khuất phục thiên nhiên thì cho là mình hay, mình giỏi, mình khôn ngoan. Thực sự đó chỉ là khờ dại. Bởi chẳng có gì mới dưới ánh mặt trời. Chẳng có gì tốt lành nếu không bởi ơn trên.

Loại giữ đạo. Đây là loại người thứ hai. Đạo nghĩa, họ chỉ giữ một số những luật buộc về ngày Chúa nhật, giữ chay, xưng tội rước lễ năm một lần. Họ làm vậy cốt để Thiên Chúa không thể bắt lỗi hay phạt gì được. Họ làm không bởi kính yêu, mà chỉ vì sợ phạt mà làm. Đời họ giống như những cây trồng, mà chủ không hy vọng có ngày hái quả.

Nói khác đi, họ đi tìm một cuộc sống dễ dãi, thoải mái, lý tưởng chứ không hề muốn gặp phải bất cứ một gian nan thử thách nào. Họ muốn được nước trời nhưng không muốn rớt mồ hôi. Họ đi tìm một Giêsu không thập giá, nên họ gặp toàn thập giá.
Họ luôn kêu ca than phiền, oán giận, đổ trách nhiệm cho Chúa, cho Giáo hội và xã hội. Vì thế nọ, tại thế kia mà họ phải chịu mọi đắng cay. Nào là không được như những người hàng xóm, bạn bè; nào là không bằng anh bằng em, không hưởng được vinh hoa phú quý giống như nhiều người.

Đời họ là một bản trường ca về than. Họ luôn tấu lên khúc nhạc bi ai, oán giận. Cuộc sống họ luôn biểu lộ cảnh sầu thảm, nước mắt. Đời họ luôn gặp đau khổ, gian nan và bất hạnh; luôn gặp rủi ro và bất trắc. Ôi, đời họ sao thật tăm tối, luôn thấy màu tím của u buồn, màu đen của thất vọng, màu đỏ của chết chóc. Còn màu xanh của hy vọng, màu đỏ của hy sinh, màu trắng của thanh khiết, màu vàng của vinh quang thì biến sạch. Đời họ dường như chỉ sống để mà sống. Chứ sống chẳng có ý nghĩa gì.
Loại sống đạo. Đây là loại người thứ ba. Họ không cam chịu, không chấp nhận, nhưng là vui lòng đón nhận thập giá Chúa Giêsu. Họ giống như ông Gióp, nghĩa là hài lòng đón nhận mọi ân sủng từ Thiên Chúa, thì cũng vui lòng nhận mọi thử thách gởi đến. Và với họ, cuộc đời luôn là những cơ hội.

Cơ hội để tạ ơn. Tạ ơn nhiều lắm: nào là là thời gian, sức khoẻ, trí khôn, tiền bạc. Nào là người thân, anh em, con cháu, họ hàng. Nào là được sinh ra và lớn lên. Nào là được gia nhập vào đạo Chúa. Nào là được sống trong cộng đoàn đức tin của Giáo hội. Nào là được nhận biết Chúa qua giáo lý, qua thánh kinh, qua bí tích…

Cơ hội để dấn thân. Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Dấn thân phục vụ Tin Mừng qua ơn gọi tận hiến hay qua ơn gọi giáo dân để giới thiệu Chúa cho mọi người. Đây là cách đền ơn trả nghĩa đẹp lòng Chúa khi nói cho người khác biết về ân phúc mình nhận được từ Ngài.

Cơ hội để chiến đấu. Thiên Chúa hoàn hảo và tinh tuyền. Vì thế, con người luôn phải vượt qua chính mình với mọi thứ cám dỗ để không làm ố danh Chúa, xấu danh Người. Hoặc cố tình hay vô ý để cho ma quỷ thừa cơ lợi dụng khiến ta làm nhiều điều tội lỗi xúc phạm đến Chúa. Khiến sự thật xa rời ta và ân sủng Chúa không có chỗ, không còn dịp sinh hoa kết trái trong tâm hồn.

Cơ hội để sống đức tin. “Tin trong lòng thì được công chính, nhưng xưng ra ngoài miệng mới được cứu độ” (Rm 10,10). Với họ, sống là dịp chứng minh đức tin vào Chúa khi nói lời hay lẽ phải, lời an ủi động viên để nâng đỡ người khác vượt qua khó khăn và trung thành với Ngài. Với họ, sống và hành động bác ái chính là niềm vui, nguồn hạnh phúc.

Cơ hội để trung thành. Như ông Gióp, họ cũng đón nhận mọi thử thách gởi đến, và coi đó là dịp để thanh luyện, phấn đấu và vượt khó. Lửa thử vàng, gian nan thử đức mà. Vì thế, đau khổ, bệnh tật, thất bại, cám dỗ, hiểu lầm…không làm gì được họ. “Họ không bị quật ngã. Chẳng ai có thể tách họ ra khỏi tình yêu Chúa Kitô được. Dù đó là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo” (Rm 8,35).

Cơ hội để báo hiếu. Đó là dành cho Chúa phần tốt nhất. Tốt nhất và nhiều nhất về thời gian dành cho Chúa. Tốt nhất và xứng đáng nhất về nơi thờ kính và cách thức thờ phượng. Tốt nhất và đẹp nhất về trang phục, về tư cách khi tham gia phụng tự. Tốt nhất về lòng kiên trì nhẫn nại để phục vụ trong yêu thương và hy sinh trong tình mến vì Giáo hội.

Cuộc đời họ luôn biểu lộ bình an, hạnh phúc và thanh thản. Bởi họ luôn tin tưởng, phó thác, cậy trông và hy vọng được đón nhận vinh quang cùng với Chúa Giêsu trong nuớc Ngài.

Không ai làm thay ai được. Như ăn uống, không có chuyện uống thay hay ăn thay, mà chính mình phải ăn. Muốn được Nước Trời, chính mình cũng phải đổi bằng mồ hôi, là vác thập giá mình hằng ngày mà theo Chúa.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*