Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Sáu 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 5    
 12
3456789
10111213141516
17181920212223
24252627282930

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

BIẾT ƠN TỔ TIÊN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

MỒNG HAI TẾT GIÁP THÌN 2024:
Vào cuối tháng 12 vừa qua, sự kiện xá lợi tóc của Phật cắm trên khay tự chuyển động, được nhiều người quan tâm theo dõi. Theo thông tin trên mạng cho thấy, ngọn tóc này được cho là của chính Đức Phật từ hơn 2600 năm trước. Sự việc đã gây ra nhiều ý kiến, trong khi có hàng chục ngàn phật tử kéo đến chùa cúng bái, chiêm ngắm thì cũng có nhiều người khác chứng minh được rằng, cọng tóc đó thực ra chỉ là một loại cỏ có thể tự chuyển động khi gặp nước; có nhiều người khác cho rằng đây là một cú lừa đảo ngoạn mục của sư trụ trì. Sau sự việc xảy ra, trụ trì đã bị Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Miền Bắc kỷ luật, kiểm điểm vì cho rằng việc làm này gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáo và có mục tiêu làm tiền.
Trong rất nhiều phản ứng từ phía các phật tử và những người sử dụng mạng, có những phản ứng khiến chúng ta cũng phải suy nghĩ: Nếu người Công Giáo không học biết về giáo lý, không đọc Kinh Thánh và tìm hiểu về Chúa Giêsu, đức tin của ta sẽ hoàn toàn là cảm tính ấu trĩ và cũng sẽ bị lôi kéo tìm đến các phép lạ mang tính giật gân như thế, mà trong thực tế cũng đã xảy ra. Một phản ứng khác từ những phật tử cho rằng: Có nhiều người bỏ tiền bỏ của, tìm đến chùa để chiêm bái cách u mê một cọng cỏ, mà sao không ở nhà nhìn kỹ vào mái tóc của cha mẹ đã bạc đi nhiều, để bày tỏ lòng thành kính biết ơn các ngài? Sao không dùng thời giờ, tiền của đó để đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục? Như thế sẽ tốt hơn lên chùa chiêm bái xụp lạy một ngọn cỏ. Ý tưởng này cũng trùng ý tưởng với bài hát Mừng Tuổi Mẹ của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi; Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần; Rồi mùa xuân ấy, tóc trắng mẹ bay như gió, như mây bay qua đời con, như gió, như mây bay qua thời gian, ôi mẹ của tôi! Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng, con phải mồ côi…
Thưa quý OBACE, ngày Mồng Một, chúng ta hướng lên Thiên Chúa với tâm tình tạ ơn vì Năm mới Chúa thương ban. Bước qua ngày Mồng Hai Tết, Giáo Hội mời gọi các tín hữu hướng về cha mẹ, ngắm nhìn cha mẹ với lòng kính trọng, thảo hiếu và biết ơn, vì cha mẹ là những cộng tác viên trực tiếp của Chúa để đem chúng ta vào đời. Chính vì tương lai, vì hạnh phúc của ta mà tóc của mẹ mỗi ngày lại bạc nhiều hơn, sức khoẻ vơi dần; tấm lưng của cha mỗi ngày một vẹo đi, chân tay run rẩy, đau nhức nhiều hơn chỉ vì quá vất vả với con cái. Các bậc cha mẹ không chỉ hao tổn sinh lực, tiều tuỵ thân hình, mà các ngài còn biết bao lao tâm khổ trí vì lo lắng cho con cái nên người, khiến các ngài nhiều đêm mất ngủ, day dứt khổ tâm.
Ngắm nhìn cha mẹ còn đang sống thì tốt hơn, hạnh phúc hơn ngắm nhìn cha mẹ qua hình ảnh trên tủ thờ. Ngắm nhìn cha mẹ để nhận ra công ơn sinh thành, truyền thống tốt đẹp, đời sống đức độ là gia tài các ngài để lại cho con cháu thì quý giá hơn của cải vật chất. Khóc vì hối hận, vì đã làm khổ, làm phiền lòng cha mẹ lúc các ngài còn sống hơn là khóc tức tưởi khi các ngài đã qua đời.
Sách Huấn Ca mời gọi chúng ta nhìn vào đời sống đạo hạnh của ông bà cha mẹ để tự hào và noi theo: Chúng ta hãy ca ngợi các vị tiền nhân cha ông chúng ta qua các thế hệ, các ngài là những vị đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Mời gọi như thế, sách Huấn ca muốn chúng ta là những thế hệ sau, đừng vô tâm vô tình với ông bà cha mẹ, đừng bao giờ bội nghĩa vong ân với ông bà cha mẹ. Vì có ông bà cha mẹ mới có chúng ta; vì chúng ta được như ngày nay, bằng anh bằng em, được nuôi dưỡng dạy dỗ ăn học, là nhờ công khó của cha mẹ ông bà. Thế nên, đừng bao giờ để mình trở thành kẻ bất hiếu, quên ơn mẹ cha, trái lại hãy làm cho công đức của ông bà, cha mẹ được trổ hoa kết trái nơi bản thân và các thế hệ con cháu tiếp theo của mình.
Cha mẹ vất vả cả đời ngoài việc nuôi dạy con cái ăn học thành người, còn phải cố gắng hơn nữa để tích góp của cải cho con cái. Cũng vậy, trong đời sống đạo, cha mẹ ông bà cũng đã phải cố gắng mỗi ngày để duy trì truyền thống đức tin của gia đình và mong muốn để lại cho đời những người con đạo đức, có ích. Ngày nay chúng ta được biết Chúa, có đức tin là được thừa hưởng gia tài đức tin từ nơi ông bà cha mẹ. Vì thế, chúng ta có bổn phận làm cho gia tài đức tin ăn sâu và phát triển nơi chính mình và con cháu của mình. Như trong sách Huấn Ca đã nói: Dòng dõi các ngài giữ vững điều giao ước, nhờ các ngài, con cháu một mực trung thành.
Tuy nhiên, không phải mọi người đều ý thức và sống tâm tình thảo hiếu biết ơn với cha mẹ ông bà. Thời Chúa Giêsu, những người Do Thái đã chú tâm đến những chi tiết hình thức bên ngoài, mà loại bỏ điều quan trọng bên trong. Luật rửa tay, rửa bình, rửa chén trước khi ăn của người Do Thái, lúc đầu mang ý nghĩa là mỗi người cần thanh tẩy tâm hồn và thân xác cho thanh sạch xứng đáng là đoàn dân được Chúa chọn. Tuy nhiên với thời gian, người Do Thái không còn lưu tâm đến việc thanh tẩy tâm hồn, mà chỉ còn giữ nghi thức tẩy rửa bên ngoài, mà không biết việc làm đó có ý nghĩa gì. Cũng vậy, các tư tế và luật sĩ vì nhắm đến nguồn tài chánh để tái thiết đền thờ, nên họ đã làm tiền bằng nhiều cách. Một trong những cách kiếm tiền của họ, là kêu gọi việc dâng cúng và hứa dâng cúng vào đền thờ. Theo cách này, thì những ai tuyên bố rằng: sau này sẽ dâng tất cả tài sản của mình cho đền thờ, thì được miễn trừ việc nuôi dưỡng chăm sóc cho cha mẹ. Quy định này tạo cớ cho nhiều người mượn danh việc dâng cúng cho đền thờ, để bỏ qua bổn phận thảo hiếu phụng dưỡng cha mẹ. Họ vừa được tiếng là đại ân nhân của đền thờ vừa không còn trách nhiệm với bố mẹ. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội này để chỉ cho người Do Thái thấy cái sai của họ. Thiên Chúa là Cha yêu thương, là Đấng tạo dựng trời đất muôn loài. Ngài có thể tạo ra vũ trụ và nhân loại trên thế giới này bằng một lời tuyên bố. Nhưng Thiên Chúa không làm như vậy, Ngài đã mời gọi các cha mẹ trong đời sống hôn nhân, cộng tác với Ngài để sinh sản con cái, và còn tạo lập nên mối dây đời sống gia đình, để ở trong gia đình, các thành viên được đón nhận và được yêu thương. Vì vậy, mối dây liên hệ trong gia đình, giữa cha mẹ với con cái và giữa các anh chị em với nhau là mối dây tình cảm rất thiêng liêng, mà mỗi người có thể cảm nhận và đụng chạm được, nhất là trong dịp tết này.
Thưa quý OBACE, dù thế nào, hoàn cảnh nào, đã là người sống trên trần gian đều được cha mẹ sinh ra. Cũng rất hạnh phúc cho đại đa số mọi người khi sinh ra được sự chăm sóc của cha mẹ, được sự yêu thương của các thành viên và được có một gia đình. Có một tác giả nào đó đã nói: Cho dù cha mẹ tôi có xấu xa thế nào đi nữa, cho dù tôi được sinh ra trong một mối tình vụng trộm, tôi vẫn yêu và biết ơn cha mẹ mình.
Lòng thảo hiếu biết ơn không dừng lại ở mức độ tình cảm gia đình, cũng không đong đếm theo kiểu công bằng như một số người vẫn nghĩ. Nhưng lòng thảo hiếu biết ơn cha mẹ, còn là giá trị, là thước đo nhân cách của con người. Cho dù có giàu sang, làm đến ông nọ bà kia mà sống vô ơn tệ bạc với cha mẹ mình, thì chưa xứng đáng là con người. Vì một khi đạo hiếu đã không chu toàn, thì không thể chu toàn đạo làm người. Hơn nữa, là người tín hữu, chúng ta còn được hướng dẫn bởi Tin Mừng, giới răn lề luật của Chúa. Vì thế, chúng ta có bổn phận theo luật Chúa đòi buộc: Phải thảo kính cha mẹ, biết ơn cha mẹ. Vì các ngài thay mặt Chúa, cộng tác với Chúa sinh thành dưỡng dục chúng ta.
Bổn phận thảo hiếu biết ơn cha mẹ, chúng ta được dạy ngay từ nhỏ, nhưng thực tế, để thực hành đòi buộc này, vẫn còn một khoảng cách khá xa. Cụ thể, có nhiều bậc cha mẹ sống tuổi già với con cháu nhưng không hạnh phúc, vì bị con cháu hất hủi mắng mỏ; có những cha mẹ bị con cháu đối xử tệ bạc, coi như của nợ, coi như con ăn đứa ở trong nhà. Có nhiều đứa con đùn đầy nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ khi các ngài tuổi cao sức yếu, tinh thần sa sút. Có những người con thành đạt rất rộng rãi với bạn bè, với người ngoài và với việc dâng cúng nơi này nơi khác, nhưng lại hết sức ngặt nghèo, keo kiệt, tính toán với cha mẹ.
Tiền bạc, bạn bè, nhà cửa, con cái, có thể có nhiều: không có bạn này sẽ có bạn khác, không có nhà này ta ở nhà khác, kể cả không có con này, có thể sinh thêm con khác. Nhưng cha mẹ thì chỉ có một và duy nhất. Cha mẹ chính là tài sản quý giá nhất, là báu vật của gia đình, nhưng lại không tồn tại mãi. Vì thế, hãy trân trọng, gìn giữ và chăm sóc báu vật quý giá này khi các ngài còn sống, kẻo khi cha mẹ mất đi, là mất cả bầu trời, mất cả vầng trăng, mất cả niềm vui và hạnh phúc. Cha mẹ mất đi ta sẽ không bao giờ còn được cất lên tiếng gọi thân thương: Bố – Mẹ ơi!
Xin Chúa giúp mỗi người biết sống tâm tình thảo hiếu, biết ơn mẹ cha, bằng việc yêu mến, chăm sóc, kính trọng các ngài khi tuổi già sức yếu và cố gắng để làm cho quãng đời còn lại của các ngài đầy tràn nụ cười hạnh phúc. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*