THĂM VIẾNG
TRẦM THIÊN THU
Thăm viếng nhau là chuyện rất ư bình thường nhưng lại nhiêu khê hơn người ta tưởng. Thăm viếng có liên quan chữ “thương” – thương yêu, thương mến, thương xót, thương tình, hoặc chỉ là thương hại. Thăm viếng nhau thì phải gặp gỡ nhau, tất nhiên có liên quan thời gian và địa điểm, đặc biệt là có vấn đề đúng – sai trong đó. Gặp đúng người và đúng thời điểm thì vui mừng, gặp đúng người mà sai thời điểm thì sầu vương, gặp sai người mà đúng thời điểm thì hết đường, gặp sai người và sai thời điểm thì thê lương.
Đời người luôn có những cuộc gặp gỡ và sai lầm, cần biết chấp nhận để không than vãn. Chúng ta đi xa bao nhiêu trong đời không quan trọng bằng những người chúng ta gặp dọc đường đời. Harvey MacKay nói: “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: qua những người ta gặp và qua những cuốn sách ta đọc.” Đời thường nhưng có nhiều thứ khác thường, thậm chí là bất thường.
Người Việt nói: “Quen sợ dạ, lạ sợ áo.” Còn người Nga nói: “Gặp nhau nhìn quần áo, xa nhau nhìn tâm hồn.” Cuộc sống có “tam giác” quan trọng này: Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa. Chắc chắn không ngẫu nhiên mà người ta nói như vậy. Mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều là duyên phận, do ý Chúa sắp xếp, bởi vì có những điều chúng ta rất muốn mà không được, nhưng có những điều chúng ta không hề muốn thì hoàn cảnh cứ diễn biến theo Thiên Luật, bởi vì sợi tóc trắng hay đen cũng không ngoài Thánh Ý Thiên Chúa, Đấng quan phòng và tiền định mọi sự.
Trình thuật Lc 1:39-56 kể lại sự kiện Đức Maria đi thăm bà Êlidabét. Một cuộc thăm viếng đầy tình nghĩa. Chúng ta cầu xin được “lòng yêu người,” yêu mọi người như chính mình.
Được sứ thần Gáprien cho biết Chị Êlidabét (Ysave) mang thai được 6 tháng rồi, Đức Maria vội vã lên đường đến nhà Anh Chị Dacaria và Êlidabét. Đường sá xa xôi, đồi núi hiểm trở, nhưng Đức Maria không hề ngần ngại. Không chỉ thăm viếng, Đức Maria còn ở lại ba tháng để giúp đỡ Bà Chị đang bụng mang dạ chửa, chờ cho Chị được mẹ tròn, con vuông, rồi mới về nhà. Đức Maria làm tất cả chỉ vì yêu thương, chia sẻ nỗi khổ thai phụ, và đặc biệt là đem Chúa Giêsu đến với gia đình ông Anh Dacaria.
Kitô giáo, cách riêng là Công giáo, được mệnh danh là Đạo Yêu Thương. Chúa Giêsu dạy phải yêu thương nhau như Ngài đã yêu thương chúng ta. (Ga 13:34; Ga 14:12) Thánh sử Gioan minh định: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa.” (1 Ga 4:7) Nếu không yêu thương hoặc ghét người khác, đó chính là kẻ nói dối, phét lác. (x. 1 Ga 4:20)
Theo lẽ thường, ai cũng thích những người thích mình, yêu những người yêu mình, thế thì chẳng có gì đặc biệt, vì những người không có niềm tin vào Đức Kitô cũng vẫn làm, thậm chí các loài động vật cũng sống như vậy. Vì thế, Chúa Giêsu muốn tín nhân phải sống “cao cấp” hơn thì mới xứng đáng là con cái của Thiên Chúa và là môn đệ của Ngài: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: HÃY YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO NHỮNG KẺ NGƯỢC ĐÃI ANH EM. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5:43-45)
Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng rất công bình, không thiên vị bất kỳ ai. (x. Gl 2:6; Cv 10:34) Thánh tông đồ Gioan định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu,” (1 Ga 4:8, 16) và so sánh cụ thể: “Nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là KẺ NÓI DỐI; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4:20)
Yêu Thương gồm hai chữ, có thể rút gọn còn một chữ YÊU, ngắn gọn và đơn giản, nhưng lại rất khó thực hành đúng mức. Bài học giản dị nhất mà lại khó nhất, miệt mài học mãi mà vẫn chưa thuộc. Tương tự như ADN đơn giản nhưng là nền tảng cấu tạo sự sống nơi con người, hoặc không khí rất đơn giản nhưng muôn loài không thể sống thiếu “chất vô hình” đó.
Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Amen.
Nhận xét góp ý