Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

DÙNG LỜI CHÚA BIỆN MINH CHO MÌNH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT VI TN A:
Ai cũng biết giết người là tội ác, phá thai là tội giết người. Ai cũng biết đặc tính của Hôn nhân Công Giáo là một vợ một chồng, thuỷ chung cho đến chết. Tuy nhiên, có nhiều người cho rằng luật Chúa và Giáo Hội gây khó khăn cho họ, họ tìm nhiều cách để lách luật và biện minh cho mình khi phá thai, khi đưa nhau ra toà. Khi làm như thế, họ dựa vào số đông, dựa vào thói quen xã hội và kể cả việc dựa vào luật xã hội để làm những điều trái với lương tâm, trái luật Chúa và biện minh cho hành động của mình.
Thưa quý OBACE, con người chúng ta luôn bị cám dỗ chiều theo sở thích, tham vọng cá nhân. Vì thế, người ta tìm mọi cách để đạt được ý đồ và còn tìm sự ủng hộ từ những người chung quanh. Giới lãnh đạo Do Thái ngày xưa cũng vậy, để biện minh cho lối sống sai trái và các thứ luật lệ mà họ đặt ra, họ đã không ngần ngại thay đổi luật Chúa và còn dùng Lời Chúa được cắt xén để biện minh cho sự sai trái của mình. Lời Chúa hôm nay cảnh báo cho chúng ta về thái độ này.
Khi Chúa Giêsu xuất hiện và rao giảng Tin Mừng, những người Do Thái chờ đợi Ngài sẽ ủng hộ lập trường và lối sống của họ. Những nhà lãnh đạo Do Thái còn mong Chúa Giêsu cũng sẽ hành động giống như họ tức là dùng lời giảng dạy để đem lại lợi ích cho mình. Nhưng Chúa Giêsu không những không làm, không sống như các biệt phái mà còn cực lực phản đối cách sống của những người này. Đức Giêsu đã nói rõ cho mọi người biết về quan điểm lập trường của Ngài: “Thầy đến không phải để bãi bỏ lề luật, nhưng để kiện toàn.” điều luật của Thiên Chúa được ban qua Môsê trên núi Sinai. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo Do Thái đã tạo thêm rất nhiều luật khác và sửa chữa, thay đổi luật của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không những không thay đổi, không thêm bớt, nhưng với tư cách là Con, Ngài làm cho luật của Thiên Chúa được hiểu và được tuân giữ cách trọn vẹn: “Dù một chấm một phẩy cũng không qua đi.”
Với tư cách là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu muốn tất cả chúng ta ra khỏi lối suy nghĩ và cách sống của các kinh sư và biệt phái, tức là đón nhận lề luật của Thiên Chúa như những lời chỉ bảo ân cần, yêu thương của một Thiên Chúa là Cha dành cho con cái. Chúa muốn chúng ta uốn mình, sửa chữa bản thân theo những đòi hỏi của luật Thiên Chúa, chứ không đòi Chúa phải làm theo ý mình, cũng không giải thích luật Chúa để biện minh cho hành động sai trái của mình. Vì vậy, Chúa muốn chúng ta phải sống khác, sống vượt trên lối sống của các biệt phái và kinh sư: “Nếu anh em không sống công chính hơn các kinh sư và người biệt phái, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
Chúa Giêsu cho thấy Tin Mừng mà Ngài rao giảng không loại bỏ lề luật của Thiên Chúa, nhưng đòi hỏi tuân giữ cách quyết liệt hơn: “Các ngươi nghe luật dạy: chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra toà.” Nếu chỉ là việc đưa ra toà, điều đó có nghĩa là dừng lại ở việc thực thi công bằng trước pháp luật: Kẻ gây tội ác sẽ bị pháp luật trừng phạt. Nhưng luật của Tin Mừng muốn chúng ta giải quyết nguyên nhân gây ra tội ác: “Thầy bảo anh em: ai giận anh em, thì đáng bị đưa ra toà.” Vì giận ghét, thù hằn, cãi vã, chửi rủa nhau đã là tội ác, bởi nó gây tổn thương và đã giết chết tâm hồn người anh em mình rồi. Như vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta phải loại trừ cái ác từ trong tâm hồn, vì nó là nguyên nhân và là động lực đưa đến hành động gây tội ác.
Để có thể loại trừ được mầm mống tội ác, thù hằn, giận hờn, Chúa đòi chúng ta phải dám sống tinh thần hoà giải, chủ động xin lỗi và tha thứ khi người khác có lỗi: “Nếu khi sắp dâng của lễ trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng của lễ.” Lời dạy này cho thấy, Chúa muốn đón nhận một của lễ được dâng với tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thoát, không bận vướng, không giận hờn thù oán với bất cứ ai và cũng không để ai thù oán giận dỗi mình. Lời dạy ở trên cho thấy, khi dâng của lễ, không phải là chợt nhớ mình còn giận hờn ai, mà cả khi còn người nào đó đang giận dỗi với mình, thì cũng phải để của lễ lại, chủ động tìm đến làm hoà với người anh em đó trước. Vì Chúa chỉ vui nhận của lễ được dâng từ một tâm hồn thanh thản, không bận vướng bởi sự thù hằn giận dỗi. Cuộc sống chung luôn có thể xảy ra bất đồng bất hoà, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nguyên nhân nào, thì người môn đệ của Chúa vẫn phải là người chủ động làm hoà, tái lập lại sự hoà bình và tình anh em trong cộng đoàn.
Trong đời sống hôn nhân gia đình, Chúa muốn chúng ta phải vượt trên sự ích kỷ và dục vọng của bản thân để biết nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của nhau cũng như tôn trọng sự chung thuỷ của hôn nhân: Anh em nghe dạy: Chớ ngoại tình. Còn Thầy bảo anh em: Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn thì đã ngoại tình trong lòng rồi. Ham muốn dục vọng là cám dỗ triền miên của con người, nó kéo con người chiều theo những thèm muốn, thoả mãn của bản năng. Đối với người Do Thái chỉ khi xảy ra sự gian díu và bị bắt quả tang mới bị coi là ngoại tình, là vi phạm luật. Nhưng đối với Chúa Giêsu, để lòng chiều theo ham muốn của bản năng dục vọng là nguyên nhân dẫn đến ngoại tình trong hành động. Vì trong đời sống hôn nhân, chỉ cần một tư tưởng phản bội thì đã là phản bội, chỉ cần chiều theo sự thèm muốn thì đã là bất trung trong tư tưởng rồi. Vì vậy, ai nhìn người nữ (nam) với lòng thèm muốn thì đã là ngoại tình với người đó rồi.
Vì thế, Tin Mừng của Chúa Giêsu là một đòi hỏi quyết liệt. Luật của Tin Mừng là làm cho những giới răn của Thiên Chúa được nên trọn hảo. Đòi hỏi này muốn chúng ta đem luật vào trong trái tim, chi phối hướng dẫn từ suy nghĩ đến hành động của con người. Vì vậy, người môn đệ của Chúa không thể giữ luật chỉ theo mặt chữ bên ngoài, cũng không tuỳ tiện giải thích luật Chúa cho phù hợp với cách sống của mình. Trái lại, phải uốn mình theo lề luật của Thiên Chúa, để cho Lời Chúa cắt tỉa, sửa chữa, uốn nắn lời nói, cử chỉ, hành động của mình theo đòi hỏi của Tin Mừng.
Thưa quý OBACE, chúng ta không chỉ sống và tuân giữ lề luật của Chúa và Tin Mừng cách thụ động theo mặt chữ. Nhưng, người môn đệ đích thực là chủ động dám sống theo những đòi hỏi quyết liệt của Tin Mừng chứ không thụ động. Việc không vi phạm giới răn này giới răn khác là điều tốt, nhưng điều tốt hơn và là điều Chúa mong đợi hơn, đó là chu toàn những đòi hỏi của Tin Mừng với lòng yêu mến. Điều này có nghĩa là chúng ta chu toàn giới răn, lời dạy của Chúa vì mến Chúa, không phải vì sợ hãi; chúng ta chu toàn luật Chúa vì chúng ta là con Thiên Chúa. Vì là con Thiên chúa, ta cố gắng mỗi ngày để thể hiện phẩm giá cao quý này.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*