Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THIÊN CHÚA LÀ CHA NHÂN HẬU

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT IV MC C:

Một phụ huynh với ánh mắt đau khổ, bà vào nhà xứ: “Xin cha cầu nguyện cho đứa con nhà con. Nó mới 17 – 18 tuổi, bỏ nhà đi từ hôm tết đến nay, không biết nó ở đâu.” Cha xứ nói với bà: “Bà đã báo với chính quyền chưa?” Bà trả lời: “Con chưa báo.”. “Bà phải báo để họ tìm hoặc điều tra giúp, vì bây giờ có nhiều vụ bắt cóc, buôn người.” Cha xứ hỏi thêm: “Mà làm sao nó lại bỏ nhà đi vậy?” Bà nói: “Mọi khi nó ngoan lắm, chỉ có hôm tết con mắng nó cái gì đó, vậy là nó bỏ đi cho đến nay. Từ ngày ông nhà chết, con dồn tình thương cho nó, nên nó ỉ lại, không coi các anh chị nó ra gì.”

Thưa quý OBACE, cha mẹ nào cũng thế, cho dù con cái có sai lỗi, có đối xử với cha mẹ thế nào, thì cha mẹ vẫn thương, vẫn bao che, bênh đỡ. Có một điều là: Con cái không thể hư hỏng trong ngày trước ngày sau, trái lại nó đã có vấn đề với cha mẹ hoặc với anh chị em trong gia đình từ lâu. Việc bỏ nhà ra đi là giọt nước tràn ly, là hậu quả cuối cùng mà thôi.

Câu chuyện đứa con thứ bỏ nhà ra đi trong bài Tin Mừng hôm nay cũng không phải là một ngoại lệ. Mặc dù ở trong nhà, nó được người cha yêu thương nhiều hơn người anh; nó muốn gì được nấy, nhưng nó vẫn muốn tìm cách thoát khỏi gia đình. Có lẽ vì mối tương quan của hai anh em nó đã sứt mẻ. Người anh chăm chỉ cần mẫn làm việc từ sáng tới tối, còn đứa em thì lười biếng, chơi bời. Vì thế, trong mắt người anh cả, đứa em chỉ như kẻ phá hoại, biếng nhác, được cha cưng chiều. Có lẽ cũng bởi ganh tỵ và tức giận như thế, nên tuy ở trong một nhà, nhưng hai anh em nó đã không nhìn nhau từ lâu, coi nhau như kẻ xa lạ. Phải chăng, đây là lý do khiến cho người con thứ phải bỏ nhà ra đi. Trong mắt người con cả, cậu thứ không còn phải là em của anh ta nữa, mà chỉ là kẻ ăn bám, phá hoại. Vì thế khi cậu em trở về, người anh cả không những không vui, không đón nhận, mà còn công khai phản đối: “Thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tiền của, nay trở về cha lại cho ăn mừng.”

Dù là vì tình nghĩa anh em ruột thịt bị sứt mẻ đổ vỡ, khiến cho đứa con thứ ra đi, nhưng người đau khổ nhiều nhất về cuộc ra đi này lại là người cha. Ông đã dồn tình thương của mình cho các con; ông còn hy sinh cả cuộc đời, làm lụng vất vả là để dành cho con cái. Nhưng cả hai đã không nhận ra lòng yêu thương và sự hy sinh của ông. Chúng cho rằng cuộc sống bên ngoài tự do hơn, thoải mái hơn, ăn uống vui chơi với bạn bè thì thú vị hơn. Vì thế, đứa con thứ đòi người cha: “Xin cha chia tài sản cho con.” Người cha trong câu chuyện đã để cho trái tim điều khiển khối óc. Ông không cân nhắc tính toán, cả cuộc đời ông hy sinh vất vả vì con, làm ăn tích góp. Nay nó đòi chia gia tài, ông đã sẵn sàng làm theo ý nó muốn: “Ông chia gia tài cho hai con.”

Cho dù khi đứa con thứ đòi chia gia tài và giũ áo ra đi, người cha cũng không ngăn cản, vì ông tôn trọng tự do của nó. Bởi ông hiểu rằng, dù cho ông có thể giữ được thân xác nó ở nhà, nhưng lòng nó đã không còn ở bên ông nữa. Nó coi ông như đã chết, coi anh em như không còn, gia đình như không có: “Người con thứ gom tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó nó ăn chơi phung phí tài sản của mình.”

Cũng vậy, đứa con cả tuy không ra đi, nhưng lòng nó cũng đã rời khỏi nhà từ lâu rồi. Nó ở trong nhà với cha một cách lạnh nhạt, miễn cưỡng, không hỏi han, không quan tâm. Nó chỉ lao đầu vào công việc đến độ quên ngày quên tháng, quên cả người cha và người em trong gia đình. Mặc dù nó cũng được cha chia gia tài cùng với em, nhưng nó vẫn còn tính toán hơn thiệt với cha: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha không hề trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho con một con dê con để ăn mừng với bạn bè.” Nó ghen tị khi người cha ăn mừng đứa em trở về: “Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tiền của, nay trở về cha lại cho ăn mừng.”

Người cha quả vô cùng đau khổ khi cả hai đứa con đối xử với ông cách lạnh nhạt như thế. Chúng nó chỉ quan tâm đến tài sản, nhà cửa đất đai của ông chứ không thật lòng quan tâm đến ông. Cùng lúc ông mất cả hai đứa con, đứa con thứ bỏ nhà ra đi khiến ông đau khổ và đứa con cả tuy ở trong nhà nhưng không quan tâm đến sự hiện diện của ông, không chia sẻ và cảm thông, khiến cho ông càng mệt mỏi hơn. Người cha trong câu chuyện chỉ còn biết hy vọng và đợi chờ. Ông hy vọng đứa con thứ sẽ nghĩ lại và quay về, ông chờ đợi đứa con cả sẽ thay lòng đổi dạ và sống tốt với ông.

Đứa con thứ rơi vào tình trạng bi đát, ăn chơi phung phí hết tiền của, lại gặp nạn đói. Nó rơi xuống đến tận đáy của sự bần cùng nhục nhã khi phải đi chăn heo thuê và phải ăn vụng đồ ăn của heo cho đỡ đói. Nó đã đánh mất hoàn toàn danh dự, tư cách cậu chủ mà nó có trước đây khi còn ở với cha. Lúc này, do sự thúc đẩy của cái đói và sự bần cùng, nó mới nghĩ tới cha: “biết bao người làm công ở nhà cha ta được cơm dư gạo thừa, còn ta ở đây phải chết đói.” Nó quyết tâm: “Thôi, ta đứng lên để về cùng cha.” Nó không dám tin là nó sẽ được tha thứ và đón nhận. Vì thế nó chỉ dám tự nhủ rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin cha đối xử với con như người làm công của cha vậy.”

“Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra, ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con thưa: Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa.” Người cha không quan tâm đứa con trở về vì lý do gì, ông chạy ra đến đầu ngõ để đón con mình. Ông không trách mắng, không khinh bỉ, nhưng ôm nó vào lòng và hôn lấy hôn để. Ông làm như vậy chỉ vì ông quá thương nó và đã tha thứ cho nó ngay khi thấy nó trở về. Người cha cũng không muốn nghe việc nó xin làm đầy tớ. Đối với ông, việc nó hối hận trở về, nhận ra điều sai lỗi của mình đã đủ để ông tha thứ tất cả và quên đi tất cả những đau khổ nó gây ra cho ông. Ông đón nhận nó như thể ông sinh ra nó lần thứ hai, ông trả lại cho nó quyền làm con và địa vị của cậu chủ trong gia đình mà không đặt cho nó bất cứ điều kiện nào. Ông ra lệnh cho đầy tớ: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, đeo nhẫn vào tay, xỏ giày vào chân và đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để ăn mừng! Vì con ta đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.”

Người cha trong câu chuyện còn chủ động tìm kiếm đứa con cả, giảng hoà và nối lại tình anh em giữa các đứa con. Nếu như đứa con thứ tìm đường trở về và người cha đã tha thứ đón nhận nó, thì đối với người con cả, đích thân ông lại phải đi tìm nó. Người con cả vì ghen tỵ, vì giận em, nó đứng ngoài cổng mà không chịu vào nhà, không muốn chia sẻ niềm vui với ông và mọi người. Người cha lại cất công ra năn nỉ và mời nó bước vào nhà. Nó vùng vằng hờn dỗi với ông vì ông đã mở tiệc mừng, nó không nhìn nhận đứa em và không muốn cho đứa em quay trở về: “Thằng con của cha kia, sau khi đã nuốt hết của cải nay trở về, cha lại cho giết bê béo ăn mừng.” Người cha đã nhắc cho người con cả biết rằng đứa em của cậu không phải là kẻ xa lạ, người dưng, mà là con ông, là em của anh và là người nhà trong gia đình: “Chúng ta phải ăn mừng vì em con đây đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.”

Thưa quý OBACE, có thể chúng ta dễ dàng sám hối với Chúa, đến lãnh nhận Bí tích Hoà giải từ nơi Chúa, nhưng lại không muốn tha thứ, làm hoà với anh em. Có nhiều gia đình, vợ chồng so đo tính toán với nhau, người này làm ra nhiều tiền, người kia không làm ra tiền, người thì vất vả, kẻ thì rong chơi, khiến cho cuộc sống vợ chồng mỗi ngày lại thêm căng thẳng. Trong gia đình, anh chị em ruột thịt, vì ganh tị tranh chấp nhau về tài sản, nhà cửa đất đai, không còn nhìn nhận nhau là anh em. Đàng khác, nhiều gia đình chính vì cha mẹ cư xử không đồng đều giữa các con cái, quý đứa có tiền, coi thường đứa nghèo hơn, hoặc dấm dúi cho đứa này nhiều, đứa kia ít, từ đó gây ra bất bình bất hoà trong gia đình.

Nghi ngờ, ghen tỵ là một trong những nguyên nhân khiến cho gia đình bất hoà, cãi vã. Thiếu sự cảm thông yêu thương và tha thứ khiến cho gia đình trở nên nặng nề, bất an, bạo lực. Chỉ có yêu thương và tha thứ mới có thể hoá giải được những bất đồng bất hoà, chỉ có cảm thông và đón nhận nhau thì mới có thể xoá đi sự ghen tỵ nhỏ nhen.

Xin cho chúng ta luôn tin tưởng vào lòng xót thương tha thứ của Chúa và nhờ sức mạnh từ nơi Bí tích Thánh Thể và sự chữa lành từ Bí tích Hòa giải, chúng ta quyết tâm trở về với Chúa, sống trong nhà của Chúa và cũng biết lấy yêu thương tha thứ để chữa lành tâm hồn anh chị em chung quanh; đón nhận nhau với sự khác biệt và cảm thông để nâng nhau chỗi dậy, cùng trở về xum họp trong nhà của Chúa, hưởng hạnh phúc với Chúa muôn đời. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*