Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

Chữ TÌNH

TRẦM THIÊN THU

(Chúa nhật XXIV TN, năm C)
Chữ Tình thật vĩ đại! Vì nếu không có chữ Tình thì cuộc sống vô nghĩa, và người ta chết hết. Trong cuộc sống đời thường, người ta còn biết coi trọng chữ Tình, huống chi trong đời sống tâm linh, đời sống tôn giáo, nhất là đối với người Công giáo, vì Thánh Gioan Tông đồ đã định nghĩa: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8).
NS Trần Thiện Thanh đã cảm nhận: “Tình là tình nhiều khi không mà có, tình là tình nhiều lúc có như không…” (Tình Có Như Không). Tình yêu là vậy, có khi rất KỲ LẠ, mà có khi lại cũng rất KỲ CỤC.
Còn NS Lê Dinh nói: “Chữ tình rắc rối lắm ai ơi, chữ tình khúc mắc quá đi thôi, chữ tình là số kiếp thương đau con người. Chữ tình là vô vàn nước mắt, chữ tình là đêm dài thức trắng, cuối cùng vòng tay rả rời là buồn nhiều hơn vui” (Chữ Tình). Khốn khổ quá, tình ơi!
Nhưng đó là tình yêu bình thường, chưa thực sự cao thượng, vì còn ẩn chứa nhiều ích kỷ. Trong tình yêu bình thường, gọi là CHO nhiều hơn NHẬN, nhưng thực chất vẫn vì mình hơn vì người mình yêu. Đó là tình-yêu-vị-kỷ. Nhưng tình yêu theo phong cách của Đức Kitô thì hoàn toàn khác, đó là tình-yêu-vị-tha, yêu cả kẻ thù chứ không chỉ yêu người yêu mình. Bằng chứng là Đức Kitô đã thực hiện dạng tình-yêu-vị-tha này. Tình yêu loại nào cũng có cái “rắc rối” rất đặc thù vậy!
Chữ TÌNH có gì đó liên quan chữ TỘI. Vì có Tội nên luôn cần Tình, mà ai cũng có Tội, do đó mà ai cũng cần Tình. Một thuận lý tuyệt vời, vừa mặc nhiên vừa minh nhiên!
TỘI LỖI
Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập. Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập” (Xh 32:7-8). Dân Ít-ra-en “hư hỏng”, tức là phạm tội, chính là hình ảnh của chính mỗi chúng ta.
Rồi Thiên Chúa lại phán với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn” (Xh 32:9-10). Chúng ta cũng rất cứng đầu cứng cổ, rất bướng bỉnh, rất ương ngạnh, cứ tái phạm biết bao lần trong hành trình cuộc sống, càng sống lâu càng phạm tội nhiều. Thực tế ấy không thể chối cãi! Đừng tưởng sống thọ là “ngon”.
Ngày nay, chúng ta không đúc bò vàng để thờ, nhưng chúng ta “đúc” nhiều loại ngẫu tượng còn tinh vi hơn nhiều, nghĩa là cách phạm tội của chúng ta cũng tinh vi hơn, với rất nhiều loại ngẫu tượng mà chúng ta lại cho đó không là tội lỗi. Thậm chí ngay khi chúng ta sùng kính các tượng thánh cũng có thể là tôn sùng ngẫu tượng, nếu cuồng tín hoặc lệch lạc niềm tin. Rất nguy hiểm!
Ngày xưa, thấy dân Ít-ra-en có những cái cổ cứng như đá, Thiên Chúa đã nổi giận. Thấy Chúa như vậy, ông Môsê cố làm cho nét mặt Đức Chúa, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập?” (Xh 32:11). Thánh Môsê còn viện dẫn để cậy nhờ công nghiệp của các Tổ phụ: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Ápraham, Isaác và Ítraen; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời” (Xh 32:13).
Và rồi Kinh Thánh cho biết: “Đức Chúa đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe” (Xh 32:14). Ôi, chữ TÌNH của Chúa thật khôn tả!
Cảm ơn Thánh Môsê lắm! Nhờ Thánh Môsê mà dân lại được Thiên Chúa xót thương để có thể được tiếp tục sống. Cũng vậy, nhờ Đức Mẹ Maria, nhờ Đức Thánh Giuse và nhờ chư thánh mà chúng ta lại được được Thiên Chúa xót thương để có thể được sống tiếp tục cho đến ngày nay. Quả thật, Hồng ân Thiên Chúa bao la, mãi mãi chúng ta phải không ngừng cảm tạ Ngài!
Cũng vì đã phạm tội, nhưng biết sám hối, mà tác giả Thánh Vịnh van xin Thiên Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4). Rõ ràng là nếu không có lòng thương xót của Chúa thì chúng ta chết hết!
Tất cả là hồng ân, ngay cả lòng sám hối của chúng ta cũng là hồng ân Chúa ban: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (Tv 51:12-13).
Chúng ta thật hạnh phúc vì Chúa đã biến lòng chai đá của chúng ta nên mềm nhũn để chúng ta có thể ăn năn sám hối. Chữ TÌNH của Ngài quá lớn. Vậy chúng ta phải thi hành bổn phận chúc tụng và tạ ơn: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Đây là lời khẩn cầu mà Giáo hội dùng trong mọi giờ Kinh Nhật Tụng.
Thiên Chúa có tất cả, Ngài không cần gì, ngay cả lời chúc tụng của chúng ta cũng không thêm chút gì cho Ngài, nhưng lại có thể sinh ơn cứu độ cho chúng ta. Thật lạ! Điều Ngài muốn ở chúng ta cũng là điều khác lạ: “Chúa chẳng ưa thích gì tế phẩm, con có thượng tiến lễ toàn thiêu, Ngài cũng không chấp nhận. Lạy Thiên Chúa, tế phẩm dâng Ngài là tâm thần tan nát, một tấm lòng tan nát giày vò, Ngài sẽ chẳng khinh chê” (Tv 51:18-19). Chúng ta tồi tệ thế mà Chúa lại yêu thích. Hạnh phúc cho chúng ta biết bao! Nhận tội là động thái khiêm nhường, mà càng khiêm nhường thì càng được Thiên Chúa xót thương. Rất lô-gích!
Sau khi cảm nhận được chữ Tình của Thiên Chúa, Thánh Phaolô công nhận: “Tôi tạ ơn Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người. Trước kia, tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót, vì tôi đã hành động một cách vô ý thức, trong lúc chưa có lòng tin” (1 Tm 1:12-13).
Thánh Phaolô trần tình thêm: “Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta, đã ban cho tôi đầy tràn ân sủng, cùng với đức tin và đức mến của một kẻ được kết hợp với Người. Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1 Tm 1:14-16). Quả thật, đó là những lời tự thú, là xưng tội, nhờ vậy mà được Thiên Chúa tha thứ và xót thương nhiều hơn.
Mỗi chúng ta cũng phải noi gương Thánh Phaolô cất lời tuyên xưng và tôn vinh: “Kính dâng Vua muôn thuở là Thiên Chúa bất diệt, vô hình và duy nhất, kính dâng Người danh dự và vinh quang đến muôn thuở muôn đời. Amen” (1 Tm 1:17).
THƯƠNG XÓT
Một hôm, các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng. Thế nhưng các người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15:2). Ác khẩu quá! Độc miệng quá! Nhưng chúng ta cũng đừng vội trách họ mà tự mãn, và đừng quên rằng có lúc chúng ta cũng chẳng hơn Pharisêu đâu!
Đức Giêsu mới kể cho họ ba dụ ngôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa:
1. Người có một trăm con chiên mà bị mất một con, để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, rồi đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại để chia vui (Lc 15:4-6).
Theo kiểu nói khôi hài của cố Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận, dụ ngôn này cho thấy Chúa Giêsu không biết tính toán. Nhưng phải chân nhận rằng cũng nhờ Chúa “không biết làm toán” mà chúng ta mới được cứu và được sống đến nay!
2. Một phụ nữ có mười đồng quan, chẳng may đánh mất một đồng, phụ nữ này thắp đèn, quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được. Tìm được rồi, bà mời bạn bè, hàng xóm lại để chia vui (Lc 15:8-9).
Cũng theo kiểu nói khôi hài của cố Hồng y P.X. Nguyễn Văn Thuận, dụ ngôn này cho thấy Chúa Giêsu không biết làm kinh tế. Nhưng phải chân nhận rằng cũng nhờ Chúa “không biết làm kinh tế” mà chúng ta mới được cứu và được sống đến nay!
3. Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15:11-32), trước đây thường gọi là dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng”. Đây là câu chuyện “nổi tiếng” nhất về Lòng Chúa Thương Xót, chắc hẳn không Kitô hữu nào lại không biết.
Chúa Giêsu làm toàn những “chuyện ngược đời”, thật là “khó hiểu”, “kỳ lạ” hết sức! Một đứa con coi cha mình không ra gì, lại còn đòi chia gia tài rồi đi ăn chơi hoang đàng chi địa. Thân tàn ma dại rồi mới nhớ tới cha mình. Người cha trần gian đăng báo hoặc công khai từ con là cái chắc. Thế nhưng phải chân nhận rằng cũng nhờ Chúa “ngược đời” như vậy mà chúng ta mới được cứu và được sống đến nay!
Chữ TÌNH của Chúa kỳ diệu quá!
Thiết tưởng chúng ta nên nhớ những câu đặc biệt Chúa Giêsu đã nói để mà cố gắng sống yêu thương và đoàn kết, đồng thời cùng nhau bảo vệ công lý và kiến tạo hòa bình:
– Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn (Lc 15:7).
– Giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối (Lc 15:10).
– Em con đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy (Lc 15:32).
Điều quan trọng là làm sao đừng để phải nghe lời nguyền rủa Chúa Giêsu: “Khốn cho các người! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế” (Mt 23:27).
Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Chúa! Xin cho chúng con biết sống yêu thương và thể hiện lòng thương xót với mọi người, xin giúp chúng con thực hành nghiêm túc chứ không nói suông bằng môi miệng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*