Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXIX TN C:
Thưa quý OBACE, cho dù là người có tôn giáo hay những kẻ vô thần thì đều nhận ra rằng: trong cuộc sống có nhiều điều vượt quá khả năng và sự nắm giữ của con người. Những lúc như thế, họ chạy đến cúng bái các thần linh và tin rằng những lời cầu khẩn của họ sẽ biến mong ước trở thành hiện thực. Còn những người có đức tin luôn xác tín cách chắc chắn rằng lời cầu nguyện cùng với sự chân thành tha thiết, sẽ được Thiên Chúa nhận lời và lời cầu nguyện có sức mạnh thay đổi con người và cả thế giới.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa nhắc lại cho chúng ta về sức mạnh của lời cầu nguyện và dạy chúng ta phải cầu nguyện cách kiên trì, tin tưởng. Bài đọc sách Xuất Hành kể lại câu chuyện xảy ra thời Môsê: Trên đường tiến vào Đất hứa, dân Do Thái bị người Amalek chặn đường, gây chiến. Người Amalek kéo đến rất đông, còn dân Israel là đoàn dân nhỏ bé. Trước sự chênh lệnh bất lợi này, Isarel đã hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa. Ông Môsê đã cử Giôsuê cùng với một nhóm nhỏ quân binh ra nghênh chiến, còn ông đi với vài người nữa lên núi giang tay cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Câu chuyện cho thấy tình hình chiến cuộc hoàn toàn lệ thuộc vào lời cầu nguyện của Môsê: “Lúc ông giơ tay lên cầu nguyện thì dân Israel thắng thế, lúc ông hạ tay xuống thì người Amalek thắng thế.” Những lúc ông Môsê mỏi tay, người ta phải khiêng tảng đá kê cho ông ngồi. Có hai người đứng hai bên đỡ tay cho Môsê, để ông tiếp tục cầu nguyện. Cuối cùng dân Amalek đã bị đánh bại bởi lời cầu nguyện của Môsê.
Câu chuyện cho thấy, lời cầu nguyện trong tin tưởng và sự cố gắng của con người luôn phải đi đôi với nhau. Trong lúc Môsê tin tưởng cầu nguyện cùng Thiên Chúa thì Giôsuê và đội quân của ông cũng vẫn chiến đấu hết mình từ sáng tới tối. Điều đó chứng tỏ các ông không ỷ nại vào lời cầu nguyện, nhưng đã cố gắng hết mình cùng với những lời cầu nguyện để chiến đấu với quân địch. Câu chuyện cũng cho thấy việc giang tay cầu nguyện của Môsê cần có sự trợ giúp, cộng tác của những người khác nữa, đó là người kê hòn đá cho Môsê ngồi và nhất là hai người kề vai để đỡ lấy hai cánh tay của Môsê, để tay ông được giơ cao mãi khi cầu nguyện. Điều đó không chỉ cho thấy lời cầu nguyện trong tin tưởng luôn có sức mạnh thay đổi mọi sự, mà còn cho thấy rằng chúng ta cần giúp nhau trong cầu nguyện và cùng với nhau để cầu nguyện.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu đã kể một câu chuyện dạy chúng ta phải cầu nguyện luôn và cầu nguyện cách kiên trì: Có một ông quan toà không biết kiêng nể ai. Có một bà goá đến xin ông xử kiện. Ông quan toà này đã nhiều lần bỏ qua lời kêu cứu của bà. Tuy nhiên, bà goá này không nản chí, bà vẫn cứ nài nỉ ông. Cuối cùng, ông cũng đã phải xét xử cho bà vì bà kêu mãi làm ông nhức đầu.
Khi kể câu chuyện này, Chúa Giêsu không so sánh Thiên Chúa như ông quan toà, nhưng Chúa muốn nêu gương kiên trì kêu xin của bà goá. Vì kiên trì, bà đã được nhận lời. Chúa Giêsu còn khẳng định rằng: “Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Người sẽ mau chóng minh xét cho họ.” Thiên Chúa không phải là vị quan toà, nhưng là Cha yêu thương, một người Cha hằng chạnh lòng trước nỗi khổ đau của con người. Người không thể làm ngơ trước những lời kêu xin của những kẻ đau khổ chạy đến với Người. Vì thế, những ai kiên trì chạy đến kêu xin cùng Chúa, Người sẽ ra tay cứu giúp, sẽ giải gỡ những khó khăn, nâng đỡ cho những nhọc nhằn đau khổ của chúng ta.
Con người thường bị cám dỗ rơi vào thất vọng, buông xuôi khi gặp đau khổ kéo dài hoặc khi cầu nguyện mà chưa được như ý. Thực ra, chúng ta cầu xin mà không được như ý, không phải là Chúa không nhận lời, nhưng có thể là Chúa đã ban nhiều ơn trợ giúp để ta vượt qua đau khổ thử thách mà ta vẫn không nhận biết. Chúng ta chưa được nhận lời, có thể là vì chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa làm theo phương án của mình, mà không muốn tuân theo phương án của Thiên Chúa. Chúng ta cứ muốn lời cầu xin phải được ngay lập tức, như một phép lạ thay đổi mọi sự, nhưng Chúa đang dùng thời gian và cả những khó khăn thử thách để thanh luyện sự trung tín và kiên nhẫn của chúng ta.
Thánh Phaolô trong bài đọc hai nói cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa là Cha. Ngài dùng cách của Ngài để sửa dạy con cái. Ngài dùng Lời của Ngài để uốn nắn, sửa dạy chúng ta, giúp ta nên hoàn thiện. Như vậy, trong mọi biến cố khó khăn, đau khổ và thử thách, chúng ta cũng cần phải để cho Lời Chúa soi rọi vào các vấn đề chúng ta đang gặp phải. Nhờ đó, nhận ra Chúa muốn nói gì với mỗi người qua những khó khăn đau khổ ấy. Thiên Chúa muốn nói với từng người qua các biến cố xảy ra trong gia đình và cuộc sống, nhưng nhiều người chỉ lo kêu gào oán trách Chúa mà không muốn nghe điều Chúa muốn nói.
Thưa quý OBACE, trong chúng ta có rất nhiều người giống như bà goá trong câu chuyện của Tin Mừng. Nhiều người đã đến với Chúa trong đau khổ, trong nước mắt hết ngày này qua tháng nọ để cầu xin cho chồng, cho vợ và cho con. Có nhiều khi niềm vui và hy vọng chỉ loé lên một thời gian ngắn khi thấy vợ, chồng, con cái thay đổi, nhưng rồi lại chứng nào tật nấy. Tuy nhiên, họ vẫn kiên trì vẫn ngày đêm kêu khóc cùng Chúa. Có thể họ chưa thấy có sự thay đổi như ý muốn, nhưng với lòng kiên trì đêm ngày cầu xin, chắc chắn Chúa không thể làm ngơ, Chúa vẫn đang ở bên và ban sức mạnh cùng sự cam đảm, giúp người ấy đứng vững trước thử thách và cầu nguyện tha thiết hơn.
Câu chuyện sách Xuất hành cho thấy lời cầu nguyện còn phải đi đôi với việc cố gắng mỗi ngày. Trong lúc ông Môsê cầu nguyện thì ông Giôsuê cùng binh lính kiên cường chiến đấu. Cũng vậy, việc kiên trì và tin tưởng cầu nguyện cũng thúc đẩy chúng ta dùng hết khả năng, sức lực và trí tuệ, để cùng với ơn Chúa giải quyết khó khăn đang xảy ra. Ví dụ, chúng ta xin Chúa biến đổi vợ chồng, con cái nên ngoan ngoãn hơn, thì chính ta cũng phải thay đổi bản thân mình trước; kế đến thay đổi lại bầu khí trong gia đình, làm cho gia đình nên ấm cúng, hoà thuận, yêu thương nhau hơn. Chỉ khi chúng ta cùng cộng tác với lời cầu nguyện bằng những việc làm cụ thể, lời cầu nguyện mới có thể đem lại kết quả như Chúa muốn.
Đàng khác, khi ông Môsê giang tay cầu nguyện từ sáng đến tối, có những người đã ghé vai nâng đôi tay ông lên cao để ông tiếp tục cầu nguyện. Cũng vậy, mỗi khi chúng ta gặp khó khăn thử thách, một mình ta cầu nguyện có khi chưa đủ, chúng ta còn cần đến nhiều lời cầu nguyện trợ giúp cho mình. Như vậy, việc xin những người thân và những người chung quanh cầu nguyện cho mình là điều cần thiết và góp phần làm cho lời cầu nguyện chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đau khổ, khó khăn thử thách có khi từ bên ngoài xảy ra cho mình, nhưng cũng rất nhiều trường hợp đau khổ và thử thách là hậu quả trong đời sống của mình hoặc của gia đình gây ra. Vì thế, khi kiên trì và tin tưởng cầu nguyện, chúng ta đừng quên cầu xin Chúa giúp ta nhận ra trách nhiệm và thiếu sót của bản thân để cố gắng khắc phục điều chỉnh mỗi ngày.
Trong cái nhìn đức tin: đau khổ, thử thách không hẳn là những điều xấu, vì chính khi trải qua đau khổ, thập giá và tử nạn, Đức Giêsu đã biến đau khổ, chết chóc thành mầm sống đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Vì thế, khi gặp khó khăn đau khổ, chúng ta đừng vội oán trách Thiên Chúa hoặc đổ lỗi cho nhau, nhưng biến những khó khăn đau khổ thành dịp để rèn luyện đời sống đức tin, sự trung tín với Thiên Chúa và lòng trung thành kiên trì trong cầu nguyện. Như thế, đau khổ lại trở thành cơ hội Chúa giúp ta lớn lên trong đời sống đức tin.
Nhờ Lời Chúa hướng dẫn hôm nay, xin cho mỗi người luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa là Cha để kiên trì trong cầu nguyện và luôn đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*