Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười Hai 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 11    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
3031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

MỞ LỐI, SỬA ĐƯỜNG ĐỂ CHÚA ĐẾN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG B:

Hệ thống đường giao thông gắn liền với sự phát triển của một đất nước. Nói cách khác, khi đến một nơi, một quốc gia nào đó, cứ quan sát hệ thống giao thông sẽ có thể đánh giá được sự phát triển và văn minh của quốc gia đó. Việt Nam chúng ta những năm gần đây cũng đã mở rất nhiều đường, kể cả đường bình thường và đường cao tốc. Tuy nhiên, đường cao tốc của Việt Nam vẫn không đủ thông thoáng vì còn hẹp, bị kẹt, bị ngập, đi lại khó khăn.
Cũng có thể nói, mỗi người nếu tự đánh giá hệ thống giao thông trong tâm hồn của mình, sẽ biết được tương quan, sự kết nối của ta với Chúa và anh chị em, đồng thời cũng đánh giá được sự phát triển trong đời sống đức tin qua những con đường thông thoáng đến với Chúa. Cuộc đời, tâm hồn mỗi người cũng là con đường mà hôm nay Lời Chúa – Chúa Nhật II mùa vọng mời gọi: Hãy mở cho Chúa một con đường thông thoáng, không bị ngập úng hoặc ùn tắc, không có đường ngang lối tắt để Chúa có thể dễ dàng đến với tâm hồn ta và ta có thể dễ dàng đến với Chúa.
Dân Do Thái ngày xưa như bị mắc kẹt và bế tắc trong mối tương quan đối với Chúa và với anh chị em. Họ sống trong tình trạng cô lập vì chịu cảnh nô lệ tại Babylon. Có nhiều lúc, họ rơi vào thất vọng, vì nghĩ rằng Thiên Chúa đã ngăn đường bịt lối khiến tương lai của họ trở nên mịt mù, niềm hy vọng trở về quê hương, tái thiết đền thờ và quốc gia dường như ngày càng xa vời. Thực ra, không phải Thiên Chúa đã ngăn đường bịt lối tương lai của họ, mà chính người Do Thái đã tự dựng rào cản, đã bịt đường khiến cho Thiên Chúa không thể đến với họ được. Tình trạng mất đức tin vì lâu ngày sống trong môi trường của người dân ngoại, các thói quen tập tục của người dân ngoại đã ảnh hưởng sâu đậm trên dân tộc Do Thái, họ đánh mất chính mình, vì thế con đường trở về quê hương ngày càng trở nên mịt mù.
Trong hoàn cảnh dường như tuyệt vọng ấy, Thiên Chúa đã dùng tiên tri Isaia để khơi lên và mở ra cho họ một con đường hy vọng. Con đường hy vọng này được bắt đầu từ những đòi hỏi phải làm những việc cụ thể, đó là phải mở một con đường trong tâm hồn. Tiên tri dùng hình ảnh con đường trong sa mạc từ Babylon về Giêrusalem để nói với dân Do Thái. Thiên Chúa sẽ mở cho họ một con đường trở về, núi đồi sẽ được bạt xuống, chỗ quanh co sẽ được uốn lại cho ngay, con đường này cũng là con đường giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ. Qua đó, tiên tri Isaia muốn nói đến con đường khác, đó là con đường trong tâm hồn của mỗi người. Con đường này chỉ được mở bằng sự nỗ lực của bản thân mỗi người cùng với ơn Chúa. Vì tự mỗi người mới có thể biết được chỗ nào trong tâm hồn còn là núi cao, là vực thẳm hoặc là chỗ quanh co, lồi lõm; chỉ có chính bản thân mới có thể giải tỏa những lô cốt, những đồi cao vực sâu đó mà thôi, không ai có thể làm thay được.
Như thế, tiên tri Isaia muốn khơi lên cho dân Do Thái niềm hy vọng rằng, Thiên Chúa không bao giờ quên con người, chỉ có con người mới lãng quên Thiên Chúa mà thôi. Để có thể mở một con đường về quê hương thì mỗi người phải dám mở con đường trong tâm hồn cho Chúa đến với mình và để mình có thể đến với Thiên Chúa. Khi đó, Thiên Chúa sẽ thể hiện quyền năng và tình yêu của Ngài trên mỗi người và cả dân tộc.
Tiếp nối với ý tưởng này, Tin Mừng Marcô hôm nay cho thấy, đã đến thời Thiên Chúa đến với con người. Thiên Chúa cho sứ giả của Ngài đi trước, để một lần nữa mời gọi mỗi người, những ai còn đang nấn ná chần chứ, hãy mở một con đường cho Chúa bước vào tâm hồn, bước vào gia đình: “Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.” Vị sứ giả mà triên tri Isaia nói tới, thánh Marcô nhận ra đó chính là ông Gioan Tẩy Giả. Gioan xuất hiện và lên tiếng kêu gọi: Chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối. Lời mời gọi này nhắm đến việc làm cốt lõi, là sám hối bên trong và dẫn đến việc làm cụ thể bên ngoài. Để có thể sám hối thì trước tiên phải có thái độ khiêm nhường. Khiêm nhường mới có thể nhìn thấy cái sai, nhận ra tình trạng yếu đuối, tội lỗi của mình; khiêm nhường để nhìn rõ và nhìn nhận chân thật rằng trong tâm hồn mình đang có nhiều chỗ gập ghềnh, quanh co nguy hiểm; có nhiều chỗ bị lấn chiếm, xây dựng những lô cốt, làm cho tâm hồn có nhiều ngóc ngách, góc tối; khiêm nhường còn là dám để Chúa giúp ta sửa sai và nâng ta chỗi dậy.
Bước tiếp theo của việc sám hối đó là thái độ khiêm nhường để biết khắc phục. Nhiều người biết và thấy mình làm sai, nhưng vẫn không hối hận, không khắc phục, tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh. Hối hận, là sám hối, là nói lời xin lỗi và phải khắc phục tình trạng của mình trở nên tốt hơn.
Tin Mừng cho thấy trước khi rao giảng, chính ông Gioan đã thể hiện lòng sám hối của mình bằng một cuộc sống khiêm nhường, từ bỏ. Trong lúc xã hội và mọi người tìm kiếm sự vinh quang danh vọng, thì Gioan đã rút lui vào trong hoang địa, sống đời khổ chế; trong lúc mọi người chạy theo lối sống hưởng thụ, tiền bạc, thì Gioan lại sống đơn giản, ăn uống bình dị: Ăn chấu chấu và mật ong, mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú.
Nhưng quan trọng hơn, đó là thái độ sám hối khiêm nhường của Gioan. Ông biết mình và thành thật nhìn nhận về tình trạng tâm hồn và con người của mình. Xét về bề ngoài, lúc đó Gioan đã rất nổi tiếng, mọi người tuôn đến với ông và coi ông như một đấng cứu thế, nhưng ông không dám tranh giành những điều thuộc về Thiên Chúa. Ông khiêm tốn công khai với mọi người rằng: “Có Đấng quyền thế hơn đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người.” Gioan còn khiêm nhường để cho mọi người biết việc ông đang làm không phải là hoàn hảo, là việc còn giới hạn, chỉ là một việc để chuẩn bị mà thôi: “Tôi chỉ rửa cho anh em bằng nước, còn Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”
Thưa quý OBACE, nhiều con đường đang làm nhưng bị chậm trễ, dở dang do vướng mắc không giải toả mặt bằng. Con đường trong tâm hồn cũng bị tình trạng như thế, nhiều người không dễ gì giải tỏa, đập bỏ những phần đã xây dựng, lấn chiếm trong tâm hồn. Mặc dù biết mình sai, biết là mình có nhiều vướng mắc, nhưng không dám sửa chữa khắc phục, không dám uốn nắn điều chỉnh. Rất nhiều lần, nhiều mùa vọng, chúng ta được kêu gọi tự ý, tự giác giải toả những chỗ lấn chiếm mà trả lại cho tâm hồn sự thông thoáng để Chúa bước đến, nhưng ta vẫn chưa thực hiện được. Chúng ta vẫn lấn chiếm thời giờ đọc kinh, cầu nguyện, thờ phượng Thiên Chúa; để cho sự lười biếng, những tật xấu như rượu chè, cờ bạc, phim ảnh xấu, gian dối như những ổ gà, ổ voi, làm hư hỏng con đường tâm hồn mình, khiến cho việc đến với Chúa bị cản trở.
Nhiều cha mẹ đã không biết dọn dẹp những thứ không cần thiết trong đời sống, những thói quen xấu của cha mẹ và con cái, khiến cho gia đình như một đống rác không được quét dọn, gây cản trở, ô nhiễm cho đời sống đạo đức của gia đình. Các cha mẹ quan tâm rất nhiều cho con đường học hành, thăng tiến của con cái, điều đó là tốt, nhưng lại không quan tâm chăm sóc và còn để cho con đường đức tin, sống đạo của con cái bị bế tắc. Nhiều cha mẹ coi trọng việc học thêm, học kèm của con cái mà bỏ qua việc đọc kinh cầu nguyện trong gia đình và bỏ qua việc dâng lễ, học giáo lý của con cái.
Xã hội ngày nay muốn dẫn các bạn trẻ đi vào con đường của nó và bỏ qua con đường đến với Chúa. Nhiều người coi việc đến với Chúa như bị ép buộc, như một gánh nặng. Vì thế, nhiều bạn trẻ bỏ qua việc đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ, xưng tội rước lễ. Nhiều bạn trẻ sống không khác gì dân ngoại, không hiểu biết về đức tin của mình, không hiểu về Kinh Thánh, Giáo lý, do đó dễ bị lôi kéo vào con đường xấu xa, tội lỗi.
Xin Chúa giúp mỗi người biết nhìn lại con đường đi đến với Chúa trong tâm hồn của mình. Xin Chúa giúp chúng ta can đảm, mạnh dạn giải toả những cản trở, những vướng mắc để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*