Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Chín 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 8    
 1
2345678
9101112131415
16171819202122
23242526272829
30  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

MIỄN NHIỄM

TRẦM THIÊN THU

▷ Vô Nhiễm Nguyên Tội – https://youtu.be/GXs_Gx5_rNs

Mẹ Diễm Phúc Được Đặc Ân Vô Nhiễm
Con Phàm Hèn Mang Nguyên Tội Xấu Xa

Trong cuộc sống, ai cũng đã từng nhiễm một loại vi khuẩn nào đó, cụ thể là trong thời gian đại dịch Cúm Tàu vừa qua – nhiều người tử vong, nhiều người bị nhiễm, nhưng nhiều người không bị nhiễm. Thật lạ lùng là một số phụ nữ Phi châu miễn nhiễm với HIV. Miễn nhiễm là điều cần thiết lắm. Thế nên người ta phải chủng ngừa (ngày xưa) hoặc chích ngừa (ngày nay) để tránh nhiễm loại vi trùng nào đó.

Là phàm nhân, không ai miễn nhiễm tội lỗi, vì có gen di truyền Tội Nguyên Tổ. Nhưng Đức Maria là thụ tạo đặc biệt được miễn nhiễm này. Vào ngày 25-03-1858, Đức Mẹ đã hiện ra với cô bé Bernadette tại Lộ Đức và xác nhận: “Je suis Immaculée Conception – Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Thật là mầu nhiệm vì điều này chứng tỏ Chúa Thánh Thần thực sự tác động mạnh mẽ trong đời sống Giáo Hội và minh chứng ơn bất khả ngộ của người kế vị Thánh Phêrô, vì Giáo Hội mới công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm gần 4 năm trước.

Đó là ngày 08-12-1854, ĐGH Piô IX (triều đại 1846-1878, giáo hoàng thứ 255, nay là chân phước) đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” – Thiên Chúa Bất Khả Ngộ. Vô Nhiễm Nguyên Tội là một trong bốn đặc ân của Đức Mẹ – thụ tạo hoàn hảo được Thiên Chúa đặc tuyển để cộng tác trong công cuộc cứu độ.

Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm là dịp để tín nhân ý thức hơn về vấn đề nhiễm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, nghĩa đời thường và nghĩa tâm linh. Theo nghĩa đen, “nhiễm” là “nhuộm” – nghĩa bóng là lây lan, thấm sang, vương vào, vướng phải, dính líu,… thường được hiểu theo nghĩa ở thể thụ động và với nghĩa xấu.

Trình thuật St 3:9-15 cho biết việc “xưng tội công khai” của Ông Bà Nguyên Tổ với Thiên Chúa: Thuở hồng hoang, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.” Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”

Một chuỗi dây chuyền tội lỗi: Ông đổ lỗi cho bà, bà đổ lỗi cho con rắn. Ôi chao, con người chua ngoa và tồi tệ quá! Người ta “chết” vì những chữ VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, GIÁ MÀ, GIẢ DỤ,… Lắm mưu nhiều kế biện hộ chứ không phục thiện, không nhận mình sai. Con người chua ngoa và tồi tệ, Thật nguy hiểm!

Thiên Chúa không muốn Ađam đơn độc nên đã ban cho một mỹ nữ. Ađam vui mừng, và đặt tên cho vợ yêu là Êva – mẹ của chúng sinh. (St 3:20) Danh ngôn có câu: “Axít làm CHÁY tiền, tiền làm CHÁY tim đàn bà, nước mắt đàn bà làm CHÁY tim đàn ông.” Nghe lý thú mà cay cú, nhưng vẫn chí lý vì đúng ý. Phụ nữ là “liễu yếu đào tơ,” nhưng mềm mà cứng, yếu mà mạnh. Chính sự yếu đuối của họ là sức mạnh vô địch của họ. Chàng Samson rất khỏe mạnh mà vẫn “chết” vì một phụ nữ nham hiểm; một quốc vương như Đavít mà cũng “tiêu” vì một phụ nữ đã có chồng; rồi Hêrôđê dám “liều” vì phụ nữ đó, dám “tặng” nửa nước cho đứa cháu gái mất nết – con của mụ Hêrôđia. Thật đáng quan ngại với những kẻ bất chấp!

Vì một phụ nữ tội lỗi – Bà Êva – mà nhân loại chịu kiếp đọa đày, nhưng nhờ một phụ nữ thánh thiện và tuân phục– Đức Maria – mà nhân loại được giải án tuyên công. Vô cùng diễm phúc cho chúng ta – phàm nhân và tội nhân. Thiên Chúa nhân lành và xót thương, không làm ngơ để sự dữ hoành hành. Đại diện nhân loại, Thánh Phaolô bày tỏ tâm tình tạ ơn: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần.” (Ep 1:3)

Không chỉ như thế, Thánh Phaolô còn xác định và giải thích: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.” (Ep 1:4-6) Rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu vì đầy đủ chi tiết. Ơn Chúa quá bao la, cao vời và khôn ví!

Chúng ta chỉ còn biết suốt đời cúi đầu mà cảm tạ liên lỉ từng phút, từng giây, trong suốt cuộc đời này, như Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người.” (Ep 1:11-12) Ân huệ là ân huệ, ân sủng là ân sủng, hồng ân là hồng ân, chúng ta không thể xác định ơn nào to hay nhỏ – đại ân hoặc tiểu ân. Chỉ có Thiên Chúa mới là người xác định mức độ, vì chỉ một mình Ngài là người thi ân giáng phúc.

Đức Mẹ và các thánh chỉ là những người cầu thay nguyện giúp, chuyển cầu cho chúng ta – bởi vì các ngài “uy tín” hơn chúng ta, họ là “ống dẫn” để chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa tới chúng ta. Tính liên đới tâm linh thật tuyệt vời, và đó cũng là bằng chứng về lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Về đặc ân dành cho Đức Mẹ, chính Chúa Giêsu nói với Thánh Catarina Siena: “Ta muốn ban cho Mẹ Maria đặc ân này vì lòng nhân từ của Ta, và để tôn kính Ngôi Hai nhập thể: bất cứ ai, dù tội lỗi đến đâu, mà kính cẩn tin yêu chạy đến kêu xin Mẹ Maria, sẽ không rơi vào quyền lực của quỷ dữ.”

Có thể nói rằng công cuộc cứu độ bắt đầu từ Đức Mẹ, qua cuộc Truyền Tin được đề cập trong trình thuật Lc 1:26-38. Thánh sử Luca kể: Bà Êlidabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ Thần liền nói ngay khi gặp Trinh Nữ Maria: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”

Trinh Nữ Maria rất bối rối và không hiểu lời đó có nghĩa gì. Sứ Thần trấn an: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Trinh Nữ Maria thưa: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ Thần giải thích và chứng minh: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlidabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Thế thì an tâm!

Khúc nhôi tỏ rõ. Hai năm rõ mười. Trinh Nữ Maria nói ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa CỨ LÀM cho tôi như lời sứ thần nói.” Đức Maria có quyền tự do chấp nhận hay từ chối, thế nên mà lời “xin vâng” đó vô cùng quý giá. Và công cuộc cứu độ bắt đầu: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta…” Ngôi Lời nhập thể, Ngài là Đấng Thiên Sai, Đấng Emmanuel. (Is 7:14; Mt 1:23)

Ước gì mỗi tín nhân cũng luôn tín thác vào sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa để có thể mau mắn “xin vâng” như Mẹ, vâng lời ngay trong những lúc khó khăn nhất, bởi vì vững tin có Thiên Chúa luôn ở với chúng ta. Ngày xưa, ông Êli dạy cậu bé Samuel thưa với Chúa: “Xin Ngài cứ làm điều Ngài cho là tốt.” (1 Sm 3:18) Ước gì mỗi tín nhân cũng ý thức cầu xin như vậy!

Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin gia tăng hệ miễn nhiễm tâm linh cho chúng con để đề kháng mọi thứ dịch yêu tinh vẫn hoành hành ngày nay. Lạy Thánh Mẫu Vô Nhiễm, xin kéo chúng con càng ngày càng lớn mạnh trên hành trình hoàn thiện. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*