Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Bảy 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 6    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

THA THỨ ĐỂ ĐƯỢC THỨ THA

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXIV TN A:
Trên báo có đăng một vụ án tử hình oan sai được toà án tuyên bố vô tội và xin lỗi công khai. Người bị kết án oan cũng đã ngồi tù gần 10 năm. Trong ngày toà án tổ chức tuyên bố công khai và xin lỗi người bị kết án oan, thì gia đình của người chết vẫn không chấp nhận. Họ la ó chửi bới và ném dép vào vị đại diện toà án ngay khi ông ta đang đọc quyết định của toà. Gia đình này đem hình của nạn nhân đến cuộc họp và kêu gào phải kết án, phải tử hình người vừa được công bố vô tội kia. Sự kiện cho thấy, mặc dù toà án đã tuyên bố vô tội, nhưng gia đình kẻ bị hại vẫn không thể tha thứ.
Một vụ án khác tại Tp. HCM năm 2021, người thanh niên bị kết án chung thân vì tội giết người. Nạn nhân là con trai của một gia đình nghèo dưới quê lên làm ăn, ở cùng dãy phòng trọ. Mấy đứa tụ tập với nhau cuối tuần để nhậu nhẹt, sau đó nảy sinh mâu thuẫn và án mạng xảy ra. Trước toà, người mẹ của nạn nhân thưa với toà rằng: “Vợ chồng tôi tha thứ cho hung thủ vì nó cùng tuổi và cũng là bạn của con tôi. Chúng tôi cũng không yêu cầu gia đình hung thủ phải đền bù điều gì, vì họ cũng nghèo như chúng tôi. Có bắt đền họ lấy gì mà đền cho được.” Đó là một hành động rất đẹp, rất cao cả vì biết tha thứ, vì có sự cảm thông và thấu hiểu.
Thưa quý OBACE, tha thứ quả là điều không dễ dàng thực hiện, nhưng không phải là không thể thực hiện, vì cũng đã có rất nhiều người đã sẵn sàng tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình hoặc giết con của mình. Hôm nay, Lời Chúa dạy chúng ta cũng phải biết mở lòng để tha thứ cho những người đã xúc phạm làm tổn thương đến mình. Tha thứ không chỉ là cho người có lỗi một ân huệ, mà chính khi tha thứ cho người khác, tâm hồn ta sẽ được Thiên Chúa chữa lành.
Sách Huấn Ca đã đúc kết những kinh nghiệm khôn ngoan của cả một dân tộc và đã nói: “Oán thù, giận hờn là điều ghê tởm. Kẻ báo thù sẽ chuốc lấy báo thù của Đức Chúa; tội lỗi của nó, Đức Chúa sẽ xem xét từng ly.” Lời dạy này cho thấy, người nuôi sự oán thù, giận hờn, sẽ biến tâm hồn thành một thứ ung nhọt phá huỷ tâm hồn. Người tìm cách trả thù trả oán người khác, sẽ bị Thiên Chúa xét xử một cách ngặt nghèo về các hành vi của họ. Vì khi tâm hồn không biết thứ tha thì cũng không thể đón nhận được sự tha thứ của Chúa. Sách Huấn Ca cũng giải thích thêm: “Khi bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì tội lỗi bạn được thứ tha. Vì nếu còn nuôi lòng giận hờn anh em, thì không thể xin Chúa chữa lành.” Lý do để tha thứ theo Sách huấn Ca: “Khi nó không biết thương đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình.” Điều này có nghĩa là chỉ khi ta biết thương người anh em, biết cảm thông tha thứ, thì ta mới có thể chạm đến sự tha thứ của Thiên Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giải thích rõ hơn về đòi buộc phải biết tha thứ. Lúc đó ông phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Câu hỏi này chứng tỏ rằng Phêrô quá mệt mỏi về sự xúc phạm của người khác, nên ông nhấn mạnh: “anh em cứ xúc phạm đến con.” Điều này còn cho thấy sự xúc phạm của người kia là cố ý chứ không còn phải là vô tình. Phêrô đã đưa ra một hạn mức: “Có phải đến bảy lần không?” Tha thứ đến bảy lần là một sự tha thứ đã rất khó, vượt quá mức độ thông thường của con người “quá tam ba bận”.
Chúa Giêsu không phủ nhận sự cố gắng và hạn mức của Phêrô, nhưng Chúa mời gọi ông phải dám đi một bước cao hơn, xa hơn, bỏ tất cả hạn mức: “Thầy không bảo phải tha bảy lần mà là bảy mươi lần bảy.” Tức là phải tha hoài, tha mãi, tha không mệt mỏi, không giới hạn, không điều kiện, không tính toán.
Có lẽ Phêrô đã bất ngờ và còn lăn tăn khi nghe câu trả lời của Chúa Giêsu. Vì vấn đề là, khi bị người khác xúc phạm, mà sự xúc phạm gây tổn thương ghê gớm, thì phải làm sao?
Chúa Giêsu đã kể câu chuyện: một người kia nợ vua mười ngàn yến vàng (10,000 x 10kg = 100,000 kg) là một khối lượng rất lớn. Anh không có gì để trả, nên ông chủ ra lệnh bán y, vợ con, tài sản để thu hồi nợ. Anh sấp mình xuống van xin: Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ lo trả hết số nợ cho ông. Với số nợ lớn như thế, tên đầy tớ không còn khả năng chi trả, cho dù có bán tất cả vợ con, gia nghiệp cũng không đủ để trả. Vậy mà, chỉ vì anh ta đã van xin ông chủ. Và lời van xin của anh đã chạm đến lòng thương xót của ông, khiến ông chạnh lòng thương. Ông không gia hạn, nhưng lại tha bổng, xoá hết nợ cho anh.
Chủ ý câu chuyện Chúa muốn nhấn mạnh ở điểm này, khi sự xúc phạm của người khác quá lớn, giống như món nợ của tên đầy tớ; khi đó, kẻ ấy giống như một con nợ mất khả năng chi trả, y trở thành kẻ đáng thương tội nghiệp. Vì thế, hãy để cho trái tim của mình chạnh thương, chạnh lòng trước những con người như thế, để xót thương và tha bổng cho nó. Chạnh thương là gì? Là đau lòng thắt dạ trước hoàn cảnh của một người khác.
Câu chuyện của tên đầy tớ này lại kết không có hậu: “Khi ra về, hắn gặp một người bạn mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Người bạn kia cũng sấp mình van xin: ‘Thưa anh, xin cho tôi khất một kỳ hạn tôi sẽ lo trả cho anh.’ Nhưng y không chịu nên tống anh ta vào ngục.” Kết cục là: Ông chủ cho gọi hắn đến và tuyên bố: “Tên độc ác kia, ta đã tha hết số nợ đó cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta. Đến lượt ngươi, tại sao ngươi không thương xót bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Ông chủ đã trao cho lý hình tống y vào ngục.
Lý do ông chủ trừng phạt tên đầy tớ này không phải vì nó không thể trả nợ, cũng không phải vì ông đã tha bổng cho nó. Nhưng ông trừng phạt nó vì nó không biết chạnh lòng thương bạn nó như nó đã được thương và tha thứ. Tiếng van xin của tên đầy tớ đã chạm vào lòng thương xót của ông chủ và được tha bổng số nợ không thể trả, vậy mà nó đã để lòng nó chai cứng đến độ tiếng kêu xin của bạn nó không thể chạm vào lòng thương xót của nó. Nó ra lệnh nhốt bạn nó vào ngục chỉ vì một trăm quan tiền, trong khi đó nó vừa được tha bổng tới mười ngàn yến vàng. Nó bị kết án và đòi nợ vì nó mất khả năng yêu thương và tha thứ.
Thưa quý OBACE, nhìn lại bản thân mỗi người, chúng ta thấy nhiều khi chúng ta cũng mang trong mình những món nợ rất lớn trước mặt Chúa, thậm chí chúng ta cảm thấy như không thể tha thứ cho bản thân. Vậy mà, khi đến với lòng thương xót của Chúa nơi toà giải tội chúng ta vẫn được nghe những lời hết sức ần cần và cảm thông: “Vậy cha tha tội cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.”
Nhưng vấn đề còn lại là về phía mỗi người có dễ dàng để cho ruột gan mình quặn đau, chạnh thương và muốn tha thứ không? Nếu chúng ta từ chối tha thứ, tức là chúng ta đã để cho tâm hồn, trái tim chai cứng không còn khả năng chạnh thương. Sự tha thứ của chúng ta không phải là điều kiện để Chúa tha thứ cho ta. Dù chúng ta không tha thứ cho người khác, thì Chúa vẫn có thể tha thứ cho ta. Nhưng chỉ có điều là khi ta không biết chạnh thương và tha thứ, thì khi đó trái tim ta không thể mở ra, không còn khả năng đón nhận được sự thương xót tha thứ của Thiên Chúa.
Làm thế nào để có thể dễ dàng tha thứ? Thưa, là ý thức nhìn lại thân phận con người yếu đuối và nhiều sai lỗi của mình trước mặt Chúa và mọi người; khiêm nhường để cầu xin sự tha thứ của Chúa và sự cảm thông tha thứ của anh em. Khi ta cảm nhận niềm vui và bình an khi được tha thứ, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ cho người khác. Trái lại, khi kiêu căng cho mình luôn luôn đúng, luôn có lý hơn người khác, ta dễ dàng bắt lỗi người khác; khi đặt mình trên cao hơn người khác ta khó có thể cảm thông và tha thứ. Chúng ta cần bắt đầu thực tập điều này mỗi ngày trong gia đình: khiêm tốn, nhân từ, bao dung, cảm thông cho vợ, cho chồng và con cái; sẵn sàng nói lời xin lỗi khi mình làm phiền chồng, vợ và con; đồng thời dễ dàng chạnh lòng để cảm thông tha thứ khi người kia làm phiền hay gây khó chịu cho mình.
Xin Chúa biến đổi trái tim và tâm hồn ta nên giống Chúa để chúng ta có thể học nơi Chúa, biết tha thứ, hành động tha thứ cho những kẻ làm tổn thương mình; đồng thời, để ta có thể đón nhận được tình thương và sự tha thứ của Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*