Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CẦU NGUYỆN TRONG KHIÊM NHƯỜNG

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT XXX TN C: KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO -
Thưa quý OBACE, tuần trước Lời Chúa dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, qua câu chuyện bà goá kiên trì đến xin vị quan toà xét xử nỗi oan cho mình; đồng thời cũng cho thấy lời cầu nguyện có sức mạnh thay đổi qua câu chuyện người Do Thái chiến thắng quân Amalek nhờ ông Môsê lên núi cầu nguyện và ông Giôsuê đem quân ra chiến đấu. Hôm nay, Lời Chúa chỉ cho chúng ta một thái độ cần thiết phải có khi cầu nguyện đó là phải cầu nguyện trong khiêm nhường.
Các nhà tu đức nói rằng: Nếu như nước mưa chỉ đọng lại trên chỗ trũng, thì ơn Chúa chỉ đọng lại trên những tâm hồn khiêm nhường mà thôi. Nếu như lời nói của người khiêm nhường dễ lay động lòng người khác thế nào, thì lời cầu nguyện của người khiêm nhường cũng dễ chạm đến lòng thương xót của Chúa như vậy. Nếu như, người ta thích đến gần, truyện trò với người khiêm tốn thế nào, thì có thể nói, Thiên Chúa cũng luôn muốn ở gần những kẻ có tâm hồn khiêm nhường, tin tưởng chạy đến với Người như vậy.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện một người là biệt phái và một người thu thuế. Ngay từ câu đầu của đoạn Tin Mừng, thánh Luca đã ghi: Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để nhắc cho những người tự hào cho mình là công chính mà khinh dể người khác. Thái độ của người Biệt phái là thái độ của một kẻ kiêu ngạo, hình thức. Người biệt phái thường bị Chúa Giêsu chỉ trích vì thói sống chuộng hình thức, tìm lời khen. Họ tìm kiếm sự trọng vọng của người khác qua áo quần, qua việc phô trương trong lối sống và trong việc đạo đức. Người này lên đền thờ cách nghênh ngang. Anh đứng thẳng và nói: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như bao kẻ khác: tham lam bất công, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia.” Thực ra, đây không phải là lời cầu nguyện hay tâm tình tạ ơn Thiên Chúa cách chân thật. Đây không phải là cuộc trò chuyện với Chúa như cha con tâm sự, nhưng anh đang muốn mượn Chúa để ca tụng chính bản thân mình. Anh lấy mình làm tiêu chuẩn và so sánh với người khác để cho thấy anh trổi vượt hơn người khác. Anh còn tỏ ra khinh miệt người đang ở kế bên: tôi không như tên thu thuế kia.
Kế đó, anh làm một bản báo cáo thành tích thật dài, liệt kê các chi tiết mà anh coi như là công trạng: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập…” Với bản công trạng này, anh cho mình như là người lập công khi ăn chay vượt quy định và Chúa sẽ phải là người mang ơn hoặc mắc nợ anh khi anh nộp không thiếu đồng thuế nào. Anh cố ý nói to cho mọi người nghe thấy để xưng tụng anh là người công chính. Như thế, thật ra người biệt phái này không hề cầu nguyện, mà chỉ là dịp để anh khoe khoang sự đạo đức, phô trương sự giàu có của mình. Anh tự cao, tự kiêu cho mình là thành phần vượt trội trong cộng đoàn cả về đạo đức lẫn kinh tế và coi thường những người thuộc thành phần thấp kém hơn.
Ngược lại với hình ảnh một người Biệt phái kiêu ngạo, khoe khoang, “người thu thuế đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mặt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Thái độ của người thu thuế là thái độ của con người khiêm tốn, nhìn nhận sự thấp hèn, tội lỗi, bất xứng của mình trước nhan Thiên Chúa. Anh chỉ dám đứng từ đằng xa, cúi đầu, đấm ngực mà kêu xin. Đây là thái độ của một con người chân thành sám hối, biết rõ về giới hạn của mình và tin vào quyền năng, lòng thương xót của Thiên Chúa. Anh không kể lể gì nhiều vì anh biết rằng với nghề thu thuế, anh bị người Do Thái coi là phường tội lỗi gian tham và không ai muốn giao du, tiếp xúc hay làm bạn với anh. Anh đến cùng Chúa với một tâm hồn đơn côi, hoàn toàn tin tưởng vào Chúa. Vì thế, anh chỉ kêu xin một điều đó là xin lòng thương xót Chúa tha thứ cho anh: “Xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Chúa Giêsu đã kết luận câu chuyện: “Người thu thuế ra về thì được nên công chính, còn người kia thì không. Vì ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” Như thế, Chúa Giêsu cho thấy những ai khiêm nhường hạ mình trước mặt Chúa, Thiên Chúa sẽ nâng người ấy lên. Còn những ai tự nâng mình lên, Chúa sẽ hạ bệ người ấy.
Tác giả sách Huấn Ca trong bài đọc một đã cho thấy Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo, ra tay bênh vực người bị áp bức bỏ rơi và nâng dậy những người khiêm nhường. Tác giả quả quyết: Thiên Chúa không vị nể ai mà làm hại người nghèo, Người nghe lời kêu xin của kẻ bị áp bức…. Lời cầu xin của họ sẽ vọng tới các tầng mây. Lời cầu nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.
Thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm về cuộc đời của mình đã được Thiên Chúa yêu thương nâng đỡ. Thánh nhân đã dành trọn cuộc đời để phục vụ cho Chúa Kitô và Tin Mừng. Ông được nhiều cộng đoàn tín hữu yêu mến. Nhưng Phaolô đã không đòi hỏi bất cứ điều gì từ cộng đoàn, trái lại, ông đặt mình như một đầy tớ đã cần mẫn chu toàn bổn phận và chỉ đợi chờ triều thiên Chúa dành cho người công chính. Phaolô cũng cảm nghiệm được sự bênh đỡ che chở từ Thiên Chúa dành cho những người bé mọn: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ cho mình, thì chẳng có ai bênh vực tôi, nhưng chỉ có Chúa bên cạnh, Người ban sức mạnh cho tôi.”
Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng đến với Chúa trong sự khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người không làm giảm giá trị của con người, nhưng là thái độ được Thiên Chúa và mọi người yêu mến. Hơn nữa, kẻ đến với Chúa trong thái độ khiêm nhường hạ mình, thì chính Thiên Chúa sẽ nâng người ấy chỗi dậy. Đức Maria đã có kinh nghiêm này và đã hát lên trong lời Kinh Ngợi Khen: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”
Hôm nay cũng là ngày Khánh Nhật Truyền Giáo, chúng ta khiêm tốn cầu xin Chúa thương nhìn đến cánh đồng bát ngát bao la và sai nhiều thợ gặt vào làm việc trong cánh đồng của Người. Chúng ta cũng nài xin Chúa thôi thúc mỗi người ý thức trách nhiệm của mình là đem Chúa đến cho anh chị em chung quanh. Chúng ta sẽ phải thực thi sứ mạng này qua đời sống hiền hoà, khiêm nhường, bác ái và gương sáng yêu thương của mình. Cùng với việc sống làm chứng cho Tin Mừng, chúng ta còn phải cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, xin Chúa mở lòng cho muôn dân đón nhận Tin mừng của Chúa.
Trong thực tế, nhiều người, nhiều gia đình có đạo nhưng đã mất ý thức truyền giáo, bỏ thói quen cầu nguyện, vì cho rằng mình làm được tất cả mà không cần Chúa trợ giúp. Bỏ cầu nguyện hoặc lười biếng không cầu nguyện cũng giống như thái độ kiêu căng ngạo mạn của người Biệt phái. Nhiều người khác chỉ cầu nguyện khi gặp khó khăn, còn khi làm ăn thuận lợi tốt đẹp, họ nhanh chóng quên Chúa, bỏ việc tham dự thánh lễ, đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày. Nhiều các bạn trẻ đã bỏ thói quen đạo đức hằng ngày, bỏ cầu nguyện. Không cầu nguyện, sẽ biến tâm hồn mình thành hoang mạc khô cằn, là nơi cho gai góc tội lỗi và tật xấu phát triển, cùng với rắn rết là ma quỷ và dục vọng cư ngụ.
Thánh lễ là lời cầu nguyện chân thành và đẹp nhất của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa. Tham dự thánh lễ, chúng ta được mời gọi nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình, tin tưởng vào tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa. Qua thánh lễ được cử hành mỗi ngày nơi bàn thờ, hy lễ thập giá lại được dâng lên Thiên Chúa Cha, xin ơn tha thứ và thánh hoá con người. Do đó, tham dự thánh lễ mỗi ngày là dấu chỉ cho thấy sự khiêm nhường và thành tâm của mỗi người; là dấu chỉ thể hiện rằng chúng ta luôn cần đến Chúa.
Xin Chúa giúp chúng luôn ý thức trách nhiệm của mình là phải giới thiệu về Chúa cho mọi người. Xin cho chúng ta dù lúc vui hay buồn, thành công hay thất bại, luôn tin tưởng và khiêm nhường đến với Chúa như con cái đến với cha mẹ, để đón nhận được tình yêu và sự nâng đỡ, trợ giúp của Người. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*