Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TÌNH YÊU VÀ SỰ PHẢN BỘI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT LỄ LÁ 2023:
Nhà tư tưởng người Pháp Blaise Pascal nổi tiếng với câu danh ngôn: “Trái tim có lý lẽ riêng của nó mà lý trí không thể hiểu được”, đặt câu nói này trong chủ đề tình yêu chúng ta có thể thấy rằng: có những suy nghĩ, cử chỉ và hành động khi người ta yêu nhau, người ngoài cuộc không thể hiểu được mà chỉ những người trong cuộc mới có thể cảm nhận. Vẫn biết rằng tình yêu không phát xuất từ trái tim, nhưng từ bộ não. Tuy nhiên, không phải cách thế biểu hiện tình yêu nào cũng có thể hiểu được bằng lý trí. Người ngoài cuộc sẽ cảm thấy vô cùng khó hiểu trước hành động yêu thương của một người cha hằng ngày chăm sóc cho những đứa con tật nguyền của ông. Người ta cũng khó hình dung được tình thương của người mẹ đã hy sinh một phần thân thể để cứu sống con mình. Người ta con có thể thấy nhiều cuộc tình của các bạn trẻ hết sức cảm động vì sự hy sinh phi thường họ dành cho nhau.
Khi con người yêu nhau, họ sẵn sàng dành trọn vẹn cuộc đời cho nhau. Do đó, khi bị phản bội người ta sẽ cảm thấy đau đớn, mất mát vô cùng lớn. Hôm nay bước vào Tuần Thánh, chúng ta được chiêm ngắm, cảm nhận và khâm phục trước tình yêu của Đức Giêsu dành cho nhân loại. Đó là một tình yêu đến tận cùng, đến liều thân chịu đau khổ, chịu chết để cho nhân loại được sống. Tuy nhiên, cũng trong bầu khí của phụng vụ hôm nay, chúng ta cũng được thấy sự bội phản đến phũ phàng của con người đối với Thiên Chúa. Vậy mà Thiên Chúa vẫn đón nhận tất cả sự phản bội ấy chỉ vì Ngài không thể ngừng yêu con người.
Kẻ phản bội không phải là những người xa lạ mà là chính những người học trò, người bạn mà Chúa yêu thương và tin tưởng nhất. Lúc đầu lễ, bài Tin Mừng cho thấy Chúa tiến vào thành Giêrusalem trong tiếng hân hoan reo mừng và đầy hy vọng của các môn đệ và những người Do Thái: “Hoan hô con vua Đavít, chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến.” Các môn đệ reo mừng vì nghĩ rằng, ngày họ mong đợi đã đến, ngày Thầy của họ sẽ khởi nghĩa. Người Do Thái cũng nghĩ rằng họ sẽ có một vị vua mới, sẽ tái lập lại vương triều vua Đavít ngày xưa. Họ tin ông Giêsu bắt đầu ra tay gọi quân, tuyển tướng để thực thi sứ mạng khôi phục lại vương triều nhà Đavít.
Vì không thấy Chúa Giêsu đáp ứng những mong đợi của mình, những người Do Thái và cả các môn đệ đã quay lưng lại với Chúa, họ còn tìm cách để loại trừ Ngài.
Các môn đệ là những người cận kề với Chúa, được Chúa yêu thương cách đặc biệt, nhưng trong giờ phút quan trọng này, các ông dường như vẫn dửng dưng và vẫn muốn Chúa đi theo ý riêng của mình. Giuđa Ítcariốt đã không chờ đợi được lâu hơn nữa, ông muốn ép Chúa bước vào đường cùng. Ông đã chủ động liên lạc với các Thượng tế để thoả thuận việc trao nộp Chúa Giêsu cho họ và nhận trong thương vụ này ba mươi đồng bạc. Ông đã đi đến tận cùng của sự phản bội khi biến Thầy mình trở thành món hàng để trao đổi và dẫn đến cái chết cho Thầy. Trong khi đó, giữa bầu khí đầy ắp tình yêu thương và thánh thiêng của bữa Tiệc Vượt Qua, Chúa Giêsu dùng mọi cách để bày tỏ tình yêu thương của Ngài. Các hành động, cử chỉ của Chúa giống như hành động của người cha dành những giây phút cuối cùng cho con cái, của người yêu dành cho nhau. Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, trao trọn vẹn con người, sự sống và thân mình làm của ăn cho các môn đệ: “Các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy…; hãy cầm lấy mà uống, đây là máu Thầy.” Chúa Giêsu còn trao cho các ông cả quyền được “làm chủ” trên con người của Ngài khi tuyên bố: “Các Con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”
Với những hành động yêu thương và trao ban đến tận cùng như thế, các môn đệ dường như không quan tâm. Các môn đệ dường như vẫn không chấp nhận sự thật là Thầy các ông sẽ bị nộp, bị đổ máu vì các ông và nhân loại. Do đó, các ông lo ăn uống và vẫn tiếp tục nuôi hy vọng của mình, bàn nhau phân chia thứ bậc trong nhóm, ai làm lớn ai nhỏ. Lúc này, Chúa Giêsu dường như không quan tâm đến bản thân mình là Chúa là Thầy, mà điều Chúa quan tâm đó là giúp các môn đệ hiểu được điều Chúa dạy, Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trước sự ngỡ ngàng của các ông.
Trong vườn Cây Dầu, trước sự hung hãn của những quân dữ đến bắt Chúa, các môn đệ là những người bỏ trốn trước tiên, những người còn lại chỉ phản ứng yếu ớt theo kiểu người đời. Giuđa – kẻ chủ mưu trong vụ việc này đã thản nhiên dẫn người đến và chỉ điểm cho họ bắt Thầy. Anh còn tỏ ra như vô can khi anh bước đến hôn mặt Đức Giêsu. Chúa Giêsu đã biết rõ lòng anh, Ngài đã đặt cho anh một câu hỏi để đánh động lương tâm: “Giuđa, anh dùng cái hôn để nộp Con Người sao?” Anh cũng không phản tỉnh trước lời nhắc nhở này.
Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái là những thành phần chủ mưu. Họ để cho sự ghen tỵ thúc đẩy, khiến không còn nhận ra nơi Đức Giêsu là Đấng nhân danh Chúa mà đến nữa. Trái lại, sự ghen tỵ đã dẫn đến những hành động mưu mô, gian ác. Cuối cùng, họ mượn tay người Rôma để loại trừ Đức Giêsu. Các thượng tế, luật sĩ là những kẻ núp sau đám đông để xúi giục người Rôma hành hình Chúa, gây đau khổ cho Chúa. Mặc dù Philatô là người dân ngoại mà ông còn cảm thương trước một bị cáo Giêsu. Ông tìm cách tha cho Chúa Giêsu. Nhưng những thượng tế đã rắp tâm và đi dến tận cùng của cái ác, họ đã đòi giết Giêsu. Giống như con người ngày nay, khi mà người ta đã không còn yêu nhau, người ta có thể biến nhau thành kẻ thù. Khi người ta không được như mong đợi, họ sẵn sàng gây đau khổ cho nhau.
Đám đông dân chúng đã tráo trở thay lòng đổi dạ khi thấy Đức Giêsu không đáp ứng được mong đợi của họ. Người Do Thái đã sẵn sàng công khai tuyên bố phục tùng hoàng đế Rôma và giết Giêsu: “Chúng tôi không có vua nào khác ngoại trừ Cêsarê.” Họ đã trả thù Thiên Chúa không chỉ bằng cách nhận vua dân ngoại làm vua của mình, mà họ còn làm nhục Chúa Giêsu hơn nữa khi coi Ngài không bằng một tên trộm cướp tên là Baraba, họ đã xin Philatô tha cho hắn. Họ chọn kẻ cướp làm bạn, còn Giêsu người yêu thương, là ân nhân của họ thì bị biến thành tội đồ. Chúa Giêsu đã không trách đám đông, Ngài nhìn họ với cái nhìn cảm thông vì họ đã bị những người khác kích động. Ngài cũng không oán trách các luật sĩ, thượng tế, và cả những tên lính vì họ đã không thể vượt qua được sự kiêu ngạo để đón nhận một vị Thiên Chúa làm người, Đấng nhân danh Chúa mà đến.
Tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho nhân loại đi đến tận cùng bằng việc đón nhận thập giá và cái chết vô cùng đau đớn. Các thượng tế, luật sĩ và đám đông vẫn không buông tha Chúa Giêsu. Họ hả hê vì âm mưu gian ác của họ đã thành công, họ vui mừng vì đã loại trừ được một kẻ họ không thích. Đứng dưới chân cây thập giá, những người này không tiếc lời mỉa mai, nhục mạ Chúa Giêsu. Họ để cho Chúa phải trần trụi treo giữa đất trời, trở thành tấm bia cho người ta xỉ vả. Đức Giêsu không một lời than trách, Ngài cũng không bao giờ hối tiếc vì đã yêu con người. Trên cây thập giá, Chúa còn làm một cử chỉ yêu thương quảng đại khi đón nhận tên trộm lành và cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ mình với lời biện hộ: “Xin tha cho họ, vì họ lầm không biết.”
Trong bầu khí của ngày Lễ Lá hôm nay, chúng ta có thể thấy sự đan xem giữa hân hoan và đau khổ, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái thiện và cái ác, giữa yêu thương và phản bội trong vụ án của Chúa Giêsu. Đồng thời, chúng ta có thể thấy thấp thoáng bóng dáng, sự liên quan của mỗi người trong vụ án đưa đến cái chết cho Chúa Giêsu. Nhận ra như thế, không phải để chúng ta đổ lỗi cho nhau, nhưng là để mỗi người nhìn lại cách sống, cách cư xử của mình với Chúa, để hối hận mà điều chỉnh và cố gắng sống đáp lại tình yêu thương của Chúa. Qua cuộc thương khó này cũng là dịp để mỗi người nhìn lại tương quan của mình với những người mình yêu và với những người yêu mình, đó là vợ chồng, cha mẹ, con cái và cả những người chung quanh.
Xin cho mỗi người biết đón nhận sự khác biệt của nhau và biết dành cho nhau một tình yêu quảng đại, hy sinh như tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. Nhất là xin cho mỗi người nhận ra được tình yêu của Chúa dành cho riêng mình, cho gia đình, để chúng ta biết sống tâm tình biết ơn và đền đáp tình yêu ấy. Cùng xin cho mỗi người biết dành cho Chúa Giêsu những khoảng thời gian đặc biệt trong Tuần Thánh này để cùng sống, cùng bước theo Chúa trên con đường thập giá, con đường tình yêu mà Chúa đã dành riêng cho mỗi người chúng ta. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*