NHÌN VÀ THẤY ĐƯỢC
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
CHÚA NHẬT XXX TN B:
Thưa quý OBACE, sở dĩ chúng ta nhấn mạnh đến cụm từ nhìn và thấy được trong bài suy niệm hôm nay, bởi vì đây chính là lời cầu xin của anh mù thành Giêricô với Chúa Giêsu “Xin cho tôi nhìn thấy!”. Tại sao anh lại xin với Chúa Giêsu như thế? Chúng ta có thể thấy, trong cuộc sống, nhiều người mắt vẫn mở, vẫn nhìn, nhưng không thấy, hoặc không thấy một cách rõ ràng chính xác. Ví dụ: tất cả cộng đoàn cùng đang ngồi đây, đang nhìn, nhưng chưa chắc đã thấy hoặc đã thấy như nhau, trái lại có những người khiếm thị hoặc mắt kém lại nhìn thấy rất rõ. Điều đó chứng tỏ người mù thành Giêricô này không xin với Chúa cách bộc phát, nhưng anh cầu xin với cả tấm lòng, anh xin được nhìn và được thấy Chúa một cách tỏ tường. Chúa Giêsu đã đáp lời cầu xin của anh, cho mắt anh được mở ra và được nhìn thấy Chúa, đồng thời mở mắt tâm hồn để anh tin Chúa là Đấng Cứu Thế.
Thành phố Giêricô thời Chúa Giêsu bị coi là hang ổ của bọn trộm cướp, là nơi tụ tập của những kẻ xấu và tội lỗi, là chốn tối tăm như chúng ta đã từng nghe Chúa Giêsu kể dụ ngôn về một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị cướp của, đánh đập bỏ bên vệ đường. Ở trong một thành phố bị bao trùm bởi sự dữ và sự xấu như thế, còn có những người mù loà ngồi ăn xin bên vệ đường. Điều này cho thấy, trong mắt những người Do Thái, những kẻ ăn xin ở một chỗ tối tăm như thế, quả là những kẻ khốn khổ bần cùng ở tầng đáy của xã hội.
Câu chuyện thánh Marcô hôm nay muốn cho thấy, Chúa Giêsu chính là Ánh sáng, là Tình yêu và là Đấng chữa lành. Người đã cùng với các môn đệ đi vào thành Giêricô, đem đến ánh sáng đẩy lùi tối tăm nơi đây, đem đến tình yêu phủ lấp sự dửng dưng, vô cảm và đem sự chữa lành đến cho những nạn nhân của ích kỷ, bạo lực nơi thành phố này. Người sẽ là Đấng dùng quyền năng, tình yêu, sự chạnh thương để thắp sáng thành Giêricô và chữa lành cho nó. Khi đi ra khỏi thành, thì có một con người đáng thương, đó là anh mù Batimê con ông Timê, đã gặp được lòng thương xót và ánh sáng tình thương của Chúa. Anh Batimê tuy mù loà về thể lý, nhưng tâm hồn không hề mù loà. Qua việc nghe đám đông chung quanh nói về Đức Giêsu, thì mắt tâm hồn của anh đã nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, con vua Đavít, là Đấng mà các tổ phụ, các tiên tri loan báo. Vì vậy, anh kêu to cho Chúa Giêsu và mọi người nghe thấy: Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!
Lời kêu cầu này thể hiện đức tin vào Đức Giêsu là Thiên Chúa đã loé sáng nơi anh. Vì thế, anh không gọi: Ông Giêsu ơi! Nhưng anh dùng từ: Lạy Ông Giêsu với tất cả niềm xác tín, tôn kính và anh tuyên xưng Người là Con vua Đavít. Với lời này, người Do Thái nào nghe cũng hiểu: anh tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, con vua Đavít như các ngôn sứ đã loan báo. Đám đông đi theo Chúa Giêsu chắc chắn đều là những người sáng mắt thể lý, nhưng đức tin vẫn còn bị mù loà. Họ nhìn thấy Đức Giêsu và đi theo Người, nhưng có lẽ không tin Người và vì không đủ lòng tin, nên họ không dám tuyên xưng về Người như anh mù đã tuyên xưng. Do đó, khi nghe người mù này tuyên xưng như vậy, đám đông không chỉ ngăn cản mà còn quát nạt anh, bắt anh phải im đi.
Tin Mừng cho thấy, ngay khi người mù tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu, thì đã gặp sự ngăn cản, quát nạt đến từ phía đám đông, họ là những người không tin, là những người đi theo Chúa chỉ vì hiếu kỳ. Thế nhưng, anh mù Batimê không chịu khuất phục trước sự cản trở của đám đông, anh lại càng tuyên xưng to hơn, lời tuyên xưng của anh càng quyết liệt hơn: Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!
Chứng kiến được sự khao khát muốn gặp Chúa cùng với một đức tin chân thành của người mù, Chúa Giêsu đã dừng lại và nói: Gọi anh ta lại đây! Lúc này, đám đông dân chúng dường như đã có những người được thay đổi cái nhìn về Đức Giêsu qua lời tuyên xưng của anh mù. Nếu như trước đó họ đã ngăn cản và doạ nạt anh khi anh tuyên xưng, thì giờ đây, đám đông lại khích lệ anh: Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!
Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu cùng với sự khích lệ của mọi người, thánh Marcô ghi lại thái độ dứt khoát của anh: Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. Những chi tiết này cho thấy thái độ và sự biến chuyển của anh mù. Vứt áo choàng lại, có nghĩa là anh dứt khoát vứt bỏ quá khứ mù tối, tội lỗi của mình để cho tâm hồn và cả con người của anh được choàng một chiếc áo mới, đó là chiếc áo của đức tin, của con người mới. Không chỉ vứt lại chiếc áo, anh còn dứt khoát hoàn toàn với quá khứ xin ăn, mù loà bằng việc đứng phắt dậy, không tiếc nuối, không nấn ná mà đến gần Đức Giêsu. Mặc dù lúc này mắt thể xác của anh vẫn còn mù loà, nhưng mắt đức tin và tâm hồn thì đã được khai mở, được nhìn thấy cách rõ ràng và anh mạnh dạn bước đến gần Đức Giêsu mà không cần phải dò dẫm tìm đường như người mù nữa.
Chúa Giêsu nhìn thấy một đức tin đã được thắp sáng trong tâm hồn anh Batimê, nhưng Người vẫn muốn để anh tự do và công khai nói lên sự khao khát của mình. Chúa hỏi anh: Anh muốn tôi làm gì cho anh? Anh Batimê đã không chỉ xin Chúa chữa lành thể lý, nhưng anh xin một điều còn quan trọng hơn: Xin cho tôi nhìn và thấy được. Anh đã xin, để được nhìn, được thấy Chúa và quyền năng của Người đang thực hiện trên cuộc đời anh. Bằng một lời tuyên bố: Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh, Chúa Giêsu đã mở mắt thể xác và soi sáng con mắt tâm hồn để anh tin cách chắc chắn hơn nữa vào Đức Giêsu chính là con vua Đavít, là Đấng Cứu Thế. Cùng với việc ban tặng cho anh đức tin, Chúa Giêsu còn mời gọi anh: Anh hãy đi. Lời này vừa là lời mời gọi, vừa là mệnh lệnh sai anh ra đi trở thành chứng nhân của Chúa cho mọi người. Anh sẽ trở thành người rao truyền đức tin mà anh đã lãnh nhận, đồng thời anh là chứng nhân sống động của việc được nhìn, được thấy Chúa và được chữa lành. Một khi đã được đến với Chúa, gặp, nhìn và thấy Chúa, chúng ta sẽ phải trở thành người ra đi nói về Chúa cho anh chị em khác như vậy.
Thưa quý OBACE, anh mù Batimê không chỉ nhận lãnh mệnh lệnh: Anh hãy đi, Tin Mừng đã kết thúc câu chuyện: Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi. Với lời kết của câu chuyên trên, không có mâu thuẫn giữa mệnh lệnh của Chúa: anh hãy đi với việc đi theo Người trên con đường Người đi. Tin Mừng muốn nhấn mạnh cho chúng ta rằng: Tất cả mọi người khi đã được gặp Chúa, được Chúa mở mắt soi sáng, được nhìn và thấy Chúa, thì chúng ta đều phải trở thành những chứng nhân ra đi loan báo Tin Mừng và giới thiệu chính Đức Giêsu cho mọi người chung quanh. Đồng thời, chúng ta không bao giờ được quên: mình là những môn đệ của Chúa, làm theo ý Chúa và nhất là phải bước theo Người trên con đường Người đi. Chúng ta sẽ không tự mình đi một con đường nào khác ngoài con đường của Tin Mừng. Chúng ta sẽ phải đi theo con đường Chúa đi, tức là con đường của sự khiêm hạ, cúi mình xuống phục vụ như một người đầy tớ và sẵn sàng bước vào con đường thập giá để theo Chúa đến cùng. Chỉ khi theo Chúa đến dám hy sinh mạng sống, chúng ta mới có thể đón nhận được ánh sáng của sự phục sinh cùng với Chúa.
Chúa Giêsu đang nói với mỗi chúng ta như đã nói với những người chung quanh: Gọi anh ta đến gần đây. Chúa đang nhờ các cha mẹ như vậy: Hãy đem vợ, chồng, con cháu đến gần đây, để mỗi người nhờ việc đến gần Chúa, tiếp xúc với Chúa qua việc tham dự thánh lễ, rước lễ và nghe Lời Chúa, họ được nhìn và thấy Chúa, được củng cố đức tin và được Chúa mở mắt thể xác và tâm hồn khỏi sự mù tối. Nhiều người có đạo, nhưng thực ra đang sống trong cảnh mù tối vì không đọc, không nghe, không đón nhận Lời Chúa nên họ không biết gì về Chúa Giêsu hoặc biết về Người cách mờ mịt. Vì lý do đó, nhiều người đã không dám nói gì về Chúa, không dám tuyên xưng, không dám ra đi và không dám làm chứng về Chúa. Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn hiện diện và mời gọi chúng ta đến với Chúa mỗi ngày: Hãy đến với Ta. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cứ ngồi lỳ trong sự tăm tối tội lỗi hôi hám của mình, không dám vứt bỏ quá khứ, thói quen và sự lười biếng để chỗi dậy đến với Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người nhờ chuyên chăm đọc, nghe và thực hành Lời Chúa, chúng ta được củng cố đức tin và nhờ việc gặp Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta được nhìn và thấy sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời mình. Amen.
Nhận xét góp ý