Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

EM GÁI TÔI

(Mai Nguyên Vũ)

Thày bu tôi đẻ được 9 người con. Anh cả đẻ năm Tuất đặt tên là TUẤT. Chị cả đẻ năm Sửu, chơi luôn tên SỬU…Tôi đẻ tại trại lính Lê Lợi (Đà Nẵng) nên hưởng sái tên của vị anh hùng đánh quân Minh: Lê LỢI (lợi thì có lợi mà rẳng chẳng còn)…Tới em gái kế đẻ đúng mùng Một Tết, thày bu bàn nhau đặt tên VUI. (Ông bà hay bảo “Vui như Tết” mà lị). Nói dại, ngộ nhỡ mai mốt em chết, con cháu thành bất hiếu hết vì chúng sẽ khóc: “Ớ Vui ơi là Vui” (Ai lị mẹ chết mà hô vui, có phải là bất hiếu không cơ chứ?).
Em đẻ năm 1960, do tay bà mụ Khoa (bác dâu họ của thày tôi), đến đỡ đẻ tại nhà. Bà không biết chữ, quanh năm mặc áo thắt khoe (áo tứ thân) vải the, quấn ruột tượng quanh bụng. Ruột tượng là chiếc túi nhỏ bằng vải, dài chừng 1,5m. Có tiền bạc hay của gì quí cứ nhét vào ruột tượng rồi quấn quanh bụng là chắc ăn, không “ngáo” như các mẹ thời nay, có của gì quí cứ nhét vào bóp rồi khoe ra làm mồi nhử cướp. Gọi là ruột tượng vì là vải xấu, nhăn nhúm như ruột con voi. (Tượng là voi. Ngày xưa sính ngoại, cái gì cũng phải gọi theo từ Hán Việt nó mới sang).Hai đầu ruột tượng còn dư, thả thòng xuống đùi, đi lại cứ vắt va vắt vẻo như hai cái đuôi ngựa.
Bà Khoa vui tính, đi đâu cũng chuyện trò như sáo sậu. Vừa nhai trầu đỏ lòm vừa pha trò rôm rả. Riêng đối với con nít, đứa nào cũng sợ bà. Trẻ con Gia Kiệm ngày xưa, đứa nào cũng sợ mấy ông Kẹ như ông Tam Lợn Sề, ( người Thanh Sơn, chuyên đạp ba gác đi bắt lợn), ông Cường ba gác (người Phúc Nhạc, hay trêu trẻ con). Riêng đàn bà, chỉ có bà Khoa. Bà đi đến đâu thì chó sủa ầm ĩ. Con gái thấy bà đứa nào đứa nấy sợ xanh máu mặt, trốn trui trốn lủi vào xó nhà (nhưng hé mắt nhìn qua khe cửa). Con trai mạnh dạn hơn, ra ngõ đứng xem từ xa. Bà hay trêu chọc con nít chứ chả đánh đứa nào bao giờ. Thấy trẻ tập trung đông đông, bà hứng chí kêu: “He he…”. Lũ trẻ khoái trá đáp lại: “He he”. Cả xóm vang tiếng kêu e e như một đàn dê.
Sáng mùng Một Tết, bu tôi chuyển dạ. Thày tôi sai cô Nhịn chạy đi gọi bà Khoa. Chỉ một nhoáng là bà có mặt trong buồng. (Cấp cứu phải vậy chứ). Chả biết bà mày mò gì trong đó, một nhoáng sau có tiếng trẻ khóc oe oe như tiếng lợn con bị thọc tiết. Bà hô toáng lên cho cả nhà biết: “Con gái”. Hồi ấy không có siêu âm như bây giờ, cứ đẻ ra khỏi đít mới biết giai hay gái.Thế là tôi được làm anh. Trẻ con 4 tuổi thường không nhớ gì hết, nhưng tôi nhớ vì là biến cố trọng đại. Tôi không còn được mọi người thương yêu chăm sóc như trước nữa. Cả nhà dồn mọi chú ý vào em bé mới đẻ. Tôi buồn thui thủi, cứ rúc vào gầm chiếc hòm gỗ 4 chân để bắt nhện làm tổ dưới đít hòm. Chị Sửu, chị Hường biết tâm trạng tủi thân của tôi nên bế tôi lên giường, nào trêu ghẹo, nào thọc léc, nào kéo chân lôi tay cho tôi vui. Chẳng may thằng bé bị “sái tay” đau đớn, kêu gào quá sức. (Chắc là chỉ đau cơ thôi. Nhiều người không biết cứ bảo trật khớp. Trật khớp thì chết tươi). Bu tôi nằm võng bế em bé, nghĩ rằng tôi nhõng nhẽo, giả đò liền mắng yêu: “Chị nó mới đùa một tí mà rối cả lên”. Thằng bé đã đau càng đau thêm.

Thời đó có luật bất thành văn: con trai không được chơi với con gái, kể cả em gái. Thằng nào chơi với con gái sẽ bị bạn bè chọc ghẹo và tẩy chay như kẻ tội lỗi, vì ông bà có câu: “Nam nữ thọ thọ bất thân” mà. Năm ấy tôi học lớp Nhì (lớp Tư bây giờ). Vui học lớp Sáu (lớp1 bây giờ). Giờ ra chơi, hôm nào không có bạn, tôi hay đứng dựa cột một mình. Vui thấy anh trơ trọi quá thì thương, nó mua một cây cà-rem đưa cho anh. Tôi xấu hổ, đuổi nó đi như đuổi tà, không dám cầm cây cà-rem, dù trong bụng thèm lắm.

Em tôi có tài buôn bán. Nó học hết lớp 5, vừa biết làm 4 phép tính cộng trừ nhân chia là xin bu sắm cho chiếc xe thồ. Hằng ngày con bé đạp xe vào Cây Gáo, hơn chục cây số đường đất lầy lội, đèo theo can rượu và can nước mắm. Hai năm sau, nó chiếm lĩnh toàn bộ thị trường rượu và nước mắm vùng này. Lúc ấy xe thồ không chở xuể, con bé thuê xe Lam. Hằng ngày, từng chuyến xe Lam kìn kìn chở rượu và nước mắm vào Cây Gáo. Anh tài xế xe Lam phải lòng con bé, nhưng vì không có duyên nợ nên em tôi lên xe hoa với chàng Viển vào đúng năm đói 1978 (y như ông bà ngoại cưới nhau năm 1944, trước nạn đói Ất Dậu mấy tháng).

Rồi các cháu của tôi lần lượt ra đời. 1,2 rồi 3, tất cả đều là vịt giời. Chú Viển buồn phiền, mong đứng mong ngồi kiếm tí giai. Cô í lại cho ra đời em bé thứ tư… lại gái. Chú Viển đi đâu cũng bị bạn bè dè bỉu: “Phấn đấu kiếm thằng cầm bát hương chứ. Ai lại cứ sòn sòn một bề như thế hử cu Viển?”. Các cụ thâm thúy hơn, mỗi lần gặp chú í, lại trưng nhời các cụ đồ Nho ngày xửa ngày xưa: “Nhất nam viết hửu, thập nử viết vô” (Một giai củng kể là có, 10 gái củng bằng không). Năm sau, một cháu bé chào đời, rồi lại cháu nữa. Tất cả đều là… thị tẹt. Một đàn vịt giời 6 con. Cô Viển kể: “6 lần nằm trên bàn đẻ là 6 lần khóc. Nghe con chui ra khóc oe oe, đau lắm cũng cố ngoái xuống hỏi cô đỡ xem con gì. Cô lại gắt lên: “Con nào cũng là con”, là biết lại con gái, nhục ơi là nhục !…

Nhưng Trời thương, cả 6 cô gái đều giống mẹ, vừa đẹp người đẹp nết, có hiếu, lại buôn bán giỏi. Các cháu học nghề làm giò, chả. Hằng ngày chở cả tấn xuống Sài Gòn, bán đắt hơn tôm tươi. Giò chả Tường Vi vừa ngon vừa rẻ, đạt chuẩn an toàn thực phẩm. Hồi xưa đẻ đau lắm, nhưng nay mát…rười rượi. Mẹ Vui ngày ngày ngồi rung đùi, Vui ới là Vui…

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*