Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CÁC TÔNG ĐỒ LÀM CHỨNG VỀ CHÚA PHỤC SINH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH NĂM B: KINH THÁNH VÀ

Hơn hai ngàn năm qua, kể từ các tông đồ, đã có hàng hàng lớp lớp những con người dám liều thân chịu đau khổ, cực hình và chịu mất mạng sống chỉ vì rao truyền một niềm xác tín, đó là: Chúa đã sống lại thật. Chắc chắn rằng, nếu đây là lời tuyên xưng dối trá, thì những con người kia đã không dại gì mà chết cho sự dối trá; và nếu là một tin đồn dối trá, thì niềm tin này sẽ không thể tồn tại hơn hai ngàn năm qua và sẽ còn tồn tại mãi mãi.
Thưa quý OBACE, niềm tin vào Chúa đã sống lại từ cõi chết, vẫn là một thách thức với nhiều người. Vì trong thực tế, chưa ai từng thấy có người nào chết mà sống lại. Thế nhưng, từ hơn hai ngàn năm qua, Hội Thánh vẫn kiên trì rao giảng và làm chứng cho thế giới về niềm xác tín của mình: Chúa đã sống lại thật. Niềm tin Chúa sống lại không phải là niềm tin vu vơ theo cảm tính, nhưng là do các tông đồ đã tin, đã truyền lại, đã làm chứng về niềm tin này và đã dám chấp nhận cái chết cũng vì niềm tin này. Nhưng quan trọng hơn nữa, chúng ta đón nhận niềm tin phục sinh là bởi vì chính Kinh Thánh đã làm chứng rằng: Thiên Chúa đã cho Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô trỗi dậy từ cõi chết.
Các bài đọc Lời Chúa hôm nay cho thấy: chính lời chứng của các tông đồ và Kinh Thánh là nền tảng cho đức tin của chúng ta hôm nay.
Thánh Luca nhắc lại câu chuyện đã xảy ra cho hai môn đệ trên đường về Emmaus. Họ đã được nghe Chúa giải thích Kinh Thánh, giúp các ông hiểu về việc: Đấng Messiah phải từ cõi chết sống lại, lòng các ông như bừng tỉnh và cảm thấy phấn chấn. Chiều tối hôm đó, họ nài ép “Vị Khách” vào nhà dùng bữa, trong bữa ăn, họ nhận ra Vị Khách chính là Đức Giêsu khi Người bẻ bánh trao cho các ông. Hai môn đệ này tìm lại được niềm vui và hy vọng, họ vui mừng trở lại Giêrusalem ngay trong đêm đó mà không còn buồn chán nữa. Họ chưa kịp kể gì, thì các tông đồ đã làm chứng cho hai ông: Chúa đã sống lại rồi và Ngài đã hiện ra với Simon. Lúc này hai ông mới thuật lại việc đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh. Chi tiết này Tin Mừng cho thấy, chính Simon và các tông đồ đã nói cho hai môn đệ này về việc Chúa sống lại, đồng thời xác nhận kinh nghiệm đức tin mà hai môn đệ đã trải qua khi nhận ra Chúa Phục Sinh và kể lại cho các ngài.
Lúc các ông đang kể chuyện về Chúa, thì chính Đức Giêsu hiện ra đứng giữa các ông và bảo: Bình an cho anh em! Các ông kinh hồn bạt vía vì tưởng là thấy ma. Qua chi tiết này, Tin Mừng cho thấy, đức tin vào việc Chúa sống lại nơi các tông đồ lúc đó vẫn còn rất non nớt, dễ bị xiêu té. Vì vậy, khi Chúa hiện ra đứng ngay giữa các ông, các ông đã không tin, trái lại còn hoảng sợ. Để củng cố, nâng đỡ đức tin còn non yếu của các môn đệ, Chúa Phục Sinh đã phải làm nhiều cách để các ông tin. Chúa trách các ông: Sao lại hoảng hốt? Để giúp các ông tin, Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn của Ngài, cho các ông không chỉ nhìn thấy mà còn có thể đụng chạm đến Chúa Phục Sinh bằng xương bằng thịt. Tác giả Tin Mừng dường như muốn bào chữa cho các môn đệ nên đã giải thích thêm: Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và vì còn đang ngỡ ngàng. Chúa Giêsu Phục Sinh hết sức kiên nhẫn và cảm thông với sự yếu đuối, cứng lòng của các môn đệ, Chúa lại cho các ông một chứng cứ khác khi Ngài hỏi các ông: Ở đây các con có gì ăn không? Họ đưa cho Người một khúc cá, và Người ăn trước mặt các ông. Chắc chắn Chúa Giêsu Phục Sinh đã biến đổi hoàn toàn thân xác của Ngài. Mặc dù Chúa Giêsu hiện ra vẫn là thân xác thực, nhưng đã được biến đổi để không còn lệ thuộc vào các yếu tố vật chất như ăn uống, nơi chốn. Tuy nhiên, Người vẫn hỏi các ông: Ở đây có gì ăn không? Chúa đã ăn trước mặt các ông để các ông có thể xác tín chắc chắn Chúa Phục Sinh là con người bằng xương bằng thịt, không phải ảo ảnh cũng không phải bóng ma. Qua việc ăn trước mặt các ông, Chúa Giêsu cho thấy Ngài là Thầy của họ và là Người họ đã từng ăn cùng, ở cùng.
Tất cả những lần hiện ra của Chúa Phục Sinh, kể cả việc Ngài cho các ông xem tay chân của Ngài và Ngài ăn uống trước mặt các môn đệ là để giúp các ông tin. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn để có thể đón nhận Mầu nhiệm Phục sinh và xác tín một cách sâu xa, không chỉ dựa trên những lần hiện ra đó, nhưng quan trọng là cần phải đọc lại và suy gẫm Kinh Thánh, vì Kinh Thánh đã nói trước tất cả những gì liên quan đến Chúa Giêsu. Do đó, Chúa Giêsu đã nhắc lại điều này với các môn đệ: Khi còn ở với anh em, Thầy đã nói với anh em là tất cả những gì Sách Luật Môsê, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Chúa Giêsu đã trích một lời Kinh Thánh nói về Ngài rằng: Đấng Kitô phải chịu đau khổ, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Đồng thời, Chúa tin tưởng trao phó cho các ông sứ mạng: Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân. Chính anh em là chứng nhân về những điều này.
Trong bài đọc sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Phêrô đã đứng ra làm chứng cho mọi người về việc Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại. Ngài cũng cho thấy rằng, tất cả những đau khổ, cái chết thập giá và cuộc phục sinh của Chúa Giêu, đều nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mặc dù người Do Thái đã mượn tay Philatô để kết án tử cho Người, nhưng không vì thế mà họ được miễn trừ trách nhiệm về cái chết của Chúa. Họ vẫn phải hối lỗi vì việc làm gian ác này. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bao giờ thù oán con người, nhưng Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu trỗi dậy từ cõi chết, từ đó đem lại sự sống và ơn tha thứ cho nhân loại. Phêrô nói tất cả những điều này vì ông đã tin rằng: Thiên Chúa đã thực hiện điều Người dùng miệng các Ngôn sứ mà báo trước về việc: Đấng Kitô phải chịu khổ hình. Điều quan trọng lúc này không phải là đổ lỗi cho nhau, nhưng tất cả đều có trách nhiệm và đều phải sám hối để đón nhận ơn tha thứ của Chúa.
Thưa quý OBACE, chúng ta sống trong thời đại khoa học và công nghệ hôm nay, việc đón nhận và làm chứng về mầu nhiệm Chúa đã sống lại quả là cực kỳ khó. Vì con người đã quen với lý luận của khoa học, mà bỏ qua bước nhảy của đức tin. Tuy nhiên, người tín hữu vẫn xác tín và không ngừng tuyên xưng niềm tin của mình: Chúa đã sống lại thật. Chúng ta sẽ bị người đời thách thức, chất vấn, nếu đức tin của chúng ta chỉ là cảm tính mà thiếu cơ sở, thiếu xác tín.
Chúng ta là những thế hệ sau các tông đồ, chúng ta không được chứng kiến việc Chúa hiện ra, cũng không được đụng chạm đến tay chân của Chúa hoặc không được thấy Người ăn uống trước mặt, nhưng chúng ta có một nguồn đáng tin về Mầu nhiệm Phục Sinh đó là Kinh Thánh và lời tuyên xưng của Giáo Hội. Khi chúng ta khiêm tốn đón nhận lời tuyên xưng của Giáo Hội, chuyên cần đọc và suy niệm Kinh Thánh, đức tin của chúng ta sẽ được củng cố vững chắc. Trái lại, không đọc Kinh Thánh và không đón nhận lời chứng của Giáo Hội, chúng ta sẽ không thể trở thành chứng nhân Phục sinh được. Như vậy, vấn đề của chúng ta là gì? Lời Chúa hôm nay là lời nhắc quan trọng: Chúng ta cần phải đọc hiểu, suy gẫm Kinh Thánh; chúng ta cần đón nhận lời truyên xưng của Giáo Hội. Vì “Không biết Kinh Thánh là không biết chúa Kitô” (Jr); không biết Kinh Thánh thì không thể đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh; không đón nhận lời tuyên xưng của Giáo Hội thì cũng không thể đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh. Vì Giáo Hội là nhân chứng thế giá nhất, đáng tin nhất về Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Do đó, chúng ta sẽ phải chuyên chăm hơn để đọc, nghe và suy gẫm lời Kinh Thánh. Chúng ta sẽ đọc và nghe Kinh Thánh qua giờ kinh tối gia đình, qua các cuộc họp hội đoàn, hoặc đọc riêng tư mỗi ngày. Nhưng quan trọng hơn nữa là chúng ta nghe đọc Kinh Thánh trong các thánh lễ mỗi ngày và nghe Giáo Hội giải thích và làm chứng trong các thánh lễ. Vì thế, khi đến nhà thờ, hãy can đảm tắt điện thoại, ngừng nói chuyện riêng, vào nhà thờ, để cho lòng tĩnh lặng, chú tâm nghe công bố Lời Chúa và lời giảng của Giáo Hội. Mỗi người đã có nhiều giờ trong ngày cho điện thoại và các trang mạng, cũng đã có nhiều giờ ở nhà hoặc hẹn hò đi chơi với nhau. Vì thế khi đến với Chúa, với thánh lễ, hãy dành trọn cho Chúa, đừng để cho việc tham dự thánh lễ của mình chỉ là buổi đi hóng gió, hoặc như đem con đi công viên, hoặc như buổi hẹn hò trò chuyện. Thay vào đó, hãy đem đến với Chúa tâm tình tạ ơn về cuộc đời, về công việc, lo toan và về tất cả những điều Chúa đã và đang làm cho ta, để mỗi thánh lễ thực sự trở thành cơ hội Chúa hiện ra với ta, cho ta gặp, đụng chạm đến Người và ăn uống đồng bàn với Người.
Xin Chúa giúp ta chuyên chăm đọc, suy gẫm và nghe giảng Lời Chúa mỗi ngày, để đức tin thêm vững mạnh hơn. Amen

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*