Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Năm 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 4    
 12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

TÔN TẠO VÀ XÂY DỰNG ĐỀN THỜ TÂM HỒN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY B:

Những năm gần đây, tốc độ xây dựng ở Việt Nam diễn ra rất nhanh chóng, thay đổi hoàn toàn bộ mặt xã hội. Chỉ sau vài tháng hoặc một vài năm trở lại, những nơi quen thuộc trước đây có thể đã không nhận ra được những hình ảnh cũ nữa. Ví dụ: Có những người từ ngoài quê vào Nam làm ăn sinh sống, sau vài năm trở về, không thể nhận ra những con đường quen thuộc và cũng không thể nhận ra ngôi làng thân quen của mình. Thỉnh thoảng lên thành phố, ta cũng có thể thấy sự thay đổi nhanh chóng này, những khu đô thị mới, đô thị cao cấp, những ngôi nhà cao tầng mọc lên chen chúc nhau.
Để có được một diện mạo mới như thế, người ta phải chấp nhận quy hoạch, xây dựng, thay đổi cách sống: từ việc sống đơn lẻ rộng rãi, nay sống trong khu chung cư chật chội hơn; những công trình có giá trị văn hoá được bảo tồn hoặc tôn tạo lại cho phù hợp, những gì cũ kỹ lỗi thời phải chấp nhận huỷ bỏ để xây dựng những cái mới đẹp hơn. Nói chung, muốn có một cuộc sống mới đẹp hơn, tiện nghi hơn, văn minh hơn, tốt đẹp hơn thì phải chấp nhận rời bỏ cái cũ, cho dù đó là những cái rất thân thương gắn bó với mình để bắt tay xây dựng cái mới.
Tin Mừng hôm nay cho chúng thấy, Đức Giêsu là Đấng đến để tái thiết, xây dựng những con người mới, tinh thần mới, cách thờ phượng mới, phù hợp với vương quốc mới là Nước Trời.
Công cuộc xây dựng những con người mới của Đức Giêsu không phá huỷ hoặc loại bỏ, nhưng đặt trên nền tảng của Mười Điều Răn. Mười Điều Răn là bản luật cổ kính nhất không chỉ của dân Do Thái mà còn là bộ luật cổ nhất của nhân loại, có ảnh hưởng sâu đậm trên người Do Thái cũng như trên các dân tộc khác. Bộ luật này góp phần hình thành nên Do Thái Giáo và huấn luyện người Do Thái thành những con người đạo đức, thành đoàn dân thuộc về Thiên Chúa. Mười điều răn của Thiên Chúa trong Cựu Ước vẫn là bộ luật của chúng ta ngày nay và có ảnh hưởng trên thế giới hiện đại này. Bài đọc một hôm nay cho ta nghe lại bộ luật quan trọng này. Đối với sách Xuất Hành thì Mười Điều Răn này là bộ luật được “chính tay” Thiên Chúa viết ra trên bia đá và được trao cho ông Môsê trên núi Sinai.
Chúa Giêsu là người Do Thái, là Người Con luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa Cha mọi đàng, chắc chắn Ngài thi hành cách vuông tròn Thập Điều của Thiên Chúa. Nhưng những người Do Thái thời Chúa Giêsu lại đánh mất giá trị của bộ luật này. Họ không còn coi bộ luật này là do chính Thiên Chúa nói với họ, nhưng coi đây như là một gánh nặng áp đặt trên họ. Hơn nữa, các luật sĩ và biệt phái đã thêm vào bộ luật của Chúa những điều không phải là của Chúa, biến cho Thập Điều trở nên những luật cấm, nặng nề, ngăn cản tự do của họ. Chúa Giêsu đã thực hiện cuộc canh tân đổi mới, Ngài không huỷ bỏ Mười Điều Răn, nhưng xây dựng lại tinh thần và thái độ giữ luật của người Do Thái, giúp họ không còn nhìn Mười Điều Răn như là những điều cấm. Trái lại, kêu gọi họ đón nhận Mười Điều Răn này với thái độ của những người con đón nhận lời giáo huấn của Cha. Giúp họ tin rằng luật là những phương thế, là lời mời gọi vươn lên, giúp con người sống đúng với tư cách là con Thiên Chúa.
Tin Mừng Gioan cho ta thấy cuộc canh tân mà Chúa Giêsu thực hiện trước tiên là canh tân tâm tình và đời sống đạo, thể hiện qua việc tôn kính và thờ phượng Thiên Chúa. Đền thờ Giêrusalem được coi là trái tim của cả dân tộc, là trung tâm mọi sinh hoạt tôn giáo và là nhà của Thiên Chúa, nơi Thiên Chúa hiện diện giữa dân Người. Tuy nhiên, với thời gian, người Do Thái đã đánh mất ý nghĩa thánh thiêng của Đền thờ, biến các lễ nghi phụng tự thành những nghi thức vô hồn và biến Đền thờ thành nơi buôn bán, đổi tiền. Các dịp đại lễ của người Do Thái, các thầy thượng tế biến thành nơi phàm tục và thành cơ hội kinh doanh kiếm tiền. Vì thế, họ đã cho những người buôn bán bò lừa, chim câu và những người đổi tiền vào buôn bán ngay sân trong của Đền thờ. Chúng ta có thể hình dung một cái chợ đông đúc buôn bán động vật được nhóm họp ngay trong khuôn viên Đền thờ với những tiếng cãi vã, trao đổi mua bán, cùng với sự hôi hám bẩn thỉu do động vật xả ra. Chúa Giêsu bước vào Đền thờ và chứng kiến cảnh người ta làm ô uế nơi thánh thiêng, xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài đã “nổi nóng” với họ. Chúa Giêsu lấy dây làm roi mà xua đuổi, lật đổ bàn ghế của những người buôn bán đổi tiền và nói với họ: Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán. Chúa Giêsu muốn mọi người trả lại sự thánh thiêng cho nơi thánh và trả lại cho Thiên Chúa việc thờ phượng như Chúa muốn. Thiên Chúa muốn con người thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý, tức là thờ phượng Thiên Chúa với tâm hồn chân thật, với lòng thảo hiếu biết ơn, chứ không thể lợi dụng Thiên Chúa để trục lợi hoặc tìm kiếm các giá trị vật chất.
Tác giả Tin Mừng ghi lại: Các môn đệ chứng kiến việc làm của Chúa Giêsu thì nhớ lại lời Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân. Đúng như vậy, việc làm của Chúa Giêsu ảnh hưởng trước hết đến nguồn thu nhập của giới lãnh đạo và uy tín của họ. Vì thế, ngay lập tức họ chất vấn Đức Giêsu: Ông lấy quyền gì mà làm như thế? Chúa Giêsu trả lời: Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại. Các môn đệ hiểu rằng: Chúa Giêsu nói đền thờ là chính thân thể Người, còn người Do Thái thì hiểu là đền thờ Giêrusalem. Vì thế họ nói: Đền thờ này phải xây dựng mất bốn mươi sáu năm. Chợt nghe thì có cảm tưởng câu trả lời của Chúa Giêsu không trực tiếp đi vào câu hỏi của người Do Thái, họ hỏi: ông lấy quyền gì mà làm như thế? Quyền để thực hiện việc canh tân thanh tẩy lại Đền thờ, cũng như nền phụng tự Do Thái Giáo, là quyền năng đến từ Thiên Chúa mà chính Đức Giêsu là Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn nói đến một thời mới mà Giêrusalem sẽ kết thúc sứ mạng của nó. Ngài sẽ xây dựng một Đền thờ mới, một nền phụng tự mới là chính thân xác con người của Ngài và xa hơn nữa là thân thể mầu nhiệm của Ngài là Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập sau này.
Đền thờ mới là Giáo Hội sẽ phát xuất từ cạnh sườn của Chúa Giêsu và trong đền thờ mới này, mọi người sẽ thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa với lòng tôn kính thảo hiếu và yêu mến chứ không còn phải là những máu của chiên, dê, bò, cừu. Nơi đền thờ mới sẽ cử hành nền phụng tự mới với của lễ mới là chính thân xác, máu thịt của Đức Giêsu được dâng lên Thiên Chúa Cha mỗi ngày để đem ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại mãi đến ngày tận thế.
Thưa quý OBACE, mặc dù đã được sống trong đền thờ mới với một nền phụng tự mới, nhưng nhiều người vẫn đến với Chúa bằng con người cũ, thái độ cũ. Tức là đến với nhà thờ cho xong chuyện, cho khỏi vi phạm luật, mà không có lòng biết ơn yêu mến. Ngày nay người ta không đem chiên bò đến nhà thờ, nhưng nhiều người đã đem cái điện thoại đến nhà thờ, thay vì dành trọn vẹn một giờ thờ phượng Chúa, thì họ lo gọi điện thoại, lướt web, nhắn tin, xem hình, trong đó không chỉ hình ảnh chiên bò mà có khi còn có cả hình “heo, gà” nữa. Nhiều người đến với Chúa chỉ để mặc cả, trao đổi và nài xin nhưng không lắng nghe và không gặp gỡ, không đón nhận Chúa. Có nhiều người, nhiều bạn trẻ lên mạng tích cực hưởng ứng việc trả lại sự thánh thiêng cho phụng vụ, cho nhà Chúa. Điều này rất tốt. Tuy nhiên, thay vì khuyến khích những điều tích cực, thì họ sẵn sàng dùng những lời lẽ không đúng mực là người tín hữu, để phê bình chỉ trích người khác, biến môi miệng tâm trí, trang mạng của mình thành nhơ bẩn, cay cú. Hơn nữa, nhiều người cả tiếng bênh vực cho sự thánh thiêng của nhà Chúa, nhưng lại để đền thờ tâm hồn của mình đầy rác rưởi và những thứ bẩn thỉu, làm ô uế đền thờ tâm hồn đã được thánh hiến trong ngày rửa tội. Những thứ rác rưởi ấy là những hình ảnh xấu, là những hành động xấu, được giấu kín trong tâm hồn, những lời nói tục tằn bẩn thỉu, nhất là những tội đã lưu giữ trong tâm hồn quá lâu.
Xin chúa giúp chúng ta biết đến với Chúa mỗi ngày trong cầu nguyện, tham dự thánh lễ và rước lễ với tư cách là những người con trưởng thành, ý thức, trách nhiệm. Xin cho chúng ta cũng biết gìn giữ và thường xuyên tẩy rửa khỏi tâm hồn mình những thứ ô uế và trang trí cho đền thờ tâm hồn bằng những hoa thơm là những việc lành bác ái. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*