CHÚA BƯỚC ĐẾN ĐỒNG HÀNH VỚI CON NGƯỜI
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Thưa quý OBACE, chúng ta cùng với Giáo Hội bước vào Mùa Vọng. Có lẽ nhiều người thường chỉ nghĩ Mùa vọng là mùa khí hậu se lạnh dễ chịu, bắt đầu nghe nhạc giáng sinh, bắt đầu giăng đèn trang trí, mà quên đi ý nghĩa đầy đủ của Mùa vọng. Mùa Vọng – Giáo Hội chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón mừng ngày lễ Chúa đến trần gian lần thứ nhất, mang hình hài của một hài nhi bé nhỏ nơi hang đá Bêlem. Ý nghĩa thứ hai, Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn cho ngày Chúa đến lần thứ hai, đó là ngày cuối cùng của vũ trụ. Nhưng quan trọng hơn, đó là chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến với mỗi người vào giây phút cuối cùng của cuộc đời. Vì thế, các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên cho chúng ta những ý nghĩa đó.
Trong bài đọc một, tiên tri Isaia nói lên niềm khao khát và cũng là lời cầu xin Thiên Chúa đến với dân Ngài. Trải qua cuộc sống lưu đày, khổ sở về thể xác, nhục nhã trong tâm hồn, Israel đã nhận ra rằng, chính vì tội lỗi của cả dân tộc, từ thời nguyên tổ cho đến nay, họ đã trốn tránh Thiên Chúa, khiến cho Thiên Chúa ngoảnh mặt làm ngơ trước nỗi đau khổ của họ: “Lòng chúng con đã ra chai đá chẳng còn biết kính sợ Ngài.”
Ngay khi Ađam Eva phạm tội, họ đã không còn dám đối diện với Thiên Chúa, không còn trò chuyện với Thiên Chúa mỗi khi Thiên Chúa xuống đi dạo với con người. Kinh Thánh cho thấy Thiên Chúa đã đi tìm, đã gọi: “Ađam! ngươi đang ở đâu? Ađam thưa: Tôi nghe thấy tiếng Ngài, nhưng tôi sợ, tôi ẩn mình vì tôi trần truồng.” Kể từ đó, con người và dòng dõi của ông đã không ngừng trốn tránh Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa tra hỏi, con người đã không chút hối hận. Cuối cùng, Thiên Chúa đã phải đuổi con người và vợ ra khỏi Vườn địa đàng và Thiên Chúa sai thiên thần đóng cửa Vườn lại và canh giữ. Với chi tiết này, Kinh Thánh cho thấy con người đã phải đoạn tuyệt với Thiên Chúa, mối dây thân tình đã bị cắt đứt.
Nhớ lại quá khứ tội lỗi và hậu quả trầm trọng do con người gây ra như vậy, hôm nay, lời cầu xin của Isaia rất khẩn thiết. Ông muốn xin Chúa hãy gỡ bỏ hàng rào, mở lại cánh cổng đã bị đóng kín, xin Chúa hãy xé Trời mà ngự xuống để làm mới lại đoàn dân của Chúa. Israel ý thức rằng, chúng con đã ra ô uế, mọi việc lành của chúng con cũng chỉ như chiếc áo dơ. Họ cầu xin Thiên Chúa mau ban Đấng Cứu Độ, xin Ngài bước đến, như trước đây Ngài đã từng bước đến, để tha thứ, tẩy rửa và cứu độ chúng con. Tâm tình khiêm nhường và cầu xin tha thiết này của Isaia cũng là tâm tình hối hận ăn năn của dân Do Thái. Họ đã thấm thía về sự đau khổ, nhục nhã khi phải làm nô lệ. Họ nại đến lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa là Cha và hứa đặt trọn cuộc đời trong tay Chúa: “Chúng con là đất sét, còn Ngài là thợ gốm, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con.”
Thiên Chúa đã dủ lòng xót thương, đáp lại lời cầu xin của Israel và đã cho Con của Ngài là Đức Giêsu đến với họ, Ngài được sinh ra nơi hang đá Bêlem. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa đến để yêu thương, để nối lại mối dây hiệp thông, để tha thứ và dẫn đưa con người trở về với Chúa. Tuy nhiên, người Do Thái đã không dễ dàng chấp nhận Đức Giêsu, họ không chấp nhận một Thiên Chúa lại quá gẫn gũi, quá bình thường như thế, vì vậy họ đã ra tay giết Ngài.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói trước với các môn đệ về việc Ngài sẽ trở lại một lần nữa. Cuộc trở lại lần thứ hai này sẽ không còn âm thầm như lần thứ nhất, nhưng là lần trở lại để tính sổ với mỗi người và sẽ có sự thưởng phạt nghiêm minh. Để có thể trở thành những người được ban thưởng, Chúa đòi: “Anh em hãy tỉnh thức vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.” Chúa Giêsu đã đưa ra một ví dụ: Một người kia đi xa, để nhà lại và trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Câu chuyện này cho thấy ông chủ rất chu đáo và cẩn thận, ông trao quyền cho đầy tớ trông coi nhà cửa và gia sản của ông. Các đầy tớ chỉ là những người được ông ủy thác để trông coi gia sản. Vì thế, không biến tài sản của ông chủ thành của riêng mình. Ông chủ không giao việc cách chung chung, nhưng ông chỉ định cho mỗi người một công việc, tuỳ theo khả năng, để mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về phần việc ông đã ký thác, và dặn người giữ cửa phải canh thức. Như vậy, nếu đầy tớ làm tốt công việc của mình trong tinh thần trách nhiệm, chắc chắn ngày ông trở về sẽ trọng thưởng, trái lại nếu bê trễ sẽ bị trừng phạt.
Cho dù đầy tớ vừa phải trông coi tài sản, vừa phải chu toàn trách nhiệm riêng, nhưng ông chủ vẫn căn dặn các đầy tớ cách đặc biệt: “Vậy anh em phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. Phải canh thức kẻo lỡ ông chủ đến bất ngờ, bắt gặp anh em đang ngủ.” Đoạn Tin Mừng chúng ta nghe rất ngắn chỉ năm câu, nhưng cũng tới năm lần chúa Giêsu lặp lại từ: “phải tỉnh thức”. Như vậy, tỉnh thức là điều hết sức quan trọng được Chúa Giêsu nhấn mạnh, vì nó có ảnh hưởng đến cuộc sống đời đời của chúng ta. Chúa Giêsu đã giải thích thêm, anh em đừng để mình bị bất ngờ, vì Chúa là ông chủ sẽ trở lại bất cứ lúc nào, để đòi lại mạng sống của mỗi người, có thể là chập tối, là nửa đêm hay tảng sáng. Đó là những khoảng thời gian chúng ta dễ bị quên hoặc chìm vào giấc ngủ và ngủ say trong những đam mê, hưởng thụ, tội lỗi.
Thưa quý OBACE, thánh Phaolô trong bài đọc hai chỉ cho chúng ta sống tỉnh thức bằng việc: Hãy cũng cố đức tin của mỗi người vào Đức Giêsu; nhờ Đức Giêsu chúng ta phải làm cho cuộc sống của mình trở nên phong phú về mọi phương diện, để cho Lời Chúa và các mầu nhiệm của Đức Kitô ăn sâu vào trong tâm trí và sống sao để không ai có thể trách cứ anh em về điều gì trong ngày của Chúa chúng ta trở lại. Như thế theo thánh Phaolô, chúng ta không thể thức, chỉ để ngồi chờ trong thụ động, nhưng phải tích cực để làm tốt những công việc và trách nhiệm được trao, đồng thời không ngừng làm cho đời sống đức tin ngày thêm vững chắc và trổ sinh hoa quả thiêng liêng cho mình và cho mọi người.
Chúng ta phải tỉnh và thức, vì có những người thức nhưng không tỉnh, sống trong mơ màng, ảo tưởng hoặc say sưa. Chúa muốn ta tỉnh thức, tức là sẵn sàng để ra mở cửa đón Chúa khi Ngài trở lại. Thế nhưng, con người luôn để mình rơi vào tình trạng bất ngờ vào ngày Chúa trở lại, họ kiêng kỵ không dám nhắc tới sự chết và tìm cách để lảng tránh nó. Nhiều người để mình trong tình trạng mơ màng mê ngủ bởi sự lười biếng trễ nải, bằng rượu chè say sưa hay bài bạc cá độ. Có nhiều người ngủ quên trong công việc, trong địa vị, danh vọng khiến họ không còn giờ nào nhớ đến Chúa và nhớ đến trách nhiệm Chúa trao. Có nhiều người khác lao vào cuộc sống hưởng thụ, họ sống như thể sẽ không có ngày mình phải chết.
Nhiều người trẻ, thân xác tuy vẫn hoạt động, đi lại nhưng thực ra họ đang ngủ mê hoặc thậm chí đã chết lâm sàng trong sự ích kỷ của bản thân, sống dửng dưng, không biết quan tâm đến cha mẹ và những người chung quanh. Nhiều bạn trẻ vùi mình trong công nghệ, trong học hành, trong game và các hình thức nghiện ngập khác mà không lo đến việc củng cố đức tin, làm cho đời sống đức tin của mình triển nở phong phú, họ cũng không quan tâm đến bổn phận thờ phượng Chúa và bỏ qua Tin Mừng của Ngài.
Xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhờ lời nhắc nhở của Chúa, biết chuẩn bị tâm hồn thật tốt để đón mừng Chúa đến trong đại lễ Giáng sinh bằng việc xưng tội rước lễ, nhưng quan trơng hơn là làm cho cuộc sống của mình trở nên nhẹ nhàng thanh thoát trước mặt Chúa, chu toàn bổn phận với Chúa; để bất cứ khi nào Chúa đến, chúng ta cũng tỉnh thức, sẵn sàng mở của cuộc đời cho Chúa. Amen.
Nhận xét góp ý