Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Mười 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 9    
 123456
78910111213
14151617181920
21222324252627
28293031  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

YÊU KẺ THÙ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

CHÚA NHẬT VII TN A:
Cách đây ít lâu, trong một phiên toà diễn ra tại Mỹ, xét xử một bị cáo về tội giết người hàng loạt, nạn nhân đa số là các thiếu nữ. Tham dự phiên toà có sự hiện diện của gia đình các nạn nhân. Trước những cáo buộc của công tố viên, bị cáo này lạnh lùng nhận tất cả mọi tội mà không biểu lộ một chút hối hận hoặc cảm xúc nào. Trước thái độ đó, nhiều người thân của các nạn nhân không tiếc lời nguyền rủa anh, anh vẫn im lặng và giữ bộ mặt không cảm xúc. Sau cùng, một người cha của một nạn nhân 17 tuổi đã đứng lên nói với anh: “Suốt thời gian qua, kể từ khi con gái tôi bị anh giết chết, quả là một thời gian kinh khủng với gia đình tôi. Anh biết, chúng tôi đã đau khổ thế nào khi mất đi đứa con gái của mình. Nhưng nay, vì Chúa, chúng tôi tha thứ cho anh.” Khi nghe câu nói này bị cáo đã gục đầu xuống và khóc.
Thưa quý OBACE, là môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được Chúa đòi hỏi: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình.” Dù là một đòi hỏi khó, nhưng chúng ta vẫn có thể thực hiện được với sự trợ giúp của Chúa. Vì, chỉ có tha thứ mới có thể chữa lành tâm hồn mình và làm mềm lòng kẻ thù, chỉ có tha thứ mới đem đến bình an.
Đòi hỏi yêu thương trong sách Lêvi mới chỉ dừng lại ở việc “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình.” Người đồng loại mà sách Cựu Ước nói tới, được người Do Thái giải thích cách hạn hẹp coi đó là những người đồng hương Do Thái mà thôi. Vì thế, những người không phải gốc Do Thái thì đều bị coi là dân ngoại, là những kẻ ô uế, không có bổn phận phải yêu thương. Luật “yêu thương đồng loại như chính mình” trong sách Lêvi, được đặt trên nền tảng là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là Đấng thánh, nên dân Chúa cũng phải sống thánh. Do đó, luật Lêvi ghi rõ: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Vì, Ta là Đức Chúa.”
Vào thời điểm của Cựu Ước, việc đòi hỏi phải yêu thương đồng loại đã là một đòi hỏi rất cao. Hơn nữa, lý do của đòi hỏi này lại hết sức thánh thiêng đó là dân Do Thái đã được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hoá và thuộc về Thiên Chúa, nên họ phải sống khác với các dân khác, phải yêu thương nhiều hơn là thù oán. Vì thế, luật Lêvi đã quy định chi tiết: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Vì, Ta là Đức Chúa.”
Bước qua thời Tân Ước, Đức Giêsu đã đưa giới răn yêu thương này đến một đỉnh cao hơn nữa, khi đòi hỏi người môn đệ phải yêu thương và tha thứ cho cả kẻ thù, cầu nguyện cho người ghét bỏ mình. Tất cả những đòi hỏi của Tin Mừng được đặt trên nền tảng của lời mời gọi: “Các con hãy nên hoàn thiện, như Cha các con trên Trời là Đấng hoàn thiện.” Điều này có nghĩa là khi người môn đệ dám thực hành luật yêu thương này họ sẽ trở nên giống Thiên Chúa và là những người phản ánh trung thực hình ảnh của Thiên Chúa là Cha yêu thương, sẵn sàng tha thứ khi con người ngỗ nghịch.
Đức Giêsu đã so sánh giữa giới hạn của luật Cựu Ước và sự vượt trội của luật Tin Mừng: Anh em nghe luật xưa dạy mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy bảo anh em: Đừng chống cự lại người ác, ai vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái, ai muốn con đi với nó một dặm, hãy đi với nó hai dặm, ai muốn vay mượn thì đừng từ chối. Thoạt nghe lời dạy này, có người cho rằng thái độ như Chúa dạy có vẻ như yêu thế, hèn nhát. Nhưng suy gẫm cho cùng, để thực hiện được đòi hỏi này, cần phải có một sức mạnh của ý chí và quyết tâm. Vì thông thường người ta lấy bạo lực đế đáp lại bạo lực, ăn miếng trả miếng. Nhưng người môn đệ của Tin Mừng, nhờ sức mạnh của Chúa sẽ dùng tình yêu, sự tha thứ để đối lại bạo lực. Hơn nữa còn phải biến kẻ thù thành người thân, thành kẻ yêu mến mình: “Ai vả má bên phải thì đưa cả má bên trái.” Đối với người Do Thái vả má bên phải là một sự làm nhục ghê gớm. Trái lại, khi chạm vào má bên trái lại là dấu chỉ của yêu thương. Chúa cũng đòi người môn đệ phải quảng đại gấp đôi, ngay với những kẻ thù oán mình: “Nó muốn con đi một dặm, hãy đi với nó hai dặm.”
Chúa Giêsu còn nâng cao giới răn yêu thương khi tuyên bố: Anh em đã nghe luật xưa: Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù. Còn Thầy dạy anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em. Điều này có nghĩa là các môn đệ của Chúa không thể coi ai là kẻ thù và cũng không đặt mình trong sự thù oán với người khác. Cho dù có những người để tâm thù ghét mình, gây tổn thương, tổn hại cho mình, thì cũng vẫn phải yêu họ và cầu nguyện cho họ. Để có thể yêu thương được kẻ thù, thì việc đầu tiên là phải biết tha thứ. Tha thứ không chỉ là tạm quên, là bỏ qua một bên những gì người khác gây tổn thương hay xúc phạm, nhưng là phải xoá sạch, quên hẳn những điều tồi tệ họ đã gây ra cho mình. Kế đến là phải nối lại, làm mới lại mối tương quan của mình với người ấy và còn làm những điều tốt đẹp cho họ và nhất là cầu nguyện cho kẻ ấy. Như thế mới thật sự là tha thứ.
Lý do của tất cả những đòi hỏi của luật yêu thương này là: “Như vậy anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên Trời.” Trở nên con cái của Thiên Chúa, là người nhà trong gia đình của Chúa, thì chúng ta không thể để lòng thù ghét anh em mình được. Vì họ cũng là con cái Chúa, họ cũng được Chúa yêu thương, cho dù họ đang sống trong tình trạng tốt hay xấu. Và vì trong nhà của Thiên Chúa, không có chỗ cho sự thù oán. Đức Giêsu đã lấy Thiên Chúa làm gương mẫu cho chúng ta noi theo: Chúa đã cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Thiên Chúa không phân biệt đối xử, cũng không giới hạn tình yêu của Ngài, cho dù con người có sống thuận thảo hay ngỗ nghịch phản bội Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE, Đạo Chúa là đạo yêu thương, giới luật của Chúa đòi chúng ta phải quảng đại, yêu thương, tha thứ cho kẻ thù ghét mình và còn đón nhận họ trở nên anh em ruột thịt của mình. Chính Đức Giêsu đã nêu gương tha thứ. Ngài không bao giờ oán trách kẻ có tội, nhưng nhân từ quảng đại, luôn tạo cơ hội, mời gọi họ quay trở lại với Thiên Chúa để được tha thứ. Trên cây thập giá, Chúa đã để lại một mẫu gương sống động và cảm động, khi Ngài xin với Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm khổ mình và còn biện minh cho những kẻ thù oán: “Vì họ lầm không biết.” Để có thể thực hành được đòi hỏi của luật yêu thương này, chúng ta phải cố gắng mỗi ngày, cùng với ơn Chúa tập sống quảng đại, yêu thương và tha thứ.
Chúng ta cần tập sống quảng đại và tha thứ từ trong gia đình. Vợ – chồng là người mà ta hết mực yêu thương, công khai tuyên bố đón nhận nhau khi thịnh vượng hay khi gian nan; là người ta thề hứa chung thuỷ gắn bó yêu thương trọn đời. Do đó, ta không thể biến vợ hoặc chồng, con cái mình thành kẻ xa lạ hoặc thành như kẻ thù. Chúng ta không thể yêu thương người chung quanh khi chúng ta không yêu thương, tha thứ, cảm thông được với vợ, chồng, con cái mình. Vì vậy, cần tập để sống yêu thương từ trong gia đình, tập để tha thứ cho vợ, chồng, con cái khi người kia gây ra sự tổn thương; tập để sống quảng đại trong gia đình ngay cả khi bị phản bội.
Kế đến, chúng ta tập sống đòi hỏi yêu thương, tha thứ cho những người chung quanh, láng giềng, những người trong công ty, xí nghiệp. Không phải tất cả mọi người chung quanh đều dễ thương, cũng không phải mọi người đều thương mến mình. Cuộc sống chung luôn có sự khác biệt, xích mích trong suy nghĩ, trong cách sống và làm việc. Chúng ta cần tập để đón nhận nhau cùng với những sự khác biệt ấy và quảng đại tha thứ mỗi khi có xích mích, bất hoà.
Nhờ việc siêng năng lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, tham dự thánh lễ và nghe Lời Chúa, xin Chúa cho chúng ta có một trái tim rộng mở, nhân từ, quảng đại và dễ tha thứ như trái tim của Chúa; luôn ý thức và tự hào mình là con cái Thiên Chúa. Amen.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*