Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHUYỆN THÁNG MƯỜI HAI

TRẦM THIÊN THU

 Tình Giáng Sinh – https://youtu.be/EzuqVwKEY8k

Chúa Con Giáng Sinh Ban Ơn Cứu Độ
Nhân Loại Mừng Rỡ Nhận Phúc Bình An

Đêm Con Thiên Chúa Giáng Sinh mệnh danh là Đêm An Bình, Đêm An Lành, Đêm Linh Thiêng, Đêm Ánh Sáng, Đêm Mầu Nhiệm. Người ta hân hoan chúc nhau: Giáng Sinh An Lành – Merry Christmas – Noël Joyeux. Bởi vì chúng ta đang có Đấng Emmanuel – Immanuel – Imanu’el (עִמָּנוּאֵל) – Thiên Chúa ở cùng chúng-ta. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao vô song của nhân loại.

Như chúng ta đã biết, ngày Chúa Giêsu Giáng Sinh được người ta gọi theo Anh ngữ là CHRISTMAS – chữ Christmas tạo nên bởi chữ CHRIST (Đức Kitô) và tiếp vĩ ngữ MAS (lễ). Do đó, Christmas nghĩa là Lễ Giáng Sinh – mặc nhiên hiểu là Chúa Giêsu Giáng Sinh. Tương tự, chúng ta cũng có Candlemas – Lễ Nến (Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, sau Lễ Giáng Sinh 40 ngày).

Thật kỳ lạ, người ta sử dụng thời điểm Chúa Giêsu Giáng Sinh làm “mốc” để tạo dương lịch, gọi là công lịch – lịch chung của mọi người. Tại sao người ta không lấy ngày sinh của Muhammad, Thích Ca Mâu Ni,… hoặc một nhân vật nào đó làm “mốc” để tạo công lịch? Và rồi cả thế giới đều đồng ý sử dụng ngày Chúa Giáng Sinh làm công lịch vì thấy chuẩn lý. Vì thế, người ta gọi Năm Dương Lịch là “Year of our Lord,” nghĩa là “Năm của Chúa.” Một sự thật minh nhiên tồn tại mà ai cũng đồng ý sử dụng, kể cả những người hiên ngang vỗ ngực xưng danh là “vô thần.” Người ta có dùng lịch này hay lịch nọ, nhưng chỉ được dùng trong lĩnh vực riêng của họ, chứ thế giới không công nhận.

Từ cổ chí kim, trên thế giới này có vị lãnh đạo nào hoặc vị lập đạo nào được cả thế giới đón nhận minh nhiên như vậy? Chắc chắn là KHÔNG. Kitô hữu chúng ta tạ ơn Chúa và hãnh diện đã nhận ra Chúa Giêsu là Ánh Sáng của Thiên Chúa và Ánh Sáng soi chiếu thế gian. Có lẽ vì thế mà Kitô giáo luôn bị bách hại, giống như Chúa Giêsu đặt vấn đề với người thợ làm vườn nho: “Hay vì thấy tôi TỐT BỤNG mà bạn đâm ra GHEN TỨC?” (Mt 20:15)

Giáng Sinh đến thì năm mới kề cận. Cuộc sống luôn cần bình an. Nhưng sự bình an đích thực chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, và câu đầu tiên của Ngài là một lời chúc: “Bình an cho anh em.” (Ga 20:19; Ga 20:21; Ga 20:26) Điều đó chứng thực rằng sự bình an rất quan trọng. Ở đâu có hòa bình (bình an tâm hồn và xã hội) là có hạnh phúc, ở đâu có chiến tranh là có đau khổ và bất hạnh. Hòa bình cũng liên quan sự tự do. Không có tự do thì không có bình an đích thực.

Lev Nikolayevich Tolstoy (1828-1910, Nga) có tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” – War and Peace. Ông là tiểu thuyết gia, triết gia, nhà cải cách giáo dục, nhà tư tưởng đạo đức, người ăn chay, người ủng hộ hòa bình, người theo chủ nghĩa vô chính phủ, là tín đồ Cơ Đốc giáo và là người uy tín của dòng họ Tolstoy. Chủ trương bất bạo động của ông đối với các điều xấu đã ảnh hưởng tới Mahatma Gandhi – vị thánh của dân tộc Ấn Độ. Tác phẩm “Chiến Tranh và Hòa Bình” là tiểu thuyết lịch sử phản ánh một giai đoạn bi tráng của xã hội Nga, từ giới quý tộc đến nông dân, trong thời đại đế Napoléon. Tác phẩm này được nhà xuất bản Russki Vestnik ấn hành lần đầu trong những năm 1865-1869, và đã được đạo diễn King Vidor dựng phim năm 1956. Tác phẩm này được đánh giá là một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học thế giới.

Khi nói tới Nga, chúng ta nhớ tới cuộc chiến tranh Nga với Ukraine, kẻ châm ngòi là Putin. Thật buồn vì Putin là tín đồ Chính Thống giáo, tin nhận Chúa Giêsu, vậy mà có máu Hêrôđê hiếu chiến và gian xảo. Khi đề cập chiến tranh, người ta thường nghĩ ngay tới bạo động, bạo lực, gươm giáo, bom đạn, súng ống,… Tuy nhiên, chiến tranh không chỉ là chém giết nhau hoặc máu lửa, mà còn các loại chiến tranh khác: Chiến tranh tâm lý, chiến tranh văn hóa, chiến tranh tư tưởng, chiến tranh chính trị, chiến tranh giai cấp, chiến tranh đảng phái, chiến tranh đói nghèo, chiến tranh giới tính, chiến tranh hôn nhân, chiến tranh gia đình, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh tâm linh, chiến tranh nội tâm,…

Chiến tranh có thể xảy ra giữa nước này với nước khác, giữa vùng này với miền khác, giữa nhóm này với nhóm khác, giữa bộ tộc này với bộ tộc khác, giữa người này với người khác, thậm chí là nội chiến và chiến tranh trong chính con người của mình. Chiến tranh nội tâm là sự giằng co giữa thiện và ác, điều mà Thánh Phaolô đã từng đề cập: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7:15) Chiến tranh nội tâm rất khủng khiếp, như tục ngữ Việt Nam nói: “Lo bạc râu, sầu bạc tóc.” Đau khổ khiến người ta tiêu điều, tiều tụy và suy sụp rất mau. Mà đau khổ là hệ lụy của chiến tranh, vì chiến tranh khiến người ta đau khổ nhiều lĩnh vực – cả thể lý và tinh thần.

Vì không hòa hợp mà xảy ra xung khắc, dẫn đến xung đột, chỉ vì “cái tôi” của ai cũng quá to, không ai nhường ai nên chiến tranh xảy ra. Chiến tranh và hòa bình là hai thái cực đối lập. Vì miếng ăn và tư lợi mà người ta tranh giành nhau. Có chiến tranh nên cần hòa bình, có chiến tranh mới biết quý trọng hòa bình – cũng như có đau khổ mới biết quý trọng hạnh phúc. Bình an là điều cần thiết, ai cũng khao khát, vậy mà người ta vẫn gây hấn và hiếu chiến. Chung quy cũng chỉ vì ích kỷ, vì “cái Tôi” quá lớn khiến người ta hóa Tối, cư xử Tồi, rồi phạm Tội. Dù ở bất cứ dạng nào, chiến tranh xảy ra chỉ vì thiếu tình thương, bởi dã tâm của con người mà thôi.

Hòa bình là viên ngọc quý giá. Còn chiến tranh vô cùng khủng khiếp, nó tàn phá mọi thứ, từ vật chất đến tinh thần. Nếu là người Việt Nam từ 60 tuổi trở lên thì có thể “trực tiếp” biết sự tàn khốc của chiến tranh như thế nào, sự tàn phá cứ âm ỉ và dai dẳng, ảnh hưởng cả tâm lý. Cái chết của người thân bị giết gây ảnh hưởng nặng nề tới ông bà, cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, xóm giềng,… Lệ sầu rơi xuống làm cay mắt và mặn môi, nhưng rồi sẽ khô đi và nguôi ngoai theo thời gian, quan trọng hơn là nó làm “ướt” nhiều thứ khác và hầu như không bao giờ “khô” được. Vết thương thể lý sẽ khỏi, chẳng chóng thì chày, nhưng vết thương tâm lý rất khó lành – đôi khi có thể gây di chứng và trở thành mãn tính. Đau khổ khôn lường!

Nữ tiểu thuyết gia về tội phạm và kịch tác gia Agatha Christie (1890-1976, Anh) nhận định: “Bây giờ người ta kinh hãi nhận ra rằng chiến tranh chẳng giải quyết cái gì cả, thắng một cuộc chiến cũng thảm khốc như thua cuộc.” Người Việt cũng có kinh nghiệm: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ.” Đôi khi người hả hê thắng cuộc lại chính là người thê thảm thua cuộc, người bị coi là thua cuộc lại chính là người thắng cuộc. Chuyện đời lạ thật!

Chứng cớ lịch sử tỏ tường: Chúa Giêsu bị người ta giết chết thê thảm trên Thập Giá, người đời cho là Ngài thua cuộc, nhưng không ngờ Ngại lại dùng chính Thập Giá làm đòn bẩy để chiến thắng hiển hách bằng cách phục sinh vinh quang. Đau khổ không là bất hạnh mà lại là hạnh phúc: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Chắc chắn sau đó là phần thưởng ngọt ngào khôn tả!

Bất bạo động, ôn hòa, hiền lành và khiêm nhường, đó là những thứ tạo nên hòa bình. Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:29-30) Ông John Abbott (1821-1893), thủ tướng thứ ba của Canada, nói: “Chiến tranh là khoa học của sự hủy diệt.” Một định nghĩa thú vị.

Tác giả và diễn giả Deepak Chopra, người Mỹ, cho biết: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là biến đổi ý thức của mình để bạo lực không còn là cách lựa chọn trong cuộc sống cá nhân, để hiểu rằng một thế giới hòa bình chỉ có thể có được nếu chúng ta coi nhau như những con người hòa bình, từng cá nhân một.” Thi sĩ Ralph Waldo Emerson (1803-1882, Mỹ) xác định: “Chiến thắng đích thực và bền lâu là chiến thắng của hòa bình, chứ không phải là chiến thắng của chiến tranh.”

Quả thật, không có chiến thắng nào vinh quang bằng chiến thắng của Hòa bình và Công lý, bởi vì đó mới chính là Sự Thật hoàn toàn. Người chiến thắng vẻ vang là chiến thắng của những người biết kiến tạo hòa bình vì danh Chúa: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5:9) Còn nhiều nơi trên thế giới còn đủ dạng chiến tranh, cả nghĩa đen và nghĩa bóng, đặc biệt là các Kitô hữu đang bị bách hại bởi những kẻ dã tâm ngông cuồng thuộc ISIS (Islamic State of Iraq and Syria, Nhà nước Hồi giáo).

Kính mừng Con Chúa Giáng Sinh và đón chào năm mới, nhưng nhiều nơi còn rắc rối, chưa thực sự bình an. Chúng ta thấy có những quốc gia đang hưởng hòa bình về phương diện xã hội, hòa bình theo nghĩa “không có chiến tranh bằng vũ khí,” nhưng thực sự họ chưa có hòa bình đích thực – cả tinh thần và thể lý.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin bình an cho chúng con, giải thoát chúng con khỏi mọi thứ chiến tranh, giúp chúng con kiến tạo hòa bình theo đúng ý Ngài. Xin ban hòa bình cho những nơi bị tàn phá bởi chiến tranh và bạo lực, còn bị áp bức và bách hại bằng cách nào đó. Xin giúp chúng con luôn hiệp nhất và hiệp hành để kiến tạo hòa bình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Kính Mừng Chúa Giáng Sinh – 2022

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*