Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CÁNH CỬA ĐỨC TIN VẪN LUÔN RỘNG MỞ

Bùi Duy Phát (ĐCV. Thánh Giuse Xuân Lộc)

(Viết về năm Đức Tin)
Trong thánh lễ khởi đầu sứ vụ tông tòa, ngày 24 tháng 4 năm 2005, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói: “Toàn thể Hội Thánh, các mục tử trong lòng Hội Thánh, phải giống như Chúa Kitô là lên đường để dẫn đưa con người ra khỏi sa mạc mà đi về miền sự sống, về tình nghĩa thiết với con Thiên Chúa, về Đấng ban sự sống, sự sống sung mãn”.
   Tiếp tục năng động trong sứ vụ, ngày 17 tháng 10 năm 2011, Đức Thánh Cha đã cho công bố tông thư “Porta Fidei” (Cửa Đức Tin) khai mở trên toàn cầu năm đức tin, khởi sự từ ngày 11.10.2011 đến lễ Chúa Kitô Vua  ngày 24.11.2013. Sáng kiến này nằm trong ý thức sâu đậm về sự cấp thiết của việc “Tân Phúc Âm hóa” trong thời đại hôm nay. Nhất là khi niềm tin chính thống đang đối diện với một xã hội vô thần, tục hóa và giải thiêng. Nhiều nơi ở Châu Âu, các giá trị đạo đức và luân lý không còn được đặt trên nền tảng của hệ quy chiếu Kitô. Chính vì vậy, lời mời gọi hãy tái khám phá mầu nhiệm đức tin của Đức Thánh Cha đã được cụ thể hóa không chỉ bằng tông thư mà còn bằng hồng ân của việc sống và hành động trong cả một hành trình của năm đức tin. Điều này thúc bách mọi thành phần dân Chúa “Suy tư về đức tin và củng cố lòng gắn bó với Tin Mừng” vì cánh cửa đức tin vẫn luôn rộng mở với mọi người.
Mở đầu tông thư, Đức Thánh Cha viết: “ ‘Cánh cửa đức tin’ (x.Cv 14,27) dẫn vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào Giáo Hội vẫn luôn mở rộng cho chúng ta. Chúng ta có thể bước qua ngưỡng cửa đó khi Lời Chúa được loan báo và để cho tâm hồn được ân thánh biến đổi[1].
 
Lời xác quyết này của vị chủ chăn đứng đầu Giáo Hội đã mời gọi tất cả mọi người tiến vào để khám phá tòa nhà đức tin. Cánh cửa đức tin đã mở rộng và đón nhận tất cả những ai thành tâm thiện chí muốn tìm kiếm chân lý và sự thật. Như thế, cửa đức tin luôn rộng mở không chỉ đối với những người đã đón nhận đức tin qua bí tích Rửa tội, mà còn mở rộng đối với những người đang theo sự mách bảo ngay lành của lương tâm để tìm đến với nguồn chân lý thiện hảo. Họ là những người đang đứng trước ngưỡng cửa đức tin và cần sự soi dẫn của ánh sáng Thánh Linh để họ can đảm vượt qua mọi ngăn trở mà đến cùng Thiên Chúa – Đấng ngày đêm đổ đầy tràn mưa hồng ân xuống trên họ, cả người công chính lẫn người bất lương (x.Mt 5,45). Điều này dẫn ý của tác giả sách Công vụ Tông đồ thuật lại những thành quả của ông Phaolô và ông Barnaba trong việc loan báo Tin mừng cho dân ngoại. Chính Thiên Chúa đã ở cùng hai ông và Ngài đã mở cửa cho những người dân ngoại đón nhận đức tin.

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Việc bước qua cánh cửa ấy kèm theo sự dấn thân trong một hành trình kéo dài suốt đời. Hành trình này bắt đầu với bí tích Rửa Tội (x. Rm 6,4), nhờ đó, chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, và kết thúc với sự tiến qua cái chết đi vào sự sống đời đời, thành quả sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đã muốn cho tất cả những người tin nơi Ngài được tham dự cùng vinh quang của Ngài, nhờ hồng ân của Thánh Linh[2] Như vậy, điểm khởi đầu để chúng ta có thể bước vào hành trình đức tin là cùng hiệp thông và chia sẻ trong một niềm tin, một phép rửa, một Tin Mừng. Điều này cũng có nghĩa là những người chưa biết đến Tin Mừng sẽ có cơ hội để được gặp gỡ, yêu mến và ở lại trong Đức Kitô như hai môn đệ của ông Gioan. Họ đã gặp, sống và ở lại trong tình yêu của Ngài qua lời mời của chính Đức Kitô: “Hãy đến mà xem” (x. Ga 1, 35-42). Việc gặp gỡ này giúp cho họ có năng lực và lòng ao ước giới thiệu Chúa cho anh em của họ. Cũng vậy, mỗi người Kitô hữu cũng đã được ở lại trong chính Đức Kitô để cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Tình yêu ấy đa cấp và nhiều cung bậc khác nhau. Vì thế, một mặt, chúng ta cũng được mời gọi ngày càng tiến sâu hơn trong tình yêu cá vị với Thiên Chúa, mặt khác chúng ta cảm thấy nơi mình một nhu cầu muốn giới thiệu Chúa cho người khác. Hai hệ quả này giúp chúng ta có đủ sức mạnh, tự tin và lòng quảng đại để không chỉ nói về Chúa cách chung chung nhưng cũng biết cầm tay để dắt họ vào. Chúng ta cũng không ngại phải đối diện với những vấn đề mà con người thời đại đặt ra và chính chúng ta cũng phải sẵn sàng để trả lời cho những người chất vấn chúng ta về niềm hy vọng (x. 1Pr 3,15).

Năm đức tin vừa là dịp để mỗi người ngày càng đào sâu Tin Mừng, các giáo huấn của Giáo hội, nhưng cũng vừa là dịp để mỗi tín hữu rà soát lại đời sống đức tin của mình. Vị thế lòng tin của tôi đang ở tầm  mức nào? Niềm hy vọng của tôi có thể kiên vững và lớn lên thêm không? Tôi phải làm gì để giữ vững đức tin trong xã hội tục hóa hôm nay?

 

Chúng ta hãy suy gẫm về tấm gương của tổ phụ Abraham – vị cha của những kẻ tin. Ông đã có một đức tin ra rao trước những thử thách lớn lao trong cuộc đời ông. Lời hứa của Chúa về một dân tộc khởi phát nơi ông có còn không khi ông đã về già và bà Sara son sẻ? Và ông đã làm gì trước lời đề nghị của Thiên Chúa  rằng: hãy sát tế Issaac con trai độc nhất của ông? “Ông Abraham tổ phụ của chúng ta, đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông đã hiến dâng con mình là Issaac trên bàn thờ đó sao?” (Gc 2,21). Abraham đã đối diện tất cả cuộc đời của mình bằng một niềm tin mãnh liệt, sắt son vào Thiên Chúa. Vì thế, Ông đã được kể là người công chính (). Trong các thư gửi cho các tín hữu ở Galata và Rôma, thánh Phaolô cũng đã nhắc đến tổ phụ Abraham như là biểu chứng sống động của lòng tin. Ngài cũng đã khẳng định thêm: Thiên Chúa sẽ làm cho dân ngoại được nên công chính nhờ vào lòng tin. (x.Gl 3, 6-14; Rm 4, 1-8) Và nhờ tin, họ sẽ được ơn của Thiên Chúa là Thần Khí mang lại sự sống đời đời.

Quả vậy, thánh Phêrô khi giảng tại nhà ông Co-ne-li-o đã khẳng định một tình yêu của một Đấng luôn rộng mở con tim đối với mọi người. Ngài viết: “Tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ở ngay lành, thì bất cứ họ thuộc dân tộc nào cũng được người tiếp nhận”. (Cv 10, 34-35). Thánh công đồng trong hiến chế Tín lý về Giáo Hội cũng đã khẳng định: “Mọi người được mời gọi gia nhập Dân tộc của Thiên Chúa. Vì thế, Dân mới này, một dân duy nhất và hằng hiệp nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của thánh ý Thiên Chúa, Đấng từ nguyên thủy đã tạo dựng một bản tính nhân loại duy nhất, và quyết định sau này tập họp tất cả con cái Ngài tản mát đó đây thành một dân tộc duy nhất[3]. Như vậy, Thiên Chúa cũng đã yêu thương những người chưa đón nhận đức tin.[4] Giáo Hội cũng xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như thể chuẩn bị cho họ lãnh nhận Phúc Âm. (x. số 16). Cũng như thánh Phaolô đã mạnh dạn xác tín rằng: Thiên Chúa đã đoái đến Ngài ngay từ khi Ngài còn trong dạ mẹ (x. Gl 1,15), dầu cho Ngài trở lại khi đã ở tuổi trưởng thành.

Cánh cửa đức tin vẫn luôn rộng mở. Điều này có thể gợi nên nơi mỗi người nhiều hình ảnh và các mối liên hệ. Cửa là lối mở để ra vào và tiến sâu vào bên trong có biết bao nhiêu điều để có thể được khám phá. Đức Kitô đã xem Ngài là cửa: “Tôi chính là cửa cho chiên ra vào” (Ga 10, 7). Như vậy, khi nói đến cửa tin, chúng ta có thể liên hệ đến Đức Giêsu Kitô, Ngài là cửa ràn chiên. Việc tìm đến với cửa đức tin thúc bách chúng ta khám phá ra một khuôn mặt Thiên Chúa đang tỏ hiện ra nơi chính Người Con của Người. Chúa Giêsu chính là vị mục tử nhân lành và đích thực (x.Ga 10,11). Vậy nên, bất cứ ai đến với Ngài để vào ràn chiên thì được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).

    Chúa Giêsu trước khi về trời đã trao lại sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho các Tông Đồ (x.Mt 28,19). Mỗi Kitô hữu chúng ta cũng được thừa kế sứ mạng này qua bí tích Rửa Tội. Vì vậy mỗi người cần lưu tâm đến sứ mạng truyền giáo của mình. Đặc biệt trong năm đức tin này, người tín hữu vừa có bổn phận khơi lên trong mình sự nhạy bén cảm thức đức tin, vừa là người dẫn đường chỉ lối để giúp đỡ anh chị em mình tìm đến và khám phá nguồn mạch đức tin. Mỗi người luôn ý thức trau dồi và gìn giữ đức tin của mình, vừa tô thắm đượm nồng đức tin cộng đoàn để mỗi cộng đoàn từ nội lực là đức tin sẽ tỏa ra hương thơm thanh khiết là hoa trái của Thánh Thần. Đồng thời, người tín hữu tránh sống phản chứng hoặc đi ngược lại với Tin Mừng vì đó là những cản trở nguy hại có thể gây bế tắc cho đức tin của người khác. Chính Chúa Giêsu cũng đã lên án rất mạnh thái độ của những người Pharisêu vì sự giả hình và cản lối người khác của họ. (x. Mt 23,13)
     Đức tin cần được biểu lộ và tái khám phá. Đó là lời mời gọi của vị cha chung đang khơi lên nơi mỗi chúng ta lòng cậy mến muốn khám phá những điều tuyệt diệu của mầu nhiệm đức tin. Hy vọng rằng, trong năm đức tin này, một mặt, chúng ta được ân sủng củng cố để nhờ hoa trái của lòng tin đem mang lại niềm vui say giúp chúng ta có thể thốt lên như thánh tông đồ dân ngoại: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1Cr 9, 16) hay như thánh Augustino: “Lạy Chúa, sao chúa cho con biết Chúa quá muộn màng”. Mặt khác, chúng ta lại được thánh ân khai mở lòng trí và tâm thức để chúng ta có thể hướng đến anh em trong tình liên đới và liên tôn. Mỗi chúng ta hãy chạy đến với suối nguồn của tình yêu Ba Ngôi phát suất ra năng của sự biến đổi và giúp mỗi tâm hồn thêm lòng can đảm, nhiệt thành và hăm hở để bước vào cánh cửa đức tin: Phaolô trồng, Apôlô tưới và chính Thiên Chúa mới cho lớn lên (x. 1Cr 3,6).


[1] Benedicto XVI, Tông huấn Porte Fidei về năm đức tin, 17/10/2011, số 1
[2] Sđd, số 1
[3] Công đồng Vaticano II, Hiến Chế Tín lý về Giáo Hội, số 13, trang 184 – 185
[4] X. Sđd, số 16

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*