Mp3: MÙA QUANH NĂM

Lưu trữ tài liệu

Tháng Tư 2024
T2 T3 T4 T5 T6 T7 CN
« Tháng 3    
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Thống kê

Số lượt người đã ghé thăm web site này tính từ 6/2009:

Hanoi

CHIẾC ÁO DÒNG CỦA TÔI

   Mai Nguyên Vũ

           (tiếp theo)
        Tối hôm đó trở về chủng viện, tôi than thở với anh giáo Hùng rằng không xoay đâu ra được chiếc áo. Anh lôi từ valise ra chiếc áo dòng cũ. Anh may áo mới rồi, vải xịn lắm, ly thẳng tắp. Thày Hùng mà, lúc nào đầu cũng láng coóng, mắt kính màu hồng, dùng toàn hàng xịn. Thày lại có tài làm thơ, tập hát cho các em Thánh Mẫu, hào hoa phong nhã số một. Chả trách nhiều em mê như điếu đổ. Toàn những em chân dài, tài sắc vẹn toàn, hoa khôi của đất Xuân Lộc.
Tôi hồi hộp mặc thử áo. Vừa vặn như cậu nằm với mợ.
_ Anh giáo để lại cho em chứ?
_ Ừ, thích thì chiều.
_ Nhiu dzậy ăn?
_ Anh em lấy giá bèo thôi…
_Tôi cám ơn anh rối rít. Anh đúng là cứu tinh của tôi. Tôi kể lại chuyện cha bố cho chiếc áo tả tơi, anh em cười vỡ bụng. Cụ Ba Khang vừa chùi bọt mép vừa hỏi, giọng ồ ồ:
_ Rồi sao, có trả lại áo cho bố không?
_ Không, em  không nói gì cả, chỉ cám ơn bố rồi đi. Cũng may, bố chẳng hỏi áo mặc có vừa không. Nói thật mất lòng, nói dối không đành.
Thế là chiếc áo của anh giáo Hùng theo tôi suốt 10 năm tu trì (1975-1985). Tôi thích chiếc áo vì nó mỏng, nhẹ, mát, giặt mau khô. Thích nhất là không phải ủi. Đi đâu cứ vo viên bỏ giỏ. Mở ra, giũ giũ vài cái, mặc vào là phẳng, chẳng cần là ủi bao giờ.

Năm 1980, sau cú vượt biên đổ bể, tôi trở về gia đình làm thầy giáo làng, sáng cho rước lễ, ban ngày dạy học, làm rẫy, tối  tập hát ca đoàn. Thời gian này tôi viết nhạc thật nhiều. Nhạc hứng ở đâu cứ ra ào ạt. Đây là thời  vàng son trong cuộc đời sáng tác của tôi. Cứ hai hoặc ba ngày, một tác phẩm mới ra đời. Có khi mỗi ngày một bài. Thời gian viết nhạc giáo lý cho Uỷ Ban Giáo Lý Giáo phận, có ngày tôi đạt kỷ lục: 8 bài một ngày. Viết xong một bộ (60-70 bài), người khờ ra, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như tâm thần, phải nghỉ ngơi mấy tuần mới hoàn hồn…Làm nghệ sĩ phải mộng mơ, tự do bay bổng. Bay bổng trong chiếc áo dòng thật không hợp chút nào, với vô vàn điều cấm kỵ, cứ như con chim được tự do bay bổng trong lồng. Trong khi đó, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy mây mù giăng mắc, không thấy một tia bình minh le lói nào… Thế là tôi quyết định cởi áo dòng.
Áo dòng mặc vào đã khó, cởi ra còn khó hơn nhiều. Một ông thầy giúp xứ xa nhà, có xuất tu về quê cũng nhẹ nhàng thôi, chẳng ai biết đấy vào đâu. Giúp xứ nhà, xuất ra là cả một thử thách cam go. Không có can đảm, không có ý chí nghị lực thì không quyết định nổi.Tôi phải chiến đấu với bản thân và gia đình mấy năm trời mới dám dứt khoát. Dằn vặt, khổ sở vì chữ hiếu là điều khó khăn nhất. Suốt 17 năm nay, thầy mẹ đặt hết hy vọng vào con, dành cho con những phần tốt nhất, hơn hẳn anh chị em khác. Nhà làm nông, nuôi 9 đứa con ăn học, chẳng khá giả gì, thế mà năm 1969, mẹ mua cho tôi chiếc valise Hồng Kông khá đắt tiền. Đến nay, con học xong “Lý Đoán”, về giúp xứ nhà, thầy mẹ  được mọi người gọi là “ông bà cố”, nở mày nở mặt với láng giềng. Đùng một cái, con cởi áo xuất tu, thầy mẹ còn mặt mũi nào mà nhìn thiên hạ.
Sau khi tôi “tu xong” được ít bữa, thầy tôi không đi lễ xứ nhà nữa. Hỏi ra mới biết: có lần thầy đi lễ về, ông kia chào “chào ông cố ạ”. Thầy xấu hổ quá, bỏ sang đi lễ bên Gia Yên mấy năm. Còn mẹ tôi thì khỏi nói. Bà cầu nguyện, khuyên răn và vận động cho tôi “ăn năn giở lại với Chúa”.Tôi quen với em nào cũng bị chê ỏng chê eo và phá đám đủ kiểu. Thỉnh thoảng bà lại vào nhà Dòng xin các dì cầu nguyện và dụ dỗ cho cháu “ăn năn giở lại”.
Một buổi chiều, bà cầm  áo dòng của tôi ra, tay  lăm lăm con dao sắc lẻm.
_ Mẹ làm gì vậy?
_ Không mặc nữa thì cắt ra lấy vải may áo mặc.
_ Mẹ đừng cắt, cứ để đấy cho con.
Chắc hẳn, đây là phép thử của mẹ, xem tôi còn chút tiếc nuối nào không.
Những ai đã từng “ăn cơm nhà Đức Chúa Giời” đều biết điều này: “Chúa gọi thì nhiều mà chọn thì ít”. Trung bình 1/10. Tôi hiểu rằng tới đây Chúa muốn tôi theo con đường khác, phục vụ Giáo Hội bằng cách khác. Nếu  cứ cố đi tiếp con đường tu trì, tôi sẽ khổ suốt đời, sẽ “phá bĩnh”, làm ô danh Giáo Hội, phần rỗi của tôi cũng không bảo đảm. Vì vậy, dù rất yêu mến Giáo Hội và thương cha thương mẹ, tôi phải đành lòng ra đi. Khi đã quyết định dứt khoát, tôi được ơn bình an lạ lùng.
Hiện nay, tôi vẫn giữ chiếc áo dòng như một cổ vật vô giá. Mỗi lần ngắm lại chiếc áo lịch sử, tôi có thể tự hào: suốt 17 năm tu trì và 10 năm mặc áo dòng, tôi không để lại tai tiếng nào cho Giáo Hội. Chiếc áo dòng của tôi vẫn còn trong trắng.

Ghi lời nhận xét góp ý

Lưu ý: Để dễ dàng trong giao tiếp và khỏi hiểu nhầm từ ngữ, các lời nhận xét góp ý trong trang này xin hãy viết bằng tiếng Việt có dấu. Xin kính báo và chân thành cám ơn.

 

 

 

Nội dung có thể dùng một số định dạng these HTML tags

<a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <strike> <strong>

Chọn kiểu gõ tiếng Việt: TELEX VNI VIQR Tắt

*